Đời sống văn hóa gia đình của người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị và khu công nghiệp

Mỗi năm thế giới chứng kiến sự di cư của hàng trăm triệu người (phần lớn đều ở trong độ tuổi lao động) với nhiều nguyên nhân khác nhau: các lý do về kinh tế, an toàn xã hội, mưu cầu về hạnh phúc… Tại Việt Nam, lịch sử của quá trình di cư cũng đã tồn tại qua hàng chục thế kỷ. Trong TK XXI, những chuyển động di cư trong nước và quốc tế đang ngày càng sôi động hơn khi gần như có sự đồng thuận giữa dòng chuyển cư với những dịch chuyển trong cơ cấu kinh tế xã hội của đất nước. Trong đó, di cư từ nông thôn ra đô thị và khu công nghiệp (KCN) là một trong những dòng di chuyển chủ đạo của phần đông người lao động Việt Nam. Những cuộc di cư không chỉ diễn ra đơn lẻ mà phần nhiều là sự dịch chuyển nơi ở, nơi mưu sinh của cả hộ gia đình. Những dịch chuyển không chỉ tạo nên nhiều biến động cho bản thân, gia đình của những người di cư mà hơn hết thực trạng này cũng đặt ra nhiều thách thức tiềm ẩn đối với sự phát triển của cộng đồng, xã hội, quốc gia.

Bài viết dựa trên số liệu điều tra năm 2013 của Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, thực hiện tại 15 tỉnh, thành phố thuộc 5 vùng sinh thái của cả nước, là những phác họa tổng quan về thực trạng một số vấn đề liên quan đến đời sống của lao động di cư từ nông thôn ra đô thị, KCN và gia đình của họ.

Kết quả khảo sát tại 15 tỉnh, thành phố cho thấy lao động di cư ra thành thị và các KCN chủ yếu đi thuê nhà, chiếm tới 86,3%. Tỷ lệ lao động di cư hiện đang sở hữu nhà rất thấp, chỉ chiếm 2,9%, khoảng 10,8% lao động di cư đi ở nhờ nhà của người khác. Với đặc thù lao động di cư ra thành thị và các KCN ở độ tuổi trẻ, di cư ngắn hạn hoặc theo mùa vụ là chủ yếu, tình trạng sống nhờ ở thuê là lựa chọn khá phổ biến ở các nhóm dân cư này.

Về nhà ở, 74,8% người lao động di cư sống trong các căn nhà bán kiên cố (nhà cấp 4), tỷ lệ dân di cư ở nhà kiên cố (mái bằng hoặc nhà cao tầng) chỉ chiếm khoảng 11%. Tại các đô thị hay các địa phương nơi có KCN, nhiều hộ dân sau khi được nhận tiền đền bù chuyển đổi đất đã sử dụng tiền để xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Nhà ở cho công nhân dạng này thường là các phòng trọ xây dựng theo kiểu nhà cấp 4, có nhà vệ sinh khép kín với tổng diện tích sử dụng mỗi phòng khoảng 18-20m2. Một số ít người dân có điều kiện tài chính tốt hơn lựa chọn xây dựng theo hình thức nhà dãy nhưng chồng tầng kiên cố. Lao động di cư ra thành thị và các KCN thích chọn thuê các phòng trọ dạng này vì diện tích phù hợp, khép kín và có giá thuê nhà không quá cao so với thu nhập của họ.

Có 14,2% những người lao động di cư ra thành thị và các KCN được hỏi đang ở loại nhà khác, không thuộc loại hình nhà kiên cố và nhà bán kiên cố nói trên. Loại nhà khác phổ biến nhất là nhà dựng để ở tạm (lán, trại), hoặc ở ngay tại chân công trình xây dựng. Lao động di cư tự do làm công việc liên quan đến xây dựng, giao thông hầu hết đều ở nhà dạng này. Diện tích nhà bình quân của lao động di cư là 22,7m2. Diện tích nhà bình quân của lao động di cư ra thành thị là 23,8m2, cao hơn so với diện tích nhà bình quân của lao động di cư tại các KCN, chỉ có 18,1m2. Hầu hết lao động di cư đang ở chung nhà với người khác, chỉ có 16,5% đang sống một mình. Điều này cũng có nghĩa rằng, có 2-3 lao động di cư cùng chia sẻ 18-23 m2 diện tích nhà ở. Những người lao động di cư chưa lập gia đình, điều kiện nhà ở như vậy cũng đã khá chật chội. Đối với những người lao động di cư đã lập gia đình, có con cái nhỏ thì việc sinh hoạt lại càng khó khăn nhiều hơn.

Các quan sát thực tế cho thấy, điều kiện nhà vệ sinh của người lao động di cư khá tốt. Phần lớn các khu nhà trọ được xây dựng mới, có nhà vệ sinh khép kín bên trong. Một số khu trọ cũ điều kiện nhà vệ sinh hạn chế hơn khi có tới 4-5 phòng trọ chung nhau 2 nhà vệ sinh ở đầu dãy, thường riêng biệt cho nam và nữ. Tỷ lệ sử dụng chung nhà vệ sinh chiếm 38,4%. Do các khu trọ ở trong cùng khuôn viên với chủ nhà trọ nên việc dọn dẹp vệ sinh cũng được thực hiện khá tốt. Mặc dù tỷ lệ sử dụng bếp riêng biệt khá cao nhưng trên thực tế, có rất ít các khu nhà trọ có bếp riêng biệt. Kết cấu phòng trọ dành cho lao động di cư ra thành thị hoặc các KCN thường bao gồm cả diện tích sinh hoạt (ăn, ngủ) và diện tích của nhà vệ sinh.

Tính chất phổ biến của lao động di cư từ nông thôn ra đô thị và KCN hiện nay thường không mang theo gia đình. Tuy nhiên, kết quả của cuộc điều tra cũng cho thấy một xu hướng đang rõ dần là ở thời điểm bắt đầu di cư lao động thường đi một mình song sau trong quá trình ổn định công việc tại đô thị và KCN, người di cư thường kéo theo gia đình mình trong các lần di chuyển tiếp theo. Thực tế, từ kết quả khảo sát ghi nhận 31,8% người di cư hiện đang sống cùng vợ/chồng; 14,5% đang sống cùng con cái; 3% sống cùng bố/mẹ; 8,8% sống cùng anh em ruột thịt; 9,9% sống cùng những người họ hàng, người thân khác. Chỉ có khoảng 16,5% chọn sống một mình. Sự lớn dần của các gia đình di cư tại các KCN và đô thị cũng gắn liền với nhiệm vụ nâng cao chất lượng sống và khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cho nhóm dân cư này.

Chỉ tính riêng các khoản chi phí cố định như tiền thuê nhà, tiền điện nước và tiền phí vệ sinh, mỗi tháng người lao động di cư phải chi khoảng 23,8% thu nhập trung bình họ kiếm được trong tháng. Đối với lao động di cư làm việc trong các KCN, các khoản phí nói trên thấp hơn nhiều so với lao động di cư ra thành thị. Ở hầu hết các khoản chi nhỏ, mức chi của lao động di cư ra thành thị đều cao hơn so với lao động di cư tại các KCN. Đáng chú ý là có tới 85,2% lao động chi trả tiền điện và 87,7% chi trả tiền nước theo cách tính của chủ nhà. Đối với hóa đơn tiền điện, nếu theo cách tính giá này người lao động với tư cách là người sử dụng điện thường phải chịu mức giá cao trong cách tính giá điện bậc thang. Mặc dù nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ cho người lao động để hưởng giá bán điện theo bậc thang mức giống như các hỗ trợ gia đình, song trên thực tế, không có nhiều người lao động di cư được hưởng lợi từ chính sách trên. Phần lớn các chủ nhà trọ tự áp đặt giá điện với mức cao gấp 2-3 lần so với mức giá điện theo quy định. Nguyên nhân chính khiến cho chính sách ưu đãi này chưa đi vào cuộc sống bởi việc tuyên truyền, phổ biến chính sách còn thiếu hiệu quả, cả người thuê trọ và chủ nhà trọ đều không biết hoặc chưa nắm rõ nội dung, thủ tục thực hiện chính sách.

Di cư với khả năng tiếp cận y tế và giáo dục nằm trong mối quan hệ tác động đa chiều. Ở một góc cạnh nào đó, quyết định di chuyển ra đô thị hay KCN xuất phát từ mong muốn cải thiện điều kiện sống, tăng cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế cho bản thân hay gia đình họ. Tuy nhiên, trên thực tế để đạt được cơ hội này, người di cư cũng phải đối mặt với khá nhiều rào cản.

Tại thời điểm khảo sát, có khoảng 44,7% lao động di cư từ nông thôn đã lập gia đình. Nhóm lao động di cư ra thành thị có tỷ lệ lập gia đình cao hơn chiếm 46,2%, nhóm lao động di cư tại các KCN là 37,1%. Đối với những lao động di cư đã lập gia đình được hỏi, chỉ có 9,1% có con cái trong độ tuổi từ 5-18 đang sống chung. Riêng đối với lao động di cư ra thành thị, tỷ lệ có con cái từ 5-18 tuổi sống chung là 9,7%, đối với lao động di cư tại các KCN chỉ là 6,2%. Nhóm tuổi từ 5-18 tuổi là nhóm tuổi đang theo học các bậc học mầm non và phổ thông.

Tỷ lệ hộ có con từ 5-18 tuổi không đi học của nhóm lao động di cư ra thành thị chiếm tới 12,8%, của nhóm lao động tại các KCN là 5,0% phản ánh thực trạng quá trình di cư không đồng nghĩa với việc gia tăng điều kiện tiếp cận giáo dục cho các thành viên đi kèm. Khó khăn chính liên quan chủ yếu đến vấn đề tài chính của các hộ gia đình. Trong số những hộ có con từ 5-18 tuổi không theo học, 42,5% đưa ra lý do không có tiền; 13,2% cho rằng con cái họ phải tham gia lao động; các lý do đã nghỉ học trước khi di cư và nghỉ học do học kém cùng chiếm tỷ lệ 12,3%. Thêm vào đó, việc học tập tại các trường công lập cũng mang đến những khó khăn nhất định. Nhu cầu theo học quá cao trong khi khả năng đáp ứng của hệ thống giáo dục công lập có những giới hạn nhất định. Nhóm lao động di cư ra thành thị gặp khó khăn nhiều hơn nhóm lao động di cư tại các KCN trong việc cho con cái theo học các trường công lập. Có tới 13,5% những người lao động di cư ra thành thị có con trong độ tuổi từ 5-18 gặp khó khăn khi cho con học tại các trường công lập, cao hơn 7 điểm % so với lao động di cư tới các KCN gặp phải.

Trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, cách thức ứng xử khi bị đau ốm của lao động di cư phổ biến nhất là đến các cơ sở y tế, chiếm 65,9%. Đối với một số loại bệnh thông thường, phần lớn người lao động di cư chọn cách tự đến các hiệu/cửa hàng thuốc để mua thuốc uống mà không cần đi khám, chiếm 31,4%. Cách thức chữa bệnh như vậy không quá lạ lẫm đối với hầu hết người dân nói chung chứ không chỉ riêng với nhóm lao động di cư. Với việc lựa chọn nơi khám chữa bệnh, đa phần người lao động di cư chọn khám chữa bệnh tại các cơ sở công lập (64,9%), ngoài ra có 25,0% người lao động thường khám chữa bệnh tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân hoặc khám tại nhà bác sĩ.

Kết quả khảo sát về các hoạt động văn hóa ngoài giờ làm việc chính thức cho thấy, người lao động nhập cư chủ yếu dành thời gian để xem ti vi, nghe đài, nghe nhạc phổ biến hơn tỷ lệ chơi thể thao, đọc báo. Các hoạt động sinh hoạt cộng đồng như văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, họp thôn/tổ dân phố thường không thu hút được sự tham gia của lực lượng này. Số liệu khảo sát cho thấy, chỉ có 10,2% lao động di cư tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại địa phương.

Áp lực công việc là nguyên nhân chính lý giải cho thực tế này, có 65,7% người lao động được hỏi cho biết họ không có thời gian để tham gia các hoạt động cộng đồng. Trong khi, một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân.

Có 26,5% lao động di cư được hỏi họ thấy không cần thiết và hoặc không có nhu cầu tham gia các hoạt động cộng đồng tại doanh nghiệp và địa phương nơi đăng ký tạm trú. Đa số công nhân có tâm lý là làm việc và tăng ca để kiếm nhiều tiền trang trải cuộc sống hoặc gửi về phụ giúp gia đình, nên không có thời gian nắm bắt thông tin về những vấn đề chính trị – xã hội, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều dễ nhận thấy nhất là mức sống của công nhân từng bước được cải thiện, nhưng sự giao thoa và biến đổi văn hóa cũng đã làm nảy sinh không ít mâu thuẫn giữa các nhóm người, những tiêu cực trong nếp sống đã phá vỡ một phần trong quan hệ đạo đức truyền thống.

Cũng như các vấn đề khác, tính đa diện, đa chiều trong các tác động của di cư là điều không thể phủ nhận. Bên cạnh những tác động tích cực đối với quá trình phát triển kinh tế nơi đi, nơi đến, những cơ hội về việc làm và cải thiện chất lượng sống cho những lao động di cư, quá trình dịch chuyển nơi sinh kế của người lao động cũng mang đến những hệ lụy không mong muốn đối với các địa phương sở tại. Di cư tạo sức ép xã hội đối với địa phương nơi đến trên nhiều phương diện. Sức ép đối với cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm nằm ở việc khó có thể đáp ứng nhu cầu tăng quá cao của người di cư và gia đình của họ. Người di cư cũng mang theo những đặc điểm văn hóa mang tính chất vùng, miền mà những đặc điểm này có thể tạo ra xung đột với những đặc điểm văn hóa tại địa phương nơi đến. Tình trạng gia tăng dân số nhanh chóng với nhiều thành phần xã hội khác nhau cũng kéo theo những tệ nạn xã hội có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Số liệu khảo sát cho thấy có 8,8% lao động di cư được hỏi đánh giá tình hình an ninh trật tự tại địa phương không được tốt. Tại các địa phương có lao động di cư làm việc tại các KCN thuê trọ, tình hình an ninh trật tự có vẻ phức tạp hơn nhiều khi có tới 14,6% người được hỏi đánh giá không tốt. Tình trạng mâu thuẫn, xung đột giữa người địa phương với lao động di cư đến thi thoảng vẫn xảy ra.

Có 51,3% người lao động di cư được hỏi cho rằng tình trạng mất an ninh trật tự thường đến từ nhóm người di cư, 21,0% cho rằng do người tại địa phương. Đối với lao động di cư ra thành thị, phần lớn ý kiến cho rằng tệ nạn xã hội nằm ở nhóm người di cư (58,5%), trong quan điểm của nhóm này có rất ít người địa phương gây ra tệ nạn xã hội. Nhóm lao động di cư tại các KCN có quan điểm cân bằng hơn khi có 32,3% cho rằng tệ nạn xã hội nằm ở nhóm người di cư và 27,5% ở nhóm người địa phương. Như vậy, vấn đề về an ninh trật tự đối với người di cư cũng cần phải được quan tâm nhiều hơn.

Cùng với sự bất an về tình hình tệ nạn xã hội gia tăng, nhiều lao động di cư cũng phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường sống, đặc biệt môi trường tại các KCN. Tại địa phương nơi có các KCN, tỷ lệ người được hỏi cho rằng môi trường bị ô nhiễm chiếm 15,1%, cao hơn 6,0 điểm % so với đánh giá của nhóm lao động di cư ra thành thị về môi trường nơi họ sinh sống. Trong đó, vấn đề ô nhiễm nguồn nước và rác thải gây nhiều bức xúc nhất cho người lao động tại các khu vực lân cận các KCN. Có tới 60,0% lao động khẳng định nguồn nước tại các địa phương nơi có KCN bị ô nhiễm và 48,5% cho rằng vấn đề rác thải cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường sống. Với khu vực thành thị, 46,8% lao động di cư được hỏi thừa nhận tình trạng ô nhiễm không khí, tiếng ồn; 42,2% cho rằng rác thải cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm.

 Lao động di cư có thể được xếp vào nhóm lao động yếu thế do phải đối diện với khá nhiều những rủi ro trong công việc và cuộc sống. Bên cạnh đó những rào cản trong tiếp cận giáo dục, y tế cùng các dịch vụ xã hội khác luôn tạo thêm những thách thức trong cuộc sống của người di cư. Trong bối cảnh đó, những hỗ trợ của chính quyền địa phương có ý nghĩa khá quan trọng. Thực tế, có tới 92,9% người lao động di cư được hỏi cho rằng địa phương sở tại không có bất kỳ hỗ trợ gì cho họ. Vai trò nổi bật nhất của các địa phương chính là hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự tại nơi người lao động di cư thuê trọ song cũng chỉ có 2,7% người di cư đã nhận được hỗ trợ này.

Liên quan đến mong muốn hỗ trợ tìm việc làm, phần lớn người lao động muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương để tìm được công việc đáp ứng sự kỳ vọng của họ. Những kỳ vọng này phản ánh rõ nét các tiêu chí lựa chọn công việc của họ như có thu nhập cao (72,8%), công việc phù hợp với chuyên môn (37,4%), hỗ trợ tìm công việc không vất vả/độc hại (24,4%), công việc có hợp đồng, chế độ bảo hiểm (21,6%). Để đáp ứng được những mong muốn này chỉ mình các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền vào cuộc là điều không thể. Điều này phụ thuộc nhiều hơn vào các doanh nghiệp. Theo quan điểm của lãnh đạo sở, ngành lao động họ chỉ có thể tăng cường công tác kiểm tra thực hiện hợp đồng lao động và các chế độ bảo hiểm xã hội theo luật hiện hành. Các trung tâm giới thiệu việc làm đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp tại địa phương để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, cung cấp thông tin chi tiết, chính xác về thu nhập, loại hình công việc, các chế độ chính sách đi kèm để người lao động có cơ sở lựa chọn công việc phù hợp.

Lao động di cư từ nông thôn ra thành thị và các KCN đang trở thành xu hướng phổ biến bởi lực lượng này có những đóng góp ngày càng quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao vị thế của người lao động. Để đảm bảo có được một hệ thống chính sách có tính chỉnh thể đối với nhóm đối tượng này, bên cạnh các chính sách chăm lo về mặt kinh tế, y tế, giáo dục… cho người lao động di cư rất cần thiết có sự vào cuộc của ngành văn hóa, thể thao và du lịch để từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động di cư và gia đình của họ cũng như giảm thiểu các xung đột liên quan đến giá trị, phong tục tập quán và văn hóa nói chung.

Cần xây dựng một kế hoạch tổng thể, toàn diện để từng bước phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân như: quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân phù hợp với quy hoạch phát triển KCN, quy hoạch đô thị, phân bố dân cư, xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa, thể thao cơ sở. Nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, phục vụ công nhân làm việc ở các KCN và nhân dân cư trú trên địa bàn. Nâng cấp các nhà văn hóa, thể thao công nhân hiện có do Liên đoàn lao động và Ban Quản lý các KCN quản lý.

Đẩy mạnh phát triển phong trào văn hóa, thể thao trong công nhân là góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa tinh thần của công nhân và gia đình họ ở các KCN, để từ đó họ thêm yêu và gắn bó với nơi làm việc như gia đình của mình. Cùng với việc xây dựng, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, thi đấu các môn thể thao trong công nhân, tổ chức đa dạng các phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong công nhân; nếp sống văn hóa và tác phong lao động công nghiệp trong công nhân, xây dựng, phát triển các loại hình câu lạc bộ, sở thích, phù hợp với nhu cầu đặc điểm của các đối tượng công nhân, tổ chức tốt các hoạt động học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của công nhân.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 – 2018

Tác giả : NGUYỄN THỊ HIỀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *