Điển cố trong kịch bản tuồng Trung hiếu thần tiên


Trong tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt, trong kịch bản tuồng, các tác giả thường dùng điển cố từ văn học Trung Hoa để tạo cho câu văn hay, hàm súc, cô đọng, khúc triết. Văn bản tuồng Trung hiếu thần tiên của tác gia Hoàng Thái Xuyên (1916) đã tiết chế sự vay mượn này và sử dụng một số điển cố lấy từ các phẩm văn học, sử học của Việt Nam, như: Đại Việt sử ký toàn thư, Truyện Kiều, Bình Ngô đại cáo… Ở bài viết này, người viết muốn nêu lên sự tiếp thu tinh hoa thi ca dân tộc, vận dụng ngôn ngữ dân tộc vào sáng tác tuồng của tác gia Hoàng Thái Xuyên.

1. Vai trò của điển cố trong kịch bản tuồng

Từ xưa tới nay, có khá nhiều ý kiến khác nhau định nghĩa về điển cố: theo Từ điển Văn học (bộ mới), điển cố là “thuật ngữ của giới nghiên cứu nhằm mô tả một trong những đặc điểm nổi bật của văn học cổ trung đại, nhất là văn học cổ trung đại phương Đông, trong phạm vi các nước chịu ảnh hưởng của văn học cổ và trung đại Trung Hoa” (1). Còn nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm cho rằng: “Điển cố chính vì sự tôn kính cổ nhân và tính cách cao quý ấy, nên văn chương Tàu và ta hay dùng điển cố, khiến cho lời văn thêm hàm súc, nhưng cũng chỉ có các độc giả đã từng học rộng xem nhiều mới hiểu thấu và thưởng thức được. Lời văn thường hoa mĩ, cao kỳ, ít khi bình thường, tự nhiên và sáng sủa” (2). Như vậy, các ý kiến trên đều khẳng định sử dụng điển cố làm cho câu văn khúc triết, cô đọng, nội dung đều liên quan đến văn học cổ và văn học Trung Hoa.

Việc vận dụng điển cố trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là văn thơ cổ hay các truyện Nôm khuyết danh của văn học Việt Nam là một phương thức quen thuộc của các nhà sáng tác. Điển cố cho ta thấy tính chất uyên bác của tác giả khi thể hiện nội dung văn chương và ngôn ngữ của tác phẩm, tạo cho câu văn, câu thơ cô đúc, hàm súc. Trong các kịch bản chèo cổ, việc sử dụng các điển cố văn học hàm ý sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục cao. Còn ở các kịch bản tuồng, đặc biệt là những kịch bản tuồng cổ thường dùng các điển cố của Trung Hoa tương đối nhiều, khiến ngôn ngữ tuồng chứa đựng tầng tầng lớp lớp ý nghĩa, đối thoại của các nhân vật hàm súc, cô đọng, khúc triết và làm tăng thêm tính bác học cho nghệ thuật tuồng. Trong kịch bản tuồng viết bằng chữ Nôm Trung hiếu thần tiên (3) in năm 1916, tác giả Hoàng Thái Xuyên cũng sử dụng nhiều điển cố, nhưng ông đã ý thức được sự vay mượn này, nên số lượng điển cố của Trung Hoa giảm đi, thay vào đó là sử dụng các điển cố dẫn từ Truyện Kiều, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại cáo Bình Ngô và các thi liệu văn thơ cổ của Việt Nam.

2. Đặc điểm điển cố trong kịch bản tuồng Trung hiếu thần tiên

Ở kịch bản tuồng nôm Trung hiếu thần tiên, tác giả thường sử dụng điển cố để viết điệu hát Vãn (hay còn gọi là hát Nam). Đây là một điệu hát phổ biến trong tuồng, lời tuồng thường buồn nhiều hơn vui, nhẹ nhàng hơn là sôi động, văn chương thanh thoát và thiên về tính cách hoa mĩ. Theo GS Hoàng Châu Ký, đây là “điệu hát êm dịu, trữ tình, thường chỉ dành cho các nhân vật chính diện” (4). Bên cạnh sử dụng điển cố ở điệu hát Vãn, tác giả còn dùng điển cố ở các điệu hát thán, bạch lời hường (văn xuôi), nhưng số lượng này chiếm tỉ lệ rất ít.

Sử dụng các điển và dẫn kinh của Trung Hoa

Trong Trung hiếu thần tiên, các điển cố được tác giả Hoàng Thái Xuyên sử dụng thường gắn với những câu thơ hay, lời nói đẹp. Chẳng hạn tác giả đã dùng điển Bá Di, Thúc Tề để viết lời hát Vãn cho nhân vật vua Trần Thái Tông khi ông có ý khuyên răn Trần Liễu:

 Thái Vi danh tiết càng cao,

Nhiên ki chử đậu ai nào khen đâu.

                    (hồi 2, quyển 1)

 Thái vi (có nghĩa là hái rau vi) là tích truyện Bá Di và Thúc Tề ở cuối thời nhà Thương. Hai người là con vua nước Cô Trúc, vì không ngăn được Chu Văn Vương đưa quân diệt Trụ, bèn bỏ lên núi Thú Dương ở ẩn, không ăn thóc của nhà Chu, hái rau vi ăn. Sau nghe nghe thấy câu “thiên hạ của nhà Chu, rau vi mọc trên đất nhà Chu”, hai anh em nhịn đói mà chết. Còn tích “Nhiên ki chử đậu” bắt nguồn trong thơ của Tào Thực “chử đậu nhiên đậu ki” (tức là nấu đậu đun bằng dây đậu, nói về mối mâu thuẫn giữa Tào Phi và Tào Thực). Ở đây, tác giả đã sử dụng ý nghĩa ẩn dụ của điển tích để truyền đạt một ý nghĩa khái quát mang tính chất phổ biến, đó là thông qua sự ca ngợi danh tiết của Bá Di, Thúc Tề để khuyên răn Trần Liễu hãy noi gương hai ông, chứ đừng như hai anh em Tào Thực, Tào Phi, cùng là con ruột của Tào Tháo mà mưu hại lẫn nhau. Việc mượn điển cố Bá Di, Thúc Tề ở đây là một dụng ý của tác giả, tỏ rõ thái độ, tình cảm, quan điểm, tư tưởng của tác giả khi xây dựng nhân vật Trần Liễu trong kịch bản tuồng.

Với dụng ý sử dụng điển cố để thay thế cho một sự tích, một câu nói, một tứ thơ tạo cho câu văn thêm hàm súc hơn, ý tại ngôn ngoại, và chuyển tải nội dung lớn hơn nhiều với sức hàm chứa của bản thân từ ngữ, tác giả đã sử dụng thơ Đường nói về sự chia ly:

       Ta đặng theo chầu ngự giá,

Khúc Dương Quan từ giã cùng nhau.

 (hồi 4, quyển 1)

“Khúc Dương Quan từ giã cùng nhau” vốn lấy tứ từ câu “Tây xuất Dương Quan vô cố nhân” (nghĩa là đi về phía Tây ra khỏi Dương Quan sẽ không còn ai là bạn cũ) của Vương Quốc Duy nói về cảnh tiễn biệt, chia ly.

Không chỉ sử dụng một từ ngữ để dẫn ra điển cố, điển tích, tác giả còn dùng điển tích là những tấm gương, những anh hùng, những nhân vật nổi tiếng trong văn học cổ Trung Hoa để viết lời cho những nhân vật khi so sánh hoặc răn dạy người khác, như:

Thánh Tông:           Gắn bó đá vàng tạc dạ,         

Thơ Hoàng Hoa từ giã đưa theo.

Một mình muôn dặm cheo leo,

Ngọc quan lại thấy Ban Siêu trở về.

 (hồi 6, quyển 1)

“Thơ Hoàng Hoa” là thơ của người đi sứ, xuất phát từ tên một thiên trong thơ Tiểu nhã (Kinh Thi) kể việc vua tiễn biệt dặn dò sứ thần sắp lên đường. Còn “Ban Siêu” chỉ tên người ở An Lăng, đời Hậu Hán, được vua Hán cho cai trị đất Tây Vực, phong chức Định Viễn hầu. Ở đây, tác giả Hoàng Thái Xuyên nhắc đến “Thơ Hoàng Hoa”, “Ban Siêu” là ngụ ý nói về việc đi sứ gian nan, nguy hiểm của hai ông Lê Đà và Đinh Củng Viên trong lúc quân Nguyên sang xâm chiếm nước ta và nhà vua mong muốn hai ông an toàn trở về.

Trường hợp điển cố dẫn sử sách, kinh truyện phần nhiều lấy từ câu chuyện trong Sử ký của Tư Mã Thiên miêu tả câu chuyện của danh tướng nhà Hán là Hàn Tín, lúc còn nghèo hèn phải đi câu cá ở sông Hoài, đói quá, gặp bà già giặt sợi ở bến sông, bà cho Hàn Tín bát cơm. Sau này, Hàn Tín giúp Lưu Bang lập nên nhà Hán, được phong làm Sở vương, bèn mang nghìn lạng vàng trả ơn bà lão. Ở đây, tác giả nhắc đến chữ “nhất phạn” (một bát cơm) và “thiên kim” (nghìn vàng) là nói về việc Thoát Hoan mang quân đánh chiếm kinh đô, vua Trần phải xa giá về Hải Đông, trên đường đi vất vả, thiếu thốn đủ bề, Hoàng phi đói quá, bèn nhớ đến câu chuyện của Hàn Tín:

Hoàng phi: Có đâu phiếu mẫu ở đây,

Mới hay nhất phạn cũng tày thiên kim

 (hồi 14, quyển 2)

Hay như khi vua Thái Tông mất, vua Thánh Tông đau buồn, tác giả đã miêu tả tâm trạng của ông khi nhớ đến công lao của Thượng hoàng, than rằng:

Thánh Tông: Cù lao chín chữ,

 Chan chứa hai hàng.

 (hồi 6, quyển 1)

 Trong Kinh Thi, “Cửu tự cù lao”, gồm: sinh (đẻ), cúc (đùm bọc), phủ (vỗ về), súc (nuôi nấng), trưởng (nuôi cho khôn lớn), dục (dạy bảo điều khôn lẽ phải), cố (quan tâm, chăm sóc), phục (khuyên răn theo tính), phúc (che chở, giữ gìn). Ý ở đây vua Trần Thánh Tông nói đến công lao khó nhọc của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái.

Kinh Dịch cũng được tác giả Hoàng Thái Xuyên vận dụng triệt để để miêu tả bệnh tương tư của Phạm Ngũ Lão khi tương tư con gái nuôi của Trần Hưng Đạo là Thị Nguyên:

(Như tôi bây giờ) Quẻ bốc sĩ Động hào thiếu nữ,

Thuốc dược sư gia vị liên kiều.

                                (hồi 21, quyển 2)

Sự vay mượn điển cố trong sử sách Trung Hoa là những nhân vật kỳ vĩ, nổi tiếng, tấm gương hiếu thảo, anh hùng, tấm gương về đạo đức… cho thấy tác giả Hoàng Thái Xuyên là người am hiểu sâu rộng, uyên bác về văn học, thơ phú, kinh sách, truyện của Trung Hoa. Chính sự am hiểu về điển cố văn học này khiến cho văn tuồng của Hoàng Thái Xuyên khúc triết, trang trọng, tao nhã, và giàu tính bác học.

Dẫn từ Truyện Kiều, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại cáo Bình Ngô và các thi liệu văn thơ cổ của Việt Nam

Mặc dù các điển cố này chủ yếu có nguồn gốc từ kinh, sử, truyện, thơ Trung Hoa, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, Hoàng Thái Xuyên đã vận dụng những tấm gương trong sử sách Trung Hoa để so sánh với các nhân vật anh hùng của Việt Nam và đã vận dụng vào những câu hát Vãn, làm cho điển cố hòa nhập với câu thơ chữ Nôm, mang đậm màu sắc của dân tộc Việt hơn. Chẳng hạn như trường hợp:

Chịu sống đục mà làm vua đất Bắc,

Thà chết trong mà làm quỷ nước Nam.

 (hồi 16, quyển 2)

Câu này vốn lấy từ Đại Việt sử ký toàn thư, miêu tả Trần Bình Trọng bị bắt, quân giặc dụ hàng, nhưng ông cự tuyệt không ăn. Giặc hỏi việc nước, ông không trả lời. Giặc hỏi có muốn làm vua đất Bắc không, thì ông trả lời: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”, cuối cùng, vì không đầu hàng giặc, nên ông bị chúng giết.

Dùng sáu chữ “Phá cường địch, báo hoàng ân” để nói đến điển tích Trần Quốc Toản còn trẻ tuổi không được dự bàn về việc đánh giặc, bóp nát quả cam, sau đó huy động hơn nghìn gia nô và người nhà thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, đề cờ, xông lên đánh giặc:

Trần Quốc Toản:

Làm sao cho phá cường tặc báo hoàng ân,

Để mà đặng tỏ tài trai lo nghiệp chúa.

Vãn viết: Miễn đặng khuông phù nghiệp chúa,

Cho cường hồ máu đổ sông Thương.

Ấy là trả nợ quân vương,

Mới hay hơi sữa lại càng thơm danh.

 (hồi 10, quyển 1)

Trong Trung hiếu thần tiên, tác giả còn mượn các bài thơ nổi tiếng của các thi nhân để bày tỏ nỗi niềm của các nhân vật. Ông đã mượn bài Nam Quốc sơn hà nổi tiếng của Lý Thường Kiệt để miêu tả về cuộc chiến chống quân Nguyên của quân Trần. Ý thức nước Nam là của vua Nam đã ăn sâu vào trong tiềm thức của các nhân vật trong tuồng Trung hiếu thần tiên và khơi gợi sự bảo vệ non sông, gấm vóc qua câu thơ:

       Thiên thư vốn đã dành dành,

Nước Nam âu cũng để dành vua Nam.

 (hồi 16, quyển 2)

Hai câu thơ của điệu hát Vãn này mượn trong nội dung và ý tứ trong bài thơ nổi tiếng Nam Quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt: “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”.

Ngoài ra, tác giả còn dùng hai câu đầu bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải viết sau khi quân dân nhà Trần chiến thắng quân Nguyên lần thứ hai để thể hiện cảm xúc một vị tướng trên đường theo vua Trần Nhân Tông và Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông trở về kinh đô. Để ca ngợi đội quân nhà Trần trong việc bảo vệ non sông đất nước, tác giả dùng câu thơ: “Đoạt sáo Chương Dương độ, Cầm Hồ Hàm Tử quan” (nghĩa là: Bến Chương cướp giáo giặc, Ải Hàm bắt quân Hồ) để miêu tả về thái độ của Cao Mang, Đại Hành khi nhớ lại cuộc chiến ở cửa Hàm Tử:

Trước cầm hồ Hàm Tử,

 Sau đoạt sáo Chương Dương.

 (hồi 21, quyển 2)

Trong kịch bản tuồng này, tác giả còn dùng khá nhiều điển tích, ý thơ từ câu thơ: “Trộm nghe thơm nức hương lân/ Một nền Đổng Tước khóa xuân hai Kiều” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để miêu tả nhân duyên giữa nhà vua Trần Nhân Tông với hai con gái của Trần Hưng Đạo là Thị Trinh và Thị Nguyên cũng ví như Kim Trọng gặp hai chị em Thuý Kiều:

Nhân Tông: Phen này ô thước ba vòng.

Còn đâu Đồng Tước mà mong hai Kiều.

 (hồi 13, quyển 2)

Nhưng hai câu này cũng xuất phát từ “Đồng Tước thâm xuân tỏa nhị Kiều” trong bài Xích Bích hoài cổ của nhà thơ Đỗ Phủ (đời Đường). Do đó, đây có thể coi là một trong những trường hợp “điển dẫn điển” độc đáo của tác giả.

Có thể thấy, tác giả Hoàng Thái Xuyên đã tiếp thu tinh hoa thi ca dân tộc, vận dụng ngôn ngữ đặc trưng của tuồng để kịch bản tuồng của ông dần giảm bớt xu hướng mượn điển cố Trung Hoa, diễn kể bằng chính ngôn ngữ của dân tộc. Tuồng Trung hiếu thần tiên vừa đạt tới tầm khái quát cao về tư tưởng phản ánh, vừa phát huy lợi thế của thể loại, để tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ thuật biểu diễn, hát, múa tuồng. Đây chính là sự khéo léo trong việc sử dụng ngôn ngữ của tác giả và khẳng định giá trị, phương pháp sáng tác tuồng của tác giả Hoàng Thái Xuyên.

______________

1. Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004, tr.203.

2. Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học sử yếu, Bộ quốc gia Giáo dục, Hà Nội, 1951, tr.201.

3. Trung hiếu thần tiên, kí hiệu AB 460; VNb.26/2:150, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

4. Trần Đình Sanh, Hoàng Châu Ký – những công trình nghiên cứu đặc sắc về nghệ thuật tuồng, Nxb Giáo dục Việt Nam, TP.HCM, 2012, tr.203.

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Vân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *