Đặc điểm âm nhạc trong nghi lễ then của người tày ở định hóa, thái nguyên

Âm nhạc trong nghi lễ then của người Tày nói chung và người Tày ở huyện Định Hóa, Thái Nguyên nói riêng là loại hình âm nhạc tổng hợp của khí nhạc đệm (đàn, chùm xóc nhạc) và hát. Âm nhạc trong nghi lễ then của người Tày nơi đây vừa mang đặc trưng của then Tày vùng Đông Bắc vừa mang sắc thái riêng biệt thể hiện qua lời ca, tiết tấu, nhạc đệm, thang âm, điệu thức…

1. Loại hình âm nhạc tổng hợp mang đặc trưng của then Tày vùng Đông Bắc

Nhạc khí đệm trong hát then

Tính tẩu có vai trò đệm, dẫn dắt, đồng thời được coi là giọng hát thứ hai bổ sung cho thày then trong quá trình diễn xướng, góp phần hoàn chỉnh những cấu trúc, làn điệu của âm nhạc then. Tính tẩu được cấu tạo bởi vỏ quả bầu khô, gọi là bầu đàn hay hộp cộng hưởng. Bầu đàn thường dao động từ 15 – 20 cm, kích thước nhỏ âm thường cao, lớn âm thường trầm, bên cạnh đó, bầu đàn tròn âm thanh sẽ hay hơn. Mặt đàn thường làm bằng gỗ cây ngô đồng xẻ mỏng khoảng 0,3cm, khoét lỗ để thoát âm, ngựa đàn nằm trên mặt đàn và ở chính giữa, có nhiệm vụ truyền sóng âm từ dây vào bầu đàn, với tính tẩu 3 dây ngựa đàn sẽ có 3 rãnh, các lỗ thoát âm có thể khoét trước hoặc sau bầu đàn tùy theo thẩm mỹ của mỗi người. Cần đàn được làm bằng một vài loại gỗ đảm bảo một số tiêu chí như nhẹ, bền, ít cong vênh theo sự biến đổi của thời tiết như gỗ dâu, chiều dài cần đàn theo kinh nghiệm dân gian sẽ bằng 9 nắm tay của người chơi đàn. Một đầu cần đàn được đục và gắn vào bầu, phần ngọn được đẽo gọt, uốn nắn thành nhiều hình tượng khác nhau, tùy vào sở thích mỗi người. Dây đàn làm bằng sợi tơ xe lại hoặc dây nilon, người Tày sử dụng tính tẩu với 3 dây, dây trầm ở giữa có cao độ chênh với một trong hai dây kia một quãng tám đúng.


 Hình ảnh cây tính tẩu 3 dây 

Đàn 3 dây bao gồm: dây 1 là dây dưới cùng có cao độ cao nhất, dây 2 là dây giữa, thấp hơn dây 1 một quãng 8 đúng có vai trò như bè bass của hợp âm, dây 3 là dây trên cùng có cao độ thấp hơn dây 1.

Lên dây cho điệu tàng nặm (thủy thượng, thủy hạ) thì dây 1 cao hơn dây 3 một quãng 5 đúng, dây 2 thấp hơn dây 1 một quãng 8 đúng và thấp hơn dây 3 một quãng 4 đúng.


 

Lên dây cho điệu tàng bốc thì dây 1 cao hơn dây 3 một quãng 4 đúng, dây 2 thấp hơn dây 1 một quãng 8 đúng và thấp hơn dây 3 một quãng 5 đúng.


 

Nhìn chung, tính tẩu ở Định Hóa có sự tương đồng với các nơi khác, có chăng, khác đôi chút về kích thước cũng như trang trí trên cần đàn, thân đàn, mặt đàn, phụ thuộc vào sở thích của từng nghệ nhân làm tính tẩu cũng như mỗi thày then.


                          


                     Trang trí đơn giản mặt đàn                                          Mặt đàn để mộc   


                  


Cần đàn hình đầu rồng                                    Cần đàn hình đầu rồng 

 Bên cạnh tính tẩu, chùm xóc nhạc cũng là một nhạc cụ không thể thiếu trong các nghi lễ then. Nó tượng trưng cho đoàn quân binh chiến mã của thày then khi hành quân. Cấu tạo của chùm xóc nhạc gồm nhiều vòng tròn nhỏ bằng đồng pha các kim loại khác (có thể pha thêm bạc hoặc vàng sẽ cho màu âm thanh khác nhau) kết thành những dây dài khoảng 20 – 25cm tùy từng vùng, các dây đồng này được treo những quả lục lạc tùy theo kích cỡ của dây sao cho vừa tay. Ở mỗi nơi sẽ có những chùm xóc nhạc khác nhau về kích cỡ, thẩm mỹ, có nơi trang trí tỉ mỉ cho chùm xóc nhạc bằng những hoa văn rồng phượng…

Khi sử dụng chùm xóc nhạc, các thày then thường ngoắc vào một trong các ngón chân trái hoặc chân phải tùy theo tư thế ngồi, phía dưới chân có đệm một miếng vải thêu thổ cẩm với nhiều họa tiết, màu sắc bắt mắt. Mục đích của tấm đệm này là làm cho chùm xóc nhạc vang lên có tiếng bịch bịch tượng trưng cho bước chân của đoàn quân then.

Khi diễn tấu cùng tính tẩu chùm xóc nhạc có nhiệm vụ giữ nhịp độ, tiết tấu cho quá trình đàn hát của nghệ nhân, đa số các thày then vừa đàn, hát và xóc nhạc bằng chân.

Về hát

Hát trong nghi lễ then nói chung được cấu thành bởi hai yếu tố chính là lời hát và làn điệu. Trong đó, lời hát là nội dung cơ bản có vai trò chuyển tải toàn bộ nội dung nghi lễ, thông qua đó người nghe có thể hình dung được toàn bộ công việc của thày then trong cuộc then. Lời ca trong then phổ biến là thể thơ 6 – 7 từ, số ít gieo vần theo thể lục bát, xen kẽ có những câu phá vỡ cấu trúc có thể có 3 – 12 từ, thường nằm ở những đoạn giãi bày cầu khẩn xin việc. Thường các câu thơ kết nối với nhau thành những chương đoạn cho cả buổi hát then.

Điểm chung trong lời hát của then Định Hóa với then ở các địa phương khác thuộc vùng Đông Bắc chính là sự pha trộn ngôn ngữ Kinh và Tày trong lời hát. Tuy nhiên, mức độ pha trộn với ngôn ngữ của người Kinh ở then Tày Định Hóa có phần đậm đặc hơn, nhiều đoạn bị Kinh hóa hoàn toàn cả trong câu hát lẫn thể thơ.

Bên cạnh đó, các làn điệu hát then của người Tày ở huyện Định Hóa thường được chia ra những tên gọi khác nhau tùy từng vùng bởi sự giao lưu tiếp biến với văn hóa địa phương và khả năng tức hứng của mỗi nghệ nhân then. Nhìn chung có thể chia các làn điệu trong nghi lễ then Định Hóa thành: tàng bốc (đường bộ, đường trên cạn): đi đường, khao quân, vượt núi…; tàng nặm (đường thủy): thủy thượng (giãi bày, vượt sông…), thủy hạ (chèo đò, gọi én, cống sứ ngoại bang…).

Nghệ nhân then ở Định Hóa có thể ứng tấu các làn điệu trong nghi lễ một cách linh hoạt. Họ có thể chơi và hát tất cả các làn điệu trong một nghi lễ hoặc chỉ hát một làn điệu nhưng thể hiện được các tính chất cũng như sắc thái của nghi lễ đó khi qua các cửa.

Đặc trưng nổi bật trong then Tày ở Định Hóa chính là sự xuất hiện làn điệu thủy hạ, do thày then Nguyễn Ngọc Lanh xóm Pỏ, thôn 6, xã Phú Tiến sáng tác từ câu dạo cho đến cách hát. Làn điệu thủy hạ mô tả đoàn quân then đi qua vùng nước trôi êm đềm, bình yên nên nghe điệu này cảm giác như điệu hò khoan và lả lướt của người Kinh.

Về nghệ thuật trình diễn âm nhạc trong nghi lễ then

Nghệ thuật trình diễn âm nhạc trong nghi lễ then được thể hiện qua cách thức trình diễn của nghệ nhân và tiết tấu âm nhạc. Âm nhạc trong nghi lễ then được hình thành trên cơ sở cách điệu và sân khấu hóa cuộc sống hàng ngày. Tiết tấu cũng như nhịp điệu trong nghi lễ then thường tái hiện đời sống văn hóa sinh hoạt của người dân thông qua hình thức diễn xướng tổng hợp. Có thể thấy rõ trong những đoạn hát như Sôi hương, Sôi quân… những đoạn giãi bày trình báo thường tha thiết, kính cẩn. Ở những đoạn này thày then dựng đàn, gảy dây buông theo kiểu gảy đi gảy lại trì tục với tiết tấu chậm rãi đều đều.

Sôi hương trong then Định Hóa có tiết tấu khá giống với then vùng Đông Bắc:


 

Trong nghi lễ then, thày then tự đàn, hát, tự xóc chùm xóc nhạc. Mỗi chương đoạn cụ thể các thày then sẽ sử dụng các loại nhạc cụ đệm cho phù hợp. Các thày then sử dụng nhạc cụ cũng như âm nhạc rất thuần thục, với mỗi cửa mỗi đoạn đường thày then đi đều được thể hiện bằng câu chuyện âm nhạc về những điển cố, điển tích của người Kinh như câu chuyện về Già Dìn, Nam Tào Bắc Đẩu vì mải đánh cờ mà gây ra họa lớn cho trần gian… Có thể nói, mỗi lễ thức trong then là một bản opera tương ứng như trong âm nhạc châu Âu. Khi các thày then lên mường trời tấu trình sự việc, nhận quân về nhà gia chủ thì âm nhạc chỉ biểu hiện qua cây tính tẩu và lời ca. Tiết tấu ở những đoạn này thường không nhanh, người Tày cho rằng do nhiều lễ vật nên việc di chuyển ban đầu gặp khó khăn. Đến mỗi cửa, đoàn quân then dừng lại, thày then nhắc binh sĩ đợi ở ngoài, một mình đi vào các cửa giãi bày với các vị thần, thánh về công việc cần làm. Đoạn này thày then chỉ đàn phụ họa (gảy 3 dây buông trì tục), trình bày công việc (thượng đàn). Sau khi được sự đồng ý của các vị thần, thánh cai quản các cửa, đội quân then vào dâng lễ, thày then vừa dạo nhạc, đàn và hát cùng ba quân. Thày then đặt đàn nằm ngang (hạ đàn) và đánh những câu dạo tùy theo tính ngẫu hứng, vừa đàn vừa hát.

Điểm khác biệt của âm nhạc trong then Định Hóa chính là cách thượng đàn và hạ đàn sau mỗi chặng đường đi hay vào mỗi cửa. Theo đó, thày then dựng tính tẩu (thượng đàn) gảy dây buông trì tục với tiết tấu chậm rãi, vừa gảy vừa khấn theo kiểu giãi bày, cầu xin… Khi di chuyển từ nhà gia chủ đi tới các cửa để nộp lễ, âm nhạc biểu hiện rất phong phú, có sự tham gia của tính tẩu với vai trò đệm hát, miêu tả chặng đường đi, chùm xóc nhạc biểu thị cho ngựa, xe.

2. Âm nhạc trong nghi lễ then có sự giao lưu với âm nhạc của người Kinh

Dòng họ Nguyễn của then Lanh di cư từ miền xuôi Nam Hà lên định cư tại Yên Trạch, Định Hóa, Thái Nguyên. Gia phả dòng họ này cho biết, đời làm then đầu tiên của dòng họ Nguyễn có pháp danh là Pháp Chiếu sau đó đến Pháp Dư, Pháp Đạo, Pháp Nghênh, Pháp Chân, Pháp Xiêm và hiện nay then Lanh là Pháp Tiến. Các đời nối tiếp làm then nhưng không liên tục mà có sự ngắt quãng. Sự giao lưu được thể hiện rất rõ trong nghi lễ then của người Tày nơi đây, thể hiện cả từ lời hát đến thang âm, cách ghi nhạc.

 Giao lưu trong lời hát

Ở đây có sự pha trộn đậm nét giữa ngôn ngữ Tày và Kinh, thể hiện cụ thể ở những câu hát, nếu dịch hoàn toàn sang tiếng Tày hoặc tiếng Kinh thì khó tìm được từ thay thế mà vẫn đảm bảo cách gieo vần trong câu hát. Ngoài ra, trong những điển tích, điển cố văn học được chuyển thể thành những khúc hát cũng cho ta thấy sự du nhập văn hóa Hán từ người Kinh như tích Già Dìn và nàng Thanh Táo là con Ngọc Hoàng Thượng đế, tích Nam Tào Bắc Đẩu gia hạn nhầm tuổi cho Bành Tổ…

Bên cạnh đó, có thể kể đến Ngũ hành binh (5 thứ quân) khi thày then đi lĩnh quân, điều này cũng cho thấy thuyết ngũ hành được phổ biến và ảnh hưởng khá nhiều đến người làm then nơi đây, thể hiện bằng những từ ngữ Hán Việt có gốc từ miền xuôi.

Trong nghi lễ then cúng mụ cũng cho ta thấy sự Kinh hóa hoàn toàn với cấu trúc chuẩn của thể thơ lục bát ở phần tụng niệm, khấn vái cầu cho 12 bà mụ trợ giúp… Qua đây có thể đoán định lời hát và thủ tục nghi lễ liên quan đến các bà mụ có thể có nguồn gốc từ người Kinh và được lồng ghép vào then của người Tày, đặc biệt chỉ xuất hiện trong then của người Tày ở Định Hóa.

Giao lưu trong thang âm

Âm nhạc trong then nghi lễ ảnh hưởng bởi thang 5 âm của người Việt. Thang 5 âm điển hình của then Định Hóa về cơ bản khá giống với then vùng Đông Bắc. Tuy nhiên khi then Lanh đàn điệu thủy thượng, thủy hạ và tàng bốc thì lại thấy xuất hiện thang âm mới với nhiều biến âm như:

Thủy thượng:


 

Thủy hạ:


 

Tàng bốc (Có nốt pha thăng tạo tính chất khỏe khoắn, cứng cáp)


 

3. Âm nhạc trong nghi lễ then phản ánh dấu ấn cá nhân của thày then

Dấu ấn cá nhân và sự lan tỏa trong việc truyền, dạy nghề được thể hiện khá đậm nét ở trong then nói chung. Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lanh có ông nội làm thày then, đến đời bố ông thì không làm nghề nữa, bản thân ông cũng không xác định theo nghiệp của cha ông. Sau khi mắc bệnh nhưng không tìm ra nguyên nhân, ông được thày phán phải nối nghiệp cúng bái của gia tiên. Ông từ bỏ nghề thày giáo dạy nhạc để làm thày then. Do có sẵn toàn bộ tài liệu của cha ông để lại cộng với trình độ hiểu biết khá tốt nên ông Lanh đã sớm trở thành thày then nổi tiếng. Việc làm thày then đối với ông khá thuận lợi, ông tiếp tục học để được cấp bằng thày tào. Then Lanh còn có thể tự sáng tác thêm câu dạo trong những đoạn nhạc lưu không cũng như sáng tác thêm làn điệu thủy hạ. Ông Lanh cho rằng, chèo thuyền mà cứ đánh như điệu thủy thượng thì không ổn lắm vì đi trên nước cũng có đoạn nước chảy xiết, cũng có đoạn nước êm đềm, vì vậy, làn điệu thủy hạ phải nhẹ nhàng như nhịp chèo thuyền vừa lả lướt trên dòng nước nhẹ trôi. Ngoài khả năng tự sáng tác nhạc, ông còn có thể cải biên những làn điệu then cổ phục vụ nhiều câu lạc bộ then và văn hóa văn nghệ của Định Hóa. Ông có 3 đệ tử vẫn còn theo nghề, 2 đệ tử cao tuổi đã mất, trong số đó vẫn chưa ai vượt qua được khả năng sáng tác tức hứng như ông bởi trình độ cũng như hoàn cảnh xuất thân đi học làm thày then khác ông. Đa số các đệ tử kế tục được những gì ông đã truyền dạy nên chỉ nghe câu dạo là người dân có thể biết ngay được dòng then của ai, vùng nào.

Dấu ấn cá nhân còn thể hiện qua khả năng ghi nhạc của nghệ nhân Lanh. Đây là một trường hợp hiếm thấy trong nghề then, bởi đa số họ được truyền nghề, truyền ngón, truyền khẩu nên tính dị bản khá cao. Then Lanh đã tạo ra bản sắc riêng cho cả vùng cũng như đặc trưng riêng cho dòng then của ông bởi tính chính xác và khoa học.

Như vậy, bên cạnh những đặc điểm chung của then Tày vùng Đông Bắc thì then của người Tày ở huyện Định Hóa có những nét riêng thể hiện đậm nét dấu ấn địa phương. Điều đó được thể hiện từ làn điệu cho đến thang âm, đặc biệt là qua sự lưu lại dấu ấn cá nhân của nghệ nhân then ở Định Hóa với khả năng tự sáng tác đàn, hát cũng như biểu diễn chuyên nghiệp. Điều đó góp phần làm nên sự đa dạng trong thống nhất của then Tày nói chung.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : NGUYỄN VĂN THIỀU

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *