Đột phá, sáng tạo ở một ngôi trường

     

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ khai giảng khóa Bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí

     Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông (Trường) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), được thành lập theo Quyết định số 1476/QĐ-BTTTT ngày 6-10-2008 của Bộ trưởng Bộ TTTT. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ TTTT và sự ủng hộ, phối hợp từ các đơn vị trực thuộc Bộ cùng sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ công chức, viên chức đơn vị mà Trường đã thu nhận được nhiều thành tích đáng khích lệ.

     Năng động, đổi mới công tác đào tạo

     Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ cũng như theo nhu cầu của xã hội và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan, Trường đã tích cực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các khóa/lớp cho học viên là cán bộ, công chức, viên chức tham gia hoạt động trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TTTT.

     Đối với hình thức đào tạo, bồi dưỡng truyền thống

     Đối với cán bộ, công chức: Bồi dưỡng kiến thức nhập ngành thông tin và truyền thông: Bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; Bồi dưỡng: kiến thức cho lãnh đạo cấp phòng và tương đương, kiến thức an ninh – quốc phòng cho đối tượng 3; kiến thức tài chính – kế toán. Đối với viên chức: Bồi dưỡng: chức danh biên tập viên, phóng viên kiến thức pháp luật, nghiệp vụ biên tập.

     Về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành và các kiến thức khác có: Bồi dưỡng kỹ năng mềm, kỹ năng hoạch định chính sách ngành Thông tin và Truyền thông, kiến thức chuyên ngành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TTTT; Bồi dưỡng cập nhật theo vị trí việc làm. Đào tạo cho các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo Nghị định 102/2009/NĐ-CP, gồm 3 bộ môn: lập và quản lý dự án; lập dự toán chi phí đầu tư ứng dụng CNTT; giám sát thi công; đào tạo giảng viên nguồn cho một số dự án CNTT và truyền thông.

     Về bồi dưỡng lý luận chính trị: Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị theo ủy quyền của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

     Về đào tạo thạc sĩ: Phối hợp với Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục và phát triển cộng đồng.

     Trong những năm qua, Trường luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao với việc hoàn thành 100% kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sử dụng ngân sách nhà nước và vượt chỉ tiêu thu từ dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2018 đánh dấu sự đột phá vượt bậc của Trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. So với năm 2016, năm 2017 tăng gấp 2 lần về số lớp, tăng gấp 2,4 về số lượt học viên.

     Giai đoạn 2009 đến tháng 12 năm 2018, Trường đã tổ chức được hơn 200 khóa với hơn 500 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 27.000 lượt học viên là các cán bộ, công chức, viên chức trong và ngoài Bộ TTTT.

Tập thể cán bộ, giảng viên Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản
lý Thông tin và Truyền thông

     Đối với hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến

     Bên cạnh phương thức đào tạo, bồi dưỡng truyền thống, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước trong và ngoài Bộ TTTT; ngày 3-8-2009, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Thông tin và Truyền thông ONLINE được khai trương.

     Hệ thống đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến luôn được duy trì ổn định, cung cấp bài giảng điện tử về các kiến thức ngành Thông tin và Truyền thông, cũng như các kỹ năng mềm; cho phép học viên truy cập miễn phí. Đến nay, Trường ONLINE đã có trên 20 bài giảng với 713 thành viên đăng ký học trực tuyến và hơn 25.000 lượt truy cập. Trong đó, có 4 bài giảng bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành, đó là: “Bồi dưỡng kiến thức nhập ngành Thông tin và Truyền thông”; “Bồi dưỡng kiến thức các Luật Bưu chính, Luật Viễn thông và Luật Công nghệ thông tin”; “Đào tạo, bồi dưỡng cho lãnh đạo cấp phòng” và “Bồi dưỡng kiến thức kỹ năng hành chính văn phòng”; 3 bài giảng video thuộc bộ tài liệu “Những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông cho lãnh đạo trong cơ quan nhà nước” và 5 bài giảng điện tử “Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin”.

     Trường đã tổ chức 2 khóa đào tạo trực tuyến (miễn phí) về kỹ năng hành chính văn phòng; kỹ năng giao tiếp và cấp chứng chỉ 35 lượt học viên. Tổ chức 3 khóa với 6 lớp (với nguồn kinh phí do học viên đóng góp) về “Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin” và cấp chứng chỉ cho 108 lượt học viên trên hệ thống này.

     Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học

     Từ năm 2009 đến năm 2018, công tác nghiên cứu khoa học của Trường luôn được quan tâm, chú trọng. Trường thực hiện tốt công tác quản lý, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần ứng dụng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cũng như công tác xây dựng chương trình, tài liệu, phát triển đội ngũ giảng viên. Trong giai đoạn này, Trường đã thực hiện 14 đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ; 40 đề tài, sáng kiến cấp cơ sở.

     Về hợp tác quốc tế: Hợp tác song phương với Trung tâm Đào tạo Công nghệ thông tin và Truyền thông châu Á Thái Bình Dương (UN-APCICT) về việc dịch sang tiếng Việt và phổ biến 11 học phần (modules) của bộ tài liệu “Những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông cho lãnh đạo trong cơ quan nhà nước”.

     Tổ chức và đồng tổ chức 2 hội thảo quốc tế: “Mô hình hợp tác doanh nghiệp – nhà nước trong lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam” và “Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý về thông tin và truyền thông”. Tổ chức 2 hội thảo “Về đầu tư và quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và mô hình ứng dụng CNTT điển hình cấp tỉnh”.

     Trường cũng đã ký kết ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH Intel Việt Nam. Qua đó, Trường đã tiếp nhận 20 máy tính, lắp đặt 1 phòng máy và tổ chức đào tạo được 37 giảng viên nguồn (là cán bộ của Trường và Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích Việt Nam) để triển khai phổ biến bộ giáo trình “Easy Steps” của Intel cho các đối tượng thụ hưởng của chương trình máy tính cho cuộc sống – PCs for Life (chương trình này do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động).

     Trường đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ và các Vụ có liên quan tổ chức đón đoàn chuyên gia của Viện Đào tạo cán bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc (KEOTI), thuộc Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc sang thăm và làm việc tại Bộ TTTT. Trong đó, có phiên trao đổi giữa Trường với KEOTI về khả năng hợp tác song phương giữa hai bên và tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý về thông tin và truyền thông” với thành phần tham dự là các cán bộ làm công tác quản lý về công nghệ thông tin, bưu chính của các đơn vị thuộc Bộ…

     Trưởng thành đội ngũ giảng viên

     Cùng với đó, Trường luôn tích cực, chủ động và tiến hành thường xuyên hoạt động bồi dưỡng xây dựng đội ngũ giảng viên bằng việc cử giảng viên tham gia các khóa/lớp đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức xây dựng bài giảng và giảng thử cho đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên kiêm chức và cán bộ có nhu cầu đăng ký giảng viên kiêm chức; thành lập các hội đồng để đánh giá chất lượng bài giảng. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng cán bộ của Trường là 49 cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng. Trong đó, có 2 Tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 31 cử nhân, 1 trung cấp.

     Trường đã hình thành mạng lưới giảng viên thỉnh giảng gồm các chuyên gia trên các lĩnh vực thông tin và truyền thông, gồm các nhà quản lý, các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên của các trường đại học, các học viện có liên quan đến các chuyên đề, kỹ năng mà Trường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng.

     TS Đinh Đức Thiện, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Bước sang tuổi 11, Trường sẽ chú trọng, tập trung mọi nguồn lực tốt nhất để phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường, cụ thể: Trường sẽ thuê những giảng viên, chuyên gia giỏi giàu kinh nghiệm để tham gia giảng dạy các khóa/lớp. Tổ chức làm tài liệu có chất lượng tốt nhất phục vụ cho việc dạy và việc học. Tổ chức cho học viên đi tham quan, học hỏi các điển hình (tại các địa phương, đài báo …). Thay đổi cách dạy học, thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, tương tác giữa người dạy và người học.

     TS Đinh Đức Thiện hy vọng với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, sáng tạo, tập thể cán bộ, giảng viên Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông sẽ phát huy những thành tựu đạt được, đóng góp nhiều hơn nữa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cho chuyển đổi số, công nghệ số, kinh tế số … và sự phát triển của ngành, xứng đáng với phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Bộ TTTT trao tặng.

 

Tác giả: Phương Thảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 – 2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *