Dấu tích một số làng chăm trên xứ bắc


 

Làng vốn là một đơn vị cơ bản trong kết cấu xã hội Việt truyền thống. Nó có kết cấu chặt chẽ nhưng đa diện, đa sắc, phức tạp về mặt quản lý cũng như tổ chức cộng đồng. Hay nói theo cách khác, kết cấu đóng – mở có tính lưỡng nguyên của làng đã tạo nên tính cách đặc thù mang đậm chất tiểu nông, nông dân trong tâm thức người Việt. Góp phần vào tính đa diện, phồn tạp nhưng chặt chẽ của làng xã Việt ấy là những “tù binh” (1) Chiêm Thành được mang về từ sau những cuộc chiến trong lịch sử với Đại Việt hoặc những người Chăm chạy sang quy phụ triều đình Đại Việt.

Sau những lần đụng độ quân sự giữa hai quốc gia Đại Việt – Chămpa trong lịch sử, hàng vạn “tù binh” được đưa về và cho an cư rải rác trên đất Bắc. Theo sử cũ, cuộc đụng độ quân sự đầu tiên giữa hai vương quốc đã diễn ra vào năm 979. “…Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn hơn nghìn chiếc thuyền thủy quân của Chiêm Thành vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư. Do hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, qua một đêm gặp gió nổi lên, thuyền đều chìm đắm, Nhật Khánh và người Chiêm đều chết đuối, duy chỉ có thuyền vua Chiêm trở được về nước” (2). Do xảy ra biến cố thiên tai như vậy, nên chưa thấy sự xuất hiện của người Chăm trên đất Việt. Tuy nhiên, sang đến thời Tiền Lê, năm 982, “vua (Lê Hoàn) thân đi đánh nước Chiêm Thành thắng được… Chiêm Thành thua to; bắt được binh sĩ không biết bao nhiêu mà kể; bắt được kỹ nữ trong cung trăm người và một thầy tăng người Thiên Trúc…” (3). Sau này, trong đám kỹ nữ, cung phi Chăm ấy, có bà đã trở thành thê thiếp của Lê Hoàn và là mẹ của hai ông vua Long Việt, Long Đĩnh (4).

Sang hai thời Lý – Trần, tần xuất đụng độ/giao tranh giữa Đại Việt và Chămpa xảy ra nhiều, với 41 lần (5) gồm cả đánh lớn, đánh nhỏ lẫn cướp bóc, phá phách. Trong đó, những lần đánh lớn vào Chămpa, các vua Lý – Trần đều có bắt “tù binh” mang ra miền Bắc. Cụ thể là, năm 1044, “mùa xuân, tháng giêng, vua thân đi đánh Chiêm Thành… bắt được 30 voi nhà, bắt sống được 5.000 người” (6). Năm 1069, Lý Thành Tông chinh Chiêm lần thứ hai, trong lần này” bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người” (7). Năm 1252, “mùa đông tháng 12, (vua Trần Thái Tông thân đi đánh Chiêm Thành), bắt được vợ vua nước ấy là Bố Da La và các thần thiếp nhân dân rồi về” (8). Sự kiện này không cho chúng ta thấy số lượng người bị bắt, nhưng cũng có thể thấy sự đa dạng về thành phần đẳng cấp trong “đám tù binh” này.

Thời Lê sơ, quan hệ giữa Đại Việt và Chămpa có những thay đổi mạnh mẽ. Ngay bên trong Đại Việt, sự chuyển đổi từ mô hình nhà nước dựa trên nền tảng Phật giáo sang độc tôn Nho giáo đã tạo cho Đại Việt có những thay đổi đáng kể. Chính vì vậy mà vương triều Lê sơ coi Chămpa như dân man, tôi thuộc của mình. Các vua Lê thường lấy cớ “quấy nhiễu”, hay “trái lễ giáo Khổng Mạnh” để đánh Chiêm Thành. Năm 1445, “tháng 12, (vua) sai Bình chương sự Lê Khả đi đánh Chiêm Thành”. Năm 1446, “mùa hạ tháng 4, các quân của Lê Thụ đánh phá được thành Chà Bàn, bắt được vua Chiêm là Bí Cai và các phi tần, bộ thuộc, ngựa voi, đồ quân khí của các tướng đầu hàng rồi về” (9). Năm 1471, Lê Thánh Tông đã tổ chức một cuộc chinh phạt quy mô lớn vào Chiêm Thành, đây là trận đánh đã gần như quyết định số phận của vương quốc này. Sử cũ không ghi chép về số lượng người Chăm được mang ra Bắc nhưng sau này, việc ra chính lệnh bắt người Chiêm, Lào phải đến kê khai tên ở viện Châu Lâm, hoặc lệnh cấm quan lại và người dân không được lấy vợ người Chiêm để phong tục được thuần hậu đã cho thấy sự có mặt đông đúc của người Chiêm trên đất Đại Việt, trong đó có châu thổ Bắc Bộ.

Người Chiêm trên đất Việt đã tụ lại thành những đơn vị làng xã để tồn tại, sinh sống rồi phát triển, hòa mình vào với dòng chảy văn hóa Việt Nam. Những làng Chăm trên đất Bắc đã tạo ra những dấu ấn đặc thù của riêng mình bên cạnh những hằng số của làng xã Việt. Có thể kể đến những địa bàn người Chăm tụ cư tạo thành những làng xã trên đất Bắc nói chung và đặc biệt là châu thổ sông Hồng nói riêng. Tại Thăng Long – Hà Nội, có các làng (nay đã trở thành xã/phường) như: Xuân La, Xuân Đỉnh, Phú Gia,… (quận Tây Hồ); Nhật Tảo (Từ Liêm); Giáp Tứ, Giáp Nhị, Yên Sở, Vĩnh Hưng,… (Hoàng Mai); Nhân Hòa, Triều Khúc,… (Thanh Trì). Xứ Đoài (Hà Tây trước kia, nay đã sáp nhập về Hà Nội) có các làng như: So, Sở, Sấu, Giá… Xứ Kinh Bắc có làng Diềm… (Bắc Ninh), làng Cảnh Thụy,… (Yên Dũng, Bắc Giang)… Và, còn nhiều địa phương khác quanh Thăng Long – Hà Nội như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái. Ngay cả xứ Nam như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình,… còn có nhiều dấu vết của làng Chăm trên đất Bắc.

Trong quá trình lập thành làng xã, rồi dần dà phát triển, mở rộng, những làng Chăm trên đất Bắc đã được Việt hóa mạnh mẽ. Hay nói theo cách khác, mô hình làng Việt truyền thống đã được Chăm hóa. Theo quan điểm của tác giả, quá trình giao thoa – tiếp biến văn hóa luôn diễn ra hai chiều, có sự tương tác qua lại trong cùng một thời điểm, một không gian nhất định. Khi tiếp nhận những yếu tố ngoại lai, bản thân mỗi nền văn hóa đã ít nhiều thay đổi, song chính những yếu tố ngoại lai đó cũng đồng thời tự thay đổi, không còn nguyên gốc. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả không thể đi sâu vào khảo cứu tất cả các làng Chăm đất Bắc kể trên, mà chỉ đi vào một vài trường hợp điển hình mà hiện nay vẫn còn những dấu tích dưới dạng vật thể hoặc phi vật thể, nhất là những thư tịch thành văn vẫn còn được lưu giữ tại địa phương.

Trước hết, có thể nhắc đến Phú Gia (Phú Thượng, Tây Hồ), một làng Chăm điển hình của thời Lý – Trần, nơi nhà ngoại giao kỳ tài Trần Nhật Duật từng đến thăm thú cảnh vật, giao lưu với cư dân địa phương. Sử chép, “Nhật Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (thôn này là khi Lý Thánh Tôn đánh Chiêm Thành, bắt được người Chiêm cho ở đấy, lấy tiếng nước Chiêm đặt tên là Đa da li, sau gọi sai là Bà Già) (10), có khi 3, 4 ngày mới về… Phàm người nước ngoài đến Kinh sư, thường kéo đến nhà chơi, nếu là người Tống thì ngồi ghế đối nhau, đàm luận suốt ngày; là người Chiêm hay các người man khác thì đều theo quốc tục của họ mà tiếp đãi”(11).

Cho đến nay, làng Phú Gia đã trải qua một quá trình Việt hóa mạnh mẽ, kéo dài trong hơn một thiên niên kỷ. Nó được kết cấu theo mô hình tổ chức của làng Việt truyền thống như có đình làng, chùa làng, văn từ, văn chỉ (dựa trên cơ chế vận hành của hệ tư tưởng Nho giáo). Bên cạnh đó, một hệ thống hương ước và gia phả của các dòng họ được ghi chép đã nhiều đời nay. Lần theo các họ gốc Chăm như Bố, Ông… mà nay, đã được đổi thành Hy, Công… với những danh nho đỗ đạt trong các kỳ thi tiến sĩ Nho học thời phong kiến. Một Công/Ông Nghĩa Đạt đã được đề danh trong bi ký tiến sĩ ở Văn Miếu, Hà Nội. Nhiều người đã làm những quan khác nhau tại các địa phương trên cả nước (12). Tuy nhiên, về niên điểm của việc đổi họ từ Bố sang Hy, Ông sang Công, cho đến nay, có nhiều quan điểm. Theo lời kể thì, sau khi Ông Nghĩa Đạt đỗ bảng nhãn khoa Ất Mùi (1457), dưới thời Lê Hồng Đức, việc xưng họ Ông trước mặt vua được coi là bất kính, vì vậy mà, phải đổi sang họ Công. Trường hợp họ Bố sang họ Hy cũng như vậy (13). Nhưng theo gia phả của dòng học Công/Ông ghi lại, không cho thấy việc đổi họ diễn ra vào một thời điểm nào cụ thể. Lần hồi theo những ghi chép ấy, người dịch cũng như người cung cấp tài liệu này chỉ đưa ra những nhận định sau: đây là một cuốn gia phả được tổng hợp (chắp vá) từ nhiều thế hệ khác nhau của dòng họ Ông/Công. Tính cho đến những ghi chép cuối, diễn ra vào thời Bảo Đại, truy ngược lại thì việc đổi họ có thể diễn ra vào thời Minh Mạng, tức là muộn hơn rất nhiều so với thời Ông/Công Nghĩa Đạt đỗ đại khoa. Theo đó, tác giả bài viết này có thể tạm đưa ra những kết luận sau: Thứ nhất, trên danh nghĩa triều đình quan phương, việc đổi họ đã diễn ra từ niên điểm 1457, theo “khẩu dụ” của vua Lê, nhưng từ việc ban hành đến việc thi hành trong dân chúng phi quan phương lại là một quá trình lâu dài, nhất là trong bối cảnh làng xã Việt truyền thống vốn đã mang tính tự trị. Thứ hai, trong văn bia tiến sĩ triều Lê, vẫn đề là Ông Nghĩa Đạt (tức chưa thấy có việc đổi sang họ Công vào thời điểm khắc bia); cho đến năm 1804, khi vua Gia Long cho lập địa bạ, vẫn còn xuất hiện tên của hai nhân vật họ Ông là Đăng Thế và Đăng Nghi. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, việc thay đổi họ Ông sang Công diễn ra vào thời gian sau này. Cùng với gia phả của dòng họ Ông/Công, làng Phú Gia vẫn còn lưu giữ đôi tượng phỗng đá (phỗng Chăm), một xạ ảnh của thực tế tù binh Chiêm Thành phải đứng hầu nơi điện thờ. Đây có thể là những dấu ấn/tư liệu vật chất quan trọng để minh chứng nguồn gốc Chăm ở Phú Gia nói riêng và một số làng Chăm ở đất Bắc nói chung.

Quanh khu vực Tây Hồ hiện nay, cư dân ở Xuân La, Xuân Đỉnh có giọng nói mất thanh điệu rất giống với nhiều khu cư dân ở xứ Đoài (Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng…), khu vực “Đuôi Cá” (14) kéo dài đến Yên Sở, Hà Nội. Cấu trúc nhân chủng ở những khu vực này có nhiều nét tương đồng như: tóc xoăn, cứng, da ngăm đen, môi dày, mắt to, sống mũi thẳng – cánh nở, dáng người có phần thô… Theo các học giả, đây là địa bàn cư trú của người Chăm trên đất Việt trong lịch sử (15). Để củng cố cho lập luận này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một hệ thống giếng có phong cách, kỹ thuật Chăm nằm rải rác ở Xuân La, Xuân Đỉnh hoặc ở Phùng, Đan Phượng xứ Đoài.

Bên cạnh đó, có thể kể đến một khu vực đậm đặc người Chăm sinh sống, đó là vùng/trại Vĩnh Tuy – Vĩnh Hưng, Hà Nội. Đây là vùng đất tiếp giáp với Yên Sở và Giáp Nhất, Nhị, Tam, Tứ… Nếu nhìn trên bản đồ, có thể thấy rằng, đây là khu vực nằm ở phía Nam Hà Nội, có cốt đất trũng thấp, nhiều đầm hồ, lại ven sông Hồng. Trên mặt bằng địa lý chung, vùng này và những cư dân có nguồn gốc Chăm sống ở Phú Gia, Xuân La, Xuân Đỉnh… gần với hồ Tây và sông Hồng. Điều này đã tạo ra mối liên hệ, sự tương đồng và cũng là điểm khác biệt của làng có gốc Chăm ở Hà Nội so với những làng xã Việt truyền thống nói chung. Dựa theo thần tích của trại Vĩnh Hưng(16), đây đã từng là nơi an trí vua Chiêm Thành tên là Nha Cát và thần dân của ông ta sau lần chinh phạt của vua Lê Thánh Tông vào Chiêm Thành. Sau khi mất, ông cùng vợ là Nguyệt Nga được vua Lê Thánh Tông ra sắc phong làm thành hoàng làng (17).

Ngay tại khu vực “Ngã Tư Sở” ngày nay, một làng Chăm/Chàm được người dân tự nhận đã càng minh chứng thêm cho việc những địa danh có từ “Sở” nằm rải rác ở Hà Nội cũng như ở châu thổ Bắc Bộ vốn là nơi giam giữ/an trí “tù bình” Chăm/Chiêm trong lịch sử, rồi sau này trong quá trình sinh sống, cộng cư, phát triển mà trở thành làng, thành xã. Cho nên, ngoài địa danh này, ta còn thấy có nhiều làng xã mang tên có gắn với từ “sở” như: Quán La Sở, Xuân Tảo Sở (chính là vùng Xuân La, Xuân Đỉnh), Yên Sở, Mễ Sở, So Sở… đều có dấu vết và gốc tích của cư dân Chiêm Thành cộng cư, sinh sống.

Ngoài ra, có quan điểm còn cho rằng, rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống ở đất Bắc có nguồn gốc từ Chiêm Thành. Hay nói theo cách khác, chính người Chiêm, với thân phận “tù binh” đã phải đem trí tuệ, tài năng, sản phẩm… của đất nước mình, phục cho người thắng trận (18). Cho đến nay, làng nghề thủ công truyền thống có gốc gác Chăm đã trở thành một bộ phận quan trọng, mang hằng số văn hóa chung nhưng cũng đầy biến số – đa nguyên, đa sắc, riêng biệt trong hệ thống làng xã Việt cổ truyền. Có thể kể đến vùng Bưởi với sản phẩm vải lĩnh nổi tiếng trong lịch sử. Mà người truyền nghề là một bà phi của vua Chăm, được bắt ra sau cuộc chinh phạt Chiêm Thành của Lê Thánh Tông vào năm 1471. Theo thần tích của làng Trích Sài, “thời Lê Thánh Tông, vua đi đánh Chiêm Thành thắng trận, được vua Chiêm hiến con gái đẹp, trong đó có một cô, về sau có tên Việt là Phan Thị Ngọc Đô. Vua rất yêu mến Ngọc Đô, muốn giữ cô ở trong cung, nhưng triều đình tâu là không nên, vì Ngọc Đô là tì thiếp cũ của vua Chiêm. Vua ban cho Ngọc Đô trở về làng Trích Sài, ở đấy, cảnh trí đẹp, lại có một khoảng rộng hơn 76 mẫu thuộc các xã Cáo Đỉnh, Phú Gia, được triều đình cắt cho làm hoa lợi, gọi là Thiên niên trang. Xưa, từ Chiêm Thành ra Bắc, Ngọc Đô đem theo 24 nữ thị tì. Ngọc Đô nhập tịch dân Trích Sài và qua tay thị tì, đem nghề dệt lĩnh ở Chiêm Thành truyền cho nhân dân trong vùng. Được ít lâu, bà có sinh con một lần, nhưng không may chết cả mẹ lẫn con. Nhân dân Trích Sài nhớ ơn bà; lập miếu thờ Bà chúa dệt Lĩnh” (19). Tạ Chí Đại Trường cho rằng, họ Phan được phiên âm từ “phiên” (người Phiên, chỉ cư dân ở những vùng ngoại vi, xa trung tâm và có trình độ phát triển thấp), có lẽ Phan/Phiên Thị Ngọc Đô là trường hợp điển hình cho quan điểm này (20).

Tại làng Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, Bắc Giang, dòng họ Ông đã tạo nên những dấu tích đặc thù đi vào thơ ca dân gian:

Họ Ông Cảnh Thụy, họ Ngụy Khánh Am

Hoặc

Cảnh Thụy họ Ông, Trung Đồng họ Hoắc…

Cũng giống với trường hợp họ Ông ở Phú Gia ở Tây Hồ, Hà Nội, họ Ông ở Cảnh Thụy cũng có nguồn gốc từ Chiêm Thành. Sau quá trình cộng cư, sinh sống và phát triển, họ Ông đã chuyển thành họ Ong. Trong sách Lược biên về tỉnh Bắc Giang xuất bản năm 1933, có đoạn:” họ Ông Cảnh Thụy sau đổi thành là họ Ong. Vì họ Ông là dòng dõi người Chăm. Sau chuyến chinh phạt Ai Lao của Lê Thánh Tông, họ đã bắt được người quản tượng tài ba, khéo léo họ Ông, đem về nước cho trông coi đàn voi của nhà vua. Về già, người quản tượng này về huyện Yên Dũng, cắm đất để luyện voi và lập nghiệp. Nơi ông tụ tập đàn voi nay còn mang địa danh Vườn Voi. Nơi ông tuyển voi đánh trận nay còn có tên xóm Bình Voi. Người quản tượng họ Ông này sinh năm con trai, sau, một người , theo ông đi phiêu bạt nơi khác… Đến thời Nguyễn, năm Tự Đức thứ 23 (1870), hai người trong gia đình họ Ông thi đậu tú tài trong kỳ thi hương. Ông chánh chủ khảo thấy rằng họ Ông hơi chối nên đổi sang họ Ong. Cho đến nay ở Cảnh Thụy, họ Ong gồm có những chi như: Ong Thế, Ong Văn, Ong Khắc, Ong Xuân” (21).

Một vài dấu tích thành văn hay những dấu ấn vật thể và phi vật thể kể trên khẳng định sự định hình của những làng Chăm trên đất Bắc. Những bản thần tích hay gia phả của dòng họ Ông đã cho thấy sự phức hợp từ dòng máu đến dòng họ của người Việt nói riêng và người Việt Nam nói chung, nhất là những cư dân ở châu thổ Bắc Bộ.

Cho đến nay, cư dân Chăm trên đất Bắc đã hòa huyết, cộng cư với người Việt mà tạo thành những làng Chăm xứ Bắc, trở thành một phần trong nền văn hóa Việt truyền thống. Nhưng dấu ấn về nguồn gốc của họ vẫn còn đó dù đã bị che mờ, khất lấp sau những biến động của cuộc sống trong suốt diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Một vài làng Chăm trên đất Bắc kể trên chỉ là những trường hợp, đơn lẻ, tiêu biểu và đã được xác tín qua nguồn sử liệu thành văn. Còn rất nhiều làng có cội gốc Chăm khác trên đất Bắc chưa được khám phá vì nhiều lí do như thiếu tư liệu hay thời gian nghiên cứu…

Từ đây, có thể tạm khẳng định rằng, người Kinh (Việt) là sự hỗn chủng của các dòng Mường, Tày – Thái, Hán và tất nhiên là không thiếu Chăm. Sự pha tạp về dòng máu này với lối sống đa dạng, dựa trên cơ chế vận hành của mô hình Nho giáo, đã tạo nên tính đa nguyên nhưng chặt chẽ trong làng xã Việt truyền thống như nó vốn có trong lịch sử Việt Nam./.

_______________

1. Tù binh có thể được coi là chiến lợi phẩm của bên thắng trận lấy được từ bên bại trận. Tuy nhiên, “tù binh” trong trường hợp này không chỉ thuần túy là những chiến binh có sức mạnh cơ bắp, mà còn là những trí thức, nghệ sĩ, thợ thủ công, quý tộc – tầng lớp tinh hoa của vương quốc Chiêm Thành bị bắt và đem ra an trí trên đất Đại Việt. Trong quá trình sinh sống, phục vụ cho cung đình, quý tộc với thân phận như một dạng “nô lệ”, họ đã cộng cư với người bản địa để rồi hòa mình vào với dòng chảy và góp phần sáng tạo ra không chỉ văn hóa Việt truyền thống mà cả con người sinh học nữa.

2, 3, 6, 7. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Khoa học xã hội , Hà Nội, 1972, tr.160, 168, 222, 233.

4. Xin đọc thêm Việt sử đọc vài quyển (Nxb Văn mới, Hoa Kỳ, 2004) và Bài sử khác cho Việt Nam (tập tiểu luận cá nhân, 2012) của Tạ Chí Đại Trường. Trong hai tác phẩm này, tác giả đã chỉ ra cách hành xử kỳ lạ của hai ông vua kể trên, nhất là Long Đĩnh (Ngọa Triều), và cách hành văn, viết sử có thái độ miệt thị của các sử gia phong kiến (mang ý thức hệ Nho giáo) đối với hai ông vua có mẹ là người Chiêm Thành (người man di, phiên).

5. Theo thống kê của Đinh Đức Tiến trong Những dấu ấn văn hóa Chăm ở Hà Nội, Luận văn thạc sĩ Sử học, Hà Nội, 2008.

8, 11. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1972, tr.110, 137.

9. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1972, tr.136.

10. Chính là thôn Phú Gia, Phú Thượng, Tây Hồ ngày nay, dấu vết còn lại là ngôi chùa Bà Già đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc phát hiện. Sau này, trong khóa luận cử nhân Sử học của Công Phương Khương, Làng Phú Gia từ truyền thống đến hiện đại; khóa luận tốt nghiệp cử nhân Lịch sử văn hóa của Đinh Đức Tiến, Cụm di tích làng Phú Gia, Phú Thượng, Tây Hồ và lễ hội chính của nó, đã góp phần làm rõ thêm về một làng có nguồn gốc Chiêm Thành.

12. Theo gia phả họ Ông (Phú Gia, Phú Thượng, Tây Hồ Hà Nội), bản dịch của Hà Duy Biển, do Công Phương Khương cung cấp.

13. Tư liệu điền dã của tác giả tại làng Phú Gia, Phú Thượng, Tây Hồ, năm 2000.

14. Đuôi Cá là cách gọi của người Hà Nội ở vùng kẻ Mơ về đoạn cuối phố Trương Định ngày nay, đó là những làng như Giáp Nhất, Nhị, Tam, Tứ… cho đến Giáp Bát. Đuôi Cá, có thể địa hình, hình thế giống chiếc đuôi cá, là điểm cuối cùng của Hà Nội tiếp giáp với vùng ngoại ô, thôn quê; từ đây, chia thành ngã ba đường đi vào phía Nam, tức quốc lộ 1A. Nhưng, theo quan điểm của cá nhân tác giả, đây cũng là vùng có nhiều đầm hồ, thả cá, cung cấp cá cho toàn Hà Nội và cách tỉnh lân cận mà đến những năm 80 TK XX, vẫn tồn tại những mô hình hợp tác xã. Việc “nuôi cá”, sau này, đã được đọc chệch thành “đuôi cá” là vì thế.

15. Theo Ngô Văn Doanh và nhiều nhà nghiên cứu Chămpa như Nguyễn Tiến Đông, Nguyễn Hồng Kiên, Lê Đình Phụng,… những nhóm cư dân ở Bắc Bộ nói chung và châu thổ Bắc Bộ nói riêng có chất giọng mất dấu, trọng âm và cấu trúc khuôn mặt như môi dày, mắt to, sống mũi thẳng – cánh to, tóc xoăn, da ngăm đen, đen bóng… có thể khẳng định rằng họ có nguồn gốc Chiêm Thành, đó là những làng Chăm xứ Bắc.

16. Thần tích làng Vĩnh Hưng, bản lưu tại địa phương, được Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm 1753. Bản chữ Hán, phiên âm và bản dịch do Dương Mạnh Tường, người Vĩnh Hưng, cung cấp. Trong đó, thần tích có ghi lại việc chinh Chiêm của vua Lê Thánh Tông với hệ quả là hàng nghìn tù binh và vị vua Chiêm cùng vợ đã bị bắt. Rồi được cho ra an cư, an trí ở trại Vĩnh Hưng, lập thành làng ấp sinh sống, sau khi mất được suy tôn làm thành hoàng làng.

17. Sự kiện và tên nhân vật trong thần tích này có nhiều điểm nghi vấn. Thứ nhất, sự kiện vua Lê Thánh Tông chinh Chiêm năm 1471 bắt được vua nước ấy là Trà Toàn và cuối năm đó, có đánh thêm một lần nữa thì bắt được Trà Toại, không thấy nhắc đến cái tên Nha Cát. Thứ hai, câu chuyện vợ vua Chiêm (Sạ Đẩu) tự vẫn trên sông Lý Nhân là bà Mỵ Ê (không phải là Nguyệt Nga), được bắt trong lần chinh Chiêm năm 1044 của vua Lý Thánh Tông… Tuy nhiên, nó cũng cho ta thông tin về nguồn gốc Chăm của dân cư ở Vĩnh Hưng.

18. Ý kiến đã được Trần Quốc Vượng, rồi cả Từ Chi nêu ra trong những công trình khoa học của họ đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành và sách chuyên luận. Trường hợp này, tác giả thu thập từ bài giảng của Trần Quốc Vượng cho sinh viên chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam, K.41, năm 1999.

19. Bùi Văn Nguyên, Vũ Tuấn Sán (sưu tầm), Truyền thuyết ven Hồ Tây, Hội Văn nghệ dân gian xb, Hà Nội, 1975.

20. Xem thêm Tạ Chí Đại Trường, Bài sử khác cho Việt Nam, tập tài liệu cá nhân, hoàn thành vào năm 2012.

21. Trần Quốc Thịnh, Văn hóa truyền thống làng xã huyện Yên Dũng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2004, tr.701-703.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 354, tháng 12-2013

Tác giả : Đinh Đức Tiến – Vũ Diệu Trung

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *