Từ góc nhìn của một người quản lý du lịch, TS Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã dành cho Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật một cuộc trò chuyện thẳng thắn, cởi mở xung quanh vấn đề tăng cường hợp tác, liên kết phát triển giữa bảo tàng với ngành du lịch trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch bảo tàng hấp dẫn thu hút khách tham quan.
Theo TS Hà Văn Siêu, trước hết để gắn kết bảo tàng với phát triển du lịch, thì hai bên cần có tiếng nói chung, phải bắt tay nhau, cùng nhau nghiên cứu, xây dựng chương trình du lịch hợp lý, tránh tình trạng phát triển theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”.
Các bảo tàng cũng phải quan tâm đến marketing
Theo ông Siêu, trong các đối tượng của hoạt động du lịch thì di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh và các bảo tàng là những đối tượng có nhiều ưu thế nhất, xét cả về bề rộng lẫn chiều sâu, cả về nội dung lẫn hình thức… Chính điều đó đã tạo ra mối quan hệ rất gắn bó giữa du lịch và các hoạt động bảo tàng. Và hoạt động bảo tàng ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành du lịch nước ta.
Cho đến nay, bảo tàng ở Việt Nam có rất nhiều, đa dạng, nhưng không phải bảo tàng nào cũng thu hút được khách du lịch. Vì vậy, để bảo tàng hấp dẫn, thì bản thân những nội dung trưng bày, loại hình cách thức và thông điệp truyền tải phải được phối hợp, thiết kế, quảng bá phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách tham quan.
Trong thời đại hiện nay, bảo tàng phải ứng dụng về mọi mặt tiến bộ công nghệ để cùng với ý tưởng trưng bày, cùng nghệ thuật tài giỏi của người thuyết minh viên… tạo ra một giá trị mà bảo tàng sẽ truyền đến cho khách, như vậy khách đến sẽ được cảm nhận những giá trị tốt nhất về văn hóa, lịch sử của vật trưng bày… Nhưng để khách đến được trải nghiệm như vậy thì bảo tàng cần có những chuẩn bị:
Thứ nhất: chuẩn bị về mặt nội dung, không gian trưng bày.
Thứ hai: lập nên một chương trình để đón khách tham quan cộng với các dịch vụ mà bảo tàng có thể phục vụ ngoài những dịch vụ chính (bên cạnh dịch vụ chính là giới thiệu về giá trị văn hóa của những vật trưng bày, thì cần có dịch vụ bổ sung như vui chơi, mua sắm quà lưu niệm, trải nghiệm…).
Thứ ba: bảo tàng cũng cần phải quan tâm cả đến chương trình marketing. Tức là phải giới thiệu, quảng bá, đưa bảo tàng vào một chương trình du lịch cụ thể. Để làm được điều này, bản thân đội ngũ, hay năng lực đón tiếp của bảo tàng cũng cần có trang bị. Bảo tàng cần có một bộ phận làm du lịch. Bộ phận này có nhiệm vụ biến nội dung trưng bày thành nội dung quảng bá, kết nối và bán chương trình với các công ty du lịch, lữ hành. Trong đó, cần phải xây dựng chương trình cụ thể, chi tiết về các gói dịch vụ để quảng bá, giới thiệu đến các công ty du lịch, lữ hành. Ví dụ như vé vào tham quan bảo tàng cũng cần phải quyết định: giá vé đối với các chương trình cho sinh viên, học sinh, các hội phụ nữ, cựu chiến binh là bao nhiêu, đi theo nhóm, đi lẻ là bao nhiêu… Trên cơ sở đó, các công ty du lịch, lữ hành mới quảng bá, tổng hợp thành các nhóm khách khác nhau, để xây dựng các tour tham quan bảo tàng. Và trên cơ sở các nhóm, tour đó, các nội dung giới thiệu cũng phải rất chuyên biệt, không thể giới thiệu giống nhau.
Tour hợp lý tham quan bảo tàng
Phải thấy những giá trị văn hóa được thể hiện ở bảo tàng là sản phẩm hấp dẫn, một nội dung chương trình được xây dựng trong các sản phẩm du lịch để khai thác bán. Thiếu đối tượng này trong xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch, tức là thiếu đi nội dung và địa chỉ của du lịch dù dưới hình thức nào. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều công ty du lịch chưa coi trọng vấn đề này, vẫn chưa định hướng cho khách đến tham quan bảo tàng. Vấn đề cấp bách là các công ty du lịch, lữ hành phải có trách nhiệm định hướng cho khách đến nơi du lịch, ngoài tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, thì có thể tham quan các bảo tàng. Các chương trình du lịch phải lấy bảo tàng là một trong những điểm đến. Các công ty du lịch, lữ hành phải tính toán chương trình du lịch cho hợp lý (về thời lượng, nội dung, phân loại khách phù hợp với từng loại bảo tàng, đi bảo tàng phải kết hợp với dịch vụ gì kèm theo…). Ví dụ ở Hà Nội, gắn với đi xe bus 2 tầng, thì công ty du lịch phải tính toán về đường đi, thời gian di chuyển đến các điểm tham quan hợp lý nhất như: tuyến xe bus sẽ dừng ở bảo tàng nào, tuyến đường nào, ban ngày thì đi bảo tàng nào, buổi tối làm gì… Việc tính toán thời gian hợp lý sẽ tránh tình trạng tốn thời gian để đi bảo tàng, sau đó để thời gian trống…
Để làm tốt được công việc tính toán, thì phía du lịch cần đặt ra đầu bài, yêu cầu về nhu cầu của khách (muốn trải nghiệm, tìm hiểu, tham quan…) để phía bảo tàng đáp ứng phù hợp. Đáp ứng đầu tiên là phải thiết kế không gian trưng bày; thứ hai là thiết kế một nội dung để giới thiệu về những giá trị, hiện vật, không gian trưng bày đó bằng các ngôn ngữ, hình thức, bằng các kênh, công cụ…
Tóm lại để phát triển du lịch bảo tàng, chúng ta cần giải quyết thực trạng của hai phía:
Về phía các bảo tàng: phải thiết kế không gian trưng bày truyền tải được thông điệp của các hiện vật và xây dựng các chương trình, dịch vụ đi kèm.
Về phía ngành du lịch: các công ty du lịch, lữ hành phải biết tính toán, thiết kế xây dựng chương trình du lịch cho từng đối tượng khách khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong ngày, kết hợp với các chương trình khác như mua sắm, tham quan danh lam, thắng cảnh, di tích với bảo tàng phải phù hợp, tránh trường hợp lãng phí thời gian, mâu thuẫn về thời điểm trong ngày và không phù hợp.
Chừng nào giữa bảo tàng và ngành du lịch gặp nhau ở điểm đó thì nhu cầu của khách về du lịch văn hóa mới được đáp ứng, lúc đấy khách sẽ đến và tìm được những giá trị mình cần. Ngược lại bảo tàng giới thiệu được những cái mình có mà du khách lại yêu thích… khi đó giữa bảo tàng và du lịch đã gặp nhau, lúc này chương trình du lịch đến bảo tàng mới được bán một cách đắt nhất (đắt ở đây không phải là bán vé tham quan với giá cao, mà là khách đến bảo tàng với sự thích thú, được trải nghiệm nhiều giá trị tốt nhất…). Tuy nhiên, đứng trước thực tế hiện nay, rất ít những tour du lịch không đưa hoạt động bảo tàng vào trong chương trình tham quan, điều này cho thấy sự hạn chế trong việc kết nối phát triển giữa bảo tàng và ngành du lịch. Điều này dẫn đến các bảo tàng chưa giới thiệu được những giá trị tinh hoa của mình, khách đến bảo tàng chưa được thỏa mãn nhu cầu tham quan, sau khi ra khỏi bảo tàng chưa hoàn toàn hiểu và ưng ý với những dịch vụ tại bảo tàng… Có nghĩa là cả hai bên đều chưa toại nguyện và như vậy kể cả vé tham quan bảo tàng không cao (dù là vé của ta so với các nước ngoài vẫn thấp) nhưng khách vẫn không đến… Để khắc phục tình trạng bảo tàng ế khách, vắng khách, không có chỗ chơi, thì phải giải quyết được hai vấn đề nêu trên.
Nhìn rộng ra thế giới, có lẽ, đã đến lúc các bảo tàng của ta phải thay đổi cách làm cũ, trên cơ sở đó mới có sáng tạo thực sự. Về mặt này, những kinh nghiệm của các nước có ngành du lịch bảo tàng phát triển rất đáng để chúng ta suy nghĩ và tham khảo. Chúng ta có thể học hỏi các nước từ hoạt động trưng bày của bảo tàng như trưng bày, giới thiệu thường gắn với phim ảnh, công nghệ nghe nhìn, game, kết hợp với các trò chơi giải trí để tạo ra dịch vụ gia tăng, mang lại nguồn thu lớn không chỉ cho các bảo tàng mà còn thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Trên cơ sở kinh nghiệm của các nước, chúng ta cần vận dụng linh hoạt vào thực tế phát triển bảo tàng ở Việt Nam. Nhưng tựu chung lại có thể thấy chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề chính là tư duy của người làm công tác quản lý, sự nhận thức của người dân và một nguồn vốn để đầu tư phát triển du lịch bảo tàng.
TUỆ SAM thực hiện
Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?