Độc đáo di sản văn hóa đồng bào Khmer


Theo số liệu thống kê, khoảng hơn 1,3 triệu người người Khmer sống tập trung ở các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ, … đã tạo nên nền văn hóa đa dạng, mang sắc thái riêng rất.

Mang bản sắc văn hóa riêng

Dân tộc Khmer có nền văn hóa phát triển đa dạng gắn liền với những tín ngưỡng mang sắc thái riêng, ảnh hưởng đậm nét văn hóa Ấn Độ và Phật giáo. Nói cách khác, Phật giáo đóng vai trò quan trọng và có vị trí cao nhất trong mọi lĩnh vực của đời sống người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Đa số, người Khmer là phật tử của Phật giáo Nam tông, vừa là thành viên của phum sóc (Kon sóc) vừa là “con Phật” ngay từ lúc họ mới ra đời, gắn với chùa. Chùa Khmer là một tổng thể kiến trúc đặc trưng của văn hóa Khmer với mái cao thẳng đứng, hoa văn họa tiết sơn vàng, hệ thống tượng Phật, thần Kabil Maha Prum, nữ thần đất, hung thần Reahu, tiên nữ, vũ nữ Apsara, chằm, người chim, vua khỉ Hanuman, rồng, rắn, linh thú. Chùa là nơi tụng kinh, thực hiện nghi lễ của Phật giáo, dạy chữ Khmer, lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất; là nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo.

Văn hóa tín ngưỡng của người Khmer có những giá trị rất đặc biệt, mang bản sắc rất riêng với cưới, sinh, tang ma… là một chuỗi những nghi lễ khá cầu kỳ, phức tạp được lưu giữ qua một số hình thức lễ hội như Tết Chôl Thnăm Thmây, ngày Choôl Sâng-Kran Thmây, ngày Vônabat, ngày Lơng Sak, Lễ cúng trăng (Óoc Ombóc), Lễ cúng ông bà (Sen Đôn Ta) và còn có đến gần 30 ngày lễ khác nhau bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian  hay Phật giáo như lễ cúng Niết Tà, cúng Arăk, cúng Tổ….

Cách ăn mặc của người Khmer đặc trưng là chiếc váy xàm pốt cho nữ và xà rông cho nam. Trong âm nhạc, người Khmer có dàn nhạc ngũ âm và các nhạc cụ khác: đôi “chập ngã”; dàn nhạc dây “Plêing Khssè”; sáo trúc (Khloy); sân khấu Rôbăm, Yukê, múa Ram Vong, Lâm Leev, Saravan; Aday, Chhay Yam, hát ru con;  sân khấu Rô Băm và Dù Kê…

Người Khmer ĐBSCL ăn cơm tẻ và cơm nếp với các món ăn như xôi, bánh tét, bánh chưng, bánh chuối, bánh ú, nấu rượu. Món đặc sản là bún nước lèo. Bún dẻo, sợi nhỏ, khô, chan với nước lèo làm từ cá quả tán nhỏ cùng các loại gia vị, rau hành. Ngoài ra, họ thường phơi các loại cá ăn dần và chế thành nhiều loại mắm từ cá như bhóc. Mắm bhóc có thể làm từ các loại cá nhỏ như cá sặc, cá chốt, cá mè, cá lòng tong. Mắm pro ot (bò ót), ơng pa, pơ ling làm từ tép mồng, tép bạc và mắm chua pha ớt…

Mỗi năm người Khmer có riêng 8 lần lễ và đều cử hành ở chùa, gồm: Méakabauchia, lễ Đức Phật cho biết 3 tháng nữa sẽ nhập Niết bàn, khoảng đầu tháng 2 dương lịch; Chôl Ch’năm Thmây, lễ vào năm mới (Tết), giữa tháng 4; Visakabauchia, lễ Phật đản (nhập niết bàn), đầu tháng 5; Chôl Vô Sa, lễ Nhập hạ (các sư sãi ở trong chùa 3 tháng, không ra ngoài), đầu tháng 7; Phchum Ben hay Đônta, lễ xá tội vong nhân, giữa tháng 9; Chanh Vô Sa, lễ Xuất hạ (hết thời kỳ nhập hạ) đầu tháng 10; Ok Ang Bok, lễ cúng trăng, cuối tháng 10; Ka Thanh, lễ dâng y cho sư sãi, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11. Trong đó, 3 lễ quan trọng nhất là Chôl Ch’năm Thmây, Đôn Ta, Ok Ang Bok. Chỉ có lễ vào năm mới theo sự tích Bà La Môn, các lễ còn lại theo Phật giáo.

Bản sắc văn hóa dân tộc đang dần bị lãng quên
Trong dòng chảy hội nhập, những di sản văn hóa của đồng bào Khmer ngày càng có sự giao thoa. Nhiều yếu tố văn hóa ngoại lai đang dần xâm nhập, đã tác động rất lớn đến nền văn hóa cổ truyền dân tộc Khmer Tây Nam Bộ. Vì vậy, trừ các dịp lễ, Tết truyền thống, phần lớn đồng bào Khmer sử dụng ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực… như người Kinh, một bộ phận đồng bào Khmer, nhất là giới trẻ dường như đang dần “lãng quên” bản sắc văn hóa dân tộc, rất ít khi sử dụng trang phục truyền thống, ngôn ngữ của dân tộc mình.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer, các cấp, các ngành cần  tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bởi, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer không chỉ làm phong phú thêm nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà còn cố kết tinh thần đoàn kết dân tộc , làm mọi người thêm trân trọng và tự hào về đất nước Việt Nam..

Ở phương diện khác, chúng ta cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực nòng cốt trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Khmer, đề cao vai trò của các sư sãi, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng, bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ công tác truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc của cộng đồng, xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao… để từ đó nâng cao ý thức của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Ngoài ra, không thể không gắn bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc Khmer với phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế; hài hòa giữa bảo tồn, phát huy và phát triển. Chú trọng xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào Khmer; tăng đầu tư kinh phí để sưu tầm những giá trị văn hóa có nguy cơ mai một, hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân trong việc mở lớp truyền dạy cho lớp trẻ về nghệ thuật, thực hiện chương trình dạy song ngữ (tiếng Việt – tiếng Khmer) để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Tác giả: Trương Anh Sáng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *