Độc đáo cầu ngói xứ nam

Trong dân gian vùng châu thổ Bắc Bộ đã tổng kết: cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài gắn với những di sản văn hóa vật thể đầy tự hào của người dân (1). Về xứ Nam xưa, nay chủ yếu thuộc Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, chúng tôi nhận thấy 3 cây cầu ngói nổi tiếng được nhân dân ngợi ca và trở thành niềm tự hào, biểu tượng của quê hương gồm cầu ngói ở xã Hải Anh huyện Hải Hậu, cầu ngói chợ Thượng xã Bình Minh, huyện Nam Trực thuộc tỉnh Nam Định và cầu ngói thị trấn Phát Diệm huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình.

Cầu ngói chùa Lương

Là một công trình kiến trúc dân gian, cầu vừa là công trình kiến trúc công cộng nhằm mục đích phục vụ giao thông, vừa là điểm nhấn tạo quang cảnh cho chùa Lương. Cầu được bắc qua sông Giữa, là con sông chảy giữa 10 giáp vì thế còn có tên gọi là Trung Giang. Cầu là trọng điểm giao thông chính nối liền làng xã, là con đường dẫn vào chùa Lương, nơi trung tâm văn hóa của đất Quần Anh xưa. Cầu được kiến trúc vừa đảm bảo độ bền chắc, vừa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật. Hệ thống chân cầu được dựng bằng các trụ đá, nhưng phần mái thì được lợp bằng rơm rạ, đến  năm Lê Chính Hòa thứ 3 và thứ 5 (1682 – 1684), cầu được trùng tu lớn, các vì kèo thay bằng gỗ lim và lợp ngói mũi hài, phần trụ đá vẫn giữ nguyên.

Nhìn tổng thể cây cầu giống như một ngôi nhà mái ngói nằm vắt mình qua sông. Phần trên là một tổ hợp mái ngói với đầy đủ hệ thống các kèo giống như cách thiết kế của một ngôi nhà truyền thống. Người thợ tài hoa xưa đã sáng tạo ra kỹ thuật nửa lợp, nửa xây làm cho dáng mái rất đẹp và tựa như con rồng đang bay. Với cấu trúc 9 gian được dựng chắc chắn trên 18 cột đá vuông nguyên khối. Phía trên cột đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to chắc để đỡ dầm cầu và nâng sàn cầu. Sàn cầu làm bằng gỗ lim, rộng 2m. Mái cầu lợp ngói vảy rồng, có hình dáng cong cong tựa như mình rồng đang uốn khúc. Toàn bộ cây cầu bên trên có mái che kín đáo nhưng bên dưới lại để hở nên rất thông thoáng.

Phần mộc của cầu tuy chạm khắc không cầu kỳ nhưng thể hiện rất rõ kiến trúc thuần Việt, đặc biệt là qua sự bố trí các hàng chân cột, các kết cấu vì kèo và cách ghép mộng gỗ… Phần nề cũng khá đặc biệt, nhất là phần cổng ở hai đầu cầu. Cổng được xây dựng theo lối cửa vòm một lối, hai bên có hai hàng cột với đôi câu chữ Hán: Giáp ngạn mã đề nhân thượng hạng/Hoàng Giang hồng ảnh ngật Đông Tây tức là trên cầu hàng ngày người và xe đi lại, bóng của cầu buổi sáng ngả về phía đông buổi chiều ngả về phía tây. Trên vòm cổng có hình hai con nghê nâng một bức cuốn thư lớn trông vừa uy nghiêm, vừa thân thuộc.

Hai bên lòng cầu là hai dãy hành lang cũng chạy song song uốn cong như lòng cầu, hành lang cao hơn lòng cầu 0,42m, chiều rộng của hành lang 0,60m. Với sự thiết kế tinh tế của người thợ, hành lang có độ cao phù hợp để khách bộ hành dừng chân ngồi nghỉ hoặc du khách ngồi chơi hóng mát. Phía ngoài của hành lang là hệ thống các con song, giữ chức năng là rào chắn nhưng cũng là những điểm nhấn tạo vẻ đẹp cho cầu.

Mái cầu được lợp bằng ngói mũi hài – một loại ngói đất nung phổ biến trong kiến trúc Việt cổ. Phần mái được lợp theo hai lớp ngói, ngói lót và ngói lợp; ngói lót là loại ngói phẳng, hình chữ nhật đặt trực tiếp lên rui để tạo mặt phẳng, ngói mũi hài lợp bên trên. Với chiều dài của mái gần 14m, rộng 4,5m, để lợp được hoàn chỉnh mái cầu sao cho đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không bị dột, không bị xô ngói, không để chỗ quá dày, chỗ lại như trải ngôi, ở một cặp mái vừa có độ dốc lớn tới 15o, “vừa uốn lượn như thân một con rồng đang bay hay như một con ngựa đang vươn mình chồm qua sông bốn chân chống vào hai bờ, còn cái lưng uốn vòng như rồng thật là khó”.

Cổng cầu được xây bằng gạch trát vữa, cửa của cổng cầu có kích thước chiều rộng đúng bằng sàn lòng cầu (2,2m), chiều cao cửa cổng được cuốn vòng cung tạo sự mềm mại, tính từ điểm cao nhất xuống mặt sàn cầu là 2,9m. Cổng cầu được thiết kế 4 cột trụ vê tròn, tương ứng với hàng cột ở mỗi vì. Các cột trụ này được trang trí gờ chỉ, chân thắt cổ bồng công phu, đặc biệt đều có câu đối nhấn vào cột, nội dung ca ngợi công trình độc đáo, được xây dựng trên quê hương Quần Anh:

 Địa xưởng ngõa kiểu hoa cựu chỉ

Thiên kinh chỉ trụ ngật trung lưu

Tạm dịch:

Cầu ngói đất nở hoa nền cũ

Đá cột trời xây trụ giữa dòng  (2)

Bên trên cửa cuốn và hàng trụ là hình tượng cuốn thư, được đắp nhẵn và tạo dáng khá đẹp, trong lòng cuốn thư đề 4 chữ Quần Phương xã kiều. Hai bên của cuốn thư là hình tượng hai con nghê được đắp bằng vôi vữa, bột giấy, hai chân sau đạp lên quả cầu, hai chân trước bám chặt vào cuốn thư vừa đảm bảo kết cấu cho cuốn thư, vừa như nâng cuốn thư lên. Đỉnh cuốn thư cũng là đỉnh cầu, là con kìm bờ nóc, để giữ mái ngói, người thợ đã khéo léo trang trí thành hình tượng đầu rồng với cái đại bờ nóc uốn lượn như tượng trưng cho thân rồng mềm mại.

Cầu ngói, nằm trên trục đường liên xã, là cây cầu nối vào di tích chùa Lương. Cùng với quần thể 9 chiếc cầu đá của các ngõ xóm trong xã Hải Anh, cầu ngói chùa Lương đã góp phần tạo nên một tuyến cầu có giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo ít thấy ở làng quê Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay.

Cầu ngói chợ Thượng

Cầu ngói chợ Thượng được xây dựng từ thời Hậu Lê với sự đóng góp công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân – cung phi của chúa Trịnh. Cầu gồm hai mố được xây dựng hoàn toàn bằng các tảng đá to nhỏ khác nhau,  tảng lớn cỡ 1,7m x 0,6m x 0,4m; tảng nhỏ cỡ  0,5m x 0,4m x 0,2m, được sắp xếp khéo léo theo thứ tự lớn dưới nhỏ trên. Tính từ mặt nước trung bình thì mố cầu rộng 3,7m được xây vuốt theo hình thang cân, với cạnh trên lá 2,84m. Mố cầu dài 6,5m, hai mố cách nhau 4,5m tạo khoảng trống cho dòng nước lưu thông và thuyền bè qua lại. Dầm cầu được làm bằng hai cây gỗ lim, đường kính 0,4 m. Bên trên hai thanh dầm dọc là 4 thanh dầm ngang cũng bằng gỗ lim đường kính 0,2m, có đầu nhô ra ngoài dùng để đỡ chân cột bên trên. Mặt cầu được tạo bởi đường giữa cầu và hai hành lang. Đường giữa cầu rộng 1,74m và được lát đá tảng xen kẽ nhau. Hai bên hành lang cũng lát đá tảng tạo phần gờ cao hơn phần mặt cầu là 0,15m. Nhà cầu dựng bằng khung gỗ lim, mái lợp ngói nam, hai hồi xây tường mở cửa cuốn rộng 1,7m, cao 2m, hai bên là hai cửa giả. Hai hồi đều có đại tự đắp nổi Thượng gia kiều bằng chữ Hán (3).

Nhà cầu có 11 gian kết cấu kiểu kèo cầu bốn hàng chân, mỗi gian từ 1,45m đến 1,65m tạo nên một công trình dài 17,35m nối 2 bờ sông. Hai hàng cột cái mỗi hàng 10 cột cạnh vuông 0,2m cao 2m đặt sát hai bên lòng sàn cầu. Các cột quân lại được làm bằng trụ tròn đường kính 0,17m, cao 1,65m đặt trên các đòn ngang hai bên hông cầu. Bên trên cột là hệ thống vì kèo đỡ mái với 10 bộ được làm kiểu kèo cầu đơn giản, các hoành mái nối mộng với vì để tạo khoảng trống tối đa cho lòng cầu. Các bộ vì tạo thành những cánh tay đòn con vuông vươn qua cột cái, cột quân đến tận diềm mái. Đặc biệt ở 3 gian cầu giữa, các nghệ nhân xưa đã xây bệ cao 0,4m dọc hai bên hành lang, phía ngoài có lan can con song gắn mộng vào 4 cột khuôn giữa cầu. Bệ trở thành chỗ ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh sông nước lý tưởng cho nhân dân địa phương và những người đi chợ xa. Ngoài ra ở 2 đầu cầu đều có xây bậc thoải xuống mặt đường tạo điều kiện cho nhân dân đi lại dễ dàng.

Cầu ngói chợ Thượng lại được xây hai mố cầu lớn hình thang cân chỉ để lại một khoảng trống nhỏ cho thuyền qua lại. Đây cũng là nét kiến trúc riêng độc đáo hấp dẫn của cầu. Cấu trúc của cầu ngói thoạt nhìn tưởng có vẻ đơn giản nhưng không hề giản đơn bởi những cấu kiện bằng đá và gỗ đã trường tồn qua mấy thế kỷ. Nhờ trình độ kỹ thuật tài ba của người thợ xưa kia gắn kết một cách khéo léo giữa các cấu kiện tạo mà cây cầu vừa chắc chắn lại vừa mang dáng dấp mềm mại uyển chuyển này đã trở thành một trong những cây cầu có giá trị lịch sử, nghệ thuật kiến trúc đặc sắc nhất Việt Nam.

Cầu ngói Phát Diệm

Huyện Kim Sơn xưa kia vùng đất sình lầy ven biển, ông Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) là người đã có công lớn trong việc khai sinh, mở rộng và ghi danh vùng đất này trên bản đồ Việt Nam. Trong thời gian lấn biển mở rộng diện tích đất nơi đây, cùng với việc lấn đất bãi bồi ven biển mở làng, ông đã cho xây dựng hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt về thau chua rửa mặn. Sông Ân chảy qua thị trấn Phát Diệm là một công trình thủy lợi được ông cho xây dựng trong nhiều năm, lấy nước ngọt từ đầu nguồn về đây rửa mặn để người dân sản xuất được thuận lợi. Khi có con sông này, việc đi lại của người dân hướng về phía biển mở rộng diện tích đất gặp nhiều khó khăn, Nguyễn Công Trứ đã cho xây dựng một cây cầu nối đôi bờ sông Ân. Ban đầu cầu được xây dựng bằng thân những cây gỗ to, những tấm gỗ lớn, cầu rộng để cho người dân đi lại được thuận tiện. Do thời gian bị hư hại, đến năm 1902 cây cầu này được thay thế bằng một cây cầu ngói. Cây cầu ngói có kiến trúc cổ xưa được làm hoàn toàn bằng gỗ, bên trên lợp ngói…

Trải qua hơn 100 năm, cầu ngói Phát Diệm ngày nay vẫn còn giữ được nguyên dáng vẻ cong cầu vồng, bên trên lợp ngói. Cầu gồm 3 nhịp, mỗi nhịp  4 gian, với tổng chiều dài 36m, chiều rộng 3m. Hai bên thân cầu có hai dãy lan can và cột đều bằng gỗ lim chắc chắn, hai bên đầu cầu có bậc tam cấp nối xuống đường và bước xuống sông. Cầu không chỉ có chức năng giao thông qua lại mà còn như một mái đình làng cổ kính, điểm hẹn văn hóa thân thuộc, nơi giao lưu hẹn hò của thanh niên nam nữ, là niềm tự hào của người dân nơi đây với du khách mỗi khi đến tham quan.

Như vậy, trong vùng châu thổ Bắc Bộ, hệ thống cầu ngói theo kiến trúc thượng gia hạ kiều có những nét tương đồng và những đặc điểm riêng biệt. Về nét tương đồng, chúng đều được cấu tạo bởi hai phần: phần cầu và phần nhà. Thêm nữa, hệ thống cầu ngói ở châu thổ Bắc Bộ là những công trình mang chức năng là phương tiện thuận lợi cho giao thông, được sử dụng để đi lại chứ không có chức năng thờ cúng trên cầu như chùa Cầu ở Hội An. Song bên cạnh đó, chúng có nhiều điểm khác biệt như đã nêu.

Nằm trong tổng thể cụm di tích cầu cổ từ  TK XVI đến nay, di tích cầu ngói xứ Nam vùng châu thổ Bắc Bộ đã thực sự có những giá trị đặc sắc về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Giá trị đặc sắc của cụm di tích thể hiện ở nhiều thành tố trong chất liệu xây dựng bền vững đá, gỗ; ở sự công phu khéo léo của bàn tay nghệ nhân nghề mộc, nề, ngõa; ở cách bố cục sắp xếp không gian cầu kết hợp với cảnh quan. Dấu ấn thời gian còn lưu trong văn bia lịch sử, 3 cây cầu ngói xứ Nam xứng đáng là những công trình kiến trúc, điêu khắc dân gian có giá trị nghệ thuật cao, là nơi thắng cảnh, danh lam tiêu biểu và niềm tự hào của quê hương.

______________

1. Có loại cầu thượng gia hạ kiều, ngoài chức năng phục vụ giao thông đi lại, còn là ngôi nhà để nhân dân và khách bộ hành dừng chân ngồi nghỉ. Cũng có loại cầu thượng kiều hạ trì chỉ thuần túy là cây cầu bắc trên sông hoặc ao hồ. Hệ thống cầu ngói ở châu thổ Bắc Bộ hiện không còn nhiều, tuy nhiên có thể chia làm hai loại: loại cầu nằm tách biệt với công trình tín ngưỡng tôn giáo như cầu ngói Phát Diệm, cầu Ngói chợ Thượng…; loại cầu gắn với công trình tín ngưỡng tôn giáo như cầu Nhật Tiên, cầu Nguyệt Tiên (đều nằm trong khuôn viên chùa Thày), cầu Ngói chùa Lương…

2. Ngô Huy Quỳnh, Lịch sử kiến trúc Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.5.

3. Trần Văn Anh, Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cầu Ngói, chùa Lương – Nam Định, Luận văn thạc sĩ, Đại học Mỹ thuật công nghiệp, 2015, tr.65.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 – 2017

Tác giả : BÙI VĂN LONG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *