DÀN NHÃ NHẠC TRONG LỄ NHẠC CUNG ĐÌNH TRIỀU NGUYỄN

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;}


 

1. Nhã nhạc

Nhã nhạc là tổ chức dàn nhạc được nhiều tài liệu đề cập. Tuy vậy, vấn đề biên chế của dàn nhã nhạc thì trong nhiều tài liệu đã không có sự thống nhất. Ngay Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề trong Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, đã mô tả không dưới 3 dàn nhã nhạc có biên chế khác nhau, đôi lúc đồng nhất nhã nhạc với bát âm. GS Trần Văn Khê trong Âm nhạc truyền thống Việt Nam cho biết, một biên chế nhã nhạc triều Nguyễn gồm 8 nhạc cụ, 7 loại gần giống với dàn nhạc đăng trong tập san BAVH – 1919, thiếu cây đàn tam và phách bản, cụ thể là: 1 bản cổ (trống một mặt), 1 tỳ bà, 1 đàn nguyệt, 1 đàn nhị, 2 địch (sáo ngang), 1 tam âm, 1 phách tiền.
Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề mô tả một biên chế nhã nhạc gồm 20 nhạc cụ, 12 loại trong lễ tế giao thời Nguyễn, mà chúng tôi đã phỏng đoán là cuộc tế vào năm 1915 gồm: 1 trống cái, 2 trống con, 2 trống tiểu bồng, 1 trống yêu cổ, 2 đàn nguyệt, 2 đàn tam, 2 đàn tỳ, 2 sáo, 2 đàn hồ, 2 đàn nhị, 1 sinh tiền, 1 tam âm la.
Dàn nhã nhạc này, khi mô tả ở lễ tế giao được ghi là 2 sáo, nhưng khi mô tả ở lễ đại triều, tác giả lại chép là 2 kèn. Điều này trái với thể chế của lễ nhạc: kèn trống, xập xõa thuộc ban cổ xúy, chỉ biên chế trong dàn đại nhạc và chỉ tấu trong những lễ thức quy định.
Sách Sử liệu lịch sử âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Dương Quang Thiện có chép một ban nhã nhạc gồm 9 loại nhạc cụ với 10 nhạc công. Đó chính là dàn nhạc đăng trong tập san BAVH – 1919, nhiều hơn 2 loại nhạc cụ là đàn tam và phách bản so với dàn nhã nhạc do GS Trần Văn Khê đã nêu.
Dàn nhạc trong tập san BNVH – 1919 có biên chế: 1 trống bộc, 2 sáo, 1 sanh tiền, 1 tam âm la, 1 phách hay sanh, 1 nhị, 1 tam, 1 nguyệt, 1 tỳ.
Chỉ có bộ nhã nhạc được mô tả trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (1) là quy mô lớn nhất, gồm: 1 trống mảnh, 1 đàn tỳ bà, 1 đàn nguyệt, 1 đàn nhị, 1 ống dích, 1 nhị tam âm, 1 sanh tiền, 1 bộ nhạc treo, 1 kiến cổ, 1 chuông lớn, 1 khánh lớn, 12 chuông nhỏ, 12 khánh nhỏ, 1 bác phụ, 1 chúc, 1 trống, 2 đàn cầm, 2 đàn sắt, 1 bài tiêu, 1 ống tiêu, 2 ốc đinh, 2 sênh, 2 huân, 2 trì, 2 phách bản.
Trong dàn nhã nhạc này, có 4 tên không xác định rõ là loại nhạc cụ gì, đó là ống dích, nhị tam âm, ốc đinhbộ nhạc treo. Đây là bản dịch, có thể sai sót về mặt dịch thuật, hoặc do lỗi nhà in, như trường hợp võ vũ côngvăn vũ công trong múa bát dật, được dịch thành vũ công quân sựvũ công dân sự. Điệu múa văn gọi là múa dân thường, và trầm trọng hơn, ngũ lôi dịch thành năm sấm sét !(2). Trong trường hợp này, ống dích có thể là ống địch (sáo ngang) chăng? Nhị tam âm có thể là tam âm la và cũng có thể là đàn tam, bởi 2 loại nhạc cụ này thường không thể thiếu trong biên chế dàn nhạc cung đình triều Nguyễn. Ốc đinh là loại nhạc cụ gì thì chúng tôi chưa rõ, nhưng không thể là loại tù và ốc biển (hải loa). Còn bộ nhạc treo, có lẽ là để chỉ cả 6 loại nhạc cụ treo được sắp xếp: kiến cổ, chuông lớn, khánh lớn, chuông nhỏ, khánh nhỏ và bác phụ.
 

2. Nhạc huyền

Một dàn nhạc khác, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ không thấy nêu nhưng có trong tài liệu của Trần Văn Khê, Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề và Thụy Loan, đó là dàn nhạc huyền.
Huyền là treo, chỉ những nhạc cụ treo trên giá, trong dàn nhạc huyền vẫn bao gồm các nhạc cụ khác không treo, thuộc nhóm hơi thổi và dây. So sánh 2 dàn nhạc huyền do Trần Văn Khê – Thụy Loan và Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề mô tả thì chỉ chênh lệch 2 loại nhạc cụ. Dàn nhạc huyền trong sách Trần Văn Khê – Thụy Loan thiếu 1 đặc khánh (khánh lớn) và 1 ngữ (bằng gỗ có hình thù con cọp nằm, trên lưng đục rỗng, đựng 18 miếng ngữ dựng đứng sát nhau, người ta dùng để báo tin hết một nhạc phẩm bằng cách dùng chiếc đũa gảy lướt trên 18 tấm ấy) (3) so với dàn nhạc trong sách Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề. Cụ thể là: 1 kiến cổ (trống lớn treo trên giá), 1 bác chung (chuông lớn), 12 biên chung (12 chuông nhỏ treo trên giá), 12 biên khánh (12 khánh đá nhỏ treo trên giá), 1 phục phụ (trống hai mặt, bụng trống to), 1 chúc (thùng bằng gỗ dùng để đánh lúc bắt đầu bài hát lễ), 1 cổ (trống), 2 cầm (đàn cổ cầm 7 dây), 2 sắt (đàn tranh loại 25 dây), 2 bài tiêu (hình cánh phượng do 17 ống trúc ghép lại), 2 tiêu ống thổi dọc, 2 địch thổi ngang, 2 sênh (loại khèn bàu 17 ống sậy), 2 huân (còi bằng đất nung, hình trứng ngỗng to), 2 trì (loại sáo cổ, thổi ngang), 1 phách bảng bằng gỗ.
 

Dàn nhạc theo Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề thì lại có biên chế: 1 trống lớn, 2 chuông lớn, 12 chuông nhỏ (biên chung), 1 khánh lớn (đặc khánh), 12 khánh nhỏ (biên khánh), 1 phụ (phục phụ), 1 chúc, 1 ngữ, 1 trống (nhỏ), 2 sênh, 2 phách, 2 ống tiêu lớn, 2 ống tiêu nhỏ, 2 sáo, 2 huân, 2 trì, 2 đàn cầm, 2 đàn sắt,  

 

Qua biên chế của 2 dàn nhạc: nhã nhạc lớn (tạm dùng để gọi dàn nhã nhạc trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ) và nhạc huyền, chúng tôi thấy chúng cùng được đặt trên một thể chế giống nhau là bát âm. Cả hai dàn nhạc đều đầy đủ các nhạc cụ được quy định trong hệ thống bát âm Trung Hoa: bào, thổ, cách, mộc, thạch, kim, ty, trúc. Vì vậy, giữa chúng gần như hoàn toàn giống nhau, kể cả dàn đường thượng chi nhạc thời Lê. Sự vắng mặt 1, 2 loại nhac cụ nào đó trong dàn nhạc này hoặc dàn nhạc kia, không ảnh hưởng lắm đến thể chế tổ chức, cũng như không làm phá vỡ chức thể của dàn nhạc. Tuy vậy, sự nhiều hơn của dàn nhã nhạc lớn so với dàn nhạc huyền lại mang ý nghĩa khác: dàn nhạc huyền như được tách ra từ dàn nhã nhạc lớn, hoặc nói cách khác, dàn nhã nhạc lớn là sự hợp nhất của dàn nhạc huyền và dàn nhã nhạc nhỏ (dàn nhã nhạc do Trần Văn Khê mô tả, hoặc là dàn tiểu nhạc)
So sánh số nhạc cụ và loại nhạc cụ của 3 dàn nhạc được tổ chức theo thể chế bát âm thời Nguyễn(4) sẽ thấy:
Dàn nhã nhạc lớn: 29 nhạc cụ, có 24 loại nhạc cụ.
Dàn nhạc huyền 1: 24 nhạc cụ, có 16 loại nhạc cụ.
Dàn nhạc huyền 2 : 28 nhạc cu, có 18 loại nhạc cụ.
Như vậy, dàn nhã nhạc lớn nhiều hơn dàn nhạc huyền 1 tám loại nhạc cụ, hơn dàn nhạc huyền 2 sáu loại nhạc cụ. 6 – 8 loại nhạc cụ trội hơn đó, là cơ chế của một loại dàn nhạc (nhã nhạc nhỏ hoặc tiểu nhạc) như đã trình bày ở trên, đó là: đàn tam (có thể là tam âm la), tỳ, nhị, nguyệt, ống dích (có thể là địch, sáo ngang), trống mảnh (trống bản một mặt), sanh tiền. Các nhạc cụ này, trong dàn nhã nhạc lớn được liệt kê theo thứ tự từ 1 liên tiếp đến 7. Từ nhạc cụ thứ 9 trở đi là cơ chế của dàn nhạc huyền 1 (dàn nhạc mà Trần Văn Khê, và sau đó là Thụy Loan đã mô tả trong tài liệu).
Ít nhất, từ đây dàn nhã nhạc lớn là một tập hợp chứa 2 đơn vị, 2 cơ chế của dàn nhạc lễ: dàn nhã nhạc nhỏ (tiểu nhạc) và dàn nhạc huyền. Trên quan điểm này, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ thêm: dàn nhã nhạc lớn, (mà các sử gia Nội các triều Nguyễn gọi là bộ nhã nhạc, chính nhạc) là tập hợp lớn chứa đựng các cơ chế dàn nhạc có tên trong nhạc lễ cung đình triều Nguyễn như: ty chung, ty khánh, tế nhạc…
 

3. Đại nhạc

Từ TK XIII, XIV thời nhà Trần, nước ta đã có dàn đại nhạc. Các nhạc cụ của dàn đại nhạc thời kỳ này đã được Lê Tắc (Lê Thực) chép trong sách An Nam chí lược:
Tất lật – loại kèn dăm có 3 lỗ, miệng kèn mạ vàng; tiểu quản – ống sáo có miệng kèn, một loại sáo dọc; tiểu bạt, chũm chọe nhỏ; phạn cổ – trống cơm (Lê Tắc có chú thích nguồn gốc Chiêm Thành và cách dùng cơm xát vào mặt trống); đại cổ, trống (5).
 

Đại nhạc thời bấy giờ chỉ dùng cho vua, còn kẻ giàu người nghèo chỉ được quyền dùng tiểu nhạc.

Đại nhạc được biên chế bởi các loại nhạc cụ có âm lượng lớn như kèn, trống, chiêng nên cũng thường gọi là cổ xúy nhạc, hoặc cổ xúy đại nhạc. Ngoài ra còn do tính năng sử dụng của nó mà đôi lúc đồng nhất với quân nhạc. Dưới triều Nguyễn, các tài liệu về đại nhạc tương đối thống nhất hơn dàn nhã nhạc. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (bản dịch) gọi là nhạc lớn có biên chế như sau: 20 trống, 4 thanh la nhỏ (loại chiêng phẳng nhỏ), 4 thanh la lớn (loại chiêng phẳng lớn), 8 kèn, 4 tù và sừng trâu, 2 tù và ốc biển (6).
Dàn đại nhạc hiện nay có biên chế: 1 trống đại, 1 trống chiến, 1 bồng, 1 não bạt, 1 mõ sừng trâu, 1 trống cơm, 1 kèn bầu (kèn đại), 1 kèn nhỡ (kèn trung).
So với bộ nhạc lớn được mô tả trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì dàn đại nhạc hiện nay có biên chế gọn nhẹ hơn và tăng cường thêm một vài loại nhạc cụ.
  

 

 
 

Dàn đại nhạc triều Nguyễn xưa 

         Đại nhạc thiên về chức năng triều nghi hơn là tế lễ, thường dùng trong không khí trang nghiêm của lễ đại triều. Do khả năng cơ động, có thể vừa đi vừa tấu nên thường tấu những lúc vua đến và vua về cung, tấu lúc binh lính đang diễu hành… vì vậy một số tài liệu cũng gọi đại nhạc là quân nhạc. Trong lễ tế giao hoặc các lễ tế lớn, đại nhạc chỉ tấu ở lễ thức phần sài, vọng liệu, lúc báo hiệu vua thăng đàn, giáng đàn và rước vua lên kiệu… 
 

 

  
 

Đại nhạc đang trên đường đến đàn tế giao

 

 

4. Vấn đề bảo tồn nhã nhạc
Nhã nhạc, một kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, được UNESCO công nhận vào tháng 11-2003. Trong đó, không phải chỉ là dàn nhã nhạc theo hệ thống tiểu nhạc (theo quan điểm của chúng tôi), mà ít nhất là phải phục hồi và bảo tồn cái thể chế của nhã nhạc. Theo đó các loại nhạc khí, dù là những nhạc khí đã thất truyền không còn người sử dụng như biên khánh, biên chung, chúc, ngữ, huân…vẫn phải phục chế lại (trước mắt để trưng bày chuyên biệt như một nhà bảo tàng nhã nhạc, với đầy đủ chủng loại nhạc khí thuộc thiết chế nhã nhạc cung đình triều Nguyễn); hệ thống bài bản âm nhạc của các ca chương trong tế giao, tế miếu cũng như các điệu múa thuộc cơ chế nhạc lễ hoặc liên quan đến nhã nhạc…Vì nếu không, theo thời gian các nhạc khí này, các bài bản âm nhạc của ca chương trong tế giao sẽ khó có thể phục chế, phục hồi được, và đó sẽ là những tổn thất lớn lao đối với di sản âm nhạc quý hiếm của tiền nhân để lại. Một cơ sở đào tạo, nghiên cứu có hệ thống ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên, đó chính là Học viện Âm nhạc Huế, theo chúng tôi, Bộ VHTTDL cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời để Học viện tổ chức các hội thảo quốc gia, quốc tế về bảo tồn và phát huy nhã nhạc trong đời sống cộng đồng hiện tại. Bản thân Học viện cũng phải chủ động tìm nguồn lực, giải pháp để giữ lấy những giá trị cốt lõi của thiết chế và thể chế nhã nhạc cung đình triều Nguyễn trong đời sống hiện nay.

_______________
1. Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, quyển 99, phần Nhạc khí, Nxb Thuận Hóa, Huế 1996, tr.113-115.
2. Những người bạn cố đô Huế (tập 2), phần Tế nam giao, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997.
3. R.Orband, Tế nam giao, các điệu múa (tập 2), Tập san BAVH, Huế, 1915, tr.136.
4. Dàn đường thượng chi nhạc thời Lê cũng cũng theo thể chế bát âm, nhưng so với dàn triều hạ yến hưởng chi nhạc của triều đình nhà Minh Trung Hoa lại không đầy đủ bằng các dàn nhã nhạc lớn và nhạc huyền triều Nguyễn. Đường thượng chi nhạc chỉ có 13 loại nhạc cụ.
 

5. Lê Tắc, An Nam chí lược, Viện Đại học Huế, 1961, tr.47, 48.
            6. Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ (bản dịch của Viện Sử học), tập VII, quyển 96, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, 112, tr.116-117.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 324, tháng 6-2011

Tác giả : Nguyễn Thị Việt Hà

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *