ĐIỆN ẢNH, TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM HÒA VÀO DÒNG CHẢY HỘI NHẬP

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}


Ở Việt Nam, trong quá trình hội nhập quốc tế, các lĩnh vực hoạt động văn hóa còn khá mới mẻ như sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể… đã có sự phát triển mạnh mẽ. Chính sách văn hóa trong các lĩnh vực xuất bản, báo chí, biểu diễn nghệ thuật, sáng tác điện ảnh… đã có sự nới rộng hơn. Việt Nam đã có những bước đi thích ứng hơn để đáp ứng kịp với một nền kinh tế chuyển đổi, mặc dù vẫn còn những vấn đề chưa thật hoàn thiện.
 

1. Vài nét điện ảnh và truyền hình Việt Nam thời hội nhập

Những cải cách trong tổ chức và những đổi thay trong đời sống xã hội đã truyền một không khí tươi mới cho hoạt động văn nghệ nước nhà, đặc biệt là điện ảnh và truyền hình ở Việt Nam.
Từ khi mở rộng giao lưu, nhiều bộ phim ra đời đã đánh dấu bước chuyển mới của nghệ thuật điện ảnh. Tính đa dạng về đề tài, táo bạo trong xử lý nghệ thuật của phim thời hội nhập đã mang lại một sắc thái mới cho điện ảnh Việt Nam. Một số phim đã gây được sự bàn luận khá sôi nổi. Mở đầu cho sự đổi mới này là Cô gái trên sông.
Cách đây hơn hai thập niên, đã xuất hiện một số tác phẩm đáng chú ý trong dòng phim đổi mới, tiêu biểu, là Tướng về hưu. Dù chưa phải là tác phẩm thật xuất sắc, nhưng phim đã tạo được những dư luận phê bình trái chiều. Những bộ phim này đã đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ đất nước chuyển mình đổi mới, tham gia vào cuộc hội nhập văn hóa toàn cầu. Từ sự mở mang này, các tác phẩm điện ảnh Việt Nam đã xuất hiện tại nhiều Liên hoan phim Quốc tế (LHPQT).
Những tác phẩm điện ảnh mang đậm màu sắc hiện thực, phản ánh những vấn đề bức xúc của đời sống, đi vào thể hiện những thân phận bất hạnh trong xã hội… đã được chọn trình chiếu tại LHP Fukuoka (Nhật Bản). Đây là LHPQT đầu tiên đã tuyển chọn và giới thiệu cùng lúc khá nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam ra với thế giới như: Em bé Hà Nội, Cô gái trên sông, Thị trấn yên tĩnh, Thằng Bờm, Tướng về hưu, Xương rồng đen, Người cầu may, Đời hát rong, Ngọn đèn trong mơ, Trang giấy trắng
 Sau khi được trình chiếu tại LHP Fukuoka, những tác phẩm điện ảnh này lại tiếp tục được mời đi giới thiệu tại nhiều LHPQT khác trên thế giới. Có thể nói, ở thời điểm ấy, đây là đợt sóng hội nhập toàn cầu khá quan trọng của điện ảnh Việt Nam, được các đồng nghiệp ở nhiều nước trên thế giới chào đón và công nhận, không phải vì tác phẩm điện ảnh của Việt Nam đạt được kỹ thuật cao, hay nghệ thuật thể hiện đặc sắc, mà vì mỗi bộ phim đều có một nội dung mới lạ đối với bạn bè thế giới, giúp họ khám phá được địa văn hóa Việt Nam. Phần lớn tác phẩm đã cố gắng phản ánh một cách sinh động, chân thực về con người, về cấu trúc tâm lý của con người và dân tộc Việt Nam.
Trong xu trào hội nhập, điện ảnh Việt Nam đã có cơ hội được tham dự tại các LHPQT uy tín như LHP Cannes, LHP Venise, hay khu vực như LHP Châu Á Thái Bình Dương, LHP Pusan… Mới đây, LHPQT Việt Nam lần thứ nhất được tố chức vào tháng 10-2010 là một sự kiện quan trọng của điện ảnh dân tộc, đánh dấu sự hội nhập của phim Việt Nam, đồng thời cũng rút ngắn khoảng cách giữa điện ảnh Việt Nam và thế giới.
Bước vào TK XXI, điện ảnh Việt Nam phải vượt qua giai đoạn mới đầy khó khăn và thử thách: hòa nhập vào nền cơ chế thị trường trong lúc chưa thoát khỏi tình trạng gần như bế tắc từ những năm trước. Có thể do thiếu tiềm năng nội lực, hoặc khiếm khuyết ở một số công đoạn, nên phim Việt Nam do các hãng phim quốc doanh sản xuất chưa thu hút được nhiều khán giả trong nước, chưa có thế mạnh trong hoạt động giao lưu văn hóa, chưa có chiến lược trong công tác phát hành phim ra nước ngoài. Trước tình trạng ấy, nhà nước đã đưa ra chủ trương mở hơn: xã hội hóa hoạt động điện ảnh. Phương hướng này phần nào đã cứu sáng tác điện ảnh, và tạo tiền đề xây dựng được một số tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao, như: Lưới trời, Sống trong sợ hãi, Chuyện của Pao, Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng, Bi, đừng sợ!… Những bộ phim này đã đoạt được giải thưởng cao ở trong nước, đoạt giải hoặc tạo được tiếng vang tốt tại các cuộc LHPQT (nhưng rất tiếc vì khâu phát hành quảng cáo, giới thiệu còn chưa tốt, nên phim chưa thu hút được nhiều khán giả). Riêng Bi, đừng sợ! liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh có uy tín quốc tế. Sau khi, đoạt 7 giải thưởng từ LHP Cannes, Vancouver, Stockhom…, Bi, đừng sợ! đã ra mắt khán giả Việt Nam và đã đón nhận nhiều ý kiến khác nhau.
Vài năm trở lại đây, xu hướng các nghệ sĩ điện ảnh gốc Việt về nước làm phim ngày càng nhiều, góp thêm một sắc thái mới cho nền điện ảnh dân tộc thêm sinh động.
Bước vào hội nhập, ở mảng truyền hình, các chương trình gameshow trỗi dậy. Khi loại hình truyền thông bằng hình ảnh này lắng xuống, cũng là lúc các chương trình truyền hình thực tế lên ngôi. Đó là món ăn tinh thần mới mà giới truyền thông dành cho khán giả. Từ những bước đầu dò dẫm thử nghiệm, không lâu sau đó, nhiều chương trình được thực hiện theo mô thức này được ra đời. Theo ước tính, hiện nay trung bình mỗi tuần có khoảng vài chục chương trình phát sóng ở cả đài truyền hình trung ương và địa phương. Nhiều chương trình đã tạo được sức hấp dẫn bởi những yếu tố tự nhiên, bất ngờ đầy ngẫu hứng về người thật, việc thật…, tạo được sức hấp dẫn, gây tò mò về những sự thật bất ngờ không hề được sắp đặt trước trong mỗi lần phát sóng của chương trình. Chính sự bất ngờ này đã tạo nên mối tương tác cảm xúc khá hiệu quả giữa người xem và các ứng viên dự thi.
Truyền hình thực tế là một chương trình hiện đại, hấp dẫn, nhưng đòi hỏi vốn kinh phí thực hiện khá lớn. Phần lớn các chương trình được thực hiện với nguồn kinh phí xã hội hóa từ các nhà tài trợ. Cũng vì vậy, sự can thiệp đôi khi hơi sâu của các nhà tài trợ, hay lạm dụng thái quá với mục đích thu hút khán giả, nhằm quảng cáo, lăng xê sản phẩm, khiến cho một số chương trình truyền hình thực tế rơi vào tình trạng thiếu… thực tế, và vì thế, ý nghĩa tốt đẹp ban đầu phần nào bị giảm đi. Ngoài ra, nguyên nhân khiến truyền hình thực tế chưa phát huy được toàn bộ thế mạnh có thể do bản tính của người Việt e dè, thiếu tự nhiên, ít khi mạnh dạn đưa ra chính kiến của mình.
Truyền hình thực tế, dù là một thể loại khó làm, yêu cầu kinh phí cao và đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp, đang là xu hướng mới, mang lại hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Vì vậy các sản phẩm cần tránh những xu hướng lợi dụng các chiêu câu khách thái quá nhằm mang lại cho công chúng những chương trình hấp dẫn, bổ ích.
Cách đây khoảng một thập niên, đối với thị trường Việt Nam, việc sản xuất phim truyền hình theo công nghệ mới còn khá mới mẻ. Và các công ty nước ngoài đã đưa những công nghệ mới giới thiệu và phổ biến tại Việt Nam. Hiện lĩnh vực phim truyền hình đang sử dụng các công nghệ này. Ngoài ra, gần đây, cùng với toàn thế giới, khán giả Việt Nam có thể xem phim 3D Rio với ba sự lựa chọn: phiên bản phim nhựa 35mm 2D, 3D có phụ đề, và 3D lồng tiếng Việt. Đây là lần thứ ba phim Mỹ chiếu tại Việt Nam được chính thức lồng tiếng Việt. Đó cũng là một trong những hoạt động hòa vào làn sóng hội nhập, hòa vào dòng chảy toàn cầu hóa.
Ngoài những thế mạnh, những điểm tích cực đã đạt được, ở một góc nhìn khác, còn có những điều hạn chế của phim ảnh (đặc biệt là ở mảng phim truyền hình) trong tiến trình hội nhập.
Đó là hiện tượng mua kịch bản gốc của nước ngoài để làm phim, để chế biến lại nhằm có sản phẩm một cách nhanh chóng. Thực tế này đã đưa tới hệ quả: nhiều bộ phim truyền hình được dàn dựng theo lối câu khách, bằng những bối cảnh nhà cửa sang trọng, nhân vật có ngoại hình đẹp, ăn mặc hợp thời trang, nhưng các yếu tố đó lại được triển khai trong những câu chuyện hời hợt, vô lý. Hoặc nhiều bộ phim giao phần kỹ thuật và công việc đạo diễn cho đối tác nước ngoài thực hiện, với kỳ vọng phim làm ra sẽ đạt được chất lượng cao. Nhờ ê kíp thực hiện làm việc kỹ ở phần hậu kỳ, nên một số phim có được hiệu quả và thu hút được người xem, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi việc xây dựng những hành động không đúng với tâm lý người Việt. Một số phim được xây dựng từ kịch bản gốc của nước ngoài đã gây phản ứng đối với người xem vì sự lai căng, xa rời với thực tiễn cuộc sống, và nhất là không thể hiện được tính dân tộc trong tác phẩm. Đây là một hiện tượng bắt chước, đem lối sống lạ vào nghệ thuật Việt. Trong quá trình hội nhập, nếu không có sự chọn lọc, chúng ta sẽ phải hưởng thụ những sản phẩm văn hóa lai căng, hỗn tạp.
Có thể nói, việc mua kịch bản gốc từ nước ngoài về để dàn dựng lại xuất phát từ nguyên tắc giao thương là chính. Đã xuất hiện việc thực hiện những phim thuộc dạng sitcom (hài tình huống). Chính sự Việt hóa kịch bản nước ngoài chưa đạt được chất lượng nghệ thuật đã cho ra đời các sản phẩm sitcom có những chi tiết, tình huống xa lạ, không đúng với tinh thần và tâm lý của người Việt, không mang sắc thái Việt Nam. Vì thế, khó có thể thuyết phục được người xem. Quan điểm của những người theo xu hướng làm phim này là: trong quá trình phóng tác, các tác giả của ta sẽ học được nhiều ý tưởng và cách cấu trúc kịch bản của nước ngoài. Thông qua công nghệ viết kịch bản hiện đại của họ, có thể tiếp thu việc dẫn dắt những câu chuyện dài nhiều tập của phim truyền hình, từ cách tung hứng, xử lý, đến việc tạo các mảng miếng hài hước, công nghệ thể hiện, các nhà sản xuất đỡ phải bỏ nhiều công sức cho công đoạn này, tiết kiệm được thời gian, kinh phí… Với cách biện minh này, dường như ta có thể hội nhập với tính chất của kinh tế thị trường, nhưng cho rằng các tác giả của ta học được nhiều ý tưởng sáng tạo, thì có lẽ ngược lại, vì với cách thức như thế, các nghệ sĩ trẻ của ta sẽ không chịu khó tư duy, sáng tạo khi đã có công thức được định sẵn. Những phim coppy hay có tính chất lai căng ấy thì không thể được xem là sản phẩm của thời hội nhập. Hoạt động giao lưu và giao thương văn hóa, trao đổi, kinh doanh tác phẩm hay công nghệ điện ảnh, hợp tác làm phim là những hoạt động cần thiết. Tuy nhiên, những phương thức sản xuất phim dạng như sitcom (hay các dạng thức khác)… cần phải có sự cân nhắc kỹ càng và có giới hạn.
Có thể nói, phim truyền hình ở Việt Nam hiện nay đã được tăng tốc với cường độ rất khẩn trương về mặt định lượng. Tuy nhiên khó có thể tạo được những bộ phim có giá trị về mặt định tính khi làm phim với vốn kinh phí quá ít ỏi, thời gian đầu tư cho tác phẩm quá ngắn, hay tư duy sáng tạo còn chưa đạt yêu cầu. Chỉ một trong những yếu tố trên bị hụt hẫng, sẽ làm cho tác phẩm không đạt được chiều kích cần có. Có thể nói, điện ảnh thời hội nhập đã có vài thập niên, nhưng dường như ở một số khâu vẫn còn những lúng túng và bất cập.
Để hội nhập với thế giới, điện ảnh Việt Nam phải tạo được cho mình nội lực, để có thể sánh vai cùng các nền điện ảnh tiến bộ khác. Các nhà làm phim Việt Nam cần khảo sát bài học kinh nghiệm của nền điện ảnh Iran. Những nhà đạo diễn điện ảnh nổi tiếng của đất nước này đã không nhất thiết phải sử dụng các kỹ thuật cao, làm phim theo cách thức ít tốn kém kinh phí, mà vẫn sáng tạo được những bộ phim được các cuộc Liên hoan phim Quốc tế đánh giá cao bởi nội dung sâu sắc, thấm đẫm tính nhân văn của họ.
 

2. Vài suy nghĩ trong dòng hội nhập

Trước những con sóng của văn hóa bên ngoài đang ào ạt tràn vào, nếu chúng ta không có đủ hành trang và bản lĩnh khi hội nhập, thì nguy cơ sẽ bị cuốn trôi trong dòng cuộn xoáy của đủ các nền văn hóa. Hành trang đó chính là bản lĩnh của một người Việt Nam yêu nước, là gia tài văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thử vào blog của một số bạn trẻ, có thể thấy trên đó phần lớn là trao đổi về các bài hát, ca sĩ, diễn viên, phim ảnh của nước ngoài. Còn các hoạt động của văn hóa Việt, ít khi được các bạn trẻ bàn luận.
Bạn bè nước ngoài khi đến Việt Nam, điều trước tiên họ muốn tìm hiểu là văn hóa bản địa, văn hóa Việt. Họ có thể sẽ ngạc nhiên, thích thú nếu anh có những hiểu biết về văn hóa đất nước họ. Tuy nhiên, họ sẽ khó có thể coi trọng anh, nếu không hiểu biết gì về văn hóa của chính dân tộc mình.
Truyền thống văn hóa của đất nước là hồn cốt của mỗi dân tộc. Hầu hết những phim châu Á đoạt giải tại các LHPQT đều là những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có nhiều cơ hội giao lưu để giới thiệu cùng thế giới về nền văn hóa của một đất nước cách đây chưa lâu đã trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc, một dân tộc kiên cường mà cũng hết sức duy tình, duy cảm và lãng mạn.
Trong xu thế hội nhập, cần phải quan tâm tới mong muốn chung của bạn bè thế giới khi tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, một Việt Nam có bản sắc riêng, với những nét đặc trưng của văn hóa các vùng miền.
Có thể nhận thấy trên các màn hình tivi đặt tại các khu vực chờ lên máy bay, phim ảnh Việt Nam và các chương trình thuần Việt hầu như rất ít. Những chương trình được phát trên các màn hình đó hầu như là phim tâm lý tình cảm Hàn Quốc, phim hành động Mỹ, phim cổ trang Trung Quốc. Thỉnh thoảng xen vào là các chương trình ca nhạc tạp kỹ của Việt Nam được làm theo phong cách hiện đại Hàn Quốc.
Ngoài ra, còn có thể thấy hiện tượng tiếng Việt bị lai cách nói không thuần Việt dường như được chấp nhận một cách vô thức. Thậm chí, nó đã được sử dụng công khai trong một số câu thoại ở các vở kịch hay bộ phim, hoặc trên một vài phương tiện truyền thông đại chúng. Giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam là không để tiếng Việt bị lai, biến thành thứ tiếng nửa Việt – nửa Anh. Trên địa hạt văn hóa, sự hội nhập phức tạp hơn so với hội nhập kinh tế. Nó đặt ra nhiều vấn đề, mà nếu không kịp thời giải quyết sẽ làm cho nền văn hóa của chúng ta dần dần mất đi bản sắc.
Văn học nghệ thuật của chúng ta bước vào hội nhập mới trên một thập niên nên thời gian chưa đủ dài để hòa nhập một cách dễ dàng ngay được. Một thập niên cho một sự chuyển biến quá lớn lao, mới mẻ, trong hoàn cảnh gần như chưa có nhiều bước chuẩn bị một cách bài bản, thì tình trạng lúng túng, thậm chí có những vấn đề cần phải luận bàn hiện nay cũng là lẽ tự nhiên.
Trên thế giới, đã có những bài học kinh nghiệm trong quá trình hội nhập về văn hóa. Đó là cần đặc biệt coi trọng những vấn đề bảo tồn lịch sử và di sản văn hóa. Vì di sản không phải như một quá khứ bị đóng băng, mà như là truyền thống sinh động. Bài học kinh nghiệm trước đây của người Nhật đã từng làm trong tiến trình hội nhập, là chuyển hóa các hình thức truyền thống thành hình thức hiện đại và sinh động với tính chất và đặc trưng riêng. Các nước châu Á đã từng phải trải qua con đường nhiều gian nan để tiến tới hiện đại. Ngay đối với những nước từng có bề dày truyền thống văn hóa, cũng phải mất cả một thế kỷ phấn đấu để có được tính hiện đại riêng của từng dân tộc. Các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Inđônêxia… cũng đã trải qua quá trình chuyển hóa lâu dài để đạt được tính hiện đại, đồng thời vẫn bảo lưu giữ được bản sắc riêng.
Có thể nhìn nhận, chúng ta đã có những phương án để đón cuộc hội nhập về kinh tế, tuy nhiên, có lẽ còn thiếu tổ chức một cách bài bản đối với cuộc hội nhập về văn hóa. Hiện chúng ta đang phải đối đầu với những khó khăn như: cơ hội đào tạo về chuyên môn cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (trong đó có điện ảnh) hầu như rất khó khăn. Đặc biệt kinh phí đào tạo cho lĩnh vực nghệ thuật ở nước ngoài rất lớn so với đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật khác. Hay vấn đề công tác phổ cập giáo dục nghệ thuật học đường nhằm định hướng thẩm mỹ cho thanh thiếu niên, thông qua chương trình đào tạo nghệ thuật (ca, múa, nhạc, họa, sân khấu, điện ảnh…) tại các trường phổ thông còn có nhiều vấn đề bất cập, chương trình và phương pháp giảng dạy còn sơ lược. Đây cũng là một vấn đề trở ngại trong quá trình hội nhập về văn hóa nghệ thuật.
Ở Việt Nam, việc huy động nguồn tài chính hỗ trợ của nước ngoài cho lĩnh vực văn hóa thông qua các dự án hợp tác phát triển còn có những hạn chế, do chúng ta còn thiếu kinh nghiệm xây dựng dự án. Để hội nhập, phát triển về văn hóa nghệ thuật, chúng ta đang cần nhiều cán bộ có khả năng phân tích sâu các vấn đề, để có thể định hướng được các chương trình hợp tác quốc tế, và xây dựng các dự án hợp tác theo đúng tiêu chuẩn của quốc tế.
        Việt Nam đang chuyển mình trong xu thế của cả thế giới, đang hòa vào trong dòng chảy toàn cầu hóa. Để hòa nhập một cách bình đẳng cần có sự bình đẳng về trình độ chuyên môn, tôn trọng lẫn nhau về chủ quyền, giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, và bảo lưu truyền thống của mỗi dân tộc,… Từ đó, hội nhập sẽ đưa lại sự đồng tâm, cộng cảm trong sáng tạo nghệ thuật, và tiến tới có thể liên thông về giáo dục, mở rộng đào tạo hợp tác quốc tế ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa nghệ thuật… để con người có thể xích lại gần nhau hơn trong thế giới ngày càng thu hẹp, trong một trường không gian thân thiện và hiện đại hơn của xu trào toàn cầu hóa.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 323, tháng 5-2011

Tác giả : Phan Bích Hà

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *