Đặc sắc trong áng mo đẻ đất đẻ nước của người mường

Trong 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam, người Mường có số dân đông thứ nhì sau người Kinh và là dân tộc có nền văn hóa riêng rất giàu bản sắc. Một trong những biểu hiện của nền văn hóa đặc sắc ấy phải kể tới kho tàng mo Mường gắn với phong tục lễ tang. Với quan niệm sống chết là quy luật, song, người ta khi chết đi vẫn tiếp tục sống ở thế giới khác. Nếu được gia đình chuẩn bị chu đáo nghĩa là được mo đầy đủ thì hồn ma càng sớm được đến mường Trời. Mo lễ tang gồm 5 phần dài tới vài vạn câu. Nếu thực hiện đầy đủ nghi lễ này phải kéo dài tới 12 đêm. Trong 5 phần của mo lễ tang thì phần Đẻ đất đẻ nước (Te tấc te tác) còn gọi là mo trêu có nội dung độc đáo và đặc sắc nhất (1).

1. Cấu trúc của mo lễ tang và vị trí của mo Đẻ đất đẻ nước

Mo tiếng Mường nghĩa là cúng, ậu mo là thày cúng. Lễ tang của người Mường được thực hiện như một yêu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo. Như nhiều dân tộc khác trên thế giới, người Mường cổ tin rằng có một thế giới của người chết, ở thế giới ấy, hồn người cũng sinh hoạt giống như cõi dương gian và người sống cần tổ chức đám tang chu đáo, đúng quy cách để hồn có thể về thế giới mường Ma thuận lợi. Nếu không tổ chức nghi lễ đám tang chu đáo, hồn không về được thế giới Mường Ma mà cứ “lẩn quẩn lẫn lộn với thế giới người đang sống, làm phiền hà mọi người. Như vậy, người chết không yên ổn dẫn đến người sống cũng bị nhiều điều xấu” (2). Về mặt cơ bản của nghi lễ đám ma phải bảo đảm hai điều: thứ nhất, đưa hồn đi trọn vẹn hành trình từ thế giới hiện tại hồn đã sống đến thế giới mường Ma, tạo cho hồn đầy đủ các điều kiện và thỏa mãn nhu cầu ở thế giới mường Ma, càng cao càng tốt; thứ hai, cắt đứt mối quan hệ trần tục giữa hồn với thế giới người sống. Đáp ứng hai yêu cầu trên, mo lễ tang chứa đựng toàn bộ kinh nghiệm, giá trị văn hóa tinh thần của một dân tộc. Người Mường mà đại diện là các ậu mo – bộ phận tinh hoa, hết đời này sang đời khác tiếp tục hoàn thiện, bổ sung để tạo nên bộ mo lễ tang khổng lồ lên tới hàng vạn câu với nhiều dị bản, thể hiện đỉnh cao nhận thức của một dân tộc đã xây dựng được nền văn hóa lâu đời.

Cấu trúc của bộ mo lễ tang tương ứng với 6 nội dung mo: mấn tếu, mo vải, mo trêu, mo lêngh trới, mo nhằn, hôổc vài ma, được biên soạn và dịch thành 5 phần: nghi thức, mo vải, mo Đẻ đất đẻ nước, mo lên trời và mo nhắn. Nếu nội dung của hai phần mo nghi thức và mo vải chủ yếu giới thiệu nghi lễ của một cuộc mo: quy luật vì sao người ta phải chết, các thủ tục trải chiếu, thờ cơm, áo quan, quần áo người chết mặc, dầu đèn…, vai trò và vị trí thiêng liêng của ậu mo, các dụng cụ hành nghề mà ậu mo mang theo (quạt, kiếm, khánh…) tất cả đều có sự tích, gốc gác và đều có giá trị, ý nghĩa riêng trong toàn bộ nghi lễ.

Mo Đẻ đất đẻ nước nằm ở chặng thứ ba trong hành trình năm chặng của lễ tang. Sau khi đã hoàn tất các thủ tục nghi lễ, ậu mo sẽ kể cho hồn biết về sự hình thành thế giới trong đó có loài người, từ thủa khai thiên lập địa, hình thành ra Mường nước. Hồn sẽ được hiểu tường tận những nếp sống, phong tục, tập quán, quy tắc sống, sinh hoạt của Mường. Có thể nói, đây là chặng mo mà hồn được trang bị hay mở mang hiểu biết kiến thức rộng rãi nhất. Điều đáng chú ý là, phần mo này chỉ dùng cho những gia đình khá giả, có địa vị chức sắc trong bản, mường nhà bậc trung và nhà nghèo không có điều kiện để tổ chức phần mo này (3). Trong xã hội mường xưa, gia đình khá giả có địa vị là các lang, tạo. Như vậy, phần trang bị tri thức này chỉ dành cho các hồn có địa vị.

2. Đẻ đất đẻ nước – những giá trị đặc sắc

Phần mo Đẻ đất đẻ nước có 34 rằng, trừ rằng mở đầu, 33 rằng giống như 33 truyện có nội dung (cốt truyện) khá độc lập, có thể gọi là hệ thống 33 truyện liên hoàn, lần lượt kể về việc hình thành nên thế giới, cuộc sống muôn loài, Chu chương mường nước, trật tự xã hội, phong tục tập quán, đạo đức và văn hóa xã hội của người Mường. Điều đáng chú ý là, mặc dù khoác bên ngoài chiếc áo thần linh nhưng bên trong là thế giới quan duy vật với những giá trị nhân văn sâu sắc.

Hồn ma trước khi bước sang thế giới mường Ma được hiểu biết về thế giới mà mình đã từng sống. Cuộc sống với muôn loài và môi trường sống đã được hình thành như thế nào, loài người và xã hội đã được làm ra thế nào:

 Ngày xưa sinh đời trước

Dưới đất chưa có đất

Trên trời chưa có trời

Không có đường đi lối lại

Khởi thủy của vũ trụ là nhất nguyên, lẫn lộn, trống rỗng, ta bắt gặp nhận thức này trong thần thoại Hy Lạp khi người Hy Lạp cổ đại cũng gọi thời điểm khởi thủy của vũ trụ là chaos (hỗn độn/ hỗn mang). Thế giới hình thành sau đột biến bất thường:

Có một năm mưa dầm mưa dãi

Nước vượt khỏi bảy đồi U

Nước dâng qua chín đồi Bái

Năm mươi ngày nước thảy

Bảy mươi ngày nước tha…(4)

Ông Thu Tha, bà Thu Thiên sinh ra từ cái cây xanh xanh đó và sinh ra muôn vật, sinh ra loài người. Thế giới hình thành từ vật chất và quy luật sinh thành dựa trên triết lý âm dương. Đó là nhận thức luận biện chứng đáng ngạc nhiên của người Mường cổ. Đất và nước, trong tư duy của người Mường cổ chính là nguồn gốc vũ trụ, là dương và âm, thế giới phải có âm dương, có sự kết hợp âm dương mới có muôn loài. Đất và nước tạo ra cây, trong tư duy nông nghiệp, cây sinh ra đấng siêu nhiên (ông Thu Tha, bà Thu Thiên là đấng siêu nhiên) và là thủy tổ muôn loài, cây trở thành biểu tượng nguồn cội. Cây si khổng lồ có nhiều cành mỗi cành sinh ra một mường, phải chăng khái niệm cội, cội rễ, nguồn cội xuất phát từ huyền tích này. Song, con người lại được sinh ra từ trứng – tiến thêm một bước trong nhận thức và tư duy duy vật. Trứng – một cấu trúc vật chất khác hẳn với cây, thêm nữa, phải có thời gian ấp, là thời gian hoài thai và phát triển mới thành người. Thêm nữa, trong thế giới muôn loài và cả loài người, những quả trứng tốt nhất – đầu tiên cho ra những sinh thể khỏe mạnh, tài giỏi, đẹp đẽ. Đó là nhận thức về quy luật sinh tồn và phát triển không phải không có cơ sở khoa học, cũng là nhận thức về xã hội: vừa có tinh hoa song cũng có cả cặn bã, có anh hùng, mỹ nhân song cũng có người xấu xí, có người tốt và kẻ xấu:

…Trứng một, nở ra ông dịt Dàng

Trứng hai, nở được ông Lang Tà Cái

…Trứng chín, nở được đứa bạc đứa lồi

Trứng mười, nở ra con côi bà góa

Có thể nói đó là nhận thức hết sức biện chứng về con người và xã hội.

Càng ngạc nhiên hơn tư duy biện chứng mang yếu tố duy vật tuy thô sơ khi người Mường cổ nhận thức được sức mạnh của con người trong vũ trụ, đó là sức mạnh của chủ thể. Con người chứ không phải thần linh biết tìm ra quy luật để chinh phục và cải tạo tự nhiên: đẻ ra mặt trăng, mặt trời, chia năm chia tháng. Con người tìm ra cách thức, phương thức để duy trì cuộc sống và làm cho cuộc sống ngày càng tốt hơn, như: cách làm nhà vừa kiên cố vừa đẹp; tìm ra lửa không chỉ để thoát khỏi cuộc sống mông muội mà còn để rèn vũ khí, làm đồ trang sức, làm đồ dùng bằng kim loại vừa bền vừa đẹp; tìm ra các loại hạt giống đặc biệt là hạt bông để làm ra vải; tìm ra vật nuôi – gia súc gia cầm, tìm ra cách cất rượu, tìm ra cách rèn nông cụ, vũ khí, đồ dùng bằng đồng… Mỗi cuộc kiếm tìm đều nhuốm màu sắc thần linh, thần thoại, song, cuối cùng, con người và trí tuệ của con người mới tìm ra kết quả, mới quyết định cục diện trong thiết chế trật tự xã hội. Câu chuyện Lang Cun Cần lấy vợ vừa thể hiện triết lý nhân quả độc đáo, vừa thể hiện vị trí, vai trò của con người, đặc biệt là quần chúng trong việc thiết lập nên trật tự xã hội. Lang Cun Cần được sinh ra từ quả trứng tốt nhất của trống chim Tùng, mái chim Tót – con của mụ Dạ Dần nên có sức vóc và tài trí hơn người. Đối mặt với Lang Cun Cần “Ma chạy từng bầy trốn vào trong núi/ Ma rồng sợ Lang Cun Cần trói/ Thuồng luồng sợ Lang Cun Cần chặt/ Ma Trời, Ma Đất cùng chạy nhanh chân”. Dưới sự cai quản của Lang Cun Cần Chu chương mường nước trở nên đông vui, hùng mạnh. Nhưng Lang Cun Cần lại muốn lấy em gái ruột làm vợ, ý định này bị Chu chương mường nước phản đối kịch liệt. Song, Lang Cun Cần bất chấp, chuyện lên đến trời, trời giận dữ sai Cun Sấm và nàng Sét đi trị tội. Trên đường đi, Cun Sấm nhìn thấy bắp chân nàng Sét trắng quá nên phải lòng, cả hai thông đồng tha tội cho Lang Cun Cần. Cun Sấm, nàng Sét giả vờ đánh vào cây gạo, cây vông nên Lang Cun Cần thoát chết (thêm một cách thể hiện nhận thức, quan điểm, thái độ của người dân). Nhưng trời lại trị tội Lang Cun Cần cách khác, giáng lũ ma Ếm “lan tràn khắp đồng chì tam quan kẻ chợ”, “Ếm vào cửa vào nhà/ Bắt người đi ra làm điên làm dại/ Người cười quái nói kên”. Quá sợ hãi, Chu chương mường nước kéo ùn ùn đến trước nhà Lang Cun Cần tuyên bố: “Chúng tôi chẳng chịu ở trong mường/ Chúng tôi không chăn gà nuôi lợn/ không đi đón trâu về chuồng/ Chẳng đi cày đồng sâu đồng trũng/ không trông ruộng ngó nương cho nhà lang nữa/ Đất lang lang giữ/ của lang lang gìn…”. Không chỉ ma quỷ mọc lên gây tai họa mà bao nhiêu của cải ùn ùn bỏ đi hết, nhà lang giàu có là thế mà trở nên hoang tàn… Câu chuyện lấy vợ của Lang Cun Cần cho thấy mặc dù vẫn phủ lên lớp vỏ huyền hoặc (ma quỷ trỗi dậy phá phách, Trời can thiệp…) nhưng có thể nhận ra tư duy duy vật của người Mường cổ khi họ nhận ra hệ lụy phản khoa học, phản đạo đức của lối sống quần hôn, tạp hôn và quyết phản đối, ngăn chặn cho dù kẻ kia là người đứng đầu, là chủ nhân của họ. Mượn hình ảnh ma quỷ trỗi dậy, kéo về tụ tập phá phách, người dân muốn ám chỉ lối sống lầm lỗi của ma quỷ, chỉ có “ma xui quỷ khiến” mới làm những việc trái đạo, trái quy luật như vậy. Thành ngữ “ma xui quỷ khiến”, “ma xui quỷ ám” cũng có nguồn gốc xuất xứ từ câu chuyện này chăng?

Có thể nói, mo Đẻ đất đẻ nước chứa đựng trong đó cả một kho tàng tri thức, kho tàng văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường. Để tạo nên được kho tàng văn hóa và tri thức ấy cần tới thời gian và không gian dài lâu, rộng lớn, cần tới sự gắn bó và ổn định lâu dài của một tộc người có tình yêu và tình đoàn kết gắn bó lâu bền với nơi “chôn nhau cắt rốn”, với quê hương xứ sở. Không gian gắn kết ấy đã giúp lưu truyền, gìn giữ một kho tàng văn hóa đầy tự hào mà không phải dân tộc nào trên thế giới này cũng có, đó là những bài mo nghi lễ, trong đó đặc sắc nhất là mo Đẻ đất đẻ nước.

33 câu chuyện (rằng) trong Đẻ đất đẻ nước thể hiện hành trình đi từ thế giới hoang dã sang thế giới văn minh của người Mường cổ. Đó là một hành trình vô cùng gian nan song cũng là hành trình của nghị lực và sáng tạo. Thú vị thay, đó cũng chính là hành trình của loài người nói chung đi từ buổi bình minh của lịch sử sang xã hội văn minh hiện đại. Đẻ đất đẻ nước thuộc trong số những bộ thần thoại – sử thi hiếm hoi của nhân loại thể hiện quá trình con người chinh phục tự nhiên – vũ trụ để trở thành chủ nhân xứng đáng nhất của hành tinh này.

Nhận thức và khám phá, mong ước và khát vọng, khó mà phân định rạch ròi đường biên của nhận thức và xúc cảm trong cách thể hiện của người xưa qua mo Đẻ đất đẻ nước. Song, đó là nhận thức và xúc cảm minh triết, cho thấy tư duy sâu sắc của một tộc người có chiều sâu văn hóa độc đáo. Đẻ đất đẻ nước nói riêng, hệ thống mo Mường nói chung hiện vẫn là một thách đố thẩm mỹ đối với giới nghiên cứu và quản lý văn hóa. Bởi, sản phẩm tín ngưỡng – văn hóa độc đáo này chứa đựng những vỉa tầng tri thức không dễ giải mã một sớm một chiều.

_______________

1. Chúng tôi khảo sát văn bản Mo – sử thi và thần thoại dân tộc Mường do Vương Anh chủ biên, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1997.

2, 3, 4. Vương Anh chủ biên, sđd, tr.1240.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : CAO THỊ MAI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *