Diễn Châu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Diễn Châu là huyện có vùng nông thôn rộng lớn của tỉnh Nghệ An, với hơn 74.000 hộ, 30 vạn người dân, sinh hoạt ở 38 xã, thị trấn, trong đó có 22 xã có đồng bào theo đạo công giáo, 9 xã bãi ngang ven biển, 6 xã vùng gò đồi và xã miền núi Diễn Lâm. Với một huyện đông dân, địa bàn trải rộng, làm thế nào để xây dựng thành công đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân? Thế nhưng, trong cái khó ló cái khôn, Ban Thường vụ Huyện ủy Diễn Châu đã lấy Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm kim chỉ nam, tổ chức quán triệt cho các ngành kinh tế, thương mại, dịch vụ trên tinh thần “Dân giàu, huyện mạnh” – đời sống nhân dân được nâng cao sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, xóm. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa” từ huyện xuống xã được kiện toàn củng cố và chủ động xây dựng các tiêu chuẩn về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, trở thành những nội dung quan trọng và lồng ghép chung vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ đó, huy động được cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thực hiện có hiệu quả. Cách làm này, giúp cho các xã và xóm soạn thảo, xây dựng được các thiết chế văn hóa, hương ước, quy ước làng, dòng họ một cách cụ thể, sát thực. Người dân trong và ngoài xã thực hiện hiệu quả. Công tác xây dựng điểm sáng văn hóa vùng đồng bào có đạo, vùng bãi ngang ven biển, vùng gò, đồi miền núi được huyện và xã quan tâm làm tốt.

Trong sản xuất nông lâm, ngư nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ, huyện chỉ đạo nông dân tập trung chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, giao đất, giao đồi, đấu thầu ao đầm, bãi bồi cho nhân dân sử dụng lâu dài. Cả 38 xã, thị trấn chuyển từ 40 -50% số lao động sang làm thương mại, dịch vụ. Huyện thành lập 23 làng nghề, 615 doanh nghiệp vừa và nhỏ, kêu gọi các nhà đầu tư, nhất là mời gọi con em Diễn Châu làm ăn xa đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng khu công nghiệp, nhà máy, của công trình phúc lợi phục vụ cho quê hương mình. Huyện còn tiếp cận với các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung ương và tỉnh. Với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mỗi năm, Diễn Châu đầu tư 550 – 600 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhờ phát huy nội lực trong dân, cùng với sự hổ trợ của nhà nước, 12 năm qua, Diễn Châu luôn được mùa. Sản lượng lương thực, đánh bắt hải sản, cũng như giá trị sản xuất công nghiệp, làng nghề năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính năm 2019, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 12.500 tỷ đồng, tổng sản lượng lương thực và nông sản đạt 130.000 tấn, trong đó có 10.000  tấn lạc, vừng. Toàn huyện xây dựng được 9.000 ha cánh đồng cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng/ ha. Sản lượng đánh bắt năm 2019 đạt 46.000 tấn, chế biến tiêu thụ hơn 10 triệu lít nước mắm, thu ngân sách đạt 516 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 46 triệu đồng người/ năm. Năm 2020, nâng lên 52 triệu đồng người/ năm.

Xã Diễn Cát dùng máy gặt để thu hoạch nhanh gọn 450 ha lúa vụ xuân

Sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, huyện Diễn Châu có điều kiện thuận lợi hơn để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở một cách mạnh mẽ, sâu rộng, thu hút đông đảo quần chúng tham gia đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ. Đến nay, cả 38 xã, thị trấn đều quy hoạch đất để xây dựng văn hóa, TDTT, xây dựng Đài Phát thanh cơ sở, với đầy đủ trang thiết bị, phòng làm việc, xã nào cũng có cán bộ văn hóa có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng. Năm 2019, trường tiểu học xã Diễn Xuân, trạm y tế Diễn Vạn được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. 100% số xã , thị trấn lập được quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Khuyến học khuyến tài”, có số dư từ 80 triệu đồng đến 120 triệu đồng/ quỹ/ xã. Bình quân mỗi năm, huyện và xã sửa chữa làm mới từ 50 – 60 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết. Hằng năm, nhân dân trong huyện còn đóng góp hàng nghìn ngày công, hàng trăm triệu đồng để bảo quản, tu sửa hơn 40 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng. Riêng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở xã Diễn An, Đài tưởng niệm liệt sĩ 1930 ở Diễn Ngọc được tỉnh và huyện đầu tư hàng chục tỷ đồng để trùng tu nâng cấp khang trang. Bằng ngân sách địa phương, UBND huyện và xã đã trang bị đồng bộ tủ sách, thư viện cho 38 xã,thị trấn, 125 trường học. Toàn huyện có 288 xóm đều xây dựng được nhà văn hóa, giá trị mỗi nhà từ 700 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, có sân khấu ngoài trời, tủ đựng sách báo,  nơi hội họp, giao lưu văn nghệ, thể thao cho nhân. Xã nào, xóm nào cũng xây dựng được sân vận động, bãi tập thể thao, nhà văn hóa cộng đồng, khu vui chơi giải trí. Sau 10 năm xây dựng NTM (từ năm 2011 – 2019), toàn huyện đã xây dựng được hơn 600km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Bình quân mỗi xã có từ 4 – 6 km đường nhựa nối từ trung tâm xã với các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ. Đường giao thông xã được trồng hoa hai bên, xây cọc tiêu treo cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu.

Phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) ở các thôn, xã trong huyện không ngừng phát triển. Đến nay, 100% số xã, thị trấn thành lập được đội văn nghệ quần chúng, gồm từ 30 – 40 diễn viên, nhạc công. Cả 38 xã, thị trấn có câu lạc bộ văn nghệ, thể thao của các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Trung bình mỗi năm, các thôn, xã tổ chức được hơn 120 buổi biểu diễn VNQC và các hội thi “Gia đình văn hóa”, “Chúng em hát về Bác Hồ”, “Hát ví dặm dân ca Nghệ Tĩnh”, với nội dung phong phú hấp dẫn, thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc. Hằng năm mỗi độ xuân về, Tết đến, hoặc vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các xã, các trường học, các xóm đều tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao, tạo không khí vui tươi lành mạnh trong nông thôn.

10 năm qua, cứ đến ngày thành lập MTTQ Việt Nam, cả 288 xóm trong huyện lại tổ chức “Bữa cơm đoàn kết”, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Lễ hội Đền Cuông, thờ Vua Thục An Dương Vương, tổ chức trang nghiêm trân trọng vào ngày rằm tháng giêng âm lịch hằng năm. Phần lễ giao cho xã Diễn An đảm nhiệm, phần hội do phòng VHTT tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa thể thao hấp dẫn, trong đó có cuộc thi  “Nép đẹp Đền Cuông”, thu hút hàng trăm thí sinh là thanh niên học sinh, sinh viên, trong và ngoài huyện. Phong trào hành quân về nguồn, nghĩa tình biên giới hải đảo, thăm lại chiến trường xưa, thắp nên tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7 do Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức, cùng tạo ra nét đẹp đặc trưng trong đời sống văn hóa cơ sở. Ngoài đền thờ liệt sĩ Diễn Châu được xây dựng ở xã Diễn Phúc, giá trị hơn 30 tỷ đồng, cả 38 xã, thị trấn trong huyện đều xây dựng được Đài tưởng niệm liệt sĩ, giá trị hơn 10 tỷ đồng/ công trình, trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Chỉ thị 27 – CT/TW về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được đông đảo nhân dân trong huyện đồng tình hưởng ứng. Ngày càng ít đi những đám cưới, đám tang rườm rà, lãng phí. Các lễ hội thờ tự của các dòng họ, đình làng, đền thờ được tổ chức trang trọng. Lãnh đạo huyện luôn ưu tiên dành kinh phí đầu tư xây dựng và giúp đỡ nhân dân vùng gò đồi, bãi ngang ven biển và xã miền núi Diễn Lâm. Nhờ vậy, đến năm 2019, 100% số xã đặc thù đã hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học, “ngói hóa” ở nhà cho dân, xóa nhà ở tạm bợ, với 100% số xã xây dựng được trụ sở làm việc, trường học cao tầng, làm được trạm y tế xã, nhà văn hóa xóm khang trang. Từ những xã vùng đồi, bãi ngang “trắng” về xây dựng văn nghệ quần chúng, đến nay cả 16 xã vùng đồi, vùng bãi ngang và xã miền núi Diễn Lâm thành lập mỗi xã VNQC, có 30 – 35 nhạc công, diễn viên, mỗi xóm xây dựng được Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên hoạt động nhịp nhàng. Việc cưới, việc tang được tổ chức trang trọng, lành mạnh và tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình, phong tục truyền thống của từng làng, xã; liên hoan VNQC từng cụm xã được tổ chức 3 năm một lần. Liên hoan VNQC cấp huyện được tổ chức 5 năm một lần. Các môn thể thao quần chúng như bóng đá, bóng chuyền, chơi đu, kéo co, leo núi, thi tiếng hát Làng Sen, thi thanh niên, học sinh thanh lịch, hát dân ca, ca trù, tấu, chèo, kịch nói đã làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cả 38 xã, thị trấn, thu hút hàng vạn người tham gia.

 Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Diễn Châu đang chuyển biến tích cực. Đến đầu tháng 5 năm 2020, toàn huyện đã có 28/37 xã đạt chuẩn NTM, với 19/19 tiêu chí, 260/288 xóm được công nhận “Làng văn hóa”, 68.500/74.000 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 125 cơ sở giáo dục, 38 trạm y tế và 50 cơ quan, đơn vị văn hóa huyện và 125 trường học có thư viện, với hàng nghìn đầu sách, 38 xã, thị trấn và 288 xóm có phòng đọc báo. Hơn 150 khu sinh hoạt văn hóa, thể thao và gần 1.000 câu lạc bộ văn nghệ thể thao của các tổ chức chính trị, xã hội làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa ở một huyện thuần nông, thuần ngư. Những kết quả này là thành quả của sự cố gắng tinh thần phấn đấu vươn lên của Đảng bộ và nhân dân Diễn Châu, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng tươi đẹp với những đổi thay và phát triển mạnh mẽ trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Tác giả: Lê Hoài Thung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *