ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ SÂN KHẤU THỰC CẢNH TINH HOA BẮC BỘ

Ra mắt từ tháng 11-2017, cho đến nay, Tinh hoa Bắc Bộ đã khẳng định được sự thành công với hơn 100 đêm diễn và ghi dấu ấn khó phai trong lòng hơn 15.000 khán giả Việt Nam và quốc tế. Đây là một chương trình nghệ thuật độc đáo dưới sự chỉ đạo của Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam, là sự ấp ủ đầy tâm huyết của Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, đơn vị đã đầu tư tới 500 tỷ đồng cho chương trình này. Lấy bối cảnh sân khấu thực cảnh, áp dụng công nghệ hiện đại, chương trình đã giới thiệu sinh động những gì tinh túy nhất, độc đáo nhất của mảnh đất Bắc Bộ, từ thi, ca, nhạc, họa đến các hoạt động văn hóa tín ngưỡng và tinh thần trong lao động, sản xuất… của người dân với sự tham gia của hơn 200 diễn viên, trong đó có hàng trăm người là những người nông dân vùng Sài Sơn và hơn 60 sinh viên Trường Cao đẳng Múa Hà Nội.

1. Bối cảnh diễn ra Tinh hoa Bắc Bộ

Cách trung tâm Hà Nội 25km về phía Tây Nam, sân khấu thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ nằm trong khu tổ hợp vui chơi và văn hóa Baara Land, ngay dưới chân núi Thày, bên cạnh chùa Thày, một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Bắc.

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn Việt Nam, biểu diễn thực cảnh cho đến nay còn khá mới mẻ. Chương trình nghệ thuật được biểu diễn trên nền cảnh quan thực tế. Sân khấu ngoài trời bao gồm các yếu tố cảnh sắc thiên nhiên như: sông, hồ, núi… hài hòa với đời sống sinh hoạt của người dân bản địa. Tinh hoa Bắc Bộ là một tác phẩm sân khấu thực cảnh, được trình diễn trên sân khấu là cảnh quan thực, vùng Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội). Đây là mảnh đất linh thiêng có chùa Thày cổ kính, gắn liền với tên tuổi của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Sân khấu với hồ nước ngay sát chân núi Thày là ý tưởng tạo nguồn cảm hứng cho vở diễn với nội dung về thiền sư Từ Đạo Hạnh, ông tổ nghề múa rối nước và đời sống phong phú của người dân vùng Bắc Bộ.

Chùa Thày còn gọi là chùa Cả, tên chữ Thiên Phúc Tự thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ. Nằm ở xứ Đoài, là một trong những trung tâm phật giáo cổ và lớn của mảnh đất Kinh đô Thăng Long. Ngôi chùa có số lượng lớn di sản văn hóa, trải đều qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn. Trong không gian núi, đồi hùng vĩ, chùa Thày mang vẻ thanh bình, tĩnh mịch. Ngôi chùa cổ, mái ngói cong được xây dựng với lối kiến trúc độc đáo. “Chùa quay mặt về hướng nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao rồng)” (1). Giữa ao Long Chiểu có thủy đình là viên ngọc giữa miệng rồng. Đây cũng là nơi diễn ra trò múa rối nước.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072-1116) là một danh sư, có công lớn với triều đình nhà Lý và dân tộc. Là con người có thật nhưng bao quanh ông là màn sương huyền thoại. Ông là một thiền sư có công với đạo và đời. “Từ Đạo Hạnh không chỉ là người luôn nuôi chí lớn, hiếu học mà còn ham thích văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các trò vui chơi dân giã. Ông là một người đa tài” (2). Cũng chính ở nơi đây, ngài đã dạy cho dân làng Ra hát chèo, múa rối nước và để lại ba mẫu ruộng ở xứ Đồng Vai cho phường rối làm vốn. Dân chúng làng Ra truyền nhau rằng thủy tổ nghề rối nước chính là thiền sư Từ Đạo Hạnh. Để ghi nhớ công ơn thiền sư với nghề múa rối nước, trong gian thượng điện ở chùa Thày, phía trái có pho tượng thờ Từ Đạo Hạnh được tạo tác theo dạng có thể cử động đứng lên, ngồi xuống, khi đóng hoặc mở cửa khám thờ. Tinh hoa Bắc Bộ được chọn diễn nơi đây như để trở về với suối nguồn, tri ân một trong những bậc tiền bối của văn hóa Bắc Bộ.

Trước khi bước vào khu biểu diễn, khán giả được hòa mình với không khí chợ quê. Tạo dựng khung cảnh sinh hoạt bình dị của người dân, hình ảnh về làng nghề tranh dân gian Bắc Bộ, cổng làng Đường Lâm, không khí chợ quê với những sản vật địa phương như: bánh nếp, bánh tẻ, kẹo lạc, rau xanh… giúp du khách có cơ hội thưởng thức những đặc sản vùng Bắc Bộ. Du khách cũng không thể ngờ chính những người nông dân áo nâu trong những gian hàng sản vật địa phương chỉ ít phút sau sẽ trở thành những diễn viên trên sân khấu.

Lấy hồ nước vùng đất Sài Sơn (thuộc xứ Đoài) làm sân khấu, người dân Sài Sơn làm diễn viên, kết hợp với nghệ thuật rối nước, vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ đã chạm được tới trái tim khán giả Việt Nam và nước ngoài. Khán giả sẽ nhìn thấy sân khấu mặt nước rộng tới 4.300m², bao quanh là những lũy tre với những sắc xanh đậm nhạt, xuất hiện khi gần khi xa và phía sau là núi Sài Sơn. Tất cả tạo nên cảnh làng quê yên bình trong tâm thức mỗi con người đất Việt. Êkip chương trình lên tới 300 người, với sự tham gia của 200 diễn viên, trong đó phần đông là những người nông dân Sài Sơn.

 Nguồn: The Quintessence of Tonkin 

Khung cảnh làng quê Bắc Bộ được tái tạo. Cánh gà sân khấu được thay bằng các bè tre. Với sức chứa lên đến 2.500 khách một buổi diễn, khán giả có cơ hội chiêm ngưỡng màn biểu diễn trên khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu dân gian với kỹ thuật ánh sáng, tia lazer hiện đại trên sân khấu nước đang mang lại sự lung linh, huyền ảo cho buổi diễn.

2. Nét độc đáo của chương trình Tinh hoa Bắc Bộ

Tinh hoa Bắc Bộ gồm 6 phần: thi ca, cõi phật, hoài cổ, nhạc họa, an vui và ngày hội với thời lượng 60 phút. Vở diễn được mở đầu bằng tiếng hò reo phấn chấn của những chành trai đánh bắt cá. Hoạt cảnh sôi động của những người dân chài với tiếng sóng vỗ mạn thuyền, âm thanh sống động từ các ngư cụ, tạo nên một không khí lao động khẩn trương, hăng say với sức mạnh đoàn kết cộng đồng. Mặt trăng nhân tạo lấp ló và dần dần hiện lên, tỏa ánh sáng xuống mặt nước. Hình ảnh các cô gái mặc yếm, gánh nước hoặc ngồi trên thuyền hái hoa sen hiện lên thật sinh động, toát lên nét hồn nhiên của những cô thôn nữ quê. Hàng trăm phật tử dâng nến, dâng hoa vừa đi vừa niệm Phật từ bốn hướng như gợi nhắc tín ngưỡng đạo Phật được nhiều người dân Bắc Bộ tôn thờ. Ngay chính giữa sân khấu, nhà thủy đình nặng gần 10 tấn được đẩy lên từ đáy Long Trì trước sự trầm trồ, thán phục của khán giả. Sự xuất hiện bất ngờ của gian thủy đình với những con rối từ dưới mặt nước gợi người xem nhớ về câu chuyện ông tổ nghề rối. Tiếp đó, hình ảnh thiền sư Từ Đạo Hạnh bước ra trong màn khói sương mờ ảo, cầu an cho muôn loài. Điểm độc đáo khi kết hợp giữa chất liệu truyền thống và hiện đại tại cảnh này chính là theo mỗi bước chân của thiền sư, hệ thống hoa sen chìm dưới đáy hồ từ từ nổi lên trên mặt nước, tỏa ánh sáng diệu kỳ khiến sự xuất hiện của thiền sư càng trở nên linh thiêng.

Các loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc dần dần được giới thiệu như: nghệ thuật rối nước gắn liền với thiền sư Từ Đạo Hạnh hay các loại hình nghệ thuật khác: hát chèo, ca trù, quan họ… Vở diễn có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố thiên nhiên và ngũ hành, đan xen cảnh thực và ảo trên nền nhạc dân ca.

Những nếp sinh hoạt truyền thống, mang đậm bản sắc của làng quê Bắc Bộ được tái hiện gây xúc động lòng người như: cảnh lều chõng đi thi; cảnh rước kiệu nhộn nhịp của ngày hội làng; cảnh vua ban lễ phục cho tiến sĩ nhằm ca ngợi truyền thống hiếu học, trọng nhân tài; cảnh tát nước, chợ quê, giã gạo bình dị của cuộc sống người nông dân Kinh Bắc… Các trò chơi dân gian như: đi cà kheo, nhảy sạp, hát đồng dao… hay hình ảnh cậu bé cưỡi trâu lần lượt được đan xen khiến khán giả ở mọi lứa tuổi vô cùng thích thú. Người xem như được sống lại không gian xưa của vùng Kinh Bắc với tiếng mõ kêu: “Chiềng làng chiềng chạ; Thượng hạ Tây Đông…”; cùng chiêm ngưỡng hai chiếc thuyền rồng kích cỡ lớn chở liền anh, liền chị hát quan họ hay trở về tuổi thơ với tiếng hát ru của mẹ, tiếng dế kêu, đàn chuồn chuồn bay lượn, hay ánh đom đóm lập lòe, những buổi gánh đó đêm… Hệ thống sân khấu, kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, công nghệ nhạc nước… được đầu tư nhằm mang đến những hình ảnh sinh động, tinh tế để đáp ứng cả yếu tố nghệ thuật lẫn giải trí.

Điểm độc đáo, đặc sắc nhất của Tinh hoa Bắc Bộ có lẽ là cảnh bốn nàng tố nữ bước ra từ trong tranh dân gian Hàng Trống để dạo những khúc nhạc tiên. Bằng cách xử lý khéo léo, sáng tạo, kết hợp tinh tế giữa âm thanh, ánh sáng, diễn viên tương tác với kĩ xảo mapping máy chiếu, người xem như vỡ òa cảm xúc khi bức tranh nổi tiếng Tố nữ được hiện thực hóa trên sân khấu thực cảnh.

Sân khấu không chỉ giới hạn trên mặt nước, có lúc từng đoàn, từng tốp diễn viên đi từ phía sau khán giả với những đạo cụ độc đáo như những chiếc quang gánh, cờ, kiệu… hay các em thiếu nhi vừa đi vừa hát các bài đồng dao đã mang lại nhiều cảm xúc, sự bất ngờ cho người xem. Khán giả và diễn viên có sự tương tác với nhau. Hiếm có chương trình nghệ thuật nào, các liền anh, liền chị, các bác nông dân… đến tận nơi mời khán giả xuống nhảy sạp cùng. Đặc biệt, trong chương trình chào xuân 2018, khán giả được giao lưu, nhận quà lì xì từ danh hài Xuân Bắc trong vai mõ.

Chương trình kết thúc bằng màn rước kiệu, thể hiện cuộc sống sum vầy của người dân. Truyền thống rước kiệu bay phát tích từ làng Phượng Vũ (xã Minh Khai, Vũ Thư, Thái Bình), cách đây hơn 900 năm, là nơi tôn thờ Đức Đệ Tam Thánh tổ Lý triều Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông. Toàn thể diễn viên chắp tay tiễn thiền sư về núi trong ánh hào quang kỳ ảo.

Mặc dù buổi biểu diễn chỉ gói gọn trong 60 phút nhưng lại mang đến cảm xúc thật cho người xem. Thật bởi khung cảnh sân khấu hoàn toàn từ thiên nhiên sẵn có của mảnh đất tâm linh thiêng liêng. Thật bởi có đến hàng trăm diễn viên trên sân khấu là người nông dân vùng Sài Sơn. Những người nông dân áo vải, chân lấm tay bùn ấy… giờ là những diễn viên trên sân khấu với không gian rộng lớn, những thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại. Trong số đó có người xúc động nói rằng cả đời họ chưa bao giờ nghĩ sẽ được lên sân khấu. Họ đã tập luyện hàng năm trời để có được ngày hôm nay. Cũng chính nhờ chương trình này, họ có được công việc làm thêm, ban ngày vẫn có thể làm việc bình thường, buổi tối lại đi diễn, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tinh hoa Bắc Bộ đã mang đến nhiều trải nghiệm, cung bậc cảm xúc cho người xem, khám phá lịch sử, văn hóa vùng Bắc Bộ bằng hình thức thể hiện đương đại, trên sân khấu tương tác kết hợp với công nghệ hiện đại. Chính điều đó đã níu chân khán giả, để khi kết thúc chương trình với lời ca ngân vang: “Người ơi, người ở đừng về”… tất cả các khán giả đều níu lại và chỉ biết dành tặng êkip chương trình, các diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên những tràng pháo tay giòn giã cùng ánh mắt ngưỡng mộ và tự hào. Hy vọng trong thời gian tới, sân khấu Việt Nam sẽ có nhiều bước đổi mới, sáng tạo trong nội dung và hình thức thể hiện, tiếp tục được đông đảo khán giả trong và ngoài nước đón nhận như Tinh hoa Bắc Bộ.

_______________

1. wikipedia.org.

2. Nguyễn Đức Lữ, Thiền sư Từ Đạo Hạnh – lịch sử và huyền thoại, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 3-2012, tr.59, 2012.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 – 2018

Tác giả : NGUYỄN LIÊN HƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *