Di sản văn hóa các dân tộc ít người ở Thanh Hóa với phát triển du lịch

1. Vai trò của văn hóa với phát triển du lịch

Phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa là hai mặt của một thể thống nhất, có tác động tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển của mỗi xã hội mà văn hóa được xem là nền tảng. Việc phát huy các giá trị văn hóa có tác dụng làm tăng ý thức, trước hết là của mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc và của bè bạn quốc tế đối với trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa. Ngược lại, việc bảo tồn sẽ là cơ sở tạo ra cơ hội để chúng ta tự hào, giới thiệu các giá trị văn hóa với các dân tộc, quốc gia khác trên thế giới.

Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa đòi hỏi có kinh phí cho hoạt động thu thập, nghiên cứu di sản, bảo vệ, tu sửa, tôn tạo, yêu cầu về kinh nghiệm, đội ngũ, trình độ khoa học công nghệ… trong lĩnh vực bảo tồn. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa từ ngân sách nhà nước và hợp tác quốc tế thường rất hạn hẹp so với nhu cầu thực tế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo tồn văn hóa. Trong bối cảnh trên, nguồn thu từ du lịch sẽ đóng góp quan trọng cho hoạt động bảo tồn những giá trị văn hóa.

Như vậy, có thể thấy, mối quan hệ tương hỗ mật thiết giữa bảo tồn với phát huy di sản văn hóa và giữa bảo tồn, phát huy di sản với hoạt động phát triển du lịch. Đây là những mối quan hệ biện chứng cần được nhìn nhận một cách khách quan, đầy đủ để xây dựng định hướng khai thác có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch và xây dựng các chính sách phù hợp để du lịch có thể đóng góp tích cực cho hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.

2. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Thanh Hóa

Nhận thức được vai trò của việc phát huy các giá trị văn hóa và vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch, Đảng và Nhà nước luôn xác định phát triển du lịch phải gắn liền với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa góp phần phát triển bền vững. Tư tưởng này đã được cụ thể hóa trong nội dung của Pháp lệnh Du lịch (1999), theo đó : “Nhà nước Việt Nam xác định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc…” ; đồng thời “bảo đảm phát triển du lịch theo hướng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam”, Theo Luật Du lịch (2005), một trong những nguyên tắc cơ bản để phát triển du lịch là “phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng du lịch văn hóa – lịch sử…bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của tài nguyên du lịch”.

Lễ hội Nàng Han của đồng bào Thái ở xã Vạn Xuân, Thường Xuân, Thanh Hóa

Ảnh: svhttdl.thanhhoa.gov.vn

Để thực hiện những quan điểm trên, chiến lược về tổ chức lãnh thổ du lịch tại Thanh Hóa trong giai đoạn tới cần phải tập trung vào một số địa bàn trọng điểm, trong đó ưu tiên những địa bàn có tiềm năng du lịch như: Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Cẩm Thủy… với giá trị văn hóa các dân tộc Thái, Mường, Dao, Mông… và chú trọng một số vấn đề:

Khai thác các di sản văn hóa để phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao, thu hút du khách

Hiện nay, một trong những hạn chế của du lịch Thanh Hóa là thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa trong giai đoạn tới cần phải ưu tiên khai thác các di sản văn hóa đặc biệt của các dân tộc ít người (Thanh Hóa có 6 dân tộc thiểu số: Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú với tổng số trên 64 vạn người). Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, có sức thu hút đối với du khách muốn khám phá những vùng đất hoang sơ còn nguyên các giá trị văn hóa truyền thống.

Phát triển du lịch di sản văn hóa gắn với phát triển cộng đồng

Cộng đồng là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa, trong nhiều trường hợp, cộng đồng chính là linh hồn, tâm điểm của di sản. Chính vì vậy, phát triển du lịch di sản không thể tách rời phát triển cộng đồng ở khu vực di sản và lợi ích có được từ du lịch phải được chia sẻ với cộng đồng. Trong trường hợp này, cộng đồng sẽ là nhân tố tích cực góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên quê hương của họ.

Bên cạnh ý nghĩa trên, phát triển du lịch văn hóa gắn với cộng đồng còn khai thác được những giá trị văn hóa bản địa, góp phần làm đa dạng và phong phú hơn sản phẩm du lịch điểm đến, làm tăng tính hấp dẫn và hiệu quả kinh doanh du lịch.

Phát triển du lịch văn hóa gắn với phát triển du lịch quốc gia và khu vực

Để phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản thế giới, hoạt động xúc tiến du lịch văn hóa thông qua sự hợp tác với nhiều nước trong khu vực có ý nghĩa quan trọng. Sự hợp tác này, trước hết, tạo ra các tuyến du lịch văn hóa có tính quốc tế như kết hợp các điểm du lịch của Thanh Hóa với các điểm du lịch văn hóa của Lào và Thái Lan… Việc quảng bá và phát triển các chương trình này chính là phương thức phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa ở Thanh Hóa.

 Phát triển nguồn nhân lực

 Dựa vào thực trạng và nhu cầu của hoạt động kinh doanh du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, chúng ta có thể đưa ra kế hoạch để đào tạo đội ngũ nhân lực. Để chương trình đào tạo thu được kết quả tốt, phải có sự liên kết của nhiều tổ chức như cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, chính quyền địa phương, người dân địa phương và các tổ chức phi chính phủ, cơ sở đào tạo, công ty lữ hành… Nội dung của chương trình học nên bao gồm ba phần: kỹ năng cơ bản (giao tiếp, ứng xử,…); nghiệp vụ chuyên ngành (nghiệp vụ buồng, nhà hàng, hướng dẫn, đón tiếp khách, chế biến món ăn,…); trình độ ngoại ngữ, trong đó ưu tiên tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngoài ra, một phần không thể thiếu trong chương trình học, đó chính là việc giáo dục người dân ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là văn hóa bản địa.

Đóng góp từ thu nhập du lịch cho hoạt động bảo tồn

Cần quy định cụ thể tỷ lệ đóng góp kinh phí cho hoạt động bảo tồn các giá trị di sản văn hóa từ thu nhập du lịch. Để thực hiện vấn đề này cần có sự phối hợp của các ngành có liên quan, đặc biệt là ngành tài chính.

Chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương

Cần có sự hỗ trợ vật chất từ thu nhập du lịch để cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng được tham gia vào hoạt động dịch vụ du lịch. Điều này góp phần hạn chế “sức ép” của cộng đồng lên các giá trị di sản văn hóa, đồng thời khuyến khích họ trở thành chủ nhân thực sự, đóng góp vào nỗ lực chung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản ở địa phương.

Tạo điều kiện để cộng đồng tham gia vào quá trình quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nơi họ sống

Điều này không chỉ góp phần đảm bảo cho quy hoạch đi vào cuộc sống, mà còn giúp cộng đồng hiểu được những gì sẽ biến đổi trên mảnh đất của họ; những việc gì họ có thể tham gia vào hoạt động phát triển du lịch để có được cuộc sống tốt hơn; từ đó sẽ chuẩn bị tốt hơn cho những công việc mới cùng với trách nhiệm bảo vệ các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển du lịch.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng

Người dân phải ý thức về trách nhiệm bảo vệ các giá trị tự nhiên, văn hóa bản địa trong hoạt động phát triển du lịch. Trước hết nhận thức này cần được nâng lên ở những người già làng, trưởng bản, những người có ảnh hưởng rộng rãi trong cộng đồng.

Tăng cường phổ biến, giải thích các quy định hiện hành về bảo vệ tài nguyên tự nhiên, văn hóa truyền thống đến cộng đồng. Kinh phí dành cho những hoạt động này cần được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc một phần kinh phí trích trực tiếp từ thu nhập du lịch.

Khai thác kết hợp với bảo tồn tài nguyên du lịch

Khi du lịch phát triển, số lượng khách du lịch tăng lên, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn tài nguyên. Để tránh tình trạng này xảy ra, cần phải thực hiện một số biện pháp: cấm chặt phá rừng bừa bãi, cấm săn bắt động thực vật quý hiếm, thực hiện trồng rừng và quản lý rừng; bảo vệ nghiêm ngặt các nguồn nước, tránh xả rác và các chất thải sinh hoạt, sản xuất ra suối, ao, hồ; nghiên cứu, thực thi và tôn trọng sức chứa của vùng và từ đó có kế hoạch đón khách phù hợp nhằm phát triển bền vững; giáo dục ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường liên tục, có hệ thống đến từng nhà, từng người; nghiên cứu, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã bị mai một như các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; phục dựng các ngôi nhà sàn cổ phù hợp với cảnh quan, môi trường; khôi phục các sinh hoạt văn nghệ truyền thống, điệu múa cổ của nhiều dân tộc; sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; giáo dục cộng đồng địa phương có ý thức xây dựng và giữ gìn nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc mình; giáo dục du khách tôn trọng văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Nếu các giải pháp trên được thực hiện đồng bộ, chắc chắn du lịch văn hóa, cộng đồng ở Thanh Hóa sẽ phát triển, đem lại hiệu quả đa chiều, hoàn thành mục tiêu bản tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc tại Thanh Hóa. Nhận thức được giá trị và cơ hội phát triển du lịch từ tài nguyên di sản văn hóa, chúng ta sẽ có định hướng đúng đắn nhằm quy hoạch một cách phù hợp trên nguyên tắc vừa bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc trong văn hóa truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Việc làm đó vừa phát huy được những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời góp phần phát triển du lịch, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Đào Đình Bắc (dịch), Quy hoạch du lịch, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2005.

2. Bộ VHTTDL – Tổng cục Du lịch, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

3. Bộ Văn hóa Thông tin, Vụ Dân tộc, Bảo tồn lễ hội dân gian các dân tộc thiểu số thời kỳ đổi mới, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007.

4. Phạm Trung Lương, Tài liệu giảng dạy về du lịch cộng đồng, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Hà Nội, 2010.

Tác giả: Lê Bá Thành – Trịnh Thị Hậu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *