Công chúng của sân khấu kịch nói thành phố Hồ Chí Minh


Vở diễn và người xem là hai thực thể đánh dấu sự tồn tại của một tác phẩm sân khấu. Có một số vở diễn mang giá trị nghệ thuật sâu sắc nhưng không thu hút đông đảo người xem. Cũng có những vở diễn chất lượng nghệ thuật không cao, nhưng trong thời điểm nào đó vẫn thu hút đông người đến rạp. Dẫu vậy, người xem vẫn là giá trị khách quan, được công nhận đối với mỗi vở diễn. Người xem vừa là đối tượng thưởng thức, hưởng thụ nghệ thuật, vừa là người thẩm định, đánh giá tác phẩm. Bằng thái độ hưởng thụ, người xem có tác động ngược lại với sân khấu. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ sống còn của sân khấu là thu hút được đông đảo người xem đến với sàn diễn.

TP.HCM là đô thị lớn nhất nhì cả nước, hội tụ đầy đủ những điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đồng bằng Nam Bộ. Hoàn cảnh địa lý, đất đai, kinh tế đã tạo nên tính cách con người hào sảng, trọng nghĩa, khinh tài, ưa giải trí, văn chương nghệ thuật, nhất là âm nhạc, diễn xướng. Sau ngày giải phóng, sự xuất hiện của Đoàn kịch nói Nam Bộ (tiền thân của Nhà hát Kịch nói thành phố sau này) là luồng gió mới trong sân khấu kịch nói cũng như phong trào văn hóa văn nghệ ở TP.HCM. Với sự dàn dựng chuyên nghiệp, công phu, hoành tráng, dàn diễn viên tài năng như: NSND Can Trường, NSƯT Văn Thành, NSƯT Thành Trí, nghệ sĩ Tú Lệ, Tường Vân, Văn Chiêu, đoàn kịch đã dựng thành công một số vở kịch dài, gây tiếng vang lớn như: Chuông đồng hồ điện Kremli (Nokolai Pogodin), Hòn đảo thần vệ nữ (Paxmix), Thanh gươm và bà mẹ (Phan Vũ), Hương bưởi (Huỳnh Chinh – Văn Chiêu – Ngô Quang Thắng)… Vào những ngày đầu giải phóng, trước cuộc sống nhiều trăn trở, lo toan, người Sài Gòn nhất là tầng lớp trí thức, trung lưu, viên chức của chế độ cũ đến với sân khấu kịch nói cách mạng trước hết chưa phải để thưởng thức nghệ thuật mà quan sát, giải đáp những băn khoăn, lo lắng của mỗi người trước cuộc sống mới vừa ập tới.

Cùng với sự tồn tại, tiếp tục hoạt động của các sân khấu kịch nói trước giải phóng như Đoàn kịch Kim Cương, Đoàn kịch Bông Hồng (của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng)… kịch nói thành phố dần lôi kéo người xem đến rạp, góp phần làm thay đổi thị hiếu nghệ thuật của người dân Sài Gòn. Tỷ lệ người đến với sân khấu kịch tăng dần so với các sân khấu trình diễn khác. “Theo thống kê của ngành văn hóa thông tin thì năm đầu sau giải phóng (1976) mới chỉ có hơn 3 triệu 8 vạn lượt người đến rạp thưởng thức sân khấu chuyên nghiệp, đến năm 1979 đã tăng lên tới hơn 9 triệu 80 vạn lượt người xem. Và sang năm 1984, con số khán giả của sân khấu đã hơn 11 triệu 50 vạn… Năm 1988, Ban Khoa giáo xã hội thuộc Thành ủy TP.HCM phối hợp với UBND huyện ngoại thành Bình Chánh, tiến hành điều tra xã hội học về nhu cầu văn hóa giáo dục trong 3 xã Tân Phúc, Phong Phú, Vĩnh Lộc A và thị trấn An Lạc đã thu được kết quả như sau: số người thích sân khấu cải lương chiếm 72%, số người thích nghệ thuật xiếc 57%, số người thích điện ảnh chiếm 55%, số người ưa thích kịch nói chiếm 43%… Tại một số phường, quận nội thành, qua thăm dò cũng thấy người yêu thích kịch nói cũng tăng dần. Nếu năm 1983, 1984 mới có 38,31% số người được hỏi tỏ ra thích thú với nghệ thuật sân khấu mới mẻ này, thì từ sau năm 1996, số lượt người yêu thích kịch nói đã vượt lên so với cải lương, nhất là ở tầng lớp công chúng trẻ tuổi. Qua điều tra xã hội học một nhóm cư dân ở TP.HCM cho thấy: trong số những người từ 46 tuổi trở lên thì chỉ có 32,72% ưa thích kịch nói, lớp tuổi từ 30-40 có tỷ lệ cao hơn là 37,27%, đến độ tuổi từ 25-30 là 37,91% và dưới 25 tuổi là 39,29%” (1).

Khán giả quen thuộc của sân khấu kịch nói, những người được xếp vào loại sành kịch ở thành phố, là các thương nhân, viên chức, tầng lớp trí thức, giáo viên, người lao động tự do. Những người này chọn xem kịch theo dư luận trên báo chí, tùy bảng tên các diễn viên mà họ yêu thích. Họ chọn rạp, chọn kịch theo sở thích đã định. Gặp kịch hay thì giới thiệu, mời rủ thêm bè bạn cùng xem, sẵn sàng xem lại lần 2, lần 3 cùng vở. Đây là lớp người xem khó tính mà các sân khấu cần phải thỏa mãn. Quá trình đó cũng là sân khấu tự nâng cao mình để hòa nhập cùng người xem.

Nhưng thành phần người xem đông đảo nhất của sân khấu kịch TP.HCM hiện là tầng lớp sinh viên, thanh niên độ tuổi trên dưới 20 đến 30 tuổi. Theo quan sát của chúng tôi, lớp người này chiếm khoảng 70%-80% khán giả sân khấu kịch nói ở TP.HCM. Đây là lớp người có lối sống, suy nghĩ khá hiện đại, làm quen và thành thạo internet, tiếp xúc với nhiều phương tiện giải trí như phim ảnh, ca nhạc, facebook, game show truyền hình… Họ thường đi theo cặp nam nữ, đến với sân khấu kịch nói như thêm một trải nghiệm trong cuộc sống tình cảm thường ngày. Lớp khán giả này rất nhạy bén, ủng hộ cái mới và cũng phát hiện nhanh ra sự nhàm chán, lặp lại. Là nhóm người xem đông đảo nhưng không hề dễ tính. Lời khen, chê một vở diễn có thể ngay lập tức lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, tác động trực tiếp đến dư luận và số lượng người xem tiếp theo. Đây là lượng người xem chủ lực mà sân khấu nào muốn phát triển cũng cần để tâm, trân trọng.

Các em thiếu niên, học sinh là lực lượng đông đảo, có mặt ở khắp các địa bàn TP.HCM. Lứa tuổi các em ngoài giờ học, lên lớp, có biết bao trò vui chơi, giải trí hấp dẫn. Nhưng có rất nhiều em chưa một lần bước vào rạp kịch nói. Trong những năm qua, một số sân khấu ở TP.HCM đã chú ý đến lực lượng người xem tiềm năng này. Các sân khấu đã có những chương trình, vở diễn dành cho các em. Ngày xửa ngày xưa của INDECAF đã tồn tại qua nhiều năm, ngay cả trong những lúc khó khăn của sân khấu nói chung, vẫn làm tốt nhiệm vụ “kịch trẻ con nuôi kịch người lớn”. Tính đến hè 2017, vở thứ 30 của chương trình này có tên Hoàng tử – công chúa và 9 vị thần bị bắt cóc vẫn được đông đảo khán giả thiếu nhi đón nhận. Đặc biệt, sân khấu Hoàng Thái Thanh ngoài Lọ lem và hoàng tử, gần đây đã làm tốt việc liên kết với các trường phổ thông để tổ chức những vở kịch mang tính nhân văn cao như Rau răm ở lại dựa theo truyện Ơ cải về đâu? của nhà văn đất mũi Cà Mau Nguyễn Ngọc Tư. Buổi diễn nào cũng chật kín chỗ và được các em hưởng ứng nhiệt tình. Phản ứng của người xem bày tỏ rất cụ thể, rõ rệt với từng động tác, câu thoại, từng lớp kịch trong vở diễn. Tuy vậy, chương trình kịch cho thiếu nhi vẫn theo mùa vụ, một năm 2, 3 kỳ vào dịp nghỉ hè, ngày 1-6 hay lễ Noel… Chúng tôi nghĩ, các sân khấu cần phải coi các em học sinh, thiếu nhi là lực lượng người xem tiềm năng lâu dài. Mang sân khấu đến với các em hôm nay không chỉ là góp phần phục vụ giải trí nhất thời mà sâu rộng hơn là công việc chuẩn bị lớp người đến với sân khấu lâu dài sau này, là một phần tương lai phát triển của sân khấu TP.HCM.

TP.HCM là đô thị lớn thứ 2 (sau Hà Nội) nhưng là địa phương dẫn đầu về kinh tế trong cả nước. Với lợi thế về đường biển, đường sông, đường bộ và đường hàng không, dân cư đông đúc, lực lượng lao động dồi dào, là cửa ngõ giao lưu với nước ngoài, thành phố trở thành đô thị phát triển bậc nhất Việt Nam. Có hàng trăm nghìn lao động mà phần lớn là người từ các tỉnh bên ngoài đổ về, sinh sống trong các khu tập thể hoặc các hộ nhỏ lẻ thuê tập trung quanh các đơn vị sản xuất. Nhu cầu sinh hoạt, giải trí của thành phần cư dân này rất lớn. Sau những ngày lao động mệt nhọc, vào thứ bảy, chủ nhật, họ tụ tập gia đình cùng bạn bè đến các tụ điểm, khu vui chơi giải trí, với các chương trình giải trí bình dân. Giá vé vào cửa phù hợp với tiền lương, mức sống. Nếu có vào rạp thì cũng chọn chương trình tấu hài, ca nhạc xen tạp kỹ diễn lưu động hoặc ở những tụ điểm cố định để được hể hả nói cười cùng với những cây hài chọc cười, những diễn viên quen thuộc mà họ đã quen mặt từ màn ảnh truyền hình. Những khán giả này cũng như phần đông dân nghèo, thu nhập thấp ở thành phố, rất ít đến các nhà hát. Phần vì giá vé vào cửa khá cao so với thu nhập (trung bình từ 150 – 200 nghìn đồng một xuất). Họ thường chỉ biết tới kịch nói qua những tiết mục được phát trên màn ảnh truyền hình… Theo chúng tôi, đây là lớp người xem tiềm năng đông đảo mà các sân khấu TP.HCM cần quan tâm khai thác để bổ sung thường xuyên vào thành phần khán giả của mình.

Ngoài những người sinh sống và làm việc tại chỗ, mỗi ngày thành phố có hàng trăm nghìn khách vãng lai gồm: khách du lịch, Việt kiều, khách nước ngoài (năm 2017 vừa qua đã có hơn 6 triệu khách du lịch quốc tế đến TP.HCM, dự định năm 2018 TP.HCM sẽ đón hơn 7 triệu khách quốc tế). Nhu cầu tìm hiểu đời sống văn hóa và giải trí của những thành phần, nhóm người này cũng rất cần được sân khấu TP.HCM lưu tâm… Nhiệm vụ của sân khấu là bằng những biện pháp, hình thức thích hợp cả về chất lượng nghệ thuật vở diễn, tổ chức và quản lý nghệ thuật, tiếp thị… để biến những thành phần khán giả tiềm năng đông đảo nói trên dần trở thành những khán giả đích thực của mình.

Theo con số thống kê, khoảng trên 70% người xem đến với sân khấu kịch nói TP.HCM là công chúng phổ thông. Đa phần họ đến với sân khấu chủ yếu để giải trí, xả stress, để được nhìn thấy những diễn viên mình yêu thích, ngưỡng mộ, để nói cười vui thích… sau một ngày lao động vất vả. Họ đến với sân khấu với tấm lòng mộc mạc, chân tình, rộng mở… như đến với người thân, không cần không gian diễn sang trọng, kịch bản tầng lớp, không chú ý đến bàn tay đạo diễn dàn dựng điêu luyện, diễn viên diễn xuất đỉnh cao…

Điều đáng mừng, cùng với thời gian, số người ở TP.HCM đến với sân khấu kịch nói mỗi ngày một tăng. Kèm theo đó là trình độ thẩm mỹ của người xem cũng được nâng lên. Nếu trước đây, như lời bộc bạch của nghệ sĩ Kim Cương, “kịch nói không giành được khán giả, khán giả trước đây đi coi hát chỉ để giải trí, không muốn tác phẩm có chiều sâu mệt óc” (2) thì bây giờ, ý thức, thái độ người xem kịch nói đã dần đổi khác. Những vở diễn đề tài lịch sử (Tả quân Lê Văn Duyệt, Ngàn năm tình sử, Bí mật vườn Lệ Chi) đã ngày càng thu hút người xem. Các vở diễn mang đậm tính nhân văn, tình người cao cả (Dạ cổ hoài lang, Ngôi nhà không có đàn ông) tồn tại qua mấy chục năm, qua hàng trăm, hàng nghìn buổi diễn trên các sân khấu khác nhau ở TP.HCM vẫn thu hút đông đảo người đến rạp.

Người xem vừa là đối tượng hưởng thụ, vừa là tác nhân thúc đẩy sự phát triển sân khấu. Người xem là nguồn sống của nghệ thuật sân khấu. Cũng có thể nói, không có khán giả thì hoạt động của sân khấu cũng trở nên vô nghĩa. Bởi vậy, công việc nghiên cứu (điều tra xã hội học) về người xem càng trở nên cần thiết với sân khấu cũng như bất kỳ loại hình văn học nghệ thuật nào. Nếu trước đây nghiên cứu về sự phát triển sân khấu ở một vùng miền, xứ sở nào đó, người ta thường chú ý đến kịch mục tác phẩm xuất hiện trên sân khấu các nhà hát, cùng đội ngũ tác giả nghệ sĩ diễn viên… thì ngày nay, thái độ và sự hưởng ứng của công chúng đối với mỗi vở diễn lại là một nội dung quan trọng, quyết định đến giá trị thực tiễn của vở diễn. Từ góc nhìn của một ngành nghiên cứu mới mẻ mang tên lý thuyết tiếp nhận, vấn đề công chúng đã trở thành một nội dung nghiên cứu toàn diện, hệ thống. Tất cả không chỉ nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật của vở diễn, mà thiết thực hơn, biến chất lượng nghệ thuật của vở diễn thành tài sản chung của công chúng rộng rãi, tài sản chung của xã hội.

_______________

1, 2. Nguyễn Văn Thành, Sân khấu kịch nói TP.HCM – Một chặng đường lịch sử, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2009, tr.276-277, 43.

 

Tác giả: Trần Yến Chi

Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 – 2018

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *