Diễn ngôn âm nhạc trong tiểu thuyết của i. turgenev

Phong cách tiểu thuyết của I. Turgenev được thiết lập trên một tỉ lệ xác định giữa hiện thực và lãng mạn, giữa nội dung khách quan mang hơi thở và sức ép của thời đại với lời kể tràn đầy cảm hứng chủ quan của người kể chuyện. Sự hiện hữu thường trực của cái lãng mạn trên các bình diện cấu trúc tác phẩm làm nên điểm khác biệt của tiểu thuyết Turgenev. Đối tượng khảo sát của bài viết là diễn ngôn âm nhạc trong tiểu thuyết của nhà văn như một trong nhiều phương thức biểu hiện cái lãng mạn, hiển lộ qua những đặc trưng truyện kể, những hình tượng âm nhạc với vai trò của một thủ pháp kết cấu.


I. Turgenev là nhà văn mở đầu cho thời kỳ thịnh vượng kéo dài chừng 40 năm của tiểu thuyết Nga TK XIX. Bên cạnh rất nhiều truyện ngắn, truyện vừa, ông viết sáu cuốn tiểu thuyết: Rudin (1855), Một tổ quý tộc (1858), Đêm trước (1860), Cha và con (1862), Khói (1867), Đất hoang (1876). Nhân vật chính thường là những chàng trí thức trẻ tuổi mang trong mình khát vọng thay đổi xã hội, xây dựng cuộc đời mới thông qua con đường cải cách. Các tác phẩm của ông, vì thế được giới phê bình thừa nhận là cuốn biên niên sử ghi lại đời sống tinh thần của trí thức Nga trong những năm 40 – 70 TKXIX. Tuy nhiên, cùng với những giá trị hiện thực tồn tại nhất thời ấy, theo nhà văn Pháp G. Flarbert, trong sáng tác của Turgenev còn hiện hữu khá rõ “mùi hương đăng đắng, dịu dàng, một nỗi buồn đắm đuối thấm sâu đến đáy tâm hồn”.

Cái lãng mạn được hiểu như một dạng thức của cảm hứng nghệ thuật được xác định bởi các tiêu chí: hiện thực, ước mơ, lý tưởng, đồng thời bảo lưu mối liên hệ gần gũi với chủ nghĩa lãng mạn từ cách nhìn thế giới đến đặc trưng nghệ thuật. Bên cạnh những chủ đề mang màu sắc triết học với sắc thái cảm quan lãng mạn, các nhân vật với nhiều nét quen thuộc từ văn chương lãng mạn, thì âm nhạc như một hình tượng nghệ thuật, một trong nhiều nhân tố làm gia tăng chất lãng mạn cho tác phẩm của Turgenev. Diễn ngôn âm nhạc trong tiểu thuyết của Turgenev, minh chứng cho cái lãng mạn trong tư duy sáng tạo của ông, được hiểu như một dạng kiến tạo, một loại tổ chức, cơ chế, cấu trúc, có tính chỉnh thể, tính chức năng, một phương thức biểu đạt của tư tưởng.

1. Tính nhạc của dòng truyện kể

Câu chuyện được kể trong 6 cuốn tiểu thuyết của Turgenev thường chỉ là một khúc ngắn trong dòng chảy cuộc đời nhân vật, kéo dài chỉ vài ngày, vài tháng cho tới nhiều nhất là 1 năm (sự kiện xảy ra ở Rudin diễn ra trong khoảng 2 tháng, Một tổ quý tộc – 4 tháng, Đêm trước – 1 năm, Cha và con – 2 tháng, Khói – 13 ngày, Đất hoang – 2 tháng). Cả 6 tiểu thuyết đều đi thẳng vào cao trào xung đột gồm một số ít các sự kiện có tính bước ngoặt trong cuộc đời của các nhân vật chính. Hành động truyện được kết cấu theo thời gian lịch biểu: các sự kiện tuần tự diễn ra, không có những đột biến, đứt gãy về thời gian. Tuy nhiên, một đặc điểm dễ nhận thấy là Turgenev, thông qua người kể chuyện, luôn sẵn sàng xen vào giữa độc giả và câu chuyện, thể hiện sự toàn tri của mình bằng cách kể lại tiểu sử của các nhân vật có trong truyện, tạo ra những cửa mở để nhìn về quá khứ, cho phép bạn đọc trong một thời gian ngắn thoát ra khỏi dòng chảy tuyến tính của cuốn tiểu thuyết. Những cửa mở như vậy thực hiện một nhiệm vụ quan trọng là mở rộng không gian, thời gian của tác phẩm, khiến độc giả bao quát được cả một thời kỳ khá dài trước khi các sự kiện đang diễn ra, hiểu sâu hơn quá trình hình thành tính cách nhân vật, mở ra bản chất xã hội, lịch sử với những nét độc đáo riêng. Xuất phát từ quan niệm của nhà văn: con người là sản phẩm của thời đại, giáo dục, môi trường nên ở một số tiểu thuyết, những khúc ngược dòng như vậy chiếm dung lượng khá lớn. Trong Một tổ quý tộc chiếm tới 71/290 trang (24,5%), Khói – 23,5/159 trang (14,8%). Xét từ góc độ thời gian trần thuật, những đoạn như vậy đã ghìm lại đáng kể diễn tiến sự kiện. Hành động truyện trong tiểu thuyết của Turgenev được triển khai tương đối chậm, không căng thẳng. Phần lớn văn bản tác phẩm được dùng cho diễn ngôn trực tiếp của nhân vật, ngoái lại quá khứ của họ. Các nhân vật của Turgenev ưa chiêm nghiệm, suy tư, tranh luận, chia sẻ ý nghĩ, quan điểm hơn là hành động.

Để hình dung rõ hơn, chúng tôi lấy đại diện hai tiểu thuyết đã được dịch ra tiếng Việt: (Một tổ quý tộc, Cha và con) để phân tích diễn trình sự kiện thành các đơn vị truyện:

          Một tổ quý tộc

Truyện

Đơn vị truyện

Chi tiết

Thời gian sự kiện

Tiền truyện

A

Thời thơ ấu và thanh niên của Lavresky

Cuộc hôn nhân đổ vỡ với Varvara. Li thân với vợ, nghĩ vợ đã chết.

Nhiều năm trước

 

4 năm trước

 

 

 

Tuyến truyện chính

B

Lavresky (35 tuổi) trở về quê nhà ở O… Đến chơi điền trang nhà Kalitin. Gặp Liza

Tháng 5-1842

C

Yêu và tỏ tình với Liza

3 tháng sau

D

Varvara bất ngờ trở về

Sáng hôm sau ngày tỏ tình

E

Liza quyết định từ bỏ mối tình

3 ngày sau

F

Liza quyết định đi tu.

Hôm sau

Lavresky lên Matxcơva

Đầu đông

∑ ≈ 4 tháng

Hậu truyện

G

Lida vẫn ở tu viện

Lavresky chấp nhận “tuổi già cô đơn”

8 năm sau 

          Cha và con

Truyện

Đơn vị truyện

Chi tiết

Thời gian sự kiện

 

 

 

Tuyến truyện chính

A

Bazarov đến điền trang nhà Kirsanov.

Ở chơi tại đó

20/5/1859

 

2 tuần

B

Gặp  Anna Odintsova tại thành phố N.

Hơn 1 tuần sau đó

C

Đến điền trang nhà Odintsova chơi

Nửa tháng tiếp theo

D

Tỏ tình với Odintsova và bị từ chối

Trong thời gian đó

E

Rời nhà Odintsova về điền trang của cha mẹ. Rời đó về lại điền trang Kirsanov. Đấu súng với ông Pavel

3 ngày sau

F

Trở về nhà cha mẹ. Bị lây bệnh và chết

Nửa tháng tiếp theo

∑ ≈ 2 tháng

Hậu truyện

G

Ngôi mộ của Bazarov

6 tháng sau. Mùa đông (tháng giêng)

 

Cốt truyện tiểu thuyết Turgenev thông thường được cấu thành từ 7 đơn vị. Từ việc xác định các đơn vị truyện từ A→G, chúng tôi tiến hành khảo sát tương quan giữa thời gian sự kiện và thời gian trần thuật các đơn vị truyện để thấy nhịp điệu truyện kể trong tiểu thuyết.

Diễn trình hành động trong cốt truyện tiểu thuyết của Turgenev đi theo quỹ đạo trần thuật quen thuộc từ thắt nút → cao trào → mở nút (mô hình tam giác, hay còn gọi là mô hình kim tự tháp của G. Freytag). Tuy tính kịch của diễn trình này ở tiểu thuyết Turgenev không cao, song đây vẫn là mô hình hiệu quả để diễn tả hành động truyện.

Hai biểu đồ Freytag dưới đây diễn tả mối quan hệ thời gian sự kiện, thời gian trần thuật trong Một tổ quý tộc, Cha và con (trục tung chỉ các đơn vị truyện, trục hoành chỉ thời gian tương ứng với đơn vị truyện đó).

Một tổ quý tộc

Chức năng cốt truyện

Đơn vị truyện

Chương

Thời gian

sự kiện

Thời gian

trần thuật

Mở đầu → thắt nút

B, A → C

1 → 24

 

3 tháng

3 ngày

124/290tr

Thắt nút → cao trào

Cao trào

C → D

D

25→35

36→39

76/290tr

32/290 tr

∑ ≈ 80%

Cao trào →Kết thúc

D → F,G

40→ hết

1 tháng (tuyến truyện chính), 8 năm sau


58/290tr

20%

 


 

Cha và con

Chức năng cốt truyện

Đơn vị truyện

Chương

Thời gian

sự kiện

Thời gian

trần thuật

Mở đầu → thắt nút

 A → C

1→15

3 tuần

91/238tr

Thắt nút → cao trào

C → D

16→19

2 tuần

38/238tr

∑ ≈ 54%

Cao trào →Kết thúc

D → F,G

20→hết

2 tuần, và 6 tháng sau

108/238tr

46%

 

Nhìn vào đường đi của biểu đồ trong hai tiểu thuyết (đường liền chỉ thời gian trong tuyến truyện chính, đường đứt đoạn chỉ thời gian của hậu truyện), có thể thấy, đường đi lên của biểu đồ dài hơn đáng kể so với đường đi xuống (đặc biệt là ở Một tổ quý tộc, Đêm trước, Khói, Đất hoang). Tuyến truyện chính gần như kết thúc ngay sau điểm cao trào, hay nói cách khác, thời lưu của tuyến truyện chính không lâu, trong đó phần lớn thời gian sự kiện được tập trung ở giai đoạn trước cao trào. Tương ứng với điều đó, thời gian trần thuật cũng chênh lệch đáng kể giữa việc kể sự kiện trước và sau cao trào Rudin: 70% so với 30%, Một tổ quý tộc: 80% so với 20%, Đêm trước: 99% so với 1%, Cha và con 54% so với 46%, Khói 70% so với 30%, Đất hoang 97% so với 3%). Trong Một tổ quý tộc, từ chương 1 đến chương 24 hành động truyện phát triển đến thời điểm thắt nút (B → C). Đó là khi diễn ra cuộc nói chuyện mang tính tư tưởng đầu tiên giữa hai nhân vật chính, khi họ bắt đầu bộc lộ những quan điểm riêng của mình về cuộc sống. Từ chương 25 đến hết chương 36 là thời gian mối quan hệ giữa Lavresky và Liza phát triển thành tình yêu, từ chương 36 đến chương 39 là khi Varvara xuất hiện làm thay đổi hoàn toàn số phận hai nhân vật, đây là cao trào (C→D). Thời lưu của sự kiện cho đến lúc này là khoảng hơn 3 tháng/4 tháng của thời gian cốt truyện, thời gian trần thuật chiếm 232/290 trang ≈ 80% văn bản. Sau khi Varvara xuất hiện, mọi mối quan hệ thay đổi nhanh chóng: Liza vào nhà tu kín, Lavresky miễn cưỡng tiếp tục cuộc hôn nhân nhưng thỏa thuận sống ly thân với vợ, Varvara thỏa mãn với món tiền trợ cấp của chồng và bắt đầu mối quan hệ tốt đẹp với Panshin. Số thời gian còn lại được lướt nhanh theo lối tỉnh lược (D→F, G) với thời gian trần thuật chiếm 58/290 trang ≈ 20% còn lại của văn bản.

Như vậy, trong tiểu thuyết Turgenev, thời gian sự kiện của tuyến truyện chính không dài, các sự kiện không nhiều, thời gian được ghìm lại lâu hơn cho giai đoạn trước cao trào nhờ vào những ngoái lại tiểu sử nhân vật, sau sự kiện đột biến. Tuyến truyện chính kết thúc nhanh chóng, thời gian ở phần hậu truyện là thời gian của cuộc đời bất tận đang và sẽ còn trôi chảy sau khi các nhân vật chính đã hoàn thành xong sứ mạng. Cách xây dựng thời gian như vậy hoàn toàn phù hợp với hình dung triết học của nhà văn về sự ngắn ngủi của cuộc sống con người. Cùng với điều đó, cách bố trí thời gian gợi nghĩ tới nghệ thuật đối âm trong nhạc, một kỹ thuật khá phức tạp, song có thể hình dung bước đầu đó là sự chuyển động cùng lúc của các giai điệu độc lập tạo thành một tổng thể hài hòa. Diễn trình cốt truyện trong tiểu thuyết Turgenev là sự trôi chảy của các dòng thời gian: từ chậm rãi, thư thái, thiên về hoài niệm (trước cao trào) đến vội vã, hối hả, dồn dập (hồi kết), rồi lại lắng xuống, thong thả, từ tốn, trả con người về vòng quay vĩnh cửu của cuộc sống (vĩ thanh có giãn cách thời gian khá xa với tuyến truyện chính – từ 6 tháng đến 8 năm). Các nhịp điệu thời gian khác nhau phối hợp, chuyển đổi nhịp nhàng trong một chỉnh thể, mang đến chất u hoài, chất thơ và chất nhạc của xúc cảm trong tiểu thuyết vượt trội hơn chất khách quan và chất sử thi. Tiểu thuyết của Turgenev giống như một bản giao hưởng bằng văn xuôi với những nốt thăng và nốt trầm, những đối âm và hoà âm. Cuộc đời bừng lên, rồi lụi tắt, tình yêu chưa kịp bắt đầu đã vội chia ly, những khát vọng lớn lao bỗng chốc hóa hư không… Tất cả những điểm nhấn cốt truyện đó là minh chứng cho quan niệm của Turgenev về sự bé mọn của con người, về chỗ đứng bé nhỏ, sức lực hữu hạn của nó trước cái vô cùng, vô tận của đất trời. Một cuộc đời khép lại, nhưng nhà văn, với quan niệm về sự dung hòa vĩnh viễn, đã trả nó về với dòng chảy bất tận của cuộc sống thường ngày. Saltycov Schedrin gọi tiểu thuyết của Turgenev là bản hợp tấu trữ tình theo cấu trúc âm nhạc, có sức tác động trực tiếp tới xúc cảm của người đọc.

2. Âm nhạc như một hình tượng nghệ thuật và như một thủ pháp kết cấu

Nhà văn Turgenev đã đưa âm nhạc vào tác phẩm với tư cách vừa là một hình tượng nghệ thuật, vừa là một thủ pháp kết cấu. Trong tiểu thuyết của Turgenev vang lên những giai điệu kỳ diệu nhất của Schubert (Rudin, Cha và con), Verdi (Đêm trước), Mozart (Cha và con). Riêng Một tổ quý tộc là tác phẩm thấm đẫm chất nhạc nhất cả về tâm trạng con người lẫn chủ đề. Các nhân vật của ông cũng hay đàm đạo với nhau về âm nhạc như Shubin và Bersenev trong Đêm trước, Nicolai Kirsanov và Pavel Kirsanov trong Cha và con hay ông Lemm và Lavresky trong Một tổ quý tộc. Hầu hết các nhân vật của Turgenev đều là những người say mê, thấu hiểu về âm nhạc. Nhờ đó, ở một số tình huống, âm nhạc đã thực hiện được chức năng chuyển cảnh, chuyển chủ đề một cách tinh tế, kín đáo. Chẳng hạn, trong Rudin, ở chương III, khi cuộc tranh cãi đang tiến triển căng thẳng giữa Pigasov và Rudin, anh bỗng quay sang Natalia, hỏi cô có biết chơi đàn không. Natalia bối rối nói rằng  Pandalevsky chơi hay hơn và đề nghị anh ta đánh đàn. Khi nghe Pandalevsky đàn bản  Erlkonig của Shubert, Rudin đã mơ màng nhớ về những ngày xưa. Những âm thanh này, bầu trời đêm này làm anh nhớ đến thời sinh viên ở Đức với những cuộc họp mặt, những dạ khúc. Như vậy, cùng với cảnh vật, thiên nhiên, âm nhạc của Shubert đã đưa nhân vật về kỷ niệm một thời (1).

Âm nhạc có một thế mạnh riêng thâm nhập vào tâm hồn bằng cái trữ tình, bằng dòng xúc cảm chứ không bằng lý trí, như Bersenev trong Đêm trước đã thấy: (2)

Turgenev vẫn gọi tiểu thuyết của mình là những truyện vừa cỡ lớn. Chúng không có lối kể chuyện sử thi như những tiểu thuyết theo nghĩa cổ điển. Tháng 4-1859, ông viết cho Goncharov: “Ai cần tiểu thuyết trong nghĩa sử thi của từ này, thì rõ là tôi không cần cho người đó. Quả thật là tôi đã nghĩ rất nhiều về cách xây dựng một tiểu thuyết, nhưng dù tôi có viết gì đi chăng nữa, đó vẫn là một loạt các phác thảo” (3). Các sự kiện trong tác phẩm của ông nối tiếp nhau, không có gì đặc biệt, không có gì gay cấn, thậm chí cả cao trào xung đột cũng không gây phản ứng căng thẳng, kịch tính như ở những tiểu thuyết của các nhà văn khác. Khảo sát tiểu thuyết của Turgenev chúng ta dễ nhận ra nhà văn dường như không đặt tầm quan trọng vào sự tuần tự, rõ ràng của các sự kiện cốt truyện mà chú tâm vào quá trình phát triển xúc cảm của nhân vật chính. Ở đây mối liên kết không đặt ở sự kiện mà ở tâm trạng, cảm xúc nhân vật. Cảm xúc đó phát triển tăng dần, đạt tới đỉnh cao ở hồi kết của từng tiểu thuyết. Hướng đi lên của biểu đồ cốt truyện, sau đó buông lơi gần như ngay tại điểm cao trào tạo một hiệu ứng xúc cảm ở người đọc. Điểm quan trọng trong cốt truyện có lẽ lại không nằm ở cao trào, mà ở phần kết mang tiếng vọng của tiểu thuyết. Đường thẳng đứt đoạn ở biểu đồ chỉ những kết thúc mở về tương lai của tiểu thuyết, biến những thông tin chứa đầy cái bi về số phận nhân vật thành niềm tin, hy vọng của độc giả về một viễn cảnh tươi sáng, tốt đẹp. Điều này rõ nhất ở bốn tiểu thuyết đầu tiên của Turgenev khiến nhiều nhà nghiên cứu khẳng định chất trữ tình mang tính nhạc trong cấu trúc tiểu thuyết của Turgenev. Truyện của ông giống như một bản hợp tấu của cảm xúc, như khúc giao hưởng của Bethoven mà phần kết dội lên một cách hùng tráng đã đạt tới đỉnh cao của sự đồng cảm nơi độc giả. Sau đó lại đưa họ về trạng thái yên tĩnh ban đầu. Phần kết gắn với cốt truyện bên ngoài không nhiều hơn là gắn với bản hợp tấu phức tạp nhất của cuộc sống nội tâm nhân vật. Trong Một tổ quý tộc, Lavresky sau 8 năm quay trở về căn phòng đặt chiếc piano mà ngày nào ông Lemm và Liza đã chơi, trong anh dội lên bao xúc cảm ngổn ngang (4).

Cách đọc tác phẩm của Turgenev hữu hiệu nhất, để từ đó yêu mến chúng, có lẽ là buông theo dòng tình cảm chứ không dựa vào lý trí, giống như ta nghe một bản đàn. Saltykov Schedrin có lần cũng đã nói: “Các nhân vật của Turgenev không hoàn thành được công việc của mình: họ biến mất vào không khí… Từ lâu tôi đã thật sự bị chấn động, nhưng bởi cái gì thì tôi không thể nói rõ ràng. Tôi nghĩ, không phải bởi cái này, không phải bởi cái kia, cũng không phải bởi cái thứ ba nào đó, mà bởi cấu trúc chung của tiểu thuyết”(5). Cấu trúc ấy giống như một bản đàn mà “âm thanh tương ứng với tính chủ thể bên trong và bản thân âm hưởng đã làm thành một cái gì lý tưởng hơn là tính vật thể thực tế” (Hegel).

Khi gọi tiểu thuyết của mình là những bức phác thảo, Turgenev đã xác định tiêu chí hàng đầu trong xây dựng cốt truyện là sự giản dị. Tốc độ truyện kể chậm rãi, tính chất truyện không căng thẳng, kịch tính. Mối liên kết truyện không hẳn nằm ở sự kiện, mà ở cả tâm trạng và cảm xúc nhân vật, rất gần với âm nhạc ở tính nội cảm. Đây cũng chính là lý do để các nhạc sĩ chuyển thể khá nhiều sáng tác của Turgenev sang âm nhạc. Đó là các vở opera Asya của M.M.Ippoliov-Ivanov, Clara Milich của A.D.Kastalsky, Lũ xuânNhững người hay hát của A.B.Goldenveizer, Một tổ quý tộc của V.I.Rebicov, 2 vở opera theo Bài ca tình yêu chiến thắng của A.Ju.Simon và V.N.Garteveld, vở ballet Đêm trước của I.I.Svarts.

_______________

1. I.Turgenev, Rudin, Moskva, 1986, tr.34.

2. I.X.Turgenev, Đêm trước, Nxb Cầu vồng, Moskva, 1988, tr.38.

3. G.B.Curlianskaia, Phương pháp nghệ thuật của Turgenev – nhà tiểu thuyết, Tula, 1972, tr.278.

4. I.X.Turgenev, Một tổ quý tộc, Nxb Văn học, Hà Nội, 2000, tr.292.

5. www.ostrovok.de

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ THU THỦY

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *