Tô Hiệu là một xã thuộc vùng thấp của huyện Bình Gia, Lạng Sơn, có 1.183 hộ, 4.194 khẩu, chia làm 15 thôn, gồm 5 dân tộc anh em cùng sinh sống: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa. Địa bàn xã có trục đường quốc lộ 1B và đường tỉnh lộ 226 đi qua, là đầu mối giao thông giao lưu thuận lợi giữa xã với các địa phương khác trong và ngoài huyện. Nguồn thu chính của người dân là từ sản xuất nông nghiệp kết hợp với phát triển dịch vụ thương mại và tiểu thủ công nghiệp. Cộng đồng người Tày ở xã Tô Hiệu có khoảng hơn 2.000 người. Họ là những chủ nhân sớm có mặt khai phá thung lũng cánh đồng Bình Gia và lập lên các ngôi làng lớn hiện nay như: Phai Lay, Ngọc Quyến, Ngọc Trí. Người Tày ở Tô Hiệu có kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc, phong phú, phản ánh sắc thái địa phương rõ rệt. Đặc biệt, những phong tục tập quán trong chu kỳ đời người: sinh đẻ, cưới xin, ma chay, làm nhà mới… hiện vẫn còn được bảo lưu khá đậm nét. Bài viết trình bày về phong tục cưới xin của người Tày ở xã Tô Hiệu, Bình Gia, Lạng Sơn.
Cũng như các dân tộc anh em khác, đối với người Tày, lấy vợ, lấy chồng là một sự kiện hệ trọng, vô cùng thiêng liêng của đời người. Quá trình dẫn đến một đám cưới truyền thống của người Tày đòi hỏi phải có thời gian tương đối dài, nhiều khi tới 2-3 năm và phải trải qua nhiều bước với những nghi lễ phức tạp, rườm rà và tốn kém. Tuy nhiên, khoảng 20-30 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, phong tục cưới xin của người Tày ở Tô Hiệu đã và đang có sự biến đổi sâu sắc. Nhìn chung, trình tự tiến hành các bước trong đám cưới đã và đang thay đổi theo chiều hướng đơn giản, gọn nhẹ hơn. Theo đó, để tiến tới tổ chức một đám cưới chính thức, phải trải qua các bước sau đây:
1. Nghi lễ trước khi cưới
Lễ dạm ngõ (rạm lùa): trước kia cũng như hiện nay, thanh niên nam nữ người Tày được tự do tìm hiểu, yêu đương. Thời gian tìm hiểu, yêu đương ở mỗi cặp đôi có thể dài ngắn khác nhau, thường từ 1-2 năm. Tuy nhiên, sau quá trình tự tìm hiểu, muốn đi đến hôn nhân, đôi trẻ phải báo cho gia đình biết về sự lựa chọn của mình và người mình yêu để gia đình góp thêm ý kiến và đứng ra lo liệu. Việc lo liệu các bước tiến tới hôn nhân của đôi trẻ phải do nhà trai chủ động. Thông thường, nhà trai sẽ đưa tin trong anh em họ hàng, làng xóm về ý định chọn dâu của mình, rồi nghe ngóng ý kiến phản hồi, nhận xét của mọi người xung quanh về hoàn cảnh gia đình, tính nết của cô gái. Nếu thấy được thì nhà trai sẽ chủ động tiến hành bước đầu tiên, đó là đi dạm ngõ hay còn gọi là đặt trầu (pây rạm hay rặt mjều).
Lễ dạm ngõ là nghi lễ đầu tiên hai bên gia đình gặp gỡ, đánh tiếng bàn về câu chuyện hôn nhân của đôi trẻ, là bước khởi đầu cho hàng loạt các nghi lễ hôn nhân tiếp theo. Với ý nghĩa quan trọng đó, nên ngày dạm ngõ phải chọn ngày tốt (theo quan niệm dân gian) và người đại diện cho nhà trai đi dạm ngõ cũng phải được lựa chọn cẩn thận. Đó phải là người đàn ông đứng tuổi, thường chọn trong anh em họ hàng, được coi là tốt phúc, gia đình êm ấm, vợ chồng song toàn, con cái dư bề, ăn nói ứng xử hoạt bát… Lễ vật dạm ngõ gồm ít trầu cau, bánh kẹo, chè thuốc bọc gói trong giấy đỏ, 1 chai rượu. Bên nhà gái, thường đã được báo tin trước, sẽ làm mâm cơm và mời thêm một vài người có uy tín trong họ đại diện cùng tiếp đón nhà trai. Lễ vật nhà trai mang sang sẽ được nhà gái nhận, đặt lên bàn thờ, thắp hương trình báo tổ tiên. Trong câu chuyện, đại diện bên nhà trai sẽ đặt vấn đề, ướm hỏi thái độ bên nhà gái về ý muốn xây dựng gia đình cho con trai mình với con gái của gia chủ, mong hai bên gia đình kết thành thông gia và ngỏ ý muốn nếu nhà gái đồng ý thì cho xin lấy lá số gọi là lục mệnh (lúc mính) của cô gái để mang về báo cáo nhà trai. Về phía nhà gái, thường thì ghi nhận ý kiến của nhà trai. Tuy nhiên, cũng có gia đình sẽ viện lý do cần có thêm thời gian để hỏi ý kiến con gái và họ hàng nội ngoại rồi trả lời sau (thực chất là để đề cao giá trị của con gái). Kết thúc lễ dạm ngõ, đại diện nhà gái sẽ trao cho nhà trai tờ lục mệnh (một tờ giấy đỏ, trên đó ghi đầy đủ ngày tháng năm sinh theo âm lịch của cô gái) mang về. Nếu vì lý do nào đó cần thời gian để xem xét thêm nhà gái sẽ không cho lục mệnh ngay mà hẹn trả lời sau.
Lục mệnh người con gái có ý nghĩa rất quan trọng. Lấy được lục mệnh về, nhà trai sẽ đi nhờ thày so số mệnh (hạp mính) cho đôi trẻ xem có hợp nhau hay không, cô dâu tương lai có hợp với bố mẹ chồng hay không, trường hợp có xung khắc thì ở mức độ nào, có khắc chế được không. Dù kết quả so số mệnh thế nào thì nhà trai cũng phải báo tin cho nhà gái biết. Nếu đôi trẻ hợp nhau nhà trai sẽ cho người đi sang nhà gái báo tin vui. Người đưa tin thường vẫn là người đại diện lần đi trước, tuy nhiên, lần này ông sẽ đi với tư cách ông mối (pú mòi), có vai trò quan trọng là người đại diện chính thức cho nhà trai trong các bước đi lễ tiếp theo sang nhà gái, giải quyết các vấn đề liên quan với nhà gái xung quanh chuyện cưới xin, đồng thời cũng là sứ giả nắm bắt mọi thông tin cần trao đổi qua lại giữa hai bên gia đình. Khi đi có chút lễ mang theo gồm chai rượu viền băng giấy đỏ và miếng thịt lợn tươi khoảng 1-2 kg. Tại nhà gái, ông mối thông báo tin vui và hai bên gia đình sẽ cùng bàn bạc cho bước tiếp theo. Trái lại, nếu duyên số của đôi trai gái không hợp nhau, không thể tiến tới hôn nhân, thì nhà trai cũng phải nhờ người báo tin cho nhà gái biết và phải cho người mang lễ tạ, kèm theo tờ lục mệnh trả lại cho nhà gái. Hoặc cũng có trường hợp nhà gái đổi ý, chủ động từ chối nhà trai thì sẽ phải cho người mang trả lại nhà trai toàn bộ số lễ đã nhận và xin chuộc lại tờ lục mệnh. Người ta tin rằng, trong tờ lục mệnh của nhà gái trao gửi cho nhà trai mang về đã có cả hồn vía (khoăn) của cô gái trong đó. Lấy lại lục mệnh, nhà gái sẽ phải trình báo tổ tiên để xin thu hồn (hom khoăn) con gái trở về với bản mệnh, ma nhà. Nếu không làm như vậy sợ rằng người con gái sẽ khó lấy được chồng. Những trường hợp trả lễ tuy rất ít gặp, nhưng ở địa phương đã từng xảy ra.
Lễ ăn hỏi (kin háp): sau lễ dạm ngõ, so tuổi đôi trai gái suôn sẻ, nhà trai sẽ chọn ngày lành, tháng tốt tiến hành lễ ăn hỏi. Trong lễ ăn hỏi, nhà trai tiếp tục cử ông mối làm đại diện ăn nói với nhà gái, cùng đi còn có một hoặc hai thanh nữ chưa chồng giúp gánh đồ lễ và phụ giúp tiếp tân. Lễ vật ăn hỏi gồm: 4 con gà thiến cỡ to, 20 bơ gạo nếp, 6 chai rượu, ít miến hoặc phở khô, mấy bơ lạc, trầu cau, thuốc lá. Để đón nhà trai, bên nhà gái cũng chuẩn bị thêm thực phẩm đủ làm vài mâm cơm mời họ hàng nội ngoại gần về dự. Đến nơi, lễ vật dâng lên bàn thờ trình báo tổ tiên nhà gái. Sau những lời trịnh trọng thưa gửi, giới thiệu thành phần tham dự, tuyên bố lý do của các vị đại diện hai bên, chủ khách cùng nhau ăn uống, chuyện trò, giao lưu. Kết thúc lễ ăn hỏi, bên nhà gái sẽ trao đổi với đại diện bên nhà trai về số lượng các khoản sính lễ mà nhà gái sẽ lấy trong ngày cưới để ông mối về báo lại cho nhà trai biết lo liệu.
Ảnh Duy Phong
Từ sau lễ ăn hỏi cho đến lễ cưới chính thức còn tùy vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của gia đình hai bên mà thời gian chuẩn bị có thể dài ngắn khác nhau. Trong thời gian chờ chuẩn bị đủ điều kiện làm đám cưới, gặp các dịp tết, lễ lớn trong năm, nhà trai đều sắm quà đi sêu tết nhà gái. Ngoài ra, trong thời gian chờ cưới, hai bên gia đình thường xuyên đi lại thăm hỏi nhau nhằm gắn bó thêm tình thông gia, đôi trẻ có thể đi lại hai bên nhà trai hay nhà gái để giúp công việc mùa màng, nhưng không được ngủ lại.
Gần ngày cưới, cả hai bên gia đình đều có nhiều việc phải lo toan. Bên nhà trai phải chuẩn bị buồng cho cô dâu. Trong khi bên nhà trai lo tìm chọn người để thành lập đoàn đón dâu, thì nhà gái cũng phải tìm chọn người lập đoàn đưa dâu về nhà chồng. Hai bên đều phải lo tìm những người giúp việc, đặc biệt là những tay làm bếp giỏi để có thể chế biến được cỗ cưới ngon mời khách.
2. Nghi lễ trong đám cưới
Lễ cưới hay đám cưới (kin lẩu): người Tày ở Tô Hiệu thường chọn thời gian từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 2 năm sau để tổ chức đám cưới. Theo quan niệm của đồng bào thì đây là mùa nông nhàn, thóc gạo đầy đủ, tiết trời se lạnh, hanh khô. Lễ cưới truyền thống được tổ chức trong 2 ngày (hôm trước bên nhà gái, hôm sau bên nhà trai). Ngày cụ thể phải dựa theo sách, do thày tào, thày mo xác định.
Để có thể lo liệu chu đáo các thủ tục nghi lễ trong đám cưới, hai bên gia đình sẽ phải lập ra đoàn đại diện cho mình, trong đó đoàn đón dâu (rặp lùa) bên nhà trai gồm có: ông đón (pú rặp) còn được gọi bằng các tên khác là pú quan lang, pú đại lương dẫn đầu đoàn, bà đón (da rặp), đi cùng với chú rể (khươi) có 1-2 phù rể (khươi roáng), hai cô đón (tao rặp); còn đoàn đưa dâu (slống lùa) bên nhà gái gồm có: bà đưa (tai slống) dẫn đầu, đi cùng với cô dâu (lùa) có 1-2 phù dâu (lùa roáng). Ngoài ra cả hai bên còn có những người giúp mang đồ sính lễ, của hồi môn đi theo đoàn, những người này đều là những nam thanh nữ tú chưa vợ chưa chồng.
Người Tày rất coi trọng ông đón, bà đưa, vì họ là những người được lựa chọn làm đại diện cho hai gia đình, tác thành nên hạnh phúc cho đôi trẻ và tình thông gia giữa hai bên. Vì vậy, khi đã thành vợ chồng rồi và cả khi đã có con cái, gia đình hai bên và đôi vợ chồng trẻ vẫn luôn biết ơn, kính trọng các ông bà này.
Lễ cưới bên nhà gái
Vào ngày cưới bên nhà gái, đoàn đón dâu nhà trai sẽ đưa chú rể sang nhà gái trình họ hàng. Lễ mang theo gồm: trầu cau, chè, thuốc, bánh chưng, cỗ xôi, con gà luộc chín và khoản tiền mặt theo như đã thỏa thuận. Tất cả các lễ vật đều được dán giấy đỏ hoặc buộc lạt nhuộm đỏ. Đoàn nhà trai trong trang phục quần áo mới, giày tất mới, chọn giờ tốt để khởi hành. Trước khi ra cửa, ông đón làm lễ trình báo lên bàn thờ gia tiên. Từ trong nhà đi ra các thành viên chú ý kiêng không dẫm chân lên bậu cửa chính, cho rằng như thế công việc đi sang nhà gái có thể gặp trục trặc, vấp váp, không thuận lợi. Trên đường đi cả đoàn nhất nhất tuân thủ hướng dẫn của ông, bà đón.
Khi đi đến đầu làng nhà gái, như trước đây, đoàn nhà trai có thể gặp các chướng ngại do lũ trẻ bày ra gọi là căng dây. Khi thấy bọn trẻ cầm sợi dây thừng hoặc dây rừng căng ra chắn ngang đường thì không ai được mắng, xua đuổi mà ông đón phải có lời, hoặc hát bài hát căng dây (bài hát quan làng trong đám cưới bằng tiếng Tày), đồng thời cho các em quà là gói xôi hoặc mấy đồng tiền lẻ để đi qua. Trước kia, khi gần đến nhà gái, nhà trai đốt pháo để báo tin, nhà gái cũng đáp lại bằng tiếng pháo thì nhà trai mới được vào. Khi đoàn nhà trai vào đến sân, dưới cầu thang nhà gái, giữa hai bên sẽ bắt đầu diễn ra màn giao lưu đối xướng như một cuộc thi tài thực thụ, trong đó tư cách đoàn nhà trai là khách đến nhà còn bên nhà gái là chủ nhà. Những bài hát đám cưới đậm chất trữ tình, lời lẽ bóng bẩy, ý nghĩa sâu xa được cất lên một cách ý nhị, khiêm nhường nhưng đầy “thách đố”, kèm theo những “chướng ngại vật” lần lượt được phía nhà gái dựng lên, đó là những khay rượu đầy tràn, được bày ra giữa cửa ra vào, trải chiếu cho khách ngồi, nhưng lại trải chiếu trái, chiếu ngược… buộc đoàn nhà trai phải “cất tiếng” hát đối đáp được thì phía nhà gái mới dỡ bỏ “rào cản” cho để vào nhà xin dâu. Nếu có vế hát đối nào phía nhà gái đưa ra mà đoàn nhà trai không đáp được thì ông đón sẽ bị phạt phải uống rượu rồi rào cản mới được cởi bỏ. Những màn trình diễn đối đáp thực chất là nhằm khuấy động không khí vui tươi, phấn khởi cho ngày vui hạnh phúc của đôi trẻ, của gia đình hai họ, qua đây hai bên càng thêm quý trọng nhau hơn.
Sau màn thi tài đối xướng tưng bừng, đoàn nhà trai vào nhà, ổn định chỗ ngồi, uống nước. Trong không khí trang trọng, trước sự chứng kiến của đông đủ khách mời hai họ, ông đón làm thủ tục giao lễ cho nhà gái để đưa lên bàn thờ gia tiên và xin được đưa rể ra trình diện họ hàng, quan khách bên nhà gái. Chú rể tay cầm hương thành kính lễ bái, dâng rượu lên bàn thờ gia tiên nhà gái. Sau lễ trình gia tiên là liên hoan tiệc cưới.
Lễ đưa dâu
Vào ngày tổ chức cưới bên nhà trai, giờ đón dâu vào nhà rất được coi trọng. Để đón dâu vào nhà được đúng giờ tốt, đoàn đưa đón dâu phải tính toán quãng đường đi, tiến hành thủ tục xin dâu sao cho khớp thời gian. Trước khi đoàn đón dâu ra cửa về nhà trai, ông đón làm lễ xin đón dâu. Các thành viên trong đoàn nhà trai lần lượt đi mời thuốc, trầu cau các ông bà, bố mẹ, chú bác và khách quý bên nhà gái. Ông đón trình bày lý do xin phép được đón dâu về để kịp giờ tốt vào nhà trai. Trước sự chứng kiến của ông bà đón, bên nhà gái bày một mâm lễ trước bàn thờ gia tiên, làm thủ tục tách ma. Bà đưa (nhà gái) châm hương để cô dâu và chú rể cùng thắp lên bàn thờ tổ tiên. Chủ nhà hoặc người đại diện cho nhà trai khấn báo tổ tiên về việc cho con gái xuất giá, từ nay gửi gắm con gái về nhà chồng xin được ma nhà chồng bao bọc, phù hộ. Sau cùng ông đón cất giọng hát bài Xin dâu ra cửa, người nhà gái chúc rượu tiễn đoàn ra cửa, riêng chủ nhà mời ông đón 4 chén rượu đi đường, ý là nội ngoại hai bên cùng giao phó trọng trách cho ông dẫn đầu đoàn đưa – đón dâu đi đến nơi về đến chốn.
Cô dâu bước ra cửa trên đầu đội nón hoặc không đội cũng phải có người cầm nón che. Trên đường đi về nhà trai, đoàn đưa – đón dâu phải tuân thủ một số kiêng kỵ như: gặp cầu, qua sông, qua suối, qua chỗ có thổ công, miếu thờ các phù dâu sẽ dừng lại đặt trầu cau, thuốc lá rồi mới đi tiếp, quan niệm để lấy may. Trên đường đi, nếu không kể những người mang đồ lễ, của hồi môn, thì thứ tự sẽ là chú rể và phù rể đi trước, tiếp đến là hai cô đón, đoàn đưa dâu và ông đón đi sau cùng. Đoàn đưa – đón dâu về đến nhà trai phải đúng giờ tốt mới được vào nhà, chưa được giờ tốt thì phải đợi ở phía ngoài. Nếu chẳng may trên đường đi gặp mưa gió các thành viên trong đoàn chỉ có thể trú dưới gốc cây hoặc trú nhờ ở dưới mái hiên nhà bên đường chứ nhất thiết không được bước chân vào nhà người khác để trú.
Lễ đón dâu
Trước khi bước chân qua ngưỡng cửa nhà trai, phía nhà trai đặt ra giữa cửa một khay rượu 4 chén và 2 chiếc đèn dầu thắp sáng với ý nghĩa ngọn đèn – lửa có thể tẩy trần, xua đuổi tà ma, rũ bỏ những uế tạp, dơ bẩn đeo bám theo cô dâu trên đường đi. Một trong hai cây đèn đó sẽ được đưa lên bàn thờ gia tiên, còn một cây bà đón đưa cho cô dâu cầm đem theo vào buồng. Ngọn đèn cô dâu cầm theo vào buồng được đặt trên đầu giường và thắp sáng mãi cho đến khi tự tắt.
Đến giờ đã định, bà đưa xin phép đưa cô dâu ra làm lễ bái tổ. Ông đón giới thiệu với hai họ, sau đó cô dâu dâng hương, dâng rượu, trầu cau, thuốc lá lên bàn thờ gia tiên nhà chồng. Sau lễ bái tổ, cô dâu mời trầu cau, thuốc, nước và tặng quà cho các bậc ông bà, cha mẹ, chú bác, anh chị bên nhà chồng. Bên nhà trai, các ông bà, bố mẹ… lần lượt tặng quà cho đôi vợ chồng trẻ. Kết thúc nghi lễ bái tổ và tặng quà, gia đình mời họ hàng, khách quý dự liên hoan tiệc cưới.
Tiệc cưới bên nhà trai
Người Tày gọi đám cưới là kin lẩu. Nghĩa đen của từ này là uống rượu và tiệc cưới người Tày có thể hiểu là cuộc rượu ăn mừng của họ hàng, bạn bè, người thân để chúc phúc cho cô dâu chú rể và gia đình hai họ. Do đó làm cỗ cưới đãi khách của cả bên nhà gái cũng như nhà trai đều phải tươm tất, rượu nhiều, món ăn đầy đủ, chế biến ngon, hương vị đặc sắc, đặc biệt trong đó không thể thiếu món truyền thống lợn quay, khâu nhục tẩm lá mắc mật. Cùng với không khí tiệc tùng linh đình, hoạt động văn hóa văn nghệ khuấy động không khí vui tươi luôn được cả già lẫn trẻ cổ vũ. Họ hàng ăn uống xong, cô dâu sẽ được hướng dẫn đi dâng nước cho ông bà, bố mẹ và các bậc cao niên rửa tay, mời thuốc nước mọi người.
Những người được mời dự cưới phải có quà mừng cưới. Chủ nhà giao cho một hoặc hai người đứng ra thu tiền có ghi chép vào sổ để sau này còn phúc đáp. Ngoài tiền mặt, quà tặng còn bằng hiện vật, đó là những vật dụng thiết thực trong cuộc sống hàng ngày: xoong, chậu, phích nước, ấm chén…
3. Nghi lễ sau đám cưới
Lễ lại mặt: theo phong tục, sau khi kết thúc mọi nghi lễ cưới và tiệc cưới bên nhà trai thì mọi người trong đoàn đưa dâu gồm bà đưa, phù dâu, những người khiêng tư trang, của hồi môn đều trở về bên nhà gái ngay. Nếu trường hợp nhà ở xa thì cũng nội trong sáng hôm sau là rời khỏi nhà trai. Riêng cô dâu ở lại thêm một ngày nữa, rồi mới cùng chú rể quay về nhà bố mẹ đẻ lại mặt. Lễ lại mặt có ý nghĩa nhắc nhở đôi vợ chồng trẻ về chữ hiếu với cha mẹ, không phải chỉ với bố mẹ chồng mà còn phải quan tâm, chăm sóc đến gia đình vợ, còn thể hiện sự quan tâm của nhà trai đối với nhà gái, họ hàng thông gia.
Hiện nay, kinh tế phát triển, nắm bắt được nhu cầu thay đổi nhận thức về phong tục cưới xin của người dân bản xứ, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều nhà hàng chuyên về dịch vụ cưới hỏi, làm biến đổi sâu sắc tập quán cưới xin ở địa phương nói chung và người Tày nói riêng. Vì vậy, việc nắm bắt quy luật, định hướng bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong văn hóa và phong tục cưới xin người Tày là hết sức quan trọng và cần thiết.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 – 2018
Tác giả : HOÀNG ĐỨC TRUNG
Bài viết cùng chủ đề:
Đời sống văn hóa gia đình của người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị và khu công nghiệp
Tập quán và nghi lễ sinh đẻ của người việt tổ dân phố nhân mỹ, phường mỹ đình 1, nam từ liêm, hà nội
Tập quán và nghi lễ cưới của người việt vùng đô thị hóa