Đôi điều suy nghĩ về danh nhân văn hóa


 

Nhằm hưởng ứng đại lễ Ngàn năm Thăng Long, Sở VHTTDL Hà nội đã tổ chức Hội thảo về danh nhân văn hóa (tháng 12-2009). Quan niệm thế nào là danh nhân văn hóa, có thể nói, là một lĩnh vực không mới, nhưng lại rất phong phú và khá phức tạp, mà ranh giới không dễ phân định rạch ròi. Bởi lẽ nó liên quan đến nhiều a ht khác nhau, nhất là nó gắn liền với lòng người, với công luận, với quá trình lịch sử phát triển xã hội, thời đại và không tách rời các quy ước đạo đức, phong tục tập quán của cộng đồng, của dân tộc.

Nếu nhìn ở tầm vĩ mô thế giới, chúng ta có thể lấy bức tranh Những người làm nên thế kỷ XX (Ils ont fait le XX siècle) tại Paris làm chuẩn tham khảo. Nơi đây có hình ảnh nhiều danh nhân, trong đó có Hồ Chí Minh – Chủ tịch nước Việt Nam chúng ta. Nơi đây có vợ chồng bác học người Pháp Joliot Curie. Cũng từ đây, chúng ta có thể thấy mối liên hệ giữa danh nhân thế giới và trong nước. Chính Ủy ban văn hóa giáo dục khoa học (UNESCO) của Liên hiệp quốc đã phong tặng ba vị danh nhân văn hóa của Việt Nam là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh.

Trong việc tôn vinh danh nhân, tôi nghĩ có hai nội hàm chủ yếu được ghi nhận, thứ nhất là để tri ân công lao to lớn của các bậc tiền bối, thứ hai là để hậu thế noi gương sáng ngời của họ, nhằm kế tục và phát triển, tiến xa hơn. Mặt khó khăn trong việc đoán định khuôn khổ danh nhân từ xa xưa từng được phương ngôn cổ Trung Hoa xác lập: Cái quan định luận, nghĩa là sau khi đậy nắp quan tài xong rồi, mới có thể định vị được vai trò của con người ấy đã sống và cống hiến như thế nào cho cộng đồng trong lịch sử xã hội cũng như trong khoa học. Tuy thế, dù cả khi đã được đào sâu chôn chặt, nằm yên trong lòng đất, mà đâu có yên trong dư luận, trong tình đời.Chẳng phải từ lâu dân gian ta cũng đã bàn tán rồi đó sao:

Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Trên đất nước ta, danh nhân thời nào cũng có. Nói đến danh nhân văn hóa, trước tiên cần nói đến những người đã làm nên cái thiện, cái đẹp bất kỳ ở lĩnh vực nào.Chứng cớ là vào đầu TK XIX, tại phố hàng Bông đất Thăng Long, dân bản địa đã lập đền thờ tôn vinh ông Phúc Hậu làm phúc thần từng có công lớn trong việc chăm sóc trẻ. Và rõ ràng nhất là Nguyễn Công Trứ (1778-1858) được nhân dân huyện Tiền Hải (Thái Bình) lập đền thờ (sinh từ, 1852) sau khi ông vò hu, rồi họ cùng nhau vào quê Hà Tĩnh rước ông ra chơi; bởi ông là vị dinh điền sứ vĩ đại đã chiêu dân lập ấp, mở trường dạy học, giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo đói, trộm cướp, được hưởng cuộc sống yên lành, mặc dù vị danh nhân tốt bụng này bị đảo điên, khốn khổ vì vua quan thượng cấp hành tội bao lần thăng giáng. Đây có lẽ là trường hợp duy nhất xưa và nay trong lịch sử nước ta, nông dân tự phát lập sinh từ, không phải vì cấp bậc quan chức, cũng chẳng phải vì tấm văn bằng giải nguyên của Nguyễn tiên sinh. Đặc biệt phải kể đến nhà bác học Yersin đã hết lòng làm nhiều điều phúc lớn chữa bệnh cho dân, tuy là người nước ngoài, nhưng vẫn được nhân dân vùng Khánh Hòa và các vùng lân cận gọi thân mật là ông Năm và lập đền thờ sau khi ông mất.

Kế thừa truyền thống lịch sử tốt đẹp của dân tộc, sau cách mạng tháng Tám 1945, Hồ Chủ tịch đã kêu gọi những người tài đức ích quốc lợi dân hãy ra giúp nước.Thế là hàng loạt nhân sĩ trí thức sẵn sàng hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của tổ quốc cùng toàn dân chiến đấu giành độc lập tự do. Từ hai cuộc kháng chiến vĩ đại đã xuất hiện nhiều danh nhân kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực quan trọng.

Tuy vậy, một mặt khác, cũng không phải dễ dàng trong việc tôn vinh danh nhân, sao cho thật đích đáng hợp với lòng người. Bởi lẽ cuộc sống đời thường vốn từng làm nảy sinh bao điều phiền toái, gắn liền với bao giai thoại chìm nổi, khó phân biệt. Người viết bài này chỉ xin dừng lại ở phần danh nhân văn hóa khoa học, mà không luận bàn về lĩnh vực chính trị. Chẳng phải tiếng tăm về các vị vua chúa, quan lại triều đình cùng các bậc khoa bảng từ bao đời nay vẫn còn mơ màng sương khói chuyện cũ, khó lòng sáng tỏ thực hư. Ví như chuyện vua Tự Đức nổi giận, khi đọc đến câu thơ trong Truyện Kiều, nói về Từ Hải:

Chọc trời khuấy nước mặc dầu

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?

Vốn là vị vua ham mê thơ phú, nhưng ngài liền nổi máu quyền lực, quát lớn: Giá mà Nguyễn Du còn sống, thì phải đè ra đánh cho 30 trượng!

Thực hư không rõ, nhưng giữa vị quân vương với lăng mộ đồ sộ nhất triều Nguyễn và nhà thơ nghèo trên mảnh đất Lam Hồng ai là danh nhân thì công luận ngày nay đã giải đáp. Có thể liên hệ rộng xa hơn từ đất Trung Hoa cổ kính từng lưu truyền hai câu thơ bất hủ:

Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt

Sở vương đài tạ không sơn khâu.

tạm dịch:

Thơ phú Khuất Bình sáng mãi đất trời

Lâu đài vua Sở mất rồi còn đâu.

Đúng vậy, thời gian là hòn đá thử vàng, nghĩa là gần 700 năm sau kể từ khi Khuất Nguyên từ trần, nhà thơ Lý Bạch đời Đường đã bình luận rất mực sắc sảo. Rõ ràng là việc xác đinh một danh nhân thật không hề đơn giản. Tuy thế, cái gì hợp với lòng người, gắn kết với lợi ích của nhân dân, của đất nước thì vẫn mãi tỏa sáng. Gần đây nhất, vào tháng 10-2009 vừa qua, ở tỉnh Đồng Tháp, nhân dịp khánh thành nhà tưởng niệm cụ Nguyễn Quang Diêu (nhà chí sĩ cách mạng đầu TK XX, hướng theo lý tưởng của cụ Phan Bội Châu, từng bị thực dân bắt tù đày tận đảo Réunion, rồi được tha về, sống ở An Giang làm một lương y tốt bụng, chữa bệnh cứu dân nghèo), có người đề tặng ông hai câu thơ đầy ý nghĩa:

Cái còn thì vẫn còn nguyên

Cái tan dẫu tưởng vững bền vẫn tan

Như mọi người đều biết, nhiều nước trên thế giới đã lấy tên các danh nhân của dân tộc mình hoặc ca thế giới đặt cho các con đường, trường học, cng vin, tàu thủy, cầu cống và các công trình kiến trúc… Ở nước ta cũng vậy, song công việc này dường như được tiến hành thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ trên cả nước. Từ đó chưa xác định rõ vị trí, cấp độ của các danh nhân và cũng vì thế mà ý nghĩa giáo dục chưa được phát huy nhiều chăng?

Xin nêu ra đây một số hình ảnh thực tế. Năm 2000, tôi vào dạy học ở TP.HCM, tình cờ i qua một con phố loại trung bình ở quận 9 vùng ngoại ô được mang tên Đỗ Xuân Hợp. Tôi ngạc nhiên tự hỏi, tại sao ở Hà Nội không có con đường nào mang tên ông, một giáo sư, anh hùng quân đội, viện trưởng Viện Quân y 103, hiệu trưởng Đại học Quân y, huân chương Hồ Chí Minh và có nhiều công trình khoa học đã được chính phủ Pháp tặng giải thưởng. Ông vốn sinh ra ở Hàng Đào và hoạt động khoa học ở Hà Nội – Hà Đông. Được biết, trường Đại học Quân y đã đề nghị lấy tên ông đặt cho con đường của Viện 103, nhưng không hiểu vì sao lại không thông qua được!

Năm 2005, nhân dịp hội thảo về danh nhân Nguyễn Du tại TP Hà Tĩnh quê tôi, tôi gặp con đường mang tên Nguyễn Đình Tứ (quê HàTĩnh), nhưng lại không tìm thấy con đường nào mang tên Lê Văn Thiêm, mặc dầu ông là nhà toán học từng có không ít kiến giải toán học được giới khoa học quốc tế công nhận. Hơn nữa, chính ông cũng quê ở Hà Tĩnh, lại là thày giáo dạy Nguyễn Đình Tứ và là Giám đốc trường Khoa học cơ bản ở Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), nơi ông Tứ theo học (gần đây ở Hà Nội vừa có một con đường mang tên Lê Văn Thiêm mới được đặt ở quận Thanh Xuân).

Ở thành phố Vinh, có con đường gần chợ Vinh mang tên lạ: Phan Thị Thuấn. Theo sách Địa chí Nghệ Tĩnh, chồng bà là võ tướng thời Lê mạt đã tử trận trong cuộc đối đầu với quân Tây Sơn tại bến Thúy Ái (quận Hoàng Mai, Hà Nội) Một thời gian sau, để tỏ lòng thủy chung với chồng, bà bèn mặc một bộ quần áo đỏ đẹp, bơi thuyền ra giữa dòng sông Hồng, cũng tại bến Thúy ái, nhảy xuống nước tự vẫn. Bà được nhà vua tặng bằng tiết hạnh khả phong.

Hẳn là một thiếu sót không đáng có về tầm hiểu biết lịch sử văn hóa của cơ quan quản lý nhà nước tại Nghệ An. May mà thành phố Vinh, gn y với quy hoạch mở rộng đường sá đã đổi tên cũ thành đường Cao Xuân Huy, một vị giáo sư triết học khả kính.

Lại nữa, gần đây nhất, nhân dịp đại lễ ở chùa Bái Đính – Ninh Bình, các vị nguyên thủ quốc gia đến tham dự, rồi trồng cây lưu niệm, lập biển khắc tên, nhằm tăng thêm vẻ đẹp long trọng của ngôi chùa. Điều này cũng hợp lý. Tuy vậy lại có cả vị chủ tịch tỉnh nọ từ xa đến cũng trồng cây lưu niệm và lập biển khắc tên. Thử hỏi mai đây, hai mươi năm sau con cháu chúng ta sẽ đến thắp hương lễ bái thì thật khó phân biệt? Phải chăng, đấy là hình ảnh một Phật tử – tử vì đạo, hay là người có nhiều tiền công đức dựng tháp xây chùa? Nhưng chắc chắn không thể là danh nhân. Ở chỗ này có lẽ ngành văn hóa – tôn giáo cần sớm minh bạch để tránh cho hậu thế gặp điều phiền toái, nhất là về mặt tâm linh. Mặc dầu chúng ta có thể nghiêng mình trước bia mộ hòa thượng Thích Quang Đức, người liệt sĩ đã dũng cảm tự thiêu tại Sài Gòn, giữa vòng vây súng đạn kẻ thù để phản đối việc đàn áp phong trào Phật giáo yêu nước (Hiện nay ở chùa Thiên Mụ – TP Huế đang lưu giữ chiếc xe taxi mà vị hòa thượng bước xuống rồi tự thiêu, làm hiện vật bảo tàng).

Nhìn rộng ra, ngày nay có một sè cán bộ khoa học được tặng các chức danh siêu quốc gia với nhiều lý do khác nhau, trong đó có người là do đạt trình độ khoa học đích thực như GS Trần Đại Nghĩa, GS Tôn Thất Tùng, VS Trần Huy Liệu…, cũng có người là do tình hữu nghị, có người là do chức sắc quản lý, còn một số lại là nhiều lý do tế nhị khác. Tuy vậy trong đó có một số do bận “công kia việc nọ”, nên sức đóng góp vào văn hóa, khoa học chẳng đáng là bao! Vậy đối với họ có nên xem là danh nhân văn hóa hay không? Việc này không thể máy móc quy chiếu theo các chức danh bề ngoài, cũng không thể dựa vào các bảng thi đua bầu bán, khen thưởng huân, huy chương hàng năm. Tất nhiên là việc đánh gýa danh nhân cũng không thể căn cứ vào chức vụ quản lý của mi người.

Điều đáng mừng là ngày nay số lượng bằng cấp tiến sĩ, học vị, học hàm, chức danh, giải thưởng… ở nhiều ngành được nhân lên gấp bội, tuy không kém phần lộn xộn và thiếu khoa học. Chẳng thế mà sáng kiến dự định xây Công viên văn hóa tiến sĩ ở Hòa Bình – một kiểu Văn miếu Quốc tử giám hiện đại của GS Nguyễn Văn Huy không được dư luận đồng tình.

Tìm về quá khứ để trả lời cho hiện tại và tương lai là yêu cầu chính đáng của việc tìm hiểu và xác định danh nhân văn hóa. Nếu ngy nay chúng ta không nghiêm chỉnh thực sự cu thị trên lĩnh vực này, thì mai sau hậu thế sẽ gặp khó khăn, lâm vào sương mù trong việc đoán định, và sẽ gặp rắc rối xung quanh việc tri ân các bậc tiền bối, tất yếu là ý nghĩa giáo dục sẽ bị giảm sút rất nhiều đối với con cháu.

Hà Nội, tháng 12-2009

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 310, tháng 4-2010

Tác giả : Nguyễn Trường Lịch

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *