Đắk Lắk phát huy hiệu quả hoạt động của Điểm hỗ trợ, tư vấn cộng đồng


Thời gian qua, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của tỉnh Đắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Có được kết quả trên là do các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai, tuyên truyền đồng bộ chính sách, pháp luật về tệ nạn xã hội, trong đó có hoạt động Điểm tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy, người bán dâm…

Hiện nay, số người nghiện ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn có xu hướng tăng hằng năm. Tệ nạn mại dâm càng phức tạp, biến tướng dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, gây không ít khó khăn cho việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng. Chính vì vậy, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án thí điểm mô hình Điểm tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy, người bán dâm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, mục tiêu của mô hình nhằm xây dựng, cung cấp các dịch vụ tại cộng đồng cho người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán trở về dựa trên bằng chứng, phù hợp, thân thiện, dễ tiếp cận, đảm bảo các quyền của nhóm yếu thế.  Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác can thiệp giảm tác hại, hỗ trợ cho đối tượng nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân của mua bán người và người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng. Qua đó, kéo giảm các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Đối tượng tham gia thí điểm mô hình, gồm: người sử dụng, người nghiện ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV, nạn nhân bị mua bán trở về cùng người thân trong gia đình họ; đội ngũ cán bộ, công chức và đoàn thể các cấp; đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, điều trị, dự phòng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề…

Mục tiêu trong giai đoạn 2020 – 2025: 100% các đối tượng có nhu cầu được cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, chuyển gửi, dự phòng, giảm hại, hòa nhập cộng đồng; tuyên truyên, phổ biến chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nâng cao  hiểu biết về các biện pháp, mô hình phòng ngừa, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và giúp đỡ các đối tượng yếu thế hòa nhập cộng đồng cho các tầng lớp nhân dân; phát động phong trào toàn dân phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội. Số xã, phường, thị trấn được tiếp cận, tương tác, cập nhật thông tin trên môi trường mạng và hạ tầng kỹ thuật truyền thông (website, hotline, panô, áp phích…) đạt 75% trong năm 2020 và năm 2025 đạt 100%. 100% cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội các cấp được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức về can thiệp, hỗ trợ, dự phòng, giảm hại và giúp đỡ các đối tượng hòa nhập cộng đồng.

Ông Hoàng Công Vỹ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Qua một năm triển khai thí điểm mô hình Điểm tư vấn cộng đồng, đã có trên 400 lượt người được tư vấn, hỗ trợ qua các hình thức tư vấn trực tiếp và truyền thông qua các phương tiện internet, zalo và facebook. Mô hình tuy mới được thành lập nhưng bước đầu đã được nhiều người quan tâm và tích cực tham gia, từng bước có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phòng chống ma túy, mại dâm và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Tính đến hết năm 2020, 1.193 người nghiện ma túy trên địa bàn có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ điều trị, cai nghiện phục hồi tái hòa nhập cộng đồng, đạt tỷ lệ 108% so với chỉ tiêu kế hoạch giao.

Học viên học nghề tại cơ sở cai nghiện ma túy Đắk Lắk
 

Để mô hình tiếp tục duy trì và hoạt động có hiệu quả, ngày 8/3/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch số 1869/KH-UBND phê duyệt kế hoạch triển khai lồng ghép nhiệm vụ Điểm hỗ trợ, tư vấn cộng đồng với công tác dự phòng, giảm tác hại tệ nạn ma túy trên địa bàn với mục đích nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy; tác hại của việc sử dụng ma túy và cách nhận biết các chất ma tuý cho nhóm có nguy cơ cao tại các trường học, cơ sở giáo dục, cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy chính quyền các cấp trong công tác dự phòng nghiện ma túy, duy trì và chuyển hóa xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy.   

Bên cạnh đó, còn có sự lồng ghép chức năng, nhiệm vụ của Điểm hỗ trợ, tư vấn cộng đồng và các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp kế hoạch điều trị, cai nghiện ma tuý và hỗ trợ sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, chú trọng đến các chỉ tiêu, nhiệm vụ có kết quả còn hạn chế trong giai đoạn trước, các địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma tuý và nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Trong quá trình triển khai, các địa phương cần chú trọng lồng ghép với các phong trào, chương trình kinh tế – xã hội khác như phong trào “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, mại dâm”, “Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy”, dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn”…

Bà H Yim Kdoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: việc thí điểm mô hình Điểm hỗ trợ, tư vấn cộng đồng là cần thiết nhằm mục đích hỗ trợ cho người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán sớm hòa nhập cộng đồng. Sở LĐTBXH là đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh và chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức đoàn thể để tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép mô hình trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, năm 2021, Sở LĐTBXH phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lồng ghép các hoạt động tư vấn, thảo luận nhóm, nói chuyện chuyên đề, tương tác trực tiếp để cung cấp các kỹ năng, cách nhận biết chất ma túy, xu thế sử dụng các chất ma túy, cách phòng ngừa và tác hại của ma túy cho nhóm học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về hiểm họa ma túy.

Ngoài ra, mô hình còn là địa chỉ hỗ trợ, tư vấn, tuyên truyền cho người nghiện đang tham gia cai nghiện tập trung. Sở LĐTBXH đã chỉ đạo các cơ sở cai nghiện ma túy có kế hoạch cụ thể hỗ trợ, tư vấn tuyên truyền giảm hại, hòa nhập cộng đồng cho người cai nghiện bắt buộc; lồng ghép hoạt động tuyên truyền của Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm của tỉnh (Đội kiểm tra 178) nhằm nâng cao nhận thức về ma túy, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Đồng thời, hình thành đường dây kết nối giữa Điểm hỗ trợ, tư vấn cộng đồng với chủ sở hữu các cơ sở kinh doanh dịch vụ thông qua các phương tiện thông tin để phát hiện, cung cấp thông tin người có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, mại dâm và mua bán người.

Cũng cần nhắc đến ở đây sự phối hợp của Sở LĐTBXH phối hợp với UBND cấp huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, can thiệp dự phòng nghiện ma tuý tại cộng đồng, bao gồm: tổ chức lắp đặt panô, áp phích; nâng cao chất lượng truyền thông, giáo dục, phòng ngừa, giảm kỳ thị… cho đội ngũ cán bộ chính quyền, đoàn thể, báo cáo viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên, cộng tác viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội.

(Nguồn: Cục Phòng chống tệ nạn xã hội)

 

Tác giả: Như Ngọc

Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *