Đảng lãnh đạo đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam


Cùng với tiến trình đổi mới toàn diện đất nước, từ năm 2001 đến nay, Đảng đã định ra nhiều chủ trương lãnh đạo đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đã mang lại kết quả to lớn, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

1. Mục tiêu đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đó là, nâng cao chất lượng hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hóa, phô trương, hình thức, quan liêu, xa dân; củng cố hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy vai trò nhân dân làm chủ; thực hiện tốt việc tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giám sát và phản biện xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tính chủ động, sáng tạo và đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Các nhiệm vụ và giải pháp

Một là, đổi mới hoạt động tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo hướng mở rộng, hình thức tập hợp trong điều kiện mới phải hết sức phong phú, đa dạng và linh hoạt. Đại hội lần thứ IX (tháng 4-2001) của Đảng xác định: “Thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, mọi thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài”(1). Vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát huy tốt hình thức tự quản ở các thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố, hoạt động trên cơ sở hương ước, quy ước không trái pháp luật; chú trọng bồi dưỡng và hướng dẫn những người có uy tín trong cộng đồng tham gia đóng góp cho phong trào chung.

Hai là, tham gia xây dựng Đảng và xây dựng Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần đi sâu, đi sát các tầng lớp nhân dân, khơi dậy ý thức làm chủ của từng người dân; tập hợp ý kiến, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân theo hướng lắng nghe, đối thoại trực tiếp để phản ánh với Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật. Cử đại diện của Mặt trận tham gia các ủy ban, hội đồng, ban điều hành một số dự án, chương trình kinh tế – xã hội quan trọng có quan hệ trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân ở cơ sở.

Ba là, giám sát và phản biện xã hội. Mặt trận Tổ quốc phải dựa vào ý kiến của nhân dân để thực hiện vai trò giám sát hoạt động của Đảng, của Nhà nước, hoạt động và lối sống của đại biểu dân cử và cán bộ, công chức Nhà nước. Đó là những hoạt động thiết thực để cho Mặt trận góp phần làm trong sạch Đảng, Nhà nước, chống tham nhũng, quan liêu và các tiêu cực xã hội khác hiện nay. Đây là yêu cầu và nguyện vọng bức xúc của nhân dân đang gửi gắm đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đã được pháp luật công nhận. Phản biện xã hội là đòi hỏi cao hơn giám sát, yêu cầu Mặt trận đứng ở vị trí người dân để bình luận, nhận xét, đánh giá quá trình hoạch định và thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến lợi ích của nhân dân. Phản biện xã hội không chỉ là việc giám sát, đóng góp ý kiến với Đảng và Nhà nước, cũng không phải là hành động phản đối, bài bác, mà là việc bình luận, nhận xét, đánh giá, thẩm định của xã hội đối với sự lãnh đạo và điều hành đất nước, nhằm làm cho sự lãnh đạo, điều hành được tốt hơn.

Cần phải có ba điều kiện mới có thể thực hiện được sự phản biện xã hội: thứ nhất, có nhận thức thống nhất về sự cần thiết phải phản biện xã hội với Đảng, Nhà nước và của bản thân Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thứ hai, Mặt trận phải có đủ điều kiện về năng lực, trình độ, tư tưởng thực sự khách quan, bản lĩnh chính trị, chí công vô tư, hết lòng vì dân để thực hiện sự phản biện xã hội; thứ ba, có cơ chế để bảo đảm cho sự giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận được tiến hành một cách đúng đắn, thuận lợi và hiệu quả cao.

Bốn là, đổi mới hoạt động vận động thi đua yêu nước. Phát huy sức mạnh nội lực, hướng các hoạt động vào việc động viên phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo của toàn dân nhằm thực hiện thắng lợi những chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng. Tiếp tục duy trì có hiệu quả hai cuộc vận động lớn, mang tính toàn dân, toàn diện, toàn quốc và hiệu quả mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang chủ trì là: cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ở tất cả thôn, làng, ấp, bản, khu dân cư, làm cho mỗi khu dân cư ngày càng thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; cuộc vận động Ngày vì người nghèo, xây dựng Quỹ Vì người nghèo góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2005 cả nước không còn hộ đói, đến năm 2010 cơ bản không có hộ nghèo, không còn nhà dột nát; sau 18 năm từ khi phát động đến ngày 31-12-2018, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ hơn 50.000 tỷ đồng cho Quỹ vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội (2). Vận động các thành phố, các địa phương kinh tế phát triển, giúp đỡ vùng nghèo, các hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo. Thông qua các chương trình, dự án tạo điều kiện giúp đỡ người nghèo vay vốn, học nghề, áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ và kinh nghiệm của những người sản xuất giỏi vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thêm mùa vụ để vươn lên thoát nghèo.

3. Kết quả và kinh nghiệm

Từ năm 2001 đến nay, dưới sự lãnh đạo đổi mới của Đảng, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc đã đạt được một số kết quả quan trọng:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tăng cường củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua việc thực hiện đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp nhân dân, phát triển thêm các tổ chức thành viên và cá nhân tiêu biểu trong Mặt trận, tạo nên sự đa dạng, phong phú về tổ chức và hoạt động, sinh động, linh hoạt trong thành phần cơ cấu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, kịp thời phản ánh, tham mưu với Đảng, kiến nghị với chính quyền xây dựng những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội; tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, đảng viên, cán bộ, công chức, đại biểu dân cử; tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân ngày càng được phát huy tác dụng. Công tác hòa giải ở cơ sở đạt được nhiều kết quả, hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Các cuộc vận động thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động được nhân dân đồng tình ủng hộ, đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế:

Công tác tuyên truyền, nội dung, phương thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân chưa có sự đổi mới mạnh mẽ, chưa đi sâu nghiên cứu từng đối tượng cụ thể để có chủ trương, giải pháp vận động cho phù hợp trong điều kiện mới; hoạt động còn biểu hiện hành chính hóa và nặng hình thức, dàn trải, hiệu quả thấp; chưa nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề bức xúc của nhân dân.

Trong hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận chưa làm tốt vai trò phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chưa đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật; chưa tham mưu xây dựng cơ chế, cũng chưa thực hiện tốt hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa có hiệu quả.

Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận và các đoàn thể còn thiếu cơ chế phối hợp; còn hiện tượng trùng lắp, chồng chéo nhau trong các cuộc vận động, nhất là việc nhân đạo, từ thiện. Bên cạnh đó vẫn còn những cuộc vận động kém hiệu quả như phòng chống tham nhũng, lãng phí; chống xuống cấp về đạo đức, lối sống; thực hiện nếp sống văn hóa nơi công cộng; tệ nạn ma túy, phạm tội trong lứa tuổi thanh thiếu niên.

Thành công và hạn chế trong lãnh đạo của Đảng về đối với đổi mới hoạt động của Mặt trận từ năm 2001 đến nay để lại một số kinh nhiệm:

Một là, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, Đảng luôn giữ vững được sự lãnh đạo đối với đổi mới hoạt động của Mặt trận, cụ thể là sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận đã được khẳng định trong Điều lệ của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước; trong tất cả các nghị quyết đại hội, các nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương bàn về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hai là, tính chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong đổi mới hoạt động là phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân nhằm bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với đổi mới hoạt động của Mặt trận.

Ba là, phát huy vai trò của Nhà nước trong đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng không những trực tiếp lãnh đạo mà còn lãnh đạo thông qua bộ máy Nhà nước bằng việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, tạo ra sự liên kết, phối hợp giữa các hoạt động của cơ quan Nhà nước đối với Mặt trận.

Bốn là, lãnh đạo kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức liên minh, liên hiệp bao gồm nhiều thành viên, sự đổi mới hoạt động của từng tổ chức thành viên sẽ tạo nên sự đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tách rời sự đổi mới của các tổ chức, sẽ làm cho quá trình đổi mới hoạt động thiếu thống nhất, không hệ thống và nảy sinh nhiều bất cập.

_____________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.123.

2. Cổng Thông tin điện tử Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

 

Tác giả: Nguyễn Hữu Tuấn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 – 2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *