Đặc điểm truyền thuyết địa danh vùng đồng bằng sông cửu long

Nghiên cứu về truyền thuyết cũng chính là nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của dân tộc, quốc gia, bởi nó gắn với các nghi lễ, phong tục tập quán… của mỗi cộng đồng. Đây là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, tránh khoác lên mình “bộ đồng phục văn hóa” trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Bài viết đi sâu, tìm hiểu về đặc điểm của truyền thuyết địa danh (TTĐD) vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thông qua cốt truyện, cách thức tổ chức yếu tố tự sự có liên quan đến sự kiện và nhân vật lịch sử vùng.

“TTĐD chủ yếu là chỉ loại truyền thuyết giải thích tên gọi, tức là nói về nguồn gốc tên gọi của các địa danh ở các địa phương mà có gắn với các sự kiện, nhân vật lịch sử có liên quan” (1). TTĐD vùng ĐBSCL gồm 3 tiểu loại: một là, liên quan đến các bậc tiền hiền có công khai mở vùng ĐBSCL; hai là, liên quan đến các sự kiện và nhân vật lịch sử vùng ĐBSCL; ba là, liên quan đến nhân vật Nguyễn Ánh. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ khảo sát và xác định đặc điểm TTĐD thuộc tiểu loại thứ hai (TTĐD TL1B).

1. Cốt truyện và các yếu tố tự sự của thể loại truyền thuyết

Tác giả A.S. Hornby cho rằng, “cốt truyện là một loạt những sự kiện góp phần hình thành câu chuyện của một tiểu thuyết hoặc một bộ phim” (2). Còn trong Từ điển Tiếng Việt, cốt truyện được định nghĩa, “là hệ thống sự kiện làm nòng cốt cho sự diễn biến các mối quan hệ và sự phát triển của tính cách nhân vật trong tác phẩm văn học loại tự sự” (3). Khái niệm và vai trò của cốt truyện trong tác phẩm tự sự đã được minh định một cách cụ thể hơn trong một số công trình nghiên cứu của các nhà lí luận văn học. Trong Từ điển thuật ngữ Văn học, tác giả cho rằng, “Cốt truyện là hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất của tác phẩm văn học thuộc loại tự sự” (4). Ở đây, các tác giả đã xem cốt truyện là bộ phận cơ bản và quan trọng nhất của một tác phẩm tự sự. Nghiên cứu về cấu tạo cốt truyện của một thể loại văn học cụ thể cũng có nghĩa là đi sâu tìm hiểu đặc điểm, nội dung tư tưởng, nghệ thuật của thể loại văn học ấy.

Như vậy, việc nghiên cứu về cấu tạo cốt truyện của một tác phẩm tự sự sẽ góp phần làm sáng rõ những đặc điểm nội dung tư tưởng, nghệ thuật của thể loại truyền thuyết dân gian nói riêng và các tác phẩm tự sự nói chung.

Các yếu tố tự sự của thể loại truyền thuyết gồm hệ thống nhân vật, các mô típ, chi tiết, sự kiện lịch sử và lời kể trong tác phẩm.

Hệ thống nhân vật trong thể loại truyền thuyết phong phú, đa dạng, thường là những nhân vật có thật: các bậc tiền hiền, anh hùng chống giặc ngoại xâm, danh nhân văn hóa, các nhân vật tôn giáo… Việc phân loại nhân vật phụ thuộc vào những tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, không phải bất cứ nhân vật lịch sử nào cũng trở thành nhân vật của truyền thuyết, mà họ phải có ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, được nhân dân quan tâm và lưu truyền.

Các mô típ, chi tiết, sự kiện lịch sử là những yếu tố không thể thiếu của tác phẩm tự sự dân gian. Đặc biệt, mô típ được xem là yếu tố đặc trưng của truyện kể dân gian: “chỉ một thành tố nhỏ của truyện, thường có thể tách rời được, có thể lắp ghép được, ít nhiều khác lạ, bất thường, đặc biệt, là yếu tố đặc trưng của truyện kể dân gian” (5).

Về vai trò, ý nghĩa của mô típ trong tác phẩm tự sự dân gian, tác giả Nguyễn Thị Nguyệt đã khẳng định: “Trong mối quan hệ với cốt truyện, mô típ vừa là một bộ phận quan trọng của cốt truyện – mang tính nội dung, nhưng lại là yếu tố tạo liên kết và được liên kết với nhau nên mang cả tính hình thức” và “là yếu tố ban đầu, yếu tố hạt nhân để tạo nên cốt truyện” (6).

Lời kể trong các tác phẩm truyền thuyết dân gian thường có lối kể cô đọng, rất ít sự miêu tả, chủ yếu chỉ thuật lại hành động của nhân vật, có sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật nhằm tô đậm tính xác thực của truyện (7).

Mặt khác, xác định đặc điểm của thể loại truyền thuyết dân gian vùng ĐBSCL cũng cần phải nghiên cứu sự vận động, sự biến đổi của các yếu tố tự sự nói trên do những tác động của thời gian, của vùng miền văn hóa.

2.Đặc điểm cấu tạo cốt truyện và việc tổ chức các yếu tố tự sự của TTĐD TL1B vùng ĐBSCL

Để giải thích nguồn gốc tên gọi của núi, sông, ao, hồ, làng, kênh, rạch… con người đã tìm đến các thể loại tự sự dân gian như thần thoại, truyền thuyết… Việc lý giải sự hình thành địa danh, tên gọi của địa danh trong thần thoại thường gắn liền với công tích của những nhân vật khổng lồ. “Trong những truyện kể về thời khai thiên lập địa, những ông, những bà khổng lồ này hiển nhiên không phải là con người mà chính là thiên nhiên hoang dã đã được nhào nặn theo tư duy thần thoại, tức là sự đồ chiếu sức mạnh thiên nhiên theo dạng thức con người” (8). Như ở Nghệ An, dân gian đã lý giải hai dãy núi Thiên Nhẫn và Đại Huệ gồm có gần một nghìn ngọn là do ông Khổng Lồ gánh đất đắp thành ở Quảng Trị, do ông Khổng Lồ gánh đất quá nặng, đòn gánh bị gãy, hai sọt đất văng ra hai phía. Sọt văng về phía núi thành động Lòi Reng, sọt văng phía biển thành đảo Cồn Cỏ.

 Khác với thần thoại, TTĐD giải thích sự hình thành tên gọi của ao, hồ, rừng, núi bao giờ cũng gắn liền với những con người cụ thể đã góp phần tạo nên địa danh ấy. Nói cách khác, “TTĐD có cảm hứng lịch sử, đặt câu chuyện vào một khung cảnh, một thời gian với những nhân vật cụ thể” (9).

Việc nghiên cứu TTĐD ở Việt Nam đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm. Các tác giả đã đề cập đến những vấn đề mang tính lý luận về đặc trưng thể loại như: đặc trưng nội dung, ý thức nghệ thuật và chức năng thể loại. Những kiến thức lý luận này có ý nghĩa nền tảng, định hướng cho việc nghiên cứu TTĐD ở vùng ĐBSCL.

Có 21 TTĐD TL1B, phân bố không đều, tập trung nhiều ở tỉnh Đồng Tháp (11 truyện), còn lại rải đều ở các tỉnh Long An (3 truyện), Tiền Giang (2 truyện), Vĩnh Long (1 truyện), Bạc Liêu (2 truyện), An Giang (1 truyện) và Bến Tre (1 truyện). Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, các câu chuyện thường được triển khai bằng sự lắp ghép các lớp truyện, chính là các phần của truyền thuyết. Các phần này được cấu tạo theo kiểu nối tiếp, theo thứ tự trước sau.

Trong lớp truyện thứ nhất, TTĐD TL1B thường có hai dạng:

 Thứ nhất, các văn bản kể đều có phần mở đầu miêu tả hoặc xác định vị trí của địa danh trước khi đi vào kể về nguồn gốc hình thành địa danh ấy. Chẳng hạn như: “Vàm Hổ Cứ thuộc làng Tân Tịch, gần bến phà Cao Lãnh” (Sự tích Vàm Hổ Cứ), “Đây là một con rạch chảy qua địa giới của huyện Cai Lậy và Long Định, tỉnh Tiền Giang. Nơi này, người anh hùng áo vải Tây Sơn đã đánh tan tác bọn xâm lược Xiêm và quan quân Nguyễn Ánh vào năm 1795” (Sự tích tên gọi Rạch Gầm), “Sông Xá Hương ở hạ lưu sông Vàm Cỏ Tây” (Sự tích sông Xá Hương và miếu ông Bần Quỳ)…

Thứ hai, tác giả dân gian đi ngay vào việc giới thiệu sự kiện lịch sử hoặc nguồn gốc, lai lịch của nhân vật có liên quan đến địa danh. Chẳng hạn như: “Ngày trước, khi giặc Pháp đến xâm lược nước ta, giặc đi đến đâu tàn phá đến đó, lòng dân vô cùng căm hận. Lúc này có hai anh em trai mồ côi cha mẹ, sống với ông bà nội, người anh tên là Dũng, người em tên là Anh” (Sự tích ấp Anh Dũng), “Đốc Binh Vàng tên thật là Trần Ngọc. Ông giữ chức Tổng Binh kiêm nhiệm chức Chánh giải quân lương dưới triều Minh Mạng” (Rạch Đốc Vàng)…

Lớp truyện thứ hai, tác giả dân gian kể về diễn biến sự kiện lịch sử hoặc hành trạng, công tích của nhân vật có liên quan đến địa danh. Trong đó có chiến thắng vẻ vang, rất đáng tự hào của nghĩa quân Tây Sơn trên sông Sầm Giang, tỉnh Tiền Giang (Sự tích Rạch Gầm), cuộc chiến đấu kiên cường, bất khuất của cha con Tám Luông chống lại bọn địa chủ, cường hào ác bá ở địa phương thuộc huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (Cánh đồng Nọc Nạn), hay trận đánh đầy mưu trí của Vương Văn Sâm chống lại giặc Xiêm (Truyền thuyết Doi Lửa)…

Có nhiều TTĐD ở TL1B không kể trực tiếp hành trạng của nhân vật mà kể gián tiếp qua các sự kiện giặc Pháp và lũ ác ôn tay sai ra tay đàn áp và tàn sát các nghĩa binh và nhân dân trong các TTĐD như: “Nơi này là nơi Pháp tập trung quân để tiến công vào Đồng Tháp, đồng thời chúng còn dùng nơi này làm pháp trường để chém giết nghĩa quân hầu khủng bố nhân dân” (Lai lịch Trường Án Cần Lố), “Để trả thù cho quan thống, Trần Bá Lộc được lệnh kéo binh về tàn sát toàn bộ dân chúng trong vùng, nhà cửa đốt sạch, kẻ chết đâm, người chết chém, chết bắn, người nào sống sót chúng bắt được ném vào lửa đỏ, cả một vùng hồn linh dật dờ trong khói lửa” (Sự tích Vũng Liêm)…

Thông qua lớp truyện thứ hai của TL1B, chúng ta hiểu thêm những hy sinh, mất mát, đau thương của con người vùng đồng bằng sông nước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp giai đoạn TK XIX. Sự hy sinh ấy vô cùng lớn lao, nỗi đau ấy không gì bù đắp nổi: “Nghĩa quân nhanh chóng bị thất bại, nhiều nghĩa quân bị Pháp bắt, chém đầu, chôn chung trên một gò đất ở Vĩnh Xuân mà ngày nay nhân dân vẫn gọi là Gò Trăm Đầu” (Truyền thuyết Gò Trăm Đầu). Hay là “Năm 1861, nghĩa quân Trương Định tử trận được đưa về vùng căn cứ Tân Phước Tây, tỉnh Long An để chôn cất. Vì số lượng tử sỹ lên đến khoảng 60 người, không đủ điều kiện về thời gian và vật chất để mai táng, nghĩa quân phải dùng cây trai (một loại gỗ chịu được môi trường sình lầy, ẩm ướt) xếp thành hộc để chôn chung số nghĩa quân tử trận tại khu vườn của Nguyễn Duy Toản. Ngôi mộ này về sau được gọi là Mả Hộc” (Sự tích Mả Hộc)…

Ngoài việc kể diễn biến của các sự kiện lịch sử, tác giả dân gian còn kể về hành trạng, công tích của nhân vật: bà Bầy dũng cảm che giấu nghĩa quân Đồng Tháp Mười trong cuộc kháng chiến chống Pháp, dù bị giặc đánh đập dã man nhưng bà vẫn không khai nơi trú ẩn của nghĩa quân (Truyền thuyết Vàm Bà Bầy); Đốc binh Trần Ngọc “quyết không để quân trang, quân dụng rơi vào tay giặc, lệnh cho nghĩa sĩ mang hết quân lương lên bờ tiêu huỷ, lửa cháy ngất trời cả tuần chưa tắt” (Rạch Đốc Vàng)…

Lớp truyện thứ ba, kể về đoạn kết của sự kiện lịch sử hoặc của nhân vật lịch sử và việc hình thành tên gọi địa danh. Có những sự kiện lịch sử kết thúc vẻ vang, rất đáng tự hào: “Quân ta chiến thắng quân Xiêm vẻ vang trên sông Sầm, vì có tiếng la ó đồng thanh của quân Tây Sơn phát ra tựa sấm vang động cả một khúc sông. Quân địch nghe tiếng hò xung trận, lo sợ mất hồn nên không còn lòng dạ nào nghĩ đến việc giao tranh. Từ đó, nhân dân gọi sông Sầm là Rạch Gầm” (Sự tích Rạch Gầm). Nhưng có những sự kiện lại có kết thúc bi thương, nhân dân hoặc nghĩa quân bị Pháp và lũ ác ôn tay sai khủng bố, tàn sát dã man (Lai lịch Trường Án Cần Lố, Sự tích Vũng Liêm, Khu Mả Lớn)

Trong TTĐD kể về các nhân vật có công trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, có những hy sinh rất đau thương như là sự hy sinh của Bà Bầy “Sau một hồi tra tấn không có kết quả, chúng thay phiên nhau hãm hiếp Bà Bầy cho đến chết” (Truyền thuyết Vàm Bà Bầy), hoặc sự tử tiết của các nhân vật Mai Công Hương (Sự tích sông Xá Hương và miếu ông Bần Quỳ), Đốc binh Trần Ngọc (Rạch Đốc Vàng), hoặc hy sinh do bị giặc bắt, hành hạ và giết chết như ông Quản Bạch (Vàm Hổ Cứ), hai anh em Anh và Dũng (Cánh đồng Nọc Nạn)…

Như vậy, dù trực tiếp hay gián tiếp, TTĐD TL1B đều có sự gắn bó chặt chẽ với các sự kiện và công trạng của các nhân vật lịch sử. Từ đó, nhân dân đã lấy tên gọi của những nhân vật, sự kiện lịch sử ấy để đặt tên cho những địa danh trong khu vực ĐBSCL.

Khảo sát nội dung cốt truyện của TTĐD TL1B cho thấy những truyền thuyết thuộc tiểu loại này đã phản ánh sinh động những sự kiện lịch sử đã diễn ra ở vùng ĐBSCL. Chẳng hạn như cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược Xiêm và quan quân Nguyễn Ánh của người anh hùng áo vải Tây Sơn vào năm 1795 qua lời kể: “Tục truyền ngày ấy quân Tây Sơn kéo đến Rạch Gầm đông vô kể. Người đi chật đất, gươm giáo sáng loè, nhưng hết thảy đều ngậm tăm. Đến lúc lệnh khai chiến truyền ra, tiếng la ó đồng thanh thình lình phát ra tựa sấm vang động cả một khúc sông” (Sự tích Rạch Gầm). Hay, khi nói về sự kiện nông dân ĐBSCL dũng cảm đứng lên chống lại sự hà hiếp, bóc lột của bọn địa chủ, cường hào và cò Tây, Cánh đồng Nọc Nạn đã làm nổi bật mâu thuẫn giữa người nông dân với tầng lớp địa chủ ở nông thôn dưới thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, những truyền thuyết có nội dung tương tự như Cánh đồng Nọc Nạn xuất hiện không nhiều trong hệ thống truyền thuyết dân gian ở vùng này. Đây có thể được xem là truyền thuyết duy nhất trong tiểu loại TTĐD TL1B có nội dung đề cập đến mâu thuẫn giữa người nông dân với địa chủ, cường hào ở địa phương.

Ẩn sau mỗi lời kể trong những truyền thuyết nêu trên là tình cảm yêu mến, niềm tự hào của nhân dân dành cho những con người bình dị, có nhiều đóng góp cho công cuộc chống giặc Pháp xâm lược. Mặc dù trong sử sách không ghi tên của những Bà Bầy, Bà Bướm, Nàng Hai ở Đồng Tháp, anh em Anh và Dũng ở Bạc Liêu… nhưng những con người này vẫn được dân gian ghi nhớ qua bao nhiêu thế hệ, bởi họ đã từ nhân dân mà ra và cũng vì nhân dân, vì cộng đồng, vì quê hương mà chiến đấu.

Việc khai thác mối quan hệ giữa con người với cộng đồng là nét đặc trưng của truyền thuyết so với thần thoại và cổ tích. Mỗi câu chuyện kể địa danh TL1B đều thể hiện niềm tự hào, lòng biết ơn, tình cảm tôn vinh của nhân dân dành cho những con người có nhiều đóng góp và hy sinh cho cộng đồng. Đây là đặc điểm nội dung mang tính tương đồng nổi bật nhất của TTĐD vùng ĐBSCL so với các vùng miền khác.

Bên cạnh những điểm tương đồng về nội dung, TTĐD TL1B còn có những nét đặc trưng riêng. Nét đặc trưng nổi bật trước hết thể hiện ở cảm hứng sáng tác. Ngoài thể hiện cảm hứng tôn vinh, ngợi ca những con người có công trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, chống lại chế độ phong kiến hà khắc ở một số tỉnh thuộc vùng ĐBSCL thì TTĐD TL1B còn ghi lại tội ác dã man của giặc Pháp và bọn tay sai, cùng những mất mát, đau thương, lòng căm thù, tinh thần bi tráng của quần chúng nhân dân. Những truyền thuyết tiêu biểu cho nội dung này là: Lai lịch Trường Án Cần Lố, Khu Mả Lớn (Đồng Tháp), Sự tích Vũng Liêm (Vĩnh Long), Sự tích Mả Hộc, Gò Trăm Đầu (Long An). Cảm xúc bi thương xen lẫn lòng căm thù của nhân dân đối với tội ác của giặc Pháp và lũ tay sai ác ôn đã tạo nên những câu chuyện dân gian gắn sự hình thành tên gọi của một số địa danh. Đây là nội dung đặc trưng của thể loại truyền thuyết dân gian vùng ĐBSCL, khác với một số tỉnh thuộc Bắc Bộ, tên gọi một con sông, đồi gò, ao, hồ, cánh đồng… đa số gắn với chiến công dựng nước và giữ nước của cha ông. Chẳng hạn như: “Tên gọi Thăng Long của thủ đô gắn với truyền thuyết về Lý Công Uẩn, tên gọi Hồ Gươm gắn với chiến công của Lê Lợi…” (10).

Đặc điểm của TTĐD TL1B dựa trên bối cảnh lịch sử, xã hội vùng ĐBSCL, đặc biệt là giai đoạn thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ. Nhân dân đứng lên chống Pháp bằng những vũ khí thô sơ như dao phay, rơm con cúi… trong khi triều đình nhà Nguyễn bất lực, yếu hèn. Cuộc chiến đấu khi chưa có chính đảng lãnh đạo nên hầu như đều thất bại. Hoàn cảnh lịch sử ấy đã tác động rất lớn đến những nội dung mang tính đặc trưng của TTĐD TL1B nói riêng và của thể loại truyền thuyết dân gian vùng ĐBSCL nói chung.

Mặt khác, TTĐD TL1B vắng bóng những yếu tố thần kỳ trong cấu tạo cốt truyện của các tác phẩm. Chỉ có 1 trong 21 truyền thuyết thuộc TL1B chứa đựng yếu tố thần kỳ trong cốt truyện, đó là Đám lá tối trời. Trong truyền thuyết này, yếu tố thần kỳ xuất hiện cuối tác phẩm: “Từ đó, thiên hạ đồn rằng, đêm hôm ở vùng đám lá tối trời như có tiếng gào thét, như tiếng binh đao va chạm. Có khi, nghe như tiếng thiên binh vạn mã rầm rộ kéo đi, có lúc lại nghe ngựa hí, người la và tiếng trống trận”. Theo cách lý giải của dân gian, những âm thanh bí ẩn đó chính là sự xuất hiện của đội quân âm binh trong “đám lá tối trời”, lúc sống, họ là những anh hùng, khi chết, hồn thiêng của họ vẫn còn, gây nên nỗi lo sợ, hốt hoảng đối với quân thù. Đồng thời, yếu tố thần kỳ trong truyền thuyết này còn có vai trò linh thiêng hóa địa danh được đề cập đến trong câu chuyện.

Một số TTĐD có liên quan đến những nhân vật có công chống giặc ngoại xâm tiêu biểu ở một số tỉnh thuộc Bắc Bộ, như Sự tích Hồ Gươm gắn với nhân vật Lê Lợi ở TK XV đã được nhiều người trong cả nước đều biết đến. Trong khi đó, những nhân vật xuất hiện trong TTĐD TL1B của vùng ĐBSCL thường không có những công trạng lớn, nên tầm ảnh hưởng của nhân vật chỉ giới hạn trong phạm vi địa phương, vùng nhất định. Vì vậy, những địa danh có liên quan đến những nhân vật này chỉ được một số địa phương thuộc khu vực ĐBSCL biết và hiểu được ý nghĩa, nguồn gốc của địa danh đó.

3. Kết luận

TTĐD vùng ĐBSCL không chỉ giải thích tên gọi của địa danh mà quan trọng hơn, còn phản ánh và ghi nhớ những nhân vật và sự kiện lịch sử trong quá khứ có liên quan. Việc phản ánh này đã góp phần lấp đầy khoảng trống trong lịch sử, ghi nhận vai trò, ảnh hưởng của một số nhân vật trong quá khứ.

Cùng với cảm hứng ca ngợi và tôn vinh các bậc tiền hiền, nhân vật chống giặc ngoại xâm…, TTĐD vùng ĐBSCL còn thể hiện đặc trưng thể loại thông qua việc lên án, tố cáo những tội ác dã man của quân thù.

So với TTĐD vùng Bắc Bộ, TTĐD vùng ĐBSCL có một số điểm tương đồng và dị biệt. Điểm tương đồng thể hiện chủ yếu ở nội dung lịch sử dân tộc, những đặc điểm xã hội, văn hóa ở từng vùng miền cụ thể. Còn khác biểu tiêu biểu thể hiện qua yếu tố thần kỳ xuất hiện thưa thớt trong hệ thống TTĐD vùng ĐBSCL. Với cốt truyện đơn giản và ít tình tiết, cấu tạo cốt truyện của các tác phẩm TTĐD TL1B không tuân theo một mô típ nhất định như “thụ thai và sinh nở thần kỳ”, “hiển linh”, “hóa thân”…

Những đặc điểm mang tính đặc trưng của TTĐD TL1B đã khẳng định, truyền thuyết vùng ĐBSCL có những đặc trưng riêng so với các vùng miền khác, một mặt do tác động bởi các yếu tố lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội, mặt khác do tính độc đáo trong sáng tác nghệ thuật của tác giả dân gian.

Truyền thuyết dân gian của người Việt luôn vận động và biến đổi phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, xã hội của dân tộc. Kể từ sau sự kiện Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả công chúa Ngọc Vạn cho Quốc Vương Chân Lạp Chey Chettha II vào năm 1620, cư dân người Việt theo đó di cư về phía Nam, thể loại truyền thuyết dân gian vẫn tiếp tục được hình thành và phát triển cùng với nhiều biến đổi ở vùng đất phía Tây Nam. Sự hình thành và phát triển của thể loại truyền thuyết ở vùng đất mới đã giúp cho việc nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc hơn về đặc điểm, giá trị của thể loại truyền thuyết dân gian cũng như quy luật hình thành, tiếp biến và lưu truyền của nó trong những môi trường lịch sử, địa lý, văn hóa khác nhau.

_____________

1. Kiều Thu Hoạch, Tổng tập Văn học dân gian người Việt, tập 4, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr.35-36.

2. A.S.Hornby, Oxford Advanced Learners Dictionary, Oxford University press, 2010, p.1163.

3. Minh Tân, Thanh Nghi, Xuân Lãn, Từ điển Tiếng Việt, Ngôn ngữ học Việt Nam, Nxb Thanh Hóa, 1998, tr.298.

4. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ Văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1992, tr.70.

5. Nguyễn Tấn Đắc, Truyện kể dân gian đọc bằng type và Motif, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001, tr.282.

6. Nguyễn Thị Nguyệt, Khảo sát và so sánh một số type và motif truyện cổ dân gian Việt Nam – Nhật Bản, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, 2000, tr.36-38.

7. Lê Trường Phát, Thi pháp Văn học Dân gian, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr.30.

8,9,10. Trần Thị An, Truyện kể địa danh, từ góc nhìn thể loại, Tạp chí Văn hóa, số 3, 1999, tr.50,50,52. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015

Tác giả : ĐỖ THỊ HỒNG HẠNH

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *