1. Truyền thống dân chủ trong hoạt động bầu cử và quản trị đạo Tin lành
Đạo Tin lành được tách ra từ Công giáo vào TK XVI, du nhập, phát triển vào Việt Nam từ cuối TK XIX, đầu TK XX, do tổ chức Hội Liên hiệp Cơ đốc và Truyền giáo truyền vào. Đến năm 1911, đạo Tin lành đặt nhà thờ đầu tiên ở Đà Nẵng, sau đó tiếp tục phát triển đến Sài Gòn, Nha Trang, Mỹ Tho, Đà Lạt và Buôn Ma Thuột, Hà Nội (1). Nội dung cơ bản của đạo Tin lành vẫn giữ nguyên như Công giáo, nhưng về luật lệ, lễ nghi, cách thức hành đạo, cơ cấu tổ chức giáo hội thì có nhiều thay đổi, ảnh hưởng khá đậm nét tư tưởng dân chủ tư sản, nhấn mạnh ý chí cá nhân. Một trong những nội dung ảnh hưởng đậm nét tư tưởng dân chủ tư sản là hoạt động bầu cử chức sắc và quản trị giáo hội.
Đạo Tin lành không đề ra nhiều chức vụ như Công giáo mà chỉ gồm mục sư, dưới mục sư là truyền đạo, còn gọi là giảng sư. Một số hệ phái Tin lành vẫn duy trì chức giám mục. Hàng giáo phẩm đạo Tin lành chủ yếu là nam, một số phái có tuyển chọn các chức vụ là nữ. Ở đa số hệ phái Tin lành, vợ mục sư cũng được đào tạo trở thành người truyền đạo để hỗ trợ cho công việc của chồng. Hàng giáo phẩm đạo Tin lành không áp dụng luật độc thân như giáo sĩ đạo Công giáo mà được kết hôn, xây dựng hạnh phúc gia đình. Mục sư và truyền đạo Tin lành là những tín đồ bình thường được tuyển chọn, đào tạo riêng theo khả năng cho phép của từng tổ chức hệ phái. Sau thời gian học tập, các học sinh phải trải qua tập sự rồi mới được bổ nhiệm chức truyền đạo. Sau thời gian giữ chức truyền đạo, nếu họ đủ điều kiện thì mới được phong chức mục sư. Thông thường, mục sư mới là người có quyền chủ tọa một hội thánh cơ sở – chi hội.
Việc phong chức mục sư được thực hiện theo quy chế riêng do một hội đồng có thẩm quyền của giáo hội tiến hành. Một số hệ phái Tin lành lại áp dụng quy chế tín đồ bầu ra mục sư hoạt động trong từng thời gian nhất định. Các hoạt động của mục sư, truyền đạo của đạo Tin lành chịu sự kiểm soát của tín đồ. Nhiều hệ phái còn tổ chức cho tín đồ bỏ phiếu tín nhiệm cho mục sư, truyền đạo trong dịp hội đồng hội thánh cơ sở. Nếu mục sư, truyền đạo không còn đủ uy tín thì không được quyền chủ tọa chi hội nữa. Các chức vụ của đạo Tin lành tuy được coi là người chăn bày nhưng không có thần quyền. Do đó, vai trò đối với tín đồ của giáo sĩ đạo Tin lành không tuyệt đối như giáo sĩ Công giáo.
Về phương diện tổ chức, đạo Tin lành không lập ra tổ chức mang tính chất phổ quát cho toàn đạo, mà đi theo hướng xây dựng các giáo hội riêng rẽ, độc lập với những hình thức khác nhau theo từng hệ phái hoặc quốc gia. Trong cơ cấu tổ chức của giáo hội, những hệ phái Tin lành chủ trương giao quyền tự trị cho các giáo hội quốc gia. Giáo hội quốc gia lại giao quyền tự lập, tự trị, tự dưỡng cho các hội thánh cơ sở. Các cấp giáo hội bên trên hình thành phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cho phép. Thậm chí một số phái Tin lành cho tín đồ tự do tách khỏi hệ phái này để tham gia hệ phái khác, hoặc đứng độc lập. Các cấp lãnh đạo giáo hội của đạo Tin lành không nhất thiết phải cấu thành bởi các vị trong hàng giáo phẩm một cách cố định như Công giáo, mà có cả tín đồ tham gia thông qua bầu cử một cách dân chủ, hoạt động theo từng nhiệm kỳ. Đa số các tổ chức Tin lành thực hiện bầu chức danh lãnh đạo bằng cách trực tiếp, bỏ phiếu kín và từng người một. Đại hội các cấp của giáo hội (ở chi hội gọi là hội đồng, ở các cấp bên trên là đại hội đồng) có vị trí đặc biệt quan trọng. Nó quyết định mọi vấn đề trong hoạt động tôn giáo và xã hội, cũng như việc thay đổi cơ cấu tổ chức nhân sự, lề lối làm việc của giáo hội. Thành phần tham dự đại hội đồng gồm mục sư, truyền đạo và đại biểu tín đồ do các chi hội bầu cử theo số lượng quy định. Tùy từng hệ phái Tin lành mà đại hội đồng có thể tiến hành ba hay năm năm một lần, hoặc trong một thời gian thích hợp nào đó. Ngoài hai sinh hoạt về mặt tổ chức là hội đồng và đại hội đồng, các hệ phái Tin lành còn duy trì hoạt động bồi linh (còn gọi là linh tu) dành cho các chức vụ trong hàng giáo phẩm để nâng cao trình độ thần học và bồi bổ đời sống thuộc linh.
2. Truyền thống dân chủ trong hoạt động bầu cử và quản trị đạo Baha’i
Tôn giáo Baha’i, theo cổ ngữ Ả Rập nghĩa là người noi theo ánh sáng của Thượng đế, ra đời năm 1863 tại Ba Tư (nay là Iran). Người sáng lập là Baha’u’llah. Tôn giáo Baha’i bắt nguồn từ phong trào chủ nghĩa Babi ra đời ở Ba Tư, kéo dài trong khoảng 1844 – 1852. Người sáng lập ra phong trào này là Siyyid Ali Muhammad, được gọi là đức Bab. Ngày 23 – 5 – 1844, Siyyid kêu gọi thành lập một tôn giáo riêng biệt nhằm phục hưng đạo đức và tâm linh cho xã hội Ba Tư, cổ vũ vị trí của phụ nữ, cải thiện cuộc sống cho người nghèo, đề cao nền giáo dục nâng cao dân trí, cổ vũ cho các hoạt động khoa học hữu ích (2).
Đối với hoạt động quản trị, tôn giáo này đã thiết lập nên nền quản trị Baha’i gồm có hai bên. Một bên là chuỗi các hội đồng được bầu cử tại cấp địa phương, quốc gia và quốc tế để thực hiện thẩm quyền của tôn giáo tại cộng đồng Baha’i. Bên kia là những nhóm cá nhân thông thạo và nhiều kinh nghiệm được chỉ định để khuyến khích, tư vấn cho các hội đồng, cộng đồng tín đồ. Những cá nhân này là các vị cố vấn, không có chức năng tu sĩ, giúp đỡ rất nhiều cho một cộng đồng phát triển và không có thẩm quyền đối với hội đồng.
Hội đồng tinh thần là cơ quan quản lý đạo Baha’i được tổ chức thống nhất trên toàn thế giới. Hội đồng chia làm 3 cấp: địa phương, quốc gia và quốc tế. Trung tâm quốc tế tôn giáo Baha’i hiện nay đặt trên núi Carmel, tỉnh Haifa (Israel), đứng đầu là đức giám hộ. Đức giám hộ chỉ định trên toàn thế giới 27 vị phụ tá giám hộ để coi sóc các mối đạo và kêu gọi nhân loại xây dựng tòa nhà thống nhất. Hệ thống này là trụ cột thống nhất, giúp tín đồ tuân theo các giáo huấn của Baha’u’llah. Bên cạnh hệ thống trên, đạo còn có một hệ thống dân chủ, đó là các hội đồng tinh thần được bầu cử bằng phiếu kín.
Tôn giáo Baha’i không có các tu sĩ, việc đạo đã có hội đồng tinh thần tại mỗi địa phương lo liệu. Hội đồng này gồm 9 người được bầu lại hàng năm vào khoảng thời gian từ 21 – 4 đến 2 – 5. Trên hội đồng tinh thần địa phương là hội đồng tinh thần quốc gia, cao nhất là cấp quốc tế. Hội đồng tinh thần quốc tế được bầu tại Haifa từ năm 1963, gồm các thành viên của hơn 60 hội đồng tinh thần quốc gia và hội đồng tinh thần vùng.
Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng tinh thần là lo việc truyền giáo, tổ chức các cuộc lễ, lớp giáo lý, cuộc họp, Thánh lễ; ấn loát kinh sách, kiểm duyệt ấn phẩm về tôn giáo Baha’i; giải quyết vấn đề liên quan tới đời sống tín đồ, bảo vệ đức tin, nhắc nhở tín đồ tuân thủ các luật lệ tôn giáo, chính sách, pháp luật của nhà nước; tổ chức công tác từ thiện xã hội, đảm nhận vấn đề quỹ của đạo, chỉ định các tín đồ vào các Ủy ban đặc biệt để giúp việc cho hội đồng.
Hội đồng tinh thần Baha’i ở tất cả các cấp đều được bầu bằng phiếu kín, không có đề cử. Mỗi tín đồ được ghi một danh sách gồm 9 người Baha’i trưởng thành trong cộng đồng mà mình thấy có đức tính tốt, đủ khả năng và kinh nghiệm. 9 người có số phiếu cao nhất sẽ được đắc cử vào hội đồng. Sự thoái thác chỉ được chấp nhận khi có lý do thật chính đáng.
Như vậy, nền quản trị của tôn giáo Baha’i gồm một bên là các hội đồng công cử toàn cầu, cấp quốc gia và địa phương, có quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đối với cộng đồng. Còn bên kia là những nhóm cá nhân (cố vấn) có tài năng, kinh nghiệm, được chỉ định để làm tư vấn cho các hội đồng và tín đồ. Những cố vấn này không phải là tu sĩ, không có quyền quyết định đối với các hội đồng.
3. Tương đồng, khác biệt của truyền thống dân chủ trong bầu cử, quản trị của đạo Tin lành và Baha’i
Là những tôn giáo thế giới, đạo Tin lành và Baha’i ra đời cách nhau 3 thế kỷ, thuộc 2 nền văn hóa khác nhau (Tin lành thuộc nền văn hóa châu Âu, Baha’i thuộc nền văn hóa Ả Rập). Hai đạo này đều xuất phát từ các cuộc cải cách tôn giáo, ly khai khỏi tôn giáo gốc của mình (Tin lành ly khai Công giáo, Baha’i ly khai Islam). Chính cơ sở hình thành này đã tạo ra nhiều điểm tương đồng cho 2 tôn giáo, tiêu biểu nhất là trong truyền thống bầu cử, quản trị. Trong cơ chế bầu cử chức vụ lãnh đạo, quản lý tổ chức tôn giáo, cả chức sắc và tín đồ đều có quyền tự do bầu ra những người mà họ thấy có năng lực, tâm huyết, phẩm chất đạo đức. Những người trúng cử giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, nhưng không có thần quyền, không phải là cầu nối trung gian trong mối quan hệ giữa tín đồ với các đấng linh thiêng. Họ không được giữ chức vụ đến trọn đời mà hoạt động theo nhiệm kỳ dưới sự giám sát của tín đồ. Nhiều nơi, các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn bị lấy phiếu tín nhiệm. Nếu người nào đó không còn đủ tiêu chuẩn và tín nhiệm thì sẽ được thay thế bằng người khác. Chính cơ chế này đã tạo ra sức ép cho chức sắc, để họ phải luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.
Bên cạnh những tương đồng, đạo Tin lành và Baha’i còn có nhiều điểm khác biệt trong truyền thống dân chủ, quản trị. Khác biệt đầu tiên được thể hiện ở hình thức dân chủ. Đa số các hệ phái Tin lành vẫn thực hiện hình thức dân chủ đại diện. Các đại hội để bầu cử chủ yếu vẫn dưới hình thức đại hội đại biểu, rất ít nơi tổ chức đại hội toàn thể. Trong khi đó, với đạo Baha’i, tất cả hội đồng tinh thần các cấp đều thực hiện hình thức dân chủ toàn thể, theo thể thức bầu phiếu kín, kết quả theo đa số. Việc đề cử, vận động tranh cử, kết bè phái đều cấm. Khác biệt thứ hai là ở nhiệm kỳ đại hội. Đạo Tin lành quy định nhiệm kỳ đại hội thường kéo dài 3 – 5 năm, còn Baha’i là 1 năm. Trong khoảng thời gian nhiệm kỳ của đại hội, chức sắc của đạo Tin lành chịu sự kiểm soát của tín đồ. Nhiều hệ phái còn tổ chức cho tín đồ bỏ phiếu tín nhiệm cho mục sư, truyền đạo. Nếu mục sư, truyền đạo không còn đủ uy tín thì không được quyền chủ tọa chi hội nữa, nhưng đạo Baha’i không có hình thức này. Khác biệt thứ ba là ở việc bầu các vị trí chủ chốt lãnh đạo tổ chức. Đa số các hệ phái Tin lành khi tổ chức đại hội đều tiến hành bầu cử lần lượt cho từng chức danh như mục sư, giảng sư, thư ký… dưới hình thức phiếu kín, trực tiếp. Trong khi đó, đạo Baha’i không duy trì hình thức này mà chỉ bầu ra cơ quan lãnh đạo cao nhất là hội đồng tinh thần. Sau đó, hội đồng tinh thần sẽ tự bàn bạc, bầu ra những người giữ các vị trí khác nhau để lãnh đạo. Khác biệt cuối cùng là trong việc thiết lập cơ cấu tổ chức. Đạo Tin lành không lập ra tổ chức mang tính chất phổ quát cho toàn đạo, mà đi theo hướng xây dựng các giáo hội riêng rẽ, độc lập với hình thức khác nhau theo từng hệ phái hoặc từng quốc gia. Trong cơ cấu tổ chức của giáo hội, các hệ phái Tin lành chủ trương giao quyền tự trị cho các giáo hội quốc gia. Giáo hội quốc gia lại giao quyền tự lập, tự trị, tự dưỡng cho các hội thánh cơ sở. Đạo Baha’i thì xây dựng cơ cấu tổ chức thống nhất cho toàn đạo gồm 3 cấp: hội đồng tinh thần quốc tế, quốc gia và địa phương. Đối với hội đồng tinh thần địa phương, chỉ quy định số lượng tối thiểu tín đồ chứ không quy định tối đa. Ở mỗi địa phương, nếu đủ 9 tín đồ thì có thể thành lập hội đồng tinh thần. Mỗi hội đồng tinh thần địa phương hoạt động theo tinh thần tự sinh, tự dưỡng, tự truyền.
Tuy hình thức, mức độ dân chủ có khác biệt do xuất phát từ đặc điểm văn hóa, chính trị, xã hội khác nhau, nhưng truyền thống dân chủ trong hoạt động bầu cử, quản trị giáo hội của hai tôn giáo này đã và đang đáp ứng được nhu cầu, khát vọng của con người. Bên cạnh đó, truyền thống này cũng đã góp phần tạo ra lối sinh hoạt tôn giáo đơn giản, linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng và hoàn cảnh khác nhau.
_______________
1. Ban tôn giáo Chính phủ, Khái quát về đạo Tin lành, btgcp.gov.vn
2. Ban tôn giáo Chính phủ, Khái quát về đạo Baha’i, btgcp.gov.vn
Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016
Tác giả : HOÀNG MẠNH TƯỞNG
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn