Đạo diễn Trần Lực và phong cách biểu diễn “Biểu hiện – Ước lệ” của Đoàn kịch Lucteam


Phong cách nghệ thuật của một nhà hát, một đoàn kịch chính là thương hiệu của đơn vị nghệ thuật ấy. Để có phong cách của một đơn vị nghệ thuật sân khấu, không thể một sớm một chiều, càng không phải chỉ có một nhân tố cụ thể nào, mà là một tổng thể những yếu tố hiện thân cho những đặc trưng căn cốt về tư tưởng, thẩm mỹ, quan điểm nghệ thuật, đề tài, thể tài hiện thực phản ánh, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, đối tượng khán giả nòng cốt, những truyền thống riêng biệt, độc đáo của nhà hát hoặc đoàn kịch, nhóm kịch, đặc biệt là phương pháp sáng tác mà đơn vị nghệ thuật có chủ đích hướng tới.

Bản chất của sự sáng tạo trong sáng tác là làm mới, xác lập, định hình được phong cách sáng tạo nghệ thuật, là ước muốn cho sự nghiệp, là mong ước của đời người nghệ sĩ. Trần Lực, nghệ sĩ đa tài thành công ở cả nghệ thuật diễn xuất và đạo diễn. Sau khi tốt nghiệp đạo diễn tại Bulgaria, về nước, anh nhập cuộc ngay vào quá trình sáng tạo nghệ thuật. Khởi đầu anh tham gia đóng một loạt vai diễn trong các bộ phim: Người đi tìm dĩ vãng (1992), Anh chỉ có mình em (1993), Mẹ chồng tôi (1994), Hoa ban đỏ (1994), Người yêu đi lấy chồng, Đời hát rong, Giải hạn (1996), Chuyện nhà Mộc (1998), Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Chuyện thày tôi (2000), Chiến dịch trái tim bên phải (2005), Long thành cầm giả ca (2010). Anh thành lập và là Giám đốc Hãng phim Đông A từ năm 2002 cho đến nay, tham gia làm đạo diễn cho các phim: Tết này ai đến xông nhà (2002), Hai Bình làm thủy điện (2000), Tivi về làng (2001), Đời chè (2005), Cocktail cho tình yêu, Chàng trai đa cảm (2007), Đầu bếp và đại gia (2008), Tìm lại chính mình (2009)… Với những đóng góp của mình cho điện ảnh nước nhà, Trần Lực được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

Trần Lực là con trai GS, NSND, đạo diễn, tác giả chèo Trần Bảng, mẹ anh cũng là nghệ sĩ diễn viên chèo. Thuở nhỏ, anh lớn lên bên cánh gà sân khấu, cùng với các vở diễn của cha, mẹ và các cô chú… Nghệ thuật Chèo ngấm vào máu thịt như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Tiếp đến những tháng ngày được đào tạo tại Bulgaria với những kiến thức sân khấu học, đạo diễn học, biểu diễn học (lý luận và kỹ xảo thực hành)… của sân khấu Stanislavski đã hun đúc sự say mê sáng tạo nghệ thuật trong anh ngày càng mạnh mẽ hơn. Với nỗ lực không ngừng, Trần Lực đã kiến tạo cho mình một nền tảng kiến thức cơ bản về lý luận, kỹ năng thực hành lẫn kinh nghiệm thực tế khá chắc chắn về sân khấu thế giới và sân khấu truyền thống dân tộc. Trần Lực đã xác định được khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật sân khấu của mình.

Trần Lực tham gia giảng dạy – đào tạo diễn viên tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Sau một thời gian, anh có trong tay dàn học sinh – diễn viên do chính mình đào tạo ra, là những sinh viên mới tốt nghiệp, tràn đầy nhiệt huyết và khát vọng sáng tạo. Hội tụ đủ điều kiện, Trần Lực lập nên Đoàn kịch LucTeam để thực hiện khát vọng. Trần Lực xác định: biểu hiện – ước lệ là cái “lõi” của phương pháp sáng tác, từ đó xác lập phong cách sáng tạo nghệ thuật mang đặc trưng riêng để xây dựng hình tượng nghệ thuật cho vở diễn sân khấu.

Để thực hiện phong cách biểu hiện ước lệ, Trần Lực cho biết, trước hết phải nâng cao khả năng khai thác và sử dụng hoạt động hình thể của diễn viên. Để hợp tác đi cùng với Trần Lực trong xây dựng vở diễn, diễn viên phải học thêm rất nhiều các hoạt động hình thể từ những môn nghệ thuật khác như: xiếc, múa nhảy, kịch câm…, đặc biệt trong việc khai thác, học cách sử dụng những chi tiết biểu đạt nghệ thuật hình thể trong kịch hát truyền thống Việt Nam. Tất cả những hoạt động hình thể của nhân vật phải được khai thác triệt để, hơn thế, những động tác hình thể ấy phải được diễn viên sử dụng thủ pháp nghệ thuật (cách điệu, ước lệ, biểu tượng, hiện thực chi tiết…) nâng tầm lên và được tiến hành rèn luyện chăm chỉ, thực hiện thuần thục, nhuần nhuyễn. Trần Lực cùng với diễn viên thực hiện quá trình thẩm mỹ hóa với những tiêu chí mỹ học phù hợp với thể loại, thể tài của từng vở diễn cụ thể. Tất cả những hoạt động hình thể của diễn viên được nâng cấp thành nghệ thuật hình thể mới, làm phương tiện thực hiện mong muốn sáng tạo theo phong cách biểu hiện ước lệ để xây dựng vở diễn sân khấu kịch nói.

Từ những cảm thức – suy cảm mới đối với hiện thực đương thời, phải hình thành cho được đặc trưng “lõi” của phong cách nghệ thuật là vấn đề biểu hiện – ước lệ. Sau đó, thâm nhiễm và toát ra từ những vấn đề mà xã hội quan tâm, giá trị căn cốt của hiện thực cuộc sống mà các nghệ sĩ của Đoàn kịch LucTeam muốn lan tỏa. Đặc biệt, phong cách ấy phải quán triệt đầy đủ các nguyên tắc chủ yếu của phương pháp sân khấu: “tự sự – biểu hiện – ước lệ – đồng cảm – hồn nhiên”. Trên cơ sở ấy, Trần Lực cùng ekip sáng tạo ra những tổ hợp ngôn ngữ phù hợp với từng vở diễn, đề tài, thể tài… của nghệ thuật diễn viên, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, các thành phần nghệ thuật và các yếu tố kỹ thuật cùng tham gia xây dựng vở diễn, luôn đa dạng, phong phú và mới mẻ, giàu sức miêu tả và biểu cảm nhằm biểu hiện nội dung đời sống của những vấn đề, những con người – nhân vật được phản ánh trong các vở diễn. Hàng loạt các vở diễn lần lượt ra đời: Cơn ghen của Lọ Lem, Quẫn, Bà Triệu, Ca sĩ hói đầu, Kiều, Bạch Đàn Liễu… Các vở diễn này có đề tài khác nhau, xảy ra trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, của nhiều dân tộc… nhưng Trần Lực đều sử dụng một phong cách để xây dựng các vở diễn.

Để thấy rõ sự làm mới tạo dựng một phong riêng biệt của Trần Lực trong sáng tạo xây dựng hình tượng nghệ thuật cho vở diễn sân khấu, chúng ta cùng tìm hiểu một số tác phẩm mà anh đã làm: Quẫn, Cơn ghen của Lọ Lem, Ca sĩ hói đầu, Bạch Đàn Liễu

Vở diễn đầu tiên cùng với sự ra đời của đoàn kịch LucTeam là vở Quẫn, kịch bản được Lộng Chương viết năm 1959, Trần Lực dàn dựng với phong cách mới, góc nhìn mới, phản ánh bản chất hiện thực cuộc sống. Chuyện về gia đình ông bà Đại Cát – một gia đình tư sản trước chính sách công tư hợp doanh của Nhà nước. Lo sợ khối tài sản lớn tích cóp bị mất trắng, ông bà Đại Cát tìm mọi cách để cất giấu và tẩu tán. Mọi câu chuyện diễn ra với những diễn biến tâm lý phức tạp của hai vợ chồng ông bà Đại Cát, bà mẹ Đại Lợi và em gái Đại Hưng đều được phơi bày… được phản ánh dưới góc nhìn của người đương đại. Theo phong cách biểu hiện ước lệ, ngay từ việc xử lý sân khấu, đã để người xem cùng tham gia vào quá trình tưởng tượng của diễn viên. Diễn viên sử dụng những động tác nghệ thuật hình thể bộc lộ thái độ trước không gian sân khấu. Sau khi nắm vững nội tâm, diễn biến trạng thái tâm lý nhân vật, diễn viên phải tìm cách thể hiện ra bên ngoài cho khán giả biết. Diễn viên lựa chọn một con đường diễn tả bằng ngôn ngữ hình thể là nhiều nhất (sáng tạo hoạt động nghệ thuật hình thể điêu luyện của diễn viên mới thể hiện được đầy đủ và rõ nét nhất). Với sự say mê, tâm huyết, quyết tâm rèn luyện và sáng tạo vở diễn đã đạt được mong đợi của ekip.

Tiếp tục với phong cách biểu hiện ước lệ, Trần Lực xây dựng vở Cơn ghen của Lọ Lem, tác phẩm hài kịch của Moliere được viết từ TK XVII phản ánh thói kệch cỡm, đạo đức giả, gia trưởng và lố bịch trong xã hội tiểu thị dân nước Pháp. Với phương châm vở diễn có nội dung cũ nhưng được thể hiện với phong cách mới dưới góc nhìn mới của nghệ sĩ đương đại. Hiện thực cuộc sống trong nguyên tác vẫn được Trần Lực phản ánh đầy đủ: một gia đình có ba người với những xung đột cần được giải quyết, ông tiến sĩ luôn yêu cầu mọi người gọi là doctor, một kẻ hay khoe khoang, háo danh… Galic – một cô vợ mộng mơ về một thứ tình yêu vĩnh cửu có đời sống tình cảm phức tạp… Chàng Lọ Lem – một ông chồng ghen tuông, trưởng giả, luôn bắt cô vợ Galic phải phục tùng nguyện vọng, sở thích của mình. Moliere viết tác phẩm theo thể loại hài kịch, chú trọng đến các tình huống kịch trái chiều để tạo nên sự hài hước. Trần Lực định hướng sáng tạo bằng cách yêu cầu diễn viên khai thác những chi tiết biểu đạt hình thể trên toàn bộ cơ thể (đi, đứng, nhảy, múa, ca hát…) phối kết hợp với nghệ thuật nói (lối nói, cách nói dí dỏm, hóm hỉnh…) tạo nên lối diễn tung hứng rất chi tiết và xử lý tiết tấu nhịp điệu hoạt động nghệ thuật hình thể của các diễn viên để tạo ra sự hài hước cho các nhân vật, tạo nên sự độc đáo cho vở diễn.

Một cảnh trong vở Nữ ca sĩ hói đầu – Ảnh tác giả cung cấp

Với sự sáng tạo không ngừng, Nữ ca sĩ hói đầu của Eugène Ionesco, nhà văn nổi tiếng người Pháp gốc Rumani được đạo diễn Trần Lực cùng ekip tiếp tục đưa vở kịch phi lý lên sân khấu Việt Nam. Kịch phi lý chủ trương phá vỡ cấu trúc của kịch truyền thống, câu chuyện kịch, tâm lý nhân vật, tính logic hành động… đều trở thành thứ yếu đối với kịch phi lý.

 Nữ ca sĩ hói đầu của Trần Lực vẫn là vở diễn có bối cảnh đơn giản, mọi chuyện được diễn ra trong căn phòng của một gia đình trưởng giả nước Anh. Vẫn với phong cách ước lệ, biểu hiện, trên sân khấu chỉ có cái tủ nhỏ, chiếc đồng hồ treo tường và mấy cái ghế. Thay bằng việc sử dụng những bộ trang phục lộng lẫy đắt tiền cho vai diễn, Trần Lực để các nghệ sĩ sử dụng đồng bộ những cái tay áo dài có màu xám khiến khán giả liên tưởng đến đồng phục ở trại tâm thần, phù hợp với kịch phi lý với rất nhiều những điều “tưởng như không thể, như phi lý”.

Diễn viên thực hành diễn xuất với cách sử dụng nghệ thuật nói, kết hợp lối nói cách nói đi kèm nghệ thuật hình thể với những chi tiết và những tạo hình, tạo dáng cùng những động tác nhảy múa vừa cổ điển xen hiện đại để thể hiện những câu chuyện chẳng có đầu có cuối, nhưng lại được tung hứng rất nhịp nhàng, đầy thú vị, “hút” được chú ý theo dõi của người xem. Những câu chuyện phi lý được đẩy lên cao trào khi nhà có thêm khách. Sự bịa đặt dối trá của nhân vật này được tiếp nhận bằng phản ứng của nhân vật khác cũng rất phi lý, không lý giải nổi, nếu có lý giải cũng chẳng đi đến đâu. Phản ứng thái quá của một nhân vật ngay lập tức được nhân vật khác tìm cách khác lý giải một cách hợp lý, đó cũng chính là yếu tố khôi hài để khán giả thấy bật cười vì sự phi lý đó. Rồi người xem tự nhận ra được ẩn sau những câu chuyện tưởng như chẳng đâu vào đâu, lại chứa đựng những thông điệp bộn bề của cuộc sống rất cần suy nghĩ. Diễn viên khai thác sử dụng ngôn ngữ đa phương tiện, kết hợp với cách diễn (thoại và nhảy múa ca hát) của kịch phương Tây với cách biểu diễn (biểu hiện, ước lệ) của nghệ thuật sân khấu Á Đông tạo ra một sự khác biệt. Cách pha trộn nhào nặn những hoạt động nghệ thuật trong vở diễn tạo sự khác biệt đã làm cho vở diễn được Việt hóa, phản ánh tính phổ quát của con người, có lẽ là mong muốn của đạo diễn Trần Lực và ekip LucTeam.

 Mong muốn của Eugène Ionesco định hướng khán giả tiếp nhận sự vận động của thế giới khách quan theo một cách nhìn mới. Trần Lực đã nối thêm, cho khán giả Việt Nam góc nhìn mới để tiếp cận cuộc sống với rất nhiều biến động.

Bạch đàn liễu của LucTeam là vở diễn gần đây của đạo diễn Trần Lực vẫn được dàn dựng với cùng một phong cách biểu hiện ước lệ. Kịch bản văn học của Xuân Trình, tác giả viết từ năm 1972; lấy bối cảnh làng quê Bắc Bộ năm 1968, xoay quanh chuyện tình của Độ – Liễu, mở đầu từ cây bạch đàn và kết thúc khi gốc cây bị đốn ngã, qua đó đưa ra thông điệp về thực trạng cán bộ lạm dụng chức quyền, tham nhũng khiến người dân khổ sở. Đạo diễn Trần Lực muốn làm mới, đem đến cho người xem một món ăn tinh thần theo nguyên tắc thẩm mỹ khác lạ, Trần Lực muốn diễn viên khai thác, sử dụng nghệ thuật hình thể là ngôn ngữ cơ bản làm phương tiện kết hợp với nghệ thuật ngôn ngữ nói theo phong cách biểu hiện ước lệ của kịch hát truyền thống. Để đạt được tiêu chí mỹ học, Trần Lực muốn hướng tới cho vở diễn, kịch bản cần được biên tập lại, giữ lại lời thoại căn cốt của nhân vật để giá trị cốt lõi của văn bản kịch còn nguyên vẹn, đưa một số từ mới phù hợp với thời đại vào vở diễn, ngôn từ được giảm đi bằng cách gia tăng ngôn ngữ hình thể (được khai thác sử dụng theo cách đã định) mà vẫn thể hiện được hiệu quả, lột tả bản chất của hiện thực cuộc sống. Đạo diễn kết hợp với chuyên gia am hiểu chuyên sâu hình thể kịch hát truyền thống cùng diễn viên khai thác rèn luyện và hoàn thiện nghệ thuật hình thể để sử dụng thực hành diễn xuất. Đạo diễn chỉ đạo các nghệ sĩ, kỹ thuật viên, các bộ môn nghệ thuật khác tham gia xây dựng vở diễn chuẩn bị tốt bối cảnh, đồ vật, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng… tạo điều kiện tốt nhất để diễn viên nâng cao khả năng thực hiện hoạt động nghệ thuật hình thể, thực hành diễn xuất hiệu quả.

Cùng một nội dung của tác giả Xuân Trình, vở Bạch Đàn Liễu của Trần Lực khác hẳn với vở diễn của NSND, đạo diễn Đình Quang. Hai vở diễn ra đời ở những thời điểm khác nhau, phong cách khác nhau, vẫn lột tả đầy đủ bản chất hiện thực cuộc sống của con người luôn hiện hữu. Tuy nhiên, mỗi nghệ sĩ với cách khai thác, sử dụng hoạt động nghệ thuật hình thể cho vở diễn có những tiêu chí mỹ học khác nhau, kết hợp với các hoạt động nghệ thuật khác nhau, tạo nên phương pháp sáng tác khác nhau. Mỗi hình thức khai thác ngôn ngữ nghệ thuật của đạo diễn sẽ tương ứng nguyên tắc thẩm mỹ thể loại của từng vở diễn cụ thể, tạo nên những tác phẩm có dấu ấn riêng của đạo diễn đó.

Hoạt động sáng tạo của Trần Lực rút ngắn thời lượng của vở diễn từ 180 phút xuống 79 phút mà tác phẩm vẫn chuyển tải hết thông điệp thời đại với đầy đủ nội dung. Vở diễn cuốn hút người xem bởi khả năng diễn xuất đồng nhất với phong cách chỉ đạo diễn xuất của dàn diễn viên tham gia xây dựng vở diễn: NSND Trung Anh (vai ông Lượng); Hoàng Tùng (vai Quyền), Khuất Quỳnh Hoa (bà Lượng), Ngọc Trâm (Phái và Bí thư), Lê Minh Quân (vai Độ), Phương My (vai Liệu). NSND Trung Anh (vai ông Lượng – bố của Độ) là một trong những nghệ sĩ tài danh luôn chú ý khai thác chi tiết các hành vi cử chỉ và nâng tầm lên thành hoạt động nghệ thuật hình thể. Trong vở diễn này, NSND Trung Anh đã diễn tả những cảm xúc lẫn lộn của một người nông dân không có tiền và quyền khi phải lựa chọn giữa hạnh phúc và tương lai của con trai. Ông lựa chọn hành vi: quỳ lạy chính người con dâu tương lai, khúm núm nịnh bợ quan xã, tự tay đốn hạ cây bạch đàn trong dằn vặt đau đớn. Cách thể hiện từng nhát búa nện vào cây bạch đàn nghe chát chúa như sự uất hận đã bị kìm nén, nay được lúc phát lộ… đã tác động mạnh đến hệ thống tự cảm của người xem. Cùng với đạo diễn, diễn viên Hoàng Tùng đã khai thác, tập hợp những hành vi cử chỉ đã được mô hình hóa của các vai mẫu trong chèo (xã trưởng, hề chèo, thầy bói…) để thể hiện được vai diễn vừa tham lam, lanh lợi, lá mặt lá trái, khó lường, đáng trách… nhưng không xơ cứng – loại người sẵn có trong mọi thời đại. Cách thể hiện này giúp cho khán giả tiếp nhận một cách dễ dàng và không bị căng thẳng.

Qua vở diễn Bạch đàn liễu, đạo diễn Trần Lực đã cùng các diễn viên bước thêm một bước tiến đáng kể trong việc tạo dựng và khẳng định một phong cách sáng tạo độc đáo: biểu hiện ước lệ trong dàn dựng biểu diễn kịch Việt Nam. Đánh giá về vở diễn Bạch đàn liễu với phong cách dàn dựng của Trần Lực, NSND Phạm Nhuệ Giang nhận xét: “So với các vở khác của LucTeam, mình thích vở này vì ngôn ngữ tiết chế, hiện đại, bi hài không phô diễn mà rất kinh điển. Đạo diễn Trần Lực và diễn viên thật sự rất sáng tạo diễn hình thể…” (1). Ca ngợi khả năng sáng tạo của Trần Lực, nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng viết: “Không có công trình lý luận nào lường trước được khả năng sáng tạo của nghệ sĩ. Trần Lực là đạo diễn hiện đại vượt trội, xử lý nguyên liệu một cách quá xuất sắc. Khán giả từng choáng với Quẫn thì lần này lại choáng với Bạch đàn liễu, cả hai đều là những kiệt tác của quá khứ được kể lại bằng tinh thần hiện đại” (2).

Kịch nói Việt Nam từ khi hình thành đến nay có rất nhiều đạo diễn đã vận dụng hoạt động nghệ thuật hình thể làm thủ pháp nghệ thuật làm điểm nhấn, đem đến sự hấp dẫn để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Khác với những đạo diễn khác sử dụng nghệ thuật hình thể như một thủ pháp nghệ thuật để xử lý mảng miếng nghệ thuật cho vở diễn, Trần Lực chú tâm khai thác sử dụng nghệ thuật hình thể tạo dựng một phong cách biểu hiện ước lệ để dàn dựng vở diễn sân khấu. Trần Lực cũng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố hồn nhiên ngây thơ trong thực hành diễn xuất. Anh chia sẻ rằng người nghệ sĩ, diễn viên phải nuôi dưỡng sự hồn nhiên ngây thơ, tin yêu vào cuộc sống, phải hồn nhiên ngây thơ như những đứa trẻ như đang chơi trò chơi mới tin được vào những giả định với thiết kế sân khấu tối giản nhất, diễn viên sống trong tưởng tượng, lôi kéo thuyết phục được khán giả cùng sống và tin vào thế giới mà nhân vật đang sống.

___________________

1, 2. Lê Thị Bích Hồng, “Bạch đàn liễu” trở lại sân khấu, toquoc.vn, 31-11-2019.

BÙI NGỌC THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *