ĐIỀU CUỐI CÙNG Ở LẠI – NHỮNG CHIÊM NGHIỆM VỀ TUỔI 20

Tuổi 20 mỗi người trải qua dẫu có khác, nhưng khi ngoái nhìn lại vẫn là một thời đẹp đẽ nhất trong cuộc đời. Mỗi chúng ta vẫn giữ lại trong mình ký ức tuyệt vời của tuổi trẻ. Năm tháng tuổi trẻ luôn là những mảnh ghép lung linh nhất của cuộc đời. Lynh Miêu, cô gái vừa bước qua độ tuổi ấy đã nỗ lực để ngoái lại, cố gắng thu nốt những hình ảnh đẹp cuối cùng của tuổi 20, dồn tất cả những mảnh lung linh ấy trong cuốn sách mang tên Điều cuối cùng ở lại.

1. Cuốn sách đánh dấu sự trưởng thành

Những độc giả yêu thích tản văn hiện đại không còn lạ với bút danh Lynh Miêu. Đây là một cây bút trẻ có lối viết uyển chuyển, với những cốt truyện giản dị, tự nhiên. Ban đầu, Lynh Miêu chỉ viết những truyện ngắn dành cho tuổi mới lớn trên những trang báo dành riêng cho lứa tuổi này. Nhưng qua năm tháng, cùng với sự chín chắn trong tính cách cũng như lối viết, Lynh Miêu đã mạnh dạn chuyển hướng sang viết sách. Những câu chuyện của cô tuy bình dị nhưng đã chiếm được sự đồng cảm ở đông đảo bạn đọc. Mặc dù còn trẻ, chưa chạm ngưỡng 30 tuổi, cô gái tài năng này đã sáng lập, trực tiếp quản lý thương hiệu sách Bloom Books. Đây là thương hiệu đã xuất bản nhiều cuốn sách mang giá trị cao về văn học, đồng thời, tổ chức nhiều buổi hội thảo về văn chương mang lại cảm hứng cho giới trẻ.

Trong số những cuốn sách của Lynh Miêu đã xuất bản, có thể nói, Điều cuối cùng ở lại là cuốn sách đánh dấu sự trưởng thành không chỉ ở thể chất, suy nghĩ, lối sống mà cả ở văn phong của tác giả. Lynh Miêu là một cá nhân ưu tú, trong hàng ngũ những bạn trẻ dám sống đúng với con người mình, dám ước mơ và hiện thực hóa khát vọng. Cuốn sách không đơn thuần là những câu chuyện dành cho tuổi trẻ, mà còn là minh chứng cho sự trưởng thành của một thế hệ, tiếp nối những ước vọng cao đẹp được kế thừa từ những thế hệ đi trước.

Tác giả để lại 2 lời tựa cho tác phẩm của mình, đây là điểm độc đáo của tác phẩm gây ấn tượng với bạn đọc. Lời tựa đầu tiên là một lời chào, lời tựa thứ hai là lời cảm ơn. Chỉ với những điều đơn giản như vậy, tác giả ngầm nói đến cách xử sự của giới trẻ, vừa văn minh, vừa khiêm cung. Đó là sự kết hợp giữa những giá trị truyền thống với sự tiếp xúc từ văn minh phương Tây. Từ 2 lời tựa của cuốn sách, Lynh Miêu đã cho thấy được sự trưởng thành trong cách cư xử của thế hệ mà mình là đại diện. Cô cảm ơn cuộc sống đã mang lại những điều tốt đẹp đến với mình; cảm ơn những tình cảm thôi thúc khiến cô viết nên cuốn sách này; cảm ơn độc giả, những người luôn nhiệt tình chào đón cuốn tản văn này.

Xuyên suốt cuốn sách, Lynh Miêu dẫn dắt độc giả đi qua từng giai đoạn trên con đường của sự trưởng thành. Những câu chuyện nhẹ nhàng nhưng thấm thía, vài khoảnh khắc sâu lắng… tác giả cùng người đọc như nhìn lại từng tháng năm mà ở đó mình đang lớn lên. Điều này diễn ra đúng như những gì cô muốn độc giả cảm nhận về cuốn sách của mình: “Ghi lại những dấu chân trong mảnh đất trái tim tôi. Và hơn cả, đánh thức trong tôi thứ sức mạnh nội tại lớn lao chẳng thể ngờ đến được. Thứ sức mạnh chỉ có được trong tâm hồn của những người trưởng thành và biết yêu thương bản thân mình đủ đầy, trọn vẹn. Những người như thế rồi sẽ hạnh phúc, phải không?” (1).

Điều cuối cùng ở lại như một bánh xe cần mẫn lăn từng chút, từng chút trên con đường đến với độ tuổi mà con người đạt đến sự chín chắn, vững vàng của tâm hồn. Đó là khi họ biết mình cần gì, muốn gì, phải làm gì để cuộc sống an yên: “Thật ra, khi đã đủ trưởng thành, khi đã trải qua đủ những biến cố, khó khăn, thất bại. Tôi nhận ra rằng: cuộc đời thật phức tạp, khó lường, lắm truân chuyên, nhưng cũng rõ ràng và giản đơn hết sức. Có quá nhiều người, khi lâm vào những tình cảnh cô độc, luôn đổ lỗi cho cuộc đời. Nhưng, một cách chân thật, thì mọi thứ đều là do những quyết định của mình mà ra cả” (2). Tuổi trẻ của Lynh Miêu có lẽ cũng không bình yên nên cô mới có thể tổng kết, đúc rút để viết nên những dòng tâm sự như: “Khi xem You are the apple of my eye, tôi đã rất thích câu nói của nhân vật nam chính, câu nói ấy thế này: “Điều tàn khốc nhất của trưởng thành là con gái mãi mãi trưởng thành hơn con trai cùng tuổi. Sự trưởng thành của con gái là điều không đứa con trai nào có thể chống đỡ nổi”. Nhưng bạn biết không, điều tàn khốc của trưởng thành không chỉ có vậy, có rất nhiều những điều tàn khốc khác đã xảy ra khi chúng ta bắt đầu bước vào cuộc đời…” (3).

Tuổi 20, tuổi đánh dấu sự trưởng thành trong mỗi con người, từ cơ thể, lối sống, cách suy nghĩ… Độ tuổi mà Lynh Miêu đã chọn cho mình một bước đi táo bạo khi ra sách để nói về bản thân mình, về những con người cùng độ tuổi như cô. Tác giả, người đã đi qua gần 1/4 cuộc đời, cũng như những người trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa của tuổi 30, đã đúc rút ra cho mình rằng: “Nhưng rồi thì thời gian đã nói với em rằng: mọi thứ đều có thể đổi thay. Chẳng ai là buồn mãi. Những mối quan hệ cũng chẳng bao giờ sâu sắc mãi hoặc là thù ghét mãi. Tất cả đều biến chuyển cùng thời gian. Người ta có thể từ những người xa lạ trở thành những người thương rồi từ những người rất mực yêu thương nhau trở thành những kẻ xa lạ. Nên em mong chúng ta sẽ bình yên” (4). Lời lẽ trong giọng văn Lynh Miêu là của một người đã nghiệm ra rất nhiều điều từ bộn bề cuộc sống. Đó không phải là một sự buông bỏ hay là chấp nhận, đơn giản, cô nhận ra rằng cuộc đời có nguyên tắc của nó, việc của mình, cũng như những người trẻ tuổi là hiểu được nó để sống bình yên. Đó mới chính là cách sống dễ dàng nhất với tâm hồn, trái tim mình.

Là cuốn sách viết cho tuổi trẻ, nhưng ở đó không đơn thuần chỉ có tình yêu đôi lứa. Thấp thoáng trong từng trang viết còn ẩn chứa những trăn trở về cuộc sống, tình cảm gia đình, bạn bè, cả về chính những thay đổi trong con người mình nữa. Tác giả đã tự nhủ rằng: “Thật ra cuộc đời rất giản đơn. Em không cần phải nghĩ nhiều đến thế. Nông nổi một chút cũng được, ngốc nghếch cũng được. Sống đúng với trái tim mình. Dù cho ai kia có lạnh lùng ra sao. Rốt cuộc thì người giản đơn là người sẽ không cần phải hối tiếc vì những việc mình đã – không – làm” (5). Có thể nói, đó là tuyên ngôn sống của tác giả dành tặng cho những bạn trẻ đang loay hoay về ý nghĩa cuộc sống, tìm cách sống sao cho vừa lòng mình, vừa cả lòng người. Những con người đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời rộng mở nhưng lại không biết phải chọn hướng đi cho mình trong hàng vạn con đường trải ra trước mắt. Vậy thì chỉ cần sống đúng với bản năng, với những điều mình cho là đúng, chỉ cần như vậy thôi, đã đủ vững vàng. Lối suy nghĩ chín chắn, nhẹ nhàng nhưng kiên định của tác giả đã mở ra cho độc giả một lối đi đầy ánh sáng. Đó là lý do vì sao có thể nói đây là cuốn sách đánh dấu sự trưởng thành, đầy chiêm nghiệm về tuổi trẻ.

2. Nhìn lại cảm xúc của tuổi 20

Không phải là quá lời khi cho rằng Lynh Miêu đã dồn hết những điều đẹp đẽ nhất của tuổi 20 vào Điều cuối cùng ở lại. Đó là sự lạc quan của tuổi trẻ, tình yêu ngọt ngào, mãnh liệt đầu đời, sự dịu dàng của một cô gái đang tuổi xuân thì, là niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng và cả những ước mơ cao đẹp ấp ủ trong tâm hồn. Tuổi trẻ của cô gái ấy cũng giống như bao người, những cảm xúc êm đềm, những trăn trở, vấp ngã, rồi đứng lên. Tất cả được trải nghiệm qua 10 câu chuyện nhỏ, được triển khai nhờ giọng văn êm ái, dịu dàng, đầy lãng mạn. Đọc những trang văn ngọt ngào của Lynh Miêu, độc giả như thấy hiện ra tất cả những cung bậc cảm xúc mà tuổi trẻ nào cũng có. Cô đã đồng điệu hóa tâm hồn mình với tâm hồn của những người trẻ, cả những người đã từng trẻ nữa. Qua cuốn tản văn, tác giả đã giúp người đọc ngoái nhìn lại một thời thanh xuân của mình, để chiêm nghiệm về những năm tháng tuổi trẻ.

Cũng ở tuổi 20 ấy, độc giả bắt gặp những phút giây yên bình, hạnh phúc với những tình bạn chân thành, đẹp đẽ như ở câu chuyện nhỏ Tuổi trưởng thành, Những mảng lục địa trôi dạt, An…; với tình yêu đầu đời trong trẻo, đẹp như một áng thơ của Trà, Em thấy chúng ta trong mùa hè, Đi qua đời nhau…; với tình cảm êm đềm của Mơ giấc mơ ngày cũ, Trái tim mặt trời, Mở mắt thấy mùa hè… Những câu chuyện với đầy đủ cung bậc cảm xúc của tuổi trẻ. Độc giả trẻ tìm thấy sự đồng cảm trong lối suy nghĩ, quan điểm sống với tác giả. Những câu chuyện nhỏ dù rất đỗi thân quen, bình dị nhưng lại soi rọi vào những ngóc ngách thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người trẻ, để họ có thể lắng lại một chút, nhìn lại chính mình đang có những gì, cần gì, phải làm gì để không phải hối tiếc về sau.

Đọc tác phẩm, độc giả như thấy hiện ra trước mắt thời tuổi trẻ mà mình đang hay đã trải qua. Từng câu văn thấm thía, từng câu chuyện lấp lánh tư tưởng nhân văn, tràn ngập tình yêu thương con người. Tác giả như dốc hết gan ruột cho 10 câu chuyện trong Điều cuối cùng ở lại. Đúng như Lynh Miêu đã nói trong tác phẩm của cô: “Tôi muốn tặng bạn tất cả sự dịu dàng này. Như đặt vào tay bạn một bông hoa hồng nhỏ, nở trong một ngày đông lạnh giá…” (6).

Để giúp độc giả nhìn lại về tuổi 20 của mình với những điều đẹp đẽ, lấp lánh, tràn đầy cảm xúc, Lynh Miêu đã đặt trọn tình cảm của mình vào từng câu chuyện nhỏ. Với lối suy nghĩ trong sáng, giọng văn mượt mà, dịu dàng, những câu văn như dòng suối nhỏ êm đềm, bình lặng chảy vào từng ngõ ngách trong tâm tưởng của người đọc, khơi gợi lên cảm xúc ngọt ngào về tuổi trẻ.

3. Điều cuối cùng ở lại

Sau tất cả những câu chuyện mà Lynh Miêu dành tặng độc giả, điều đọng lại khi gấp cuốn sách là những cảm xúc êm đềm, những hoài niệm đẹp đẽ của tuổi 20. Đối với người đọc trẻ, Điều cuối cùng ở lại mang đến sự đồng điệu về cảm xúc. Họ như tìm thấy một phần con người mình trong những trang sách, như được sẻ chia tâm tình, được thấu hiểu, vỗ về bởi những câu chuyện gần gũi, giản dị, chân phương. Đối với những người đã từng đi qua tuổi trẻ, họ như được sống với chính mình của ngày xưa một lần nữa, tìm thấy từng mảnh kỷ niệm lấp lánh trong cảm xúc tuổi thanh xuân, để thấy những ngày tháng ấy đã trôi qua thật đẹp đẽ, trân quý biết bao.

Cuốn sách cũng đóng góp cho xã hội hiện đại một góc nhìn mới về cảm xúc tuổi trẻ, những cảm xúc ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Tuổi trẻ có cách nhìn về cuộc sống, tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình, xã hội, những người xung quanh rất văn minh, hiện đại, nhân văn, ấm áp tình người. Một lần nữa, tác giả khiến cho mọi người yên tâm hơn về nhân cách, lối sống của giới trẻ. Họ luôn trau dồi kiến thức, đạo đức để trở thành những con người vừa có tâm, vừa có tầm trong xã hội.

Lynh Miêu, một tác giả còn chưa chạm ngưỡng tuổi 30, nhưng đã ghi dấu trên văn đàn bằng một tác phẩm có giá trị như Điều cuối cùng ở lại là một tín hiệu đáng mừng cho văn chương đương thời. Điều đó chứng tỏ xã hội hiện đại không thiếu những nhà văn trẻ có lối tư duy đẹp, mang trong mình nhân cách tốt, luôn hướng đến cộng đồng.

_______________

1, 2, 3, 4, 5, 6. Lynh Miêu, Điều cuối cùng ở lại, Nxb Văn học, Hà Nội, 2016, tr.16, 18, 39, 53, 90 và lời đề từ.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 – 2018

Tác giả : TRỊNH PHƯƠNG THU

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *