Đồ vật đồng hành cùng nhân vật trong phim điện ảnh

Đối với đạo diễn, nhà biên kịch, các yếu tố về đề tài, ý tưởng, cốt truyện, tư tưởng, tính kịch, hình tượng nhân vật, đồ vật trong tác phẩm và mối quan hệ tương tác lẫn nhau giữa chúng là điều kiện tiên quyết để xây dựng nên tác phẩm điện ảnh. Một tác phẩm nghệ thuật nói chung và tác phẩm điện ảnh nói riêng sẽ trở nên sống động, sâu sắc khi xây dựng một đồ vật làm tốt nhiệm vụ đồng hành cùng nhân vật và góp phần khắc họa rõ nét tính cách nhân vật cùng những biến cố, thăng trầm. Thay đổi trong tính cách của nhân vật qua từng trường đoạn phim đều có sự xuất hiện của đồ vật với vai trò xúc tác, đồng hành, đẩy tâm lý nhân vật lên cao trào, buộc nhân vật chính phải giải quyết vấn đề của mình để kết thúc bộ phim.

Khi mở đầu bộ phim, đồ vật chỉ là một đạo cụ thuần túy mang giá trị thông tin, nhưng trong diễn biến của câu chuyện, đồ vật tham gia vào từng trường đoạn, là nguyên nhân kịch tính của bộ phim. Từ đó, đồ vật sẽ góp phần tạo xung đột kịch theo từng cung bậc, tăng tiến thành cao trào, ở những hoàn cảnh khác nhau, sự biến thiên của chi tiết đồ vật tổng hòa lại trở thành hình tượng đồ vật.

Ví dụ như hình ảnh chiếc đàn guitar trong phim Duy nhất của đạo diễn Losif Kheyfits, sản xuất năm 1976. Mở đầu bộ phim, hình ảnh chiếc đàn guitar xuất hiện như một thông tin. Khi trên chuyến xe đến Băm (vùng Siberia) lao động công ích, Sonic cùng các bạn đồng nghiệp đàn hát vui vẻ với cây đàn guitar. Đến Siberia, Sonic ở trong một khu nhà rộng, không có người ở. Hàng xóm kế bên là Tanya – vợ của Nikolai Kasatkin, một anh chàng lái xe liên tục vắng nhà. Từ ngày Sonic chuyển đến, Tanya rất thích nghe tiếng đàn guitar của anh. Trong một ngày mưa rất to, Nikolai quên áo mưa và bằng lái xe nên anh trở về nhà. Trong hoàn cảnh đó, anh tình cờ bắt gặp vợ mình bất chấp mưa gió chạy ào vào nhà Sonic để xem anh đàn. Lúc này, tiếng đàn guitar trở thành sự thu hút, mê hoặc người phụ nữ đã có chồng. Nikolai đã bắt gặp cảnh hai người gần gũi bên nhau, cùng đắm chìm trong tiếng đàn. Tiếng đàn trở thành nguyên nhân kịch tính dẫn đến cơn ghen của Nikolai và cũng trở thành nguyên nhân gây tan vỡ hạnh phúc gia đình của vợ chồng anh. Tại phiên tòa, Nikolai đã quyết định ly dị vợ. Đêm khuya, khi hai người rẽ đi hai hướng ra khỏi phiên tòa, Nikolai đau khổ, lang thang trên vỉa hè. Lúc này, anh lại vô tình bắt gặp một cửa hàng trưng bày nhiều loại đàn, trong đó có 4-5 chiếc đàn guitar. Ở hoàn cảnh này, chỉ có hình ảnh chiếc đàn chứ không hề có một âm thanh nào của tiếng đàn nổi lên, nhưng nó lại trở thành hoàn cảnh mới gây xốn xang trong lòng Nikolai.

Nhìn tổng thể bộ phim, chúng ta nhận thấy tác giả đã xây dựng tiếng đàn guitar là nguyên nhân kịch tính, với ba hoàn cảnh tăng cấp độ và biến đổi trong tâm lý nhân vật, ba hoàn cảnh tổng hòa trở thành hình tượng đồ vật xuyên suốt tác phẩm. Đó chính là nét độc đáo và hoàn thiện mà nghệ thuật điện ảnh đã dùng ngôn ngữ của mình để tạo nên tính hình tượng sâu sắc trong tác phẩm.

Nếu một nhà biên kịch viết nên tác phẩm điện ảnh bằng kỹ thuật viết kịch bản thuần túy, đúng và đủ các bước nhưng thiếu đi nghệ thuật và thủ pháp xây dựng nhân vật, đồ vật, cốt truyện thì tác phẩm sẽ bị chìm lấp giữa muôn ngàn tác phẩm điện ảnh bình thường khác. Nhưng, nếu biên kịch, đạo diễn có sự vận dụng tinh tế giữa kỹ thuật viết kịch bản và thủ pháp nghệ thuật thì chắc chắn tác phẩm đó sẽ gây ấn tượng mạnh với người xem. Trong lịch sử điện ảnh thế giới, có những tác phẩm không chỉ làm mê hoặc khán giả bởi cách xây dựng nhân vật sâu sắc, độc đáo, mà còn là sự thành công trong việc xây dựng hình ảnh đồ vật mang tính ẩn dụ, làm nhiệm vụ đồng hành cùng nhân vật, tạo nên xúc tác, xung đột, kịch tính, cao trào, góp phần vào sự hấp dẫn của phim. Khi đồ vật trong phim được xây dựng với dụng ý trở thành hình tượng, nó sẽ xuất hiện cùng nhân vật chính ở ngay những phút đầu của bộ phim, sau đó trở thành nguyên nhân gieo kịch tính với những chi tiết nghệ thuật đắt giá, khiến cho người xem có cảm giác tò mò về sự trở đi trở lại của đồ vật đó trong phim. Đồ vật trong phim khi được xây dựng bằng dụng ý của nhà biên kịch để đồ vật đó song hành cùng nhân vật nhằm đến tính hình tượng thì chắc chắn nó sẽ đóng vai trò là nguyên nhân của kịch tính, của chi tiết nghệ thuật. Nhà biên kịch, đạo diễn dẫn dắt câu chuyện của nhân vật và đồ vật đi theo tiến trình từ mở đầu cho đến khi kết thúc bộ phim, kết thúc câu chuyện phim và kết thúc câu chuyện của nhân vật chính cũng là lúc khép lại câu chuyện của đồ vật đồng hành, khiến người xem có cảm giác đồ vật giống như một nhân vật phụ trong phim, dù không có một câu thoại nào nhưng nó làm tròn nhiệm vụ và vai trò của mình từ đầu phim cho đến khi bộ phim khép lại.

Trong bộ phim Children of Heaven (Những đứa trẻ đến từ thiên đường) của đạo diễn Majid Majidi – điện ảnh Iran, đã đạt giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất trong lễ trao giải Oscar năm 2008. Đồ vật xuyên suốt bộ phim là đôi giày cũ của cô bé gái Zahra – em gái Ali. Mở đầu phim là chi tiết Ali đi sửa giày cho em nhưng làm mất đôi giày. Đó là chi tiết mở màn, gieo tình huống để câu chuyện phim tăng tiến, thôi thúc hành trình đi tìm giày cho em gái của Ali. Trường đoạn sau, kịch tính được nâng lên, đó là việc Zahra phải đến trường mà không có giày để tập thể dục. Vì giờ học của hai anh em khác nhau nên Ali nghĩ cách sẽ cho em mượn đôi giày khi mình tan học để Zahra có giày đến lớp.

Tưởng rằng việc đổi giày sẽ giải quyết được mọi chuyện, nhưng đôi giày lại tiếp tục là nguyên nhân của kịch tính trong các trường đoạn tiếp theo. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ của hai anh em Ali khi mà Zahra đến lớp bằng đôi giày cũ, rộng của anh trai, điều đó khiến cô bé vô cùng khó khăn trong việc di chuyển và tập thể dục. Các chi tiết xoay quanh đôi giày và tình cảm của hai anh em liên tục căng thẳng. Những xung đột tạo nên kịch tính giữa các nhân vật trong phim đều xuất phát từ hành trình đi tìm đôi giày cho đến khi kết thúc bộ phim.

Có thể nói, đồ vật trong tác phẩm điện ảnh góp phần tạo nên giá trị thời đại của đồ vật, phản ánh văn hóa vùng miền. Khi xây dựng tác phẩm điện ảnh, các tác giả thường rất lưu tâm đến việc xây dựng hình tượng đồ vật gắn với thời đại lịch sử, bởi với mỗi một thời đại thì việc sử dụng đồ vật gắn với nhân vật cũng khác nhau, nó phản ánh trung thực đời sống xã hội thời điểm đó. Với một xã hội thời kỳ đồ đá, chắc chắn các đồ vật trong tác phẩm điện ảnh không thể là các đồ vật hiện đại của thời công nghệ mà phải là các sản phẩm thủ công do bàn tay lao động của người lao động thời kỳ đó làm nên.

Cốt truyện, câu chuyện và nhân vật của thời kỳ nào sẽ định danh cho đồ vật của thời kỳ ấy, đồ vật đồng hành cùng nhân vật nhưng phải phù hợp với thời đại mà nhân vật đang sống thì tác phẩm điện ảnh phim truyện mới có giá trị và phản ánh thực tế một cách sống động, sâu sắc nhất. Hình ảnh chiếc lò nhuộm đỏ của Trương Nghệ Mưu trong bộ phim Cúc đậu nói về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến Trung Quốc. Với Trương Nghệ Mưu, khi xây dựng hình tượng đồ vật song hành cùng nhân vật trong phim, ông đều ưu tiên và tỏ ra khá am tường trong việc miêu tả về cuộc sống của người dân nông thôn Trung Quốc dưới chế độ cũ. Chế độ mà thân phận con người luôn mong manh và bị đe dọa bất cứ lúc nào, đặc biệt là số phận bất hạnh bi đát của những người phụ nữ với chế độ đa thê.

Cảnh trong phim Titanic – Ảnh: internet

Hình ảnh con tàu Titanic trong bộ phim cùng tên được lấy ý tưởng dựa trên vụ đắm tàu RMS Titanic nổi tiếng trong lịch sử vào năm 1912. Cảm hứng của đạo diễn Cameron cho bộ phim đến từ sự say mê của ông với những xác tàu đắm, ông muốn truyền tải một thông điệp tình cảm từ thảm họa, phim cũng phản ánh thời đại và tình yêu của hai con người đến từ hai tầng lớp khác nhau trong xã hội, qua đó, thấy được sự nhân văn và tình cảm của các nhà làm phim gửi tới người xem một cách trọn vẹn và sâu sắc.

Mỗi một hình tượng đồ vật được xây dựng có dụng ý trong phim đều phản ánh về một vùng miền, một không gian cụ thể nào đó. Với tác phẩm điện ảnh Children of Heaven (Những đứa trẻ đến từ thiên đường) của đạo diễn Majid Majidi, phản ánh cuộc sống mưu sinh của một gia đình người lao động nghèo thành thị với hình ảnh ám ảnh là đôi giày hai anh em thay nhau đi. Mọi kịch tính xung đột của bộ phim đều xoay quanh chi tiết đôi giày chung, nó biểu hiện một cuộc sống buồn tẻ, cơ cực không lối thoát của dân nghèo thành thị trong xã hội Iran những năm 2000.

Một bộ phim thành công và có sự khác biệt với câu chuyện đời thực chính là cách xây dựng hình tượng nhân vật và đồng hành với nhân vật là đồ vật. Bởi đồ vật luôn song hành cùng nhân vật, nếu các nhà làm phim biết đặt đồ vật đúng vị trí trong phim, dùng các thủ pháp nghệ thuật xây dựng hình tượng đồ vật một cách hợp lý và tinh tế, nó sẽ bổ trợ đắc lực cho nhân vật, cốt truyện, chủ đề tư tưởng của tác phẩm, góp phần làm cho tác phẩm đến gần hơn với khán giả và gây được những ấn tượng mạnh mẽ khi thưởng thức bộ phim.

Tài liệu tham khảo

1. John W.Bloch, William Fadiman, Lois Peyser, Nghệ thuật viết kịch bản điện ảnh, Dương Minh Đẩu dịch, Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ Điện ảnh Việt Nam, 1996.

2. Mác Xen Mác Tanh, Ngôn ngữ Điện ảnh, Nguyễn Hậu dịch, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, 2006.

3. PGS, TS Trịnh Bá Đĩnh, Từ ký hiệu đến biểu tượng, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018.

4. A.P.Chudakov, Ngôn từ đồ vật – thế giới. Từ Pushkin đến Tolstoi, Moskva, Nxb Sovremennyi pisatel, 1992.

5. Michel Chion, Để viết một kịch bản điện ảnh, Nxb Trẻ, 2001.

6.Richard Walter, Kỹ thuật viết kịch bản điện ảnh & truyền hình, Đoàn Minh Tuấn dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, 1995.

Tác giả: Trần Thị Thanh Hồng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *