Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Chương trình hành động số 33-CTr/TU, ngày 8-12-2008. Trong đó, đề ra các nhóm giải pháp chủ yếu để chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn học, nghệ thuật Đắk Nông tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong 10 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ và những người tham gia hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật được bổ sung và phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng. Năm 2008, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông chỉ có 50 hội viên, đến nay đã có 126 hội viên. Có trên 80% đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; trên 60% hội viên đạt trình độ cao đẳng, đại học. Phần lớn văn nghệ sĩ tâm huyết trong hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật. Tư tưởng chính trị của đội ngũ văn nghệ sĩ vững vàng, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, không có hiện tượng lệch lạc về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Đến nay, tỉnh đã mở 7 trại sáng tác dành cho thiếu nhi, với 172 học sinh tham gia và mở 12 trại sáng tác, 22 chuyến đi thực tế với 460 lượt hội viên; tham gia các trại sáng tác và các chuyến đi thực tế trong và ngoài tỉnh, với gần 200 lượt hội viên. Tỉnh cũng đã phối hợp với trung ương đăng cai tổ chức Hội thảo văn học, nghệ thuật các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước (năm 2013, 2016); Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 22 ( năm 2017); các hội chuyên ngành trung ương tổ chức 4 lớp tập huấn, với 80 hội viên và cộng tác viên tham gia: tập huấn biên đạo múa không chuyên (năm 2012, 2018), tập huấn văn học, nhiếp ảnh (năm 2016), tập huấn mỹ thuật (năm 2017), hỗ trợ giới thiệu tác phẩm cho 3 hội viên thuộc các chuyên ngành: nhiếp ảnh, văn học, âm nhạc và 1 cuộc triển lãm nhiếp ảnh với chủ đề Đắk Nông – đất nước, con người lần thứ III…
Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông được thành lập năm 2005. Là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội không ngừng được củng cố, số lượng hội viên ngày càng tăng. Từ khi thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW đến nay, công tác tổ chức và hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật có nhiều khởi sắc, đổi mới toàn diện, tập hợp và phát huy tính sáng tạo trong đội ngũ văn nghệ sĩ. Những hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật bước đầu đã có đóng góp đáng kể vào sự hưởng thụ văn học, nghệ thuật đối với nhân dân, tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng ở địa phương; giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong và ngoài tỉnh về tiềm năng của vùng đất và con người Đắk Nông.
Phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh thời gian qua phát triển mạnh; có nhiều câu lạc bộ văn nghệ, đội văn nghệ dân gian ở cơ sở mang bản sắc dân tộc và văn hóa vùng miền. Hiện nay, toàn tỉnh có 116 câu lạc bộ văn hóa và gia đình; có 80 đội văn nghệ dân gian, có nhiều tiết mục biểu diễn phục vụ tốt cho công chúng.
Công tác sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc được ngành văn hóa phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đôn đốc triển khai; đến nay, tỉnh đã xây dựng 2 bộ tư liệu, trong đó 1 bộ tư liệu về di sản cồng chiêng của 3 dân tộc M’nông, Mạ và Ê đê; 1 bộ tư liệu truyền dạy cồng chiêng; 1 bộ đĩa DVD giới thiệu âm nhạc dân gian của 3 dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê, xuất bản 2 cuốn sách ảnh giới thiệu các gương mặt nghệ nhân tiêu biểu của tỉnh; tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nghệ nhân tấu chiêng, với 67 nghệ nhân tham gia; 6 lớp tập huấn nâng cao năng lực nghệ nhân cồng chiêng, chỉnh chiêng và truyền dạy đánh chiêng, với gần 400 lượt học viên tham gia; 3 lớp dệt thổ cẩm, 68 lớp cồng chiêng, 14 lớp dân ca, 16 lớp nhạc cụ, 6 lớp đan lát, làm cây nêu và thành lập 7 đội văn nghệ dân gian; 6 lớp tập huấn giới thiệu di sản văn hóa tỉnh Đắk Nông tại các trường phổ thông với số lượng 2.470 giáo viên, học sinh tham gia; tổ chức khôi phục 50 lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Hệ thống các cơ quan thông tin đại chúng không ngừng được đầu tư, củng cố và phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 3 cơ quan báo chí (Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Tạp chí Nâm Nung); 8 đài truyền thanh – truyền hình huyện, thị xã; 71 đài truyền thanh xã; 1 cổng thông tin điện tử và hơn 160 trang thông tin điện tử; 54 điểm bưu điện văn hóa xã. Hệ thống phát thanh – truyền hình của tỉnh đã phủ sóng 100% (đối với phát thanh); 90% (đối với truyền hình). Báo Đắk Nông phát hành 5 kỳ/tuần, hàng năm phát hành 1,5 triệu tờ; Báo ảnh Đắk Nông phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số 4 kỳ/tháng, hàng năm phát hành 850.000 tờ; tạp chí Nâm Nung phát hành 1.200 bản/kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật vẫn còn có những hạn chế nhất định, như: Có lúc, có nơi, công tác chỉ đạo và quản lý văn học, nghệ thuật còn thiếu tính đồng bộ; chế độ, chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi văn nghệ sĩ của tỉnh chưa được ban hành; chế độ hỗ trợ hoạt động đặc thù đối với diễn viên còn hạn chế; việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cấp tỉnh như: bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim, trụ sở làm việc của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh… chưa được xây dựng. Tác giả thật sự tiêu biểu ở từng lĩnh vực còn ít, tác phẩm đạt chất lượng cao và tác phẩm lớn chưa nhiều; chưa có những tác phẩm tạo được dư luận xã hội, có tiếng vang trong nước giới thiệu về vùng đất và con người Đắk Nông; công tác phổ biến tác phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
Để phát huy những kết quả đạt được và nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của công tác văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác văn học, nghệ thuật.
Hai là, tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý nhà nước đối với văn học, nghệ thuật; xây dựng cơ chế lãnh đạo, quản lý phù hợp; đấu tranh, ngăn chặn những sản phẩm văn hóa độc hại làm băng hoại đến đạo đức xã hội.
Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý hoạt động và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Bảo đảm nguồn kinh phí để thực hiện các kế hoạch, đề tài, quy chế giải thưởng văn học nghệ thuật của tỉnh; từng bước triển khai đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim…
Bốn là, đẩy mạnh hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm để phục vụ cho định hướng lớn của tỉnh về phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn, giới thiệu những thành tựu kinh tế xã hội, truyền thống văn hóa, con người và vùng đất Đắk Nông đến bạn bè trong và ngoài nước.
Năm là, tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho hoạt động sáng tác, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng tác phẩm, khuyến khích bồi dưỡng các nhân tố là người đồng bào các dân tộc thiểu số có năng khiếu tham gia hoạt động văn học, nghệ thuật; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật.
Tác giả: Nguyễn Văn Đô
Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng