Điện biên trong truyện ngắn du an

Điện Biên là vùng đất nổi danh từ những năm giữa TK XX với chiến công lừng lẫy Điện Biên Phủ, là vùng văn hóa độc đáo, có vị trí chiến lược về an ninh, chính trị quốc gia. Ngoài ra, đây còn là một mảnh đất đẹp, thơ mộng, đang thay da đổi thịt từng ngày. Tiếp nối những mạch cảm hứng về đất và người Điện Biên trong các sáng tác của Nguyễn Khải, Mạc Phi…, Du An đem đến cho văn đàn những sáng tác về một mảnh đất hùng vĩ như lời thủ thỉ tâm tình, khi nhặt, khi khoan. Bài viết khảo sát tập truyện ngắn Người rừng, rừng người của tác giả để qua đó thấy được sức hấp hẫn của thiên nhiên cũng như sự thay da đổi thịt của một Điện Biên đang trên đà đổi mới, nhiều hứa hẹn hôm nay.

Du An với tác phẩmNgười rừng, rừng người

Du An tốt nghiệp khoa ngữ văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, hiện là cây bút chủ đạo của Hội Văn học Nghệ thuật Điện Biên. Với hơn 20 năm cầm bút, ông đã trình làng một số lượng lớn tác phẩm, từng giành các giải thưởng về văn chương.

Giọng văn của Du An trẻ, lời truyện đẹp như thơ, lập lờ như sấm ký nhưng lại chuyên chở vấn đề nhức buốt. Người rừng, rừng người là tập truyện ngắn, gồm 15 truyện, với đề tài chủ đạo là cuộc sống của người miền núi, đa số được viết ở Điện Biên. Qua tác phẩm, tác giả cho thấy sự thấu hiểu của một người sống gần gũi với đồng bào nơi đây, một sự sẻ chia, thấm thía. Qua những mảnh đời của người đàn bà mù, của Muốn (Người rừng, rừng người), bữa ăn chan nước mắt, xúc cảm đáng yêu của những em học sinh người Mông (Hạt cơm đau), những vật vã, đau khổ của một chàng thanh niên đến con lợn cũng không nuôi nổi (Nuôi lợn), những suy tư, trăn trở của một chàng trai hay chữ tên Nghiên (Đông Xên)…, giúp độc giả cảm nhận được sự chất phác, hồn hậu, thân thiện, đáng yêu của con người miền sơn cước.

Mảnh đất với núi rừng hùng vĩ, tươi đẹp

Đến với tập truyện ngắn Người rừng, rừng người, cảm quan đầu tiên là sự xuất hiện của rừng như một biểu tượng của Điện Biên. Khắp nơi cùng chốn, đi vào mọi sinh hoạt của đời sống đều gặp hình tượng núi rừng; rừng cho con người củ mài, củ sắn; rừng cho con người một chỗ nương thân; rừng cho con người những thanh tre, thanh nứa; rừng là anh em, là tri kỷ, là cuộc sống. “Muốn đi tiếp, giật mình thấy phần phật. Gió rừng. Không, những chiếc váy chéo trái, chéo phải trên con đường xanh xanh. Mùi thơm không giống một loại quả rừng nào. Gió cũng thơm, xoáy xoáy. Muốn xoay tròn, rồi lướt lướt theo đoàn người. Họ đến một bãi đất, mây xanh sà xuống. Họ ngửa mặt lên trời, tay quay quay, lại gió, vút đi một quả gì. Nắng bất ngờ óng ánh đuổi theo. Tiếng cười nói, những đôi má long lanh, lấm tấm mồ hôi” (1). Trong cảm xúc của người con gái bản Tênh Hông cũng như những nếm trải của người đàn bà mù là thấy rừng đêm mênh mông. Giữa bạt ngàn của rừng xanh ấy, trong ánh nhìn cuối của người đàn bà trước khi gửi lại đôi mắt của mình cho núi rừng, bà còn thấy được những cây nứa mở hội, cây xanh, cây vàng loang loáng thẳng tưng lên bầu trời, luồng nắng không làm sao đuổi kịp, chỉ xiên chéo một đường đầy những hạt bụi vàng.

Cùng với cảm thức về sự mênh mông, bao la, ngút ngàn, trong tâm khảm của người con Điện Biên, rừng là những giá trị thiêng liêng, cao quý. Trong Ở nương, “Hiêng bảo, chiều qua đi khám đất, phát hiện ra một rừng củ mài. Ngay sau lều, chỉ tụt xuống, rẽ sang một tí mà không biết. Liến thấy giọng Hiêng như khoe với bố mẹ bẫy được con hoẵng” (2).

Có thể thấy rất rõ, rừng là người bạn tâm giao của những con người sinh ra ở nơi đây, lớn lên nhờ vào rừng, khi chết cũng tìm về với rừng. Người mẹ mù trong truyện Người rừng, rừng người là một con người như thế. Chị ta lớn lên với một cuộc đời không mấy suôn sẻ, bị mù cả hai mắt ở tuổi trăng tròn, một mình nuôi con giữa núi rừng bao la, nhưng cũng nhờ giời, chị có rừng để trông cậy. Trong suy nghĩ của đứa con, “mẹ sinh ở rừng, ăn rừng, ngủ rừng, không mang cái gì ra khỏi rừng. Không lấy cái gì ngoài rừng vào”(3), “mẹ về với rừng; nhìn con dao thấy lạnh, nhìn túi lửa thấy nóng; người nóng lạnh thất thường”(4).

Mảnh đất đang trở mình trỗi dậy trong cuộc sống mới

Tiếp nối cảm hứng từ Mùa lạc của Nguyễn Khải, những cây bút trẻ viết về Điện Biên đã phản ánh không khí hăng say làm việc với một khát vọng tự khẳng định bản thân, khẳng định những giá trị tốt đẹp của con người trong cuộc đời mới. Du An, Nguyễn Đức Lợi hay những cây bút trẻ trong Hội Văn học Nghệ thuật đều có chung cảm hứng đó.

Trong Ở nương, vợ chồng Hiêng Liến, bé Hoài Thương trải qua biết bao vất vả, chịu cả sự hắt hủi của cha mẹ mà sống trên nương, thiếu ăn, thiếu mặc nhưng kết thúc tác phẩm là cảnh của đoàn tụ, sum vầy. Hay như ở Người rừng, rừng người, trong tâm khảm của Muốn thì “Muốn là trụ cột, cắt đặt lo toan cho đại gia đình. Những lần hổ vồ trượt, khỉ ném đá, rắn mai phục màu lá cây… Những trận mưa, lũ ống, lở đất; những ngày nắng nghe tiếng da xèo xèo. Khổ. Tất cả kêu khổ. Một ngày kia có tiếng nổ, khói đen. Không phải sấm, không phải cháy rừng. Người ta mở một con đường xuyên từ bản cũ, qua bản mới, qua rừng Tênh Hông, đi nữa, hình như đến chân trời. Các con Muốn reo hò. Vợ Muốn chưa tối đã tắm. Muốn nấu cơm gọi tất cả vào ăn” (5). Rõ ràng, ta đọc được trong sâu thẳm tâm hồn Muốn là một sự đổi thay đến trong từng đường gân thớ thịt, trong từng cảm nhận rất nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc. Số phận, đường đời của bà mẹ mù khốn khổ cũng giống như số phận của người phụ nữ trong Bên hồ. Yêu hết mình một chàng kỹ sư xây dựng nghe nói là người Thái Bình, rồi chị ta có thai đúng lúc anh ta phải đi chuẩn bị hồ sơ nghiệm thu công trình. Mà thời gian chuẩn bị quá lâu, chị sinh con, nuôi lớn ở trong lều một mình mà chưa thấy anh quay trở lại. Có những lúc tưởng chết đói giữa rừng thẳm. Thế rồi, trời cũng không tuyệt đường sống của ai: “Bảy năm nay, nàng bỏ hẳn mót ngô, núi đồi nương rẫy; nàng chỉ đi phụ vữa, dọn nhà, trông trẻ… Con gái nàng đã biết nấu cơm, nấu cám lợn. Tối mịt nàng về, nó dọn cơm sẵn, líu ríu khoe đủ chuyện ở nhà” (6).

Một cuộc sống vui vẻ sẽ đến với dân làng, trong đó có gia đình Muốn, gia đình của những người đàn bà kia. Đó cũng chính là tâm sự chung, là thành công chung của tất cả người dân trên mảnh đất này. Rõ ràng là cuộc sống đã đổi khác, thay da đổi thịt hoàn toàn. Đến rừng như cũng chung vui với con người, rừng bảo lá giết người (lá ngón) chạy hết đi, để lại cho người toàn lá ăn được, để lại những thơm thảo cho đất, cho người Tây Bắc.

Bên cạnh dòng văn học dân gian vốn là niềm tự hào của người dân nơi đây, sáng tác văn học viết được xuất bản khá nhiều, đặc biệt là các sáng tác tái hiện, ngợi ca tinh thần dân tộc bất khuất trong chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Có thể kể đến Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai, Người người lớp lớp của Trần Dần, Tuyển tập thơ văn Điện Biên Phủ từ các tác phẩm của Trần Độ, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoài An, Hồ Phương, Lê Kim, Dũng Hà… Bên cạnh đó, sự ra đời đều đặn của Tạp chí Văn nghệ đã cho thấy đời sống văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc nơi đây với các sắc thái độc đáo mới lạ so với các vùng, địa phương khác trong cả nước.

Tuy chưa thật đồ sộ, nhưng các tác phẩm của Du An cho thấy, một Điện Biên đẹp, thơ mộng, căng tràn nhựa sống trong thời đại mới. Chắc chắn rằng phải có một sự thâm nhập rất sâu, một tình cảm rất nồng hậu đối với đất, với người Điện Biên thì Du An mới có thể mang đến cho độc giả những áng văn thơ như thế.

____________

1, 2, 3, 4, 5, 6. Du An, Người rừng, rừng người, Nxb Hội Nhà văn, 2015, tr.6, 120, 183, 185, 188, 192.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : PHẠM HÀ NAM – NGUYỄN THỊ THU HOÀI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *