Di tích thờ Bà Chúa dâu tằm

Nghề trồng dâu nuôi tằm có từ sớm trong lịch sử nghề nông của người Việt. Truyền thuyết về bà tổ nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa có ở nhiều nơi trên đất nước ta, đã được các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian sưu tầm ghi chép, công bố trong các sách có liên quan.

Hiện nay, ở huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội không có di tích đình, đền, miếu riêng nào phụng thờ Bà Chúa dâu tằm, hầu hết đều được phụng thờ trong những ngôi chùa ở các làng nằm ven đê tả ngạn sông Đáy. Trong chùa, các tượng Bà Chúa dâu tằm được phối thờ cùng hệ thống tượng Phật và Đạo giáo với hình tượng một người phụ nữ được tạc đứng hoặc ngồi trên núi, bên cạnh là một tượng ngựa. Việc phụng thờ này cũng xuất hiện ở một số ngôi chùa nằm ở khu vực thượng lưu sông Đáy thuộc địa phận huyện Đan Phượng và Phúc Thọ, nhưng mật độ không nhiều như ở Hoài Đức.

Trong những truyền thuyết về Bà Chúa dâu tằm, không thấy vị nào có hành trạng gần gũi với pho tượng Bà Chúa dâu tằm được thờ trong những ngôi chùa ở vùng thượng lưu sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức.

1. Chùa Hưng Long (còn gọi là chùa Ngòi, chùa Phương Bảng) thuộc thôn Phương Bảng (tên Nôm là làng Ngòi), xã Song Phương. Chùa hướng Tây, hướng lên đê tả sông Đáy, gồm tòa tiền đường 5 gian, 2 dĩ và tòa thượng điện gồm 3 gian nối với tiền đường ở gian giữa. Ngoài ra, chùa còn có các công trình khác như: nhà tổ, nhà khách ở phía sau và hai bên tả hữu. Hiện trong chùa còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị như tượng cổ (TK XVII), đặc biệt, bức tượng phù điêu bằng đá ghi rõ niên hiệu Đức Long năm thứ tư (1632) với hình tượng Bà Chúa dâu tằm là người phụ nữ, ngồi trên núi, bên phải là tượng ngựa màu đỏ, phần thân sau ngựa được tạc ẩn trong núi. Tay phải pho tượng đặt trên đầu ngựa, tay trái đặt trên gối chân trái. Trang phục đơn giản, không có hoa văn trang trí. Tượng được đặt ở phía dưới bên trái Tam bảo (có đặt biển tên là Vị nữ chăn dê). Ngoài ra, xã Song Phương còn hai ngôi chùa thuộc thôn Phương Viên (tên nôm là làng Vạng) là chùa Phượng Tiên (gọi là chùa Giữa) và chùa Quan Âm (gọi là chùa Thượng). Hai chùa này đều nằm bên trong và ngay sát đê tả sông Đáy nhưng qua khảo sát, chúng tôi không thấy thờ pho tượng Bà Chúa dâu tằm như chùa Hưng Long.

2. Chùa Vĩnh Phúc thường gọi là chùa Hạ, còn có tên Nôm là chùa Vắng, thuộc làng Quế Dương, xã Cát Quế. Chùa Vĩnh Phúc hiện còn lưu giữ bệ tượng bằng đất nung thuộc loại hiếm trong các ngôi chùa ở Việt Nam. Không biết chùa được xây dựng từ khi nào nhưng căn cứ vào những tấm bia “Vĩnh Phúc tự bi” soạn năm Đức Long lục niên (1634) và bia “Tam giáp Vĩnh Phúc tự bi” ghi năm trùng tu thượng điện, tiền đường niên hiệu Vĩnh Thịnh năm Kỷ Hợi (1709) và kiến trúc hiện tại, cho thấy chùa có kiến trúc thời Lê trung hưng. Chùa được xây dựng theo hướng Tây Nam, nằm ngay sát đê sông Đáy. Tượng Bà Chúa dâu tằm được tạc ở tư thế ngồi trên núi, bên trái là tượng ngựa màu trắng, nửa thân sau bị núi che lấp. Tay trái tượng đặt trên lưng ngựa, tay phải đặt trên gối trái. Trang phục cũng đơn giản, chỉ được trang trí nhẹ ở phần cổ áo. Tượng được đặt ở phía bên trái Tam bảo. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ 56 pho tượng quý khác.

Xã Cát Quế còn có chùa Đại Bi, còn gọi là chùa Bái. Đây cũng là nơi cư dân quần cư lâu đời với bằng chứng là di chỉ khảo cổ học Vinh Quang thuộc Văn hóa Gò Mun (khoảng 1000-700 năm TCN). Xã Cát Quế có các lễ hội truyền thống mang đậm nét dân gian như hội đền Mẫu thờ Liễu Hạnh công chúa (diễn ra từ ngày mùng 3 đến 5 – 3 âm lịch). Lễ hội này trước đây chỉ có thiếu nữ và các cụ bà được tham gia.

3. Chùa Hương Trai, còn gọi là chùa Dương Liễu. Xã Dương Liễu có hai ngôi chùa là Hương Trai tự ở phía trong đê và Linh Châu tự, còn gọi là chùa Bãi, chùa Rừng nằm ngoài đê, gần dòng chảy sông Đáy. Chùa Hương Trai nằm ngay sát chân đê, bên trong chùa có thờ pho tượng Bà Chúa dâu tằm. Tượng Bà Chúa ở đây ngoài những chi tiết giống những pho tượng chùa Hưng Long và Vĩnh Phúc thì trang phục có phần cầu kỳ hơn, có hoa văn trang trí ở cổ, dải và hai vạt áo, bên cạnh còn có hai hầu gái. Xét về tổng thể, đây là pho tượng đẹp và cầu kỳ nhất trong những pho tượng chúng tôi gặp. Các cụ bà trong làng vẫn gọi bà Tây Lăng.

Theo hương ước của làng viết vào niên hiệu Chính Hòa, hiện còn lưu giữ tại ủy ban xã Dương Liễu: năm Mậu Ngọ (1258) khởi công dựng chùa Hương Trai. Năm Đinh Tỵ đời vua Lê Anh Tông, ngày 14 – 6 (tức năm 1557) xây thêm tiền đường. Năm Chính Hòa thứ 10 (1690) tiếp tục sửa chữa. Năm Bính Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 7 (1776) làm lại cửa, thay rui mè, lợp lại ngói, đúc thêm tượng. 

Chùa Hương Trai là công trình kiến trúc quý hiếm có hệ thống đồ thờ và 47 pho tượng: trong thượng điện còn hai vì kèo thời Mạc và bệ tượng bằng đá thời Trần, niên hiệu Đại Định năm thứ hai (1370). Trên bệ đá là bộ Tam Thế, tiếp xuống A Di Đà, rồi Di Lặc với Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử ở bên phải và Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi bạch tượng ở bên trái, cùng nhiều pho tượng cổ khác.

4. Chùa Tùng Thông, còn gọi là chùa Hạ; chùa Kim Phong, còn gọi là chùa Thượng, nằm ở trong đê; chùa Cảnh Linh, còn gọi là chùa Rừng nằm ở ngoài đê, thuộc thôn Tiền Lệ (còn có tên là Kẻ Sặt) xã Tiền Yên. Trong ba chùa khi chúng tôi khảo sát đều có thờ tượng Bà Chúa dâu tằm, đặc biệt trong ba ngôi chùa này, tượng Bà Chúa dâu tằm được tạc ở tư thế đứng, bên cạnh là tượng ngựa màu đỏ. Tượng chùa Tùng Thông và chùa Kim Phong, ngựa đều đứng bên phải, riêng chùa Cảnh Linh, ngựa đứng bên trái tượng. Ngoài pho tượng trên, ba ngôi chùa còn lưu giữ nhiều tượng, di vật và tư liệu văn bia quý, đặc biệt, chùa Kim Phong với hệ thống tượng cổ đẹp và sinh động mang đậm dấu ấn Đạo giáo. Thôn Yên Thái cũng thuộc xã Tiền Yên còn có ngôi chùa Thiên Phúc ở phía ngoài đê, là ngôi chùa duy nhất trong xã khi chúng tôi khảo sát không thấy thờ tượng Bà Chúa dâu tằm.

5. Chùa Ngọc Tân (còn gọi là chùa Bến) ở ngoài, sát chân đê; chùa Pháp Vũ nằm trong, cách đê khoảng 40m, thuộc xã Yên Sở xưa gọi là làng Cổ Sở bao gồm cả làng Đắc Sở, còn có tên Nôm là làng Giá, Kẻ Giá hay Giá Lụa. Làng Giá xưa trồng rất nhiều dừa nên còn gọi là làng Dừa, tương truyền đây là một sở đồn điền, xưa có người Chiêm Thành sinh sống. Trong hai chùa của xã Yên Sở đều có thờ tượng Bà Chúa dâu tằm với hình tượng ngựa đứng bên trái pho tượng. Theo truyền miệng từ đời này sang đời khác, đây là tượng Bà Chúa nghề trồng dâu nuôi tằm. Theo khảo sát thực tế, chúng tôi được biết đây chính là vùng có nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển nhất trong huyện Hoài Đức trước đây, nay vẫn còn nhiều dấu tích gắn đến nghề tơ tằm như: Giá Lụa, chùa Lụa, chợ Giá Lụa hay những bãi dâu xanh ngút ngàn nằm dọc theo bãi bồi tả ngạn sông Đáy trong ký ức của các cụ cao tuổi trong làng.

6. Chùa Nghiêm Ứng (còn gọi là chùa Nội) thuộc thôn Nội, xã Đức Thượng, giáp với huyện Đan Phượng. Qua thực tế khảo sát, chùa có thờ Bà Chúa dâu tằm. Tượng được đặt ở nếp chùa cũ, gian bên trái, phía ngoài (có biển tên là Bà Chúa thượng ngàn). Đối diện là pho tượng Quan Âm tống tử và nhiều tượng cổ có giá trị. Ngoài chùa Nghiêm Ứng, Đức Thượng còn có hai ngôi chùa khác là Linh Tiên và Diên Phúc.

Chùa Linh Tiên (còn gọi là Linh Tiên Quán) thuộc thôn Cao Xá Thượng, đây là ngôi chùa mang đậm dấu ấn sự kết hợp giữa Phật giáo và Đạo giáo. Tư liệu văn bia hiện còn trong di tích đã khẳng định “Quán Linh Tiên” là di tích Đạo giáo, điều này còn được thể hiện qua các pho tượng lớn: Tam Thanh, Thánh Trấn Võ và Huyệt Đan Xa là những di vật và dấu tích đặc trưng của Đạo giáo. Chùa Diên Phúc ở thôn Thượng Thụy, còn gọi là chùa thôn Thượng. Hai ngôi chùa trên khi khảo sát, ngoài các tượng thờ Phật giáo như những ngôi chùa khác ở đồng bằng Bắc Bộ, chúng tôi đều không thấy phụng thờ tượng Bà Chúa dâu tằm.

7. Nhà thờ họ Đào thuộc thôn Ngự Câu, xã An Thượng. Nhà thờ có quy mô nhỏ gồm 3 gian, được xây lại vào năm 1952 sau khi nhà thờ cũ bị cháy. Hiện nay, trong nhà thờ không còn nhiều đồ thờ có giá trị, nhưng đáng chú ý là pho tượng người phụ nữ đứng cạnh ngựa, tượng được đặt trên ban thờ gian giữa của nhà thờ. Hình dáng pho tượng ở đây được tạc giống với tượng Bà Chúa dâu tằm ở các chùa mà chúng tôi khảo sát. Theo các cụ cao niên dòng họ Đào trong làng kể lại, pho tượng này được tạc theo mẫu tượng ở chùa Rừng (thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên). Đây chính là bà cô tổ họ Đào khi còn nhỏ đi chơi hội, chơi đu rồi bay đi không về, sau tìm thấy trên khu đất nay là vị trí chùa Rừng. Các ngôi chùa ở đây như: Vương Lễ tự (thôn Ngự Câu) và chùa Tô Lai Cổ Tích, còn gọi là chùa Do (thôn Thanh Quang) đều không thấy pho tượng tương tự nào.

Ngoài những ngôi chùa ở huyện Hoài Đức đã liệt kê ở trên, chúng tôi khảo sát thêm hệ thống chùa thuộc huyện Hoài Đức (khoảng 50 ngôi chùa) nhưng hầu hết các chùa còn lại đều không thấy xuất hiện pho tượng Bà Chúa dâu tằm.

Tượng Bà Chúa dâu tằm xuất hiện trong điện thần tại ở các ngôi chùa và nhà thờ thuộc huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Đây là một vấn đề khoa học lý thú, đặc biệt, dưới góc độ nghiên cứu văn hóa học, quản lý văn hóa và mỹ thuật dân gian, những bí ẩn về tượng Bà Chúa dâu tằm chắc chắn cần tiếp tục được quan tâm và tìm hiểu trong thời gian tới.

                   

Tác giả: Nguyễn Văn Nghi

Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019

                           

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *