Đề tài trong các tác phẩm hợp xướng Việt Nam


Sự hình thành và phát triển của nghệ thuật hợp xướng Việt Nam TK XX vào bối cảnh cả nước đang kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hợp xướng được coi là công cụ tuyên truyền sắc bén, mang tính thời đại, tính xã hội và tính dân tộc. Phần lớn tác phẩm hợp xướng Việt Nam phản ánh thực tại, sinh động trên hai đề tài chính là: ca ngợi cuộc đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc và ca ngợi công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Khi đất nước thống nhất, việc sử dụng các đề tài này vẫn được nhạc sĩ thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau, phù hợp với nhu cầu của thời đại. Đó là những nỗi trăn trở về cuộc sống hiện tại, suy tư về vận mệnh của dân tộc trước cuộc sống đầy biến động…

Đề tài chính là nguyên liệu cấu thành nghệ thuật văn học của tác phẩm hợp xướng – là sự phản ánh một cách cụ thể các sự kiện, hiện tượng sinh hoạt trong đời sống. Trong lịch sử phát triển nghệ thuật hợp xướng, những nhân tố như chính trị, kinh tế, lịch sử, trào lưu văn hóa đều ảnh hưởng đến sự phong phú và của đề tài tác phẩm. Hầu hết tác phẩm hợp xướng Việt Nam đều có lời ca, thể hiện sự gắn kết với hiện thực xã hội đương đại, phản ánh và giải quyết những vấn đề mang hơi thở của thời đại, của dân tộc, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Thêm vào đó, lời ca trong các tác phẩm hợp xướng thường khúc triết, mang tính khái quát cao, thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của tác giả.

Tác phẩm hợp xướng không đơn thuần diễn tả sự việc trong một thời điểm cụ thể, mà còn thể hiện giá trị qua những cảm xúc sâu sắc, vượt khỏi không gian và thời gian của nội dung lời ca. Việc phân định về giai đoạn, thời gian trong một số tác phẩm hợp xướng Việt Nam chỉ mang tính tương đối, bởi có một số tác phẩm hợp xướng được tác giả xây dựng từ chính ca khúc của mình hoặc sử dụng lời của bài thơ viết từ giai đoạn trước. Chẳng hạn như Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Trường ca Tây Bắc (Trọng Bằng)… Đây là một đặc điểm của nội dung đề tài trong tác phẩm hợp xướng Việt Nam có sự nối tiếp, kế thừa, đan xen giữa không gian và thời gian, giữa quá khứ và hiện tại mà đôi khi không thể phân định được một cách thỏa đáng.

Đề tài đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc

Điểm nổi bật về nội dung, đề tài trong các tác phẩm hợp xướng giai đoạn 1954 đến đầu thập niên 80 TK XX là sự phản ánh tinh thần anh dũng, kiên cường của quần chúng nhân dân trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nội dung của nhiều tác phẩm đã kế thừa tư duy của giai đoạn 1945 – 1954, đó là mạnh dạn tiếp thu những nhân tố mới của phong cách hành khúc, sự kết hợp ca khúc tập thể và ca khúc trữ tình. Nội dung của các tác phẩm vừa phù hợp với yêu cầu chính trị, vừa phù hợp với nguyện vọng biểu đạt tình cảm của nhân dân. Tiêu biểu là tác phẩm Biết mấy tự hào Việt Nam Tổ quốc ta (Phạm Đình Sáu) và Ta tự hào đi lên Ôi! Việt Nam (nhạc Chu Minh, lời: thơ Hoàng Trung Thông).

Hình tượng về người lính trong một số tác phẩm hợp xướng giai đoạn 1954 đến đầu thập niên 80 TK XX có sự khác biệt so với hình tượng người lính nông dân, mộc mạc… ở giai đoạn 1945-1954. Đó là người lính nơi biên thùy, người lính với những bước chân không mỏi gắn liền với tuyến đường lịch sử huyền thoại Trường Sơn, người lính dũng cảm trong chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ… Chương IV – Xông lên giành toàn thắng trong Mùa xuân đại thắng (Đoàn Phi, phỏng thơ Tố Hữu) là bức tranh khắc họa hình ảnh những bước chân hành quân vượt mọi gian nan trên dải Trường Sơn, chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân năm 1975 giành toàn thắng…

Song song với đề tài ca ngợi hình tượng người lính, đề tài ngợi ca chiến thắng, chiến công trên các mặt trận cũng được thể hiện khá đậm nét. Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 với thắng lợi mang ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đã gợi mở cảm hứng sáng tác cho các nhạc sĩ. Trong một thời gian ngắn đã xuất hiện nhiều tác phẩm hợp xướng mang ý nghĩa biên niên sử về sự kiện này như: Bão nổi lên rồi (Trọng Bằng), Tiến lên! giành toàn thắng (Huy Thục, Doãn Nho, Huy Du, Lê Lan)…

Tình nghĩa sâu nặng của quân và dân, tinh thần cao quý của chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa lạc quan trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng là nội dung đề tài lớn. Tác phẩm Sóng Cửa Tùng, nhạc sĩ Doãn Nho lấy từ chất liệu điệu hò Nghi Lệ kết hợp với câu thơ của anh em bộ đội đăng trên báo tường “Sông Hiền Lương vừa trong vừa mát, Sóng Cửa Tùng dào dạt biển Đông, Thuyền ta chung bến chung lòng, Chung tình Nam Bắc chung lòng đấu tranh” phát triển thành tác phẩm hợp xướng mang tính chất thôi thúc, hùng tráng, thể hiện tiếng nói chung của chí khí cách mạng. Cũng cách làm đó, trong tác phẩm Lửa rực cháy, nhạc sĩ Hồng Đăng đã dựa trên ý bài thơ Thù muôn đời muôn kiếp không tancủa nhà thơ Tố Hữu, diễn tả sự căm phẫn của nhân dân khi quê hương bị giặc xâm chiếm, những bức xúc dồn nén đã bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết, quyết hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.

Đề tài ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, các anh hùng lịch sử cũng luôn được nhiều nhạc sĩ chú trọng. Hình tượng Bác Hồ là sự kết tinh của tâm hồn, tính cách, trí tuệ Việt Nam. Nhiều tác phẩm hợp xướng đã viết lên bằng những cảm xúc và sự rung động sâu xa từ tâm hồn của nhạc sĩ với lòng kính trọng và ngưỡng mộ vị lãnh tụ của đất nước. Hình ảnh của Người vừa thân thiết, vừa cao cả trong hợp xướng Theo chân Bác. Hai tác giả Tố Hữu (thơ) và Ngô Quốc Tính (nhạc) có cùng chung một sự rung cảm chân thật, lòng biết ơn sâu sắc, đã khắc họa lên hình ảnh tuyệt đẹp về sự hy sinh quên mình của Người cho dân tộc được hồi sinh. Trong tác phẩm acappella (không nhạc đệm) Book Hồ sống mãi với lũ làng (Lân Cường) lại thể hiện sự khát khao, mong ước dù chỉ một lần Bác Hồ về với đồng bào Tây Nguyên. Nhìn chung, hình ảnh cao đẹp của Đảng và Bác Hồ còn là biểu tượng trong suốt chiều dài lịch sử của cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc. Có thể nói, hình ảnh của Đảng và Bác Hồ luôn hiện hữu trong các tác phẩm hợp xướng về đề tài đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc như Hồi tưởng (Hoàng Vân), Biết mấy tự hào Việt Nam Tổ quốc ta (Phạm Đình Sáu)… Hình tượng người anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc đương đại luôn được các nhạc sĩ phản ánh kịp thời. Tiêu biểu như Anh vẫn làm ra ánh sáng (Đoàn Phi) đã sử dụng đan xen điệu thức năm âm và điệu thức bảy âm (phương Tây) cùng với phong cách hành khúc châu Âu để tạo nên một bản anh hùng ca với cung điệu hào hùng, tính chất hào sảng và tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

Trong các tác phẩm hợp xướng nhiều chương, nội dung đề tài của tác phẩm còn mang tính khái quát, ý tưởng nghệ thuật mang tính sử thi, vận dụng các hình thức của hợp xướng và lĩnh xướng, hát bè trở thành phần chính trong các chương nhạc. Chẳng hạn như Tiến lên giành toàn thắng của nhiều tác giả, Mùa xuân đại thắng (Đoàn Phi, phỏng thơ Tố Hữu) có thêm vào lối đọc diễn cảm không chỉ nhằm xâu chuỗi các chương nhạc tạo thành liên kết chỉnh thể mà còn tô đậm nội dung của tác phẩm bằng lời ca.

Giai đoạn này, do bối cảnh lịch sử đã khiến nội dung đề tài trong tác phẩm hợp xướng hình thành nên công thức tư duy phản ánh ý thức thẩm mỹ mang tính đại chúng, tính chất âm nhạc hùng tráng, khí thế lớn và tinh thần khảng khái hiên ngang. Một số tác phẩm hợp xướng đã khai thác nội dung đề tài trong thơ ca đương đại, ca tụng trực tiếp là hình thức chủ đạo kết hợp với tính chất âm nhạc trữ tình, tiếp tục đổi mới tiến trình dân tộc hóa mà giai đoạn trước đã tìm tòi sáng tạo.

Trong các tác phẩm hợp xướng từ thập niên 90 TK XX đến nay, trong tâm thức sáng tạo nghệ thuật của các nhạc sĩ lão thành, những hồi ức về Đảng, Bác Hồ, về những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lịch sử đấu tranh của dân tộc, ca ngợi các vĩ nhân, anh hùng lịch sử… vẫn luôn sống động. Cũng với đề tài chiến tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, phần lớn tác giả tưởng nhớ về các chiến công cách mạng bằng việc chuyển hóa từ kiểu hô hào cổ động tinh thần thành phong cách nghệ thuật trữ tình, suy tư có tính nội tâm. Về hiệu quả âm thanh, tác phẩm cũng chuyển từ hoành tráng sang nhẹ nhàng, tinh tế, nhân văn. Song, sự thể hiện trách nhiệm với lịch sử, quan tâm đến thế giới, quan tâm đến nhân dân vẫn được thể hiện qua cảm xúc âm nhạc, đưa đến công chúng xã hội đương thời thông điệp về sự hòa hợp dân tộc và tinh thần âm nhạc nhân văn.

Tác phẩm Đời đời ghi nhớ ơn của nhạc sĩ Doãn Nho, sử dụng lời Văn bia của Viễn Phương tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược – Củ Chi, đã khắc họa những sự kiện lịch sử, những anh hùng và những vấn đề thời đại của “Vùng đất sáng miền Nam Tổ quốc…”. Thủ pháp đọc diễn cảm trên nền hợp xướng và dàn nhạc chiếm vai trò chủ đạo trong việc dẫn dắt nội dung, hình tượng nghệ thuật qua sự luân chuyển màu sắc của bốn chất giọng đọc diễn cảm khác nhau: soprano (nữ cao), alto (nữ trầm), tenor (nam cao), basso (nam trầm). Tác giả đã loại bỏ hết những khuôn mẫu sáng tác quen thuộc về đề tài này như ca tụng trực tiếp, mà bắt đầu từ việc khai thác nội hàm tư tưởng, dùng triết lý để thể hiện tấm lòng bác ái và lý tưởng cao thượng của các vị anh hùng dân tộc. Cũng thuộc đề tài này, tác phẩm Điện Biên Phủ hợp xướng (Hoàng Vân) là một bản sử thi anh hùng của cả dân tộc Việt Nam, song tính chất âm nhạc trữ tình, tự sự, tường thuật về tâm tư, tình cảm riêng và sự hoài niệm về chiến trường chiếm phần lớn toàn bộ tác phẩm. Chương II có tiêu đề Đọc thư hậu phương được tác giả ghi trong tác phẩm yêu cầu thể hiện tính chất âm nhạc “nhiều tình cảm nội tâm”. Chương II của Âm vang Bình Dương, nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã gợi lại những kỷ niệm không thể nào quên về chiến công vang dội gắn liền với từng địa danh của quân và dân Bình Dương bảo vệ quê hương: “Quên sao được từng trận đánh lẫy lừng; Quên sao được một mùa hè rực lửa; Uy danh mãi trận diệt thù bông trang; Nhà đỏ đường Mười Ba, Chiến Khu D, Lai Khê, Bàu Bàng…” .

Trong mảng đề tài ca ngợi Đảng, Bác Hồ, các vĩ nhân, anh hùng lịch sử… cách thức thể hiện nội dung hình tượng âm nhạc cũng chuyển biến từ diễn tả sự hào hùng, tráng lệ thành nỗi tưởng nhớ nhẹ nhàng, sâu kín. Chẳng hạn, tác phẩm Nhớ Bác (gồm 7 chương) của nhạc sĩ Đỗ Dũng (thơ Nguyễn Văn Dinh) thể hiện cảm xúc yêu thương, nỗi nhớ da diết của cả dân tộc Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu. Mỗi chương nhạc gợi lên một hình tượng mang tính khái quát cao: “Tuyên ngôn Bác đọc ngày hôm ấy/ Còn mãi muôn đời luôn cũng núi sông; Tiếng thân thương lặng mãi trong lòng ta/ Tôi nói đồng bào nghe rõ không…”. Nỗi nhớ nhẹ nhàng, sâu sắc của nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm hợp xướng như: Thơ Bác – lời xuân (Nguyễn Việt Bình); chương III trong Bài ca mừng xuân (Nguyễn Văn Nam), hình ảnh Bác Hồ được tái hiện trong nét giai điệu quen thuộc của bài hát Mong Bác vào thăm (Quang Vũ)…

Đề tài về xây dựng quê hương đất nước

Giai đoạn 1954 đến đầu năm 80 TK XX, đề tài xây dựng quê hương đất nước chủ yếu tập trung ca ngợi tinh thần hăng say lao động, cổ vũ các phong trào thi đua sản xuất và niềm vui trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội của nhân dân miền Bắc hướng về cuộc sống mới, đồng thời thể hiện niềm tự hào của người dân khi dùng chính đôi tay của mình để tạo dựng hạnh phúc cho tương lai.

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã thúc đẩy việc sáng tác hợp xướng được mở rộng, xuất hiện đề tài mới mà chưa từng xuất hiện trước đó như đề tài về xây dựng chủ nghĩa xã hội, đề tài về người công nhân, trí thức… Chẳng hạn như: “Ánh đèn cầu Việt Trì của Hoàng Hà mô tả cảnh tượng lao động dựng xây và cảnh trí sinh hoạt đầy chất lạc quan của những người thợ cầu và nhân dân vùng ngã ba sông Việt Trì trong những ngày tháng khẩn trương khôi phục kinh tế sau cuộc kháng chiến chống Pháp” (1).

Hình ảnh đất nước vốn luôn đậm đà và tình yêu đất nước luôn là đề tài mang lại nhiều cảm xúc sáng tác cho các nhạc sĩ ở mọi thời đại. Nội dung, đề tài trong tác phẩm hợp xướng thường hướng người nghe về với công trường, với làng quê, hướng về tuyến lửa như: Dưới ánh sao vàng (Vân Đông), Được mùa (Trọng Bằng)… Hợp xướng a cappella Chim sẻ đồng (Đỗ Dũng) là một thông điệp chung giúp mọi người hiểu rằng, chiến đấu có xây dựng và xây dựng để phục vụ chiến đấu, hậu phương vững chắc sẽ là điểm tựa để tiền tuyến yên tâm đánh giặc. Ở nơi chiến trường xa, người chiến sĩ bộc lộ phẩm chất anh hùng trong chiến đấu, đồng thời trải lòng nỗi nhớ xa nhà, xa quê hương, xa người thân… được khắc họa trong hợp xướng bằng một góc nhìn mới, tinh thần mới như Anh nhớ tên con sông (Huy Du, thơ Nguyễn Xuân Sanh)…

Từ thập niên 90 của TK XX, trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển kinh tế – xã hội, phương thức sống, kết cấu xã hội, văn hóa, tâm lý hành vi con người… cũng có những thay đổi lớn ảnh hưởng đến tư duy sáng tác của nhiều nhạc sĩ Việt Nam. Ngoài đề tài chính trị xã hội, có nhiều tác phẩm hợp xướng đi vào khắc họa thế giới tự nhiên và chiều sâu nhân văn, tìm kiếm phương thức biểu cảm mới thể hiện cá tính của tác giả. Số lượng tác phẩm phổ nhạc cho các sáng tác văn học nổi tiếng và thể hiện cuộc sống đời thường cũng tăng lên. Chẳng hạn như Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là những truyện thơ kiệt tác trong kho tàng văn học Việt Nam đã được nhạc sĩ Vũ Đình Ân khai thác, viết thành hai tác phẩm hợp xướng quy mô lớn; bài thơ nổi tiếng Tiếng thu của nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng được nhạc sĩ Đoàn Phi viết cho hợp xướng a cappella…

Các đề tài về xây dựng quê hương, đất nước, về tình yêu đôi lứa, trăn trở, bức xúc của con người trước thời đại, trước vận mệnh dân tộc trong cuộc sống mới cũng là vấn đề mà nhiều nhạc sĩ đặc biệt quan tâm. Thông qua âm nhạc và lời ca, các tác phẩm trong giai đoạn này luôn bám sát hơi thở của đời sống xã hội như: Âm vang Bình Dương (Ca Lê Thuần), Tổ khúc hợp xướng Mùa xuân trên quê hương đổi mới (Trọng Bằng), Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh (Đỗ Dũng)… Đó là những bức tranh thực tế mà sinh động, thấm đượm màu sắc quê hương, biểu đạt sự vui mừng của người dân trước cảnh tượng hưng vượng của đời sống hiện nay.

Trước những mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, nhiều tác giả đã hướng về đề tài “cội nguồn dân tộc” để tìm lại những giá trị luân lý đạo đức mà cha ông ta đã hun đúc qua bao thế hệ, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ hiện nay. Tiêu biểu là các tác phẩm Requiem (lời thơ Lê Anh Thư) và Ngàn năm Thăng Long (lời thơ Ngô Minh Thơm) của nhạc sĩ Đỗ Dũng, tác phẩm Cantata Phật tích của Ngô Quốc Tính. Điểm chung của hai tác phẩm là thể hiện hình tượng âm nhạc bằng việc gửi tâm tình vào phong cảnh, cảnh giới thiên nhiên và con người hợp nhất để bày tỏ tinh thần cao thượng trong triết lý đạo Phật.

________________

1. Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên, Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2000, tr.411.

Tác giả: Lê Vinh Hưng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *