DU LỊCH ĐẠI TỪ, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Là địa phương có tới 162 địa điểm di tích lịch sử văn hóa cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, Đại Từ được xem là mảnh đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch nhân văn. Trong công tác quản lý tại địa phương, việc nắm bắt được thực trạng và đề ra giải pháp quản lý di sản sẽ tác động tích cực tới đời sống văn hóa xã hội của người dân.

Đại Từ là một huyện miền núi nằm ở phía tây bắc tỉnh Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên 25 km.Với những ưu thế về khí hậu và thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp như quần thể khu hồ Núi Cốc, khu di tích lịch sử núi Văn – núi Võ, di tích 27/7 Hùng Sơn, khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Tam Đảo…, từ lâu, Đại Từ đã trở thành nơi nghỉ mát lý tưởng, một địa chỉ nổi tiếng dành cho du khách trong và ngoài nước.
Trong những năm gần đây, du lịch trên địa bàn huyện Đại Từ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều biện pháp đồng bộ đã được triển khai nhằm bảo vệ, tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa như: nâng cấp cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc, mở rộng đầu tư mạng lưới khách sạn, nhà hàng của địa phương… Chính vì thế hoạt động kinh doanh du lịch sôi động hơn, có chất lượng hơn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

1. Tiềm năng du lịch

Điểm du lịch quan trọng nhất của Đại Từ là khu du lịch hồ Núi Cốc với diện tích 25km2, dung tích 175 triệu m3. Hồ được khởi công xây dựng năm 1993 và hoàn thành cơ bản năm 1994. Đây là hồ nhân tạo ở trên cao lưng chừng núi gồm một đập chính dài 480m và 6 đập phụ. Trên mặt hồ rộng mênh mông có tới hơn 89 hòn đảo, có đảo là rừng cây xanh, có đảo là nơi trú ngụ của đàn cò, có đảo là quê hương của loài dê, có đảo là nơi ngự đền bà chúa thượng ngàn.
Đến với khu du lịch hồ Núi Cốc, du khách sẽ cảm thấy sự thoải mái và hài lòng với nhiều hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí, tham quan và nghỉ dưỡng như: du thuyền trên mặt hồ thăm các đảo, thăm huyền thoại cung (nghe kể truyền thuyết câu chuyện tình thủy chung chàng Cốcnàng Công), thăm công viên cổ tích và vui chơi tắm mát ở công viên nước. Trong nhiều năm, hồ Núi Cốc đã trở thành một địa chỉ tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra còn có một số điểm khác như: núi Văn, núi Võ nằm dưới chân núi Tam Đảo thuộc 2 xã Văn YênKý Phú, cách khu du lịch hồ Núi Cốc 15km về phía tây bắc, một di tích gắn với tên tuổi và quê hương vị danh tướng với những đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh TK XV và triều đại nhà Lê. Ông đã từng dự thề Lũng Nhai năm 1416 kết nghĩa anh em với Lê Lợi. Năm 1425-1426 Lưu Nhân Chú chỉ huy nhiều cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh, chiến tích của ông đã được ghi vào sử sách đến ngày nay. Đó là vào năm 1427 tại ải Chi Lăng chém tướng giặc Liễu Thăng đánh tan 10 vạn viện binh. Sau đó ông cùng hoàng tử Từ Tế (con trai cả vua Lê Lợi) xây thành Đông Quan và cũng chính bản thân ông đã làm sứ giả đàm phán buộc Vương Thông rút quân về nước. Năm 1485, vua Lê Thánh Tông đã truy phong ông tước Thái phó vinh quốc công. Khu di tích núi Văn, núi Võ đã được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia. Dấu tích nơi đây cùng với truyền thuyết hào hùng gắn liền với danh tướng Lưu Nhân Chú và đội nghĩa binh của ông còn lưu truyền đến ngày nay.
Nơi kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7 là khuôn viên một ngôi chùa thuộc xã Hùng Sơn với diện tích 3000m2 gồm nhà lưu niệm, bia là tảng đá vân mây trắng hình trụ, chóp nhọn, cao hơn 3m, rộng gần 3m, nặng gần 7 tấn. Tại nơi này vào ngày 27-7-1947 có hơn 300 cán bộ, chiến sĩ và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố thư Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời ngày Thương binh liệt sỹ ở nước ta. Nơi đây đã được nhà nước tôn tạo và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 17-7-1997. Cùng với di tích trên còn có Khu đài tưởng niệm thanh niên xung phong Khu di tích chiến khu Nguyễn Huệ xã Yên Lãng, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên xã La Bằng và các khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Tam Đảo trải dài trên 11 xã.
Về mặt giá trị thẩm mỹ, hệ thống di sản huyện Đại Từ cho ta thấy sự kết hợp hài hòa giữa biển hồ, núi non cùng hệ thống hang động đã hình thành nên một phong cảnh thiên nhiên hoang sơ nhuốm màu sắc huyền thoại, một không gian thắm đượm văn hóa làng quê truyền thống Việt Nam.

Về mặt giá trị sinh học, khu hồ Núi Cốc đã bảo tồn được nhiều loài thủy sinh quý hiếm, các loài chim, muông thú và thảm thực vật đa dạng phong phú. Không gian rộng lớn của vùng Hồ đã hình thành nên vùng tiểu khí hậu ôn đới, đem lại nguồn không khí mát lành trong vùng, được ví như lá phổi xanh của Đại Từ.

Về mặt giá trị lịch sử văn hóa, nơi đây là mảnh đất đia linh nhân kiệt đã đi vào lịch sử dân tộc với những dấu ấn rạng ngời của chiến khu cách mạng; đồng thời cũng là nơi hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa… với những chứng tích về một nền văn hóa cổ vùng Đông Nam Á.
Những ưu thế trên cho thấy, tiềm năng du lịch của Đại Từ đã hội tụ đầy đủ những giá trị đa dạng và tiêu biểu của di sản văn hóa Việt Nam. Đây chính là lý do khiến cho Đại Từ trở thành địa chỉ quen thuộc, hấp dẫn và lôi cuốn đông đảo du khách trong và ngoài nước. Có thể coi đây là nguồn tài nguyên du lịch vô tận và có khả năng khai thác không bao giờ cạn kiệt, nếu như chúng ta biết nâng niu, trân trọng và bảo vệ chúng.
Về mặt nhận thức di sản, di sản văn hóa là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa thế giới. Ngày nay di sản văn hóa càng trở nên quan trọng hơn trước những thay đổi nhanh chóng ở các phương diện kinh tế xã hội. Kinh nghiệm xây dựng và phát triển xã hội ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, dân tộc nào giữ được vốn di sản văn hóa thì dân tộc đó giữ được bản sắc văn hóa của mình.
Nhận thức được vai trò quan trọng của di sản văn hóa với phát triển kinh tế xã hội, huyện Đại Từ đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa tại địa phương. Đặc biệt, việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, khu di tích cách mạng, các hang động thiên tạo, danh lam thắng cảnh đã được công nhận đang được quy hoạch, bảo vệ nghiêm ngặt.

2. Thực trạng

Việc khai thác di sản văn hóa ở Đại Từ đã gây nên một áp lực không nhỏ tới huyện, các cơ quan hữu trách và người dân địa phương. Đó là giải quyết những mâu thuẫn trong mối quan hệ hữu cơ giữa bảo tồn và phát triển: mâu thuẫn giữa tăng trưởng triển kinh tế xã hội với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên; mâu thuẫn giữa phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục đích du lịch và hoạt động bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa.
Trong quá trình thực thi quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa và thiên nhiên ở địa phương, UBND huyện Đại Từ luôn theo đuổi mục tiêu vừa ưu tiên cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vừa không làm cản trở kế hoạch phát triển kinh tế ở địa phương. Ngược lại, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội phải đảm bảo tốt về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, khắc phục nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng xấu đến di sản thiên nhiên.
Trong Quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2015 và tầm nhìn chiến lược đến năm 2020, huyện Đại Từ rất trú trọng tới phát triển cơ sở hạ tầng cùng với bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích lịch sử văn hóa để phát triển du lịch tại địa phương. Cụ thể trong những năm gần đây UBND huyện Đại Từ đang từng bước triển khai quy hoạch phát triển du lịch theo định hướng của tỉnh Thái Nguyên như: Phát triển các điểm du lịch xung quanh hồ Núi Cốc như núi Văn, núi Võ, thác suối ven núi Tam Đảo, du lịch cáp treo từ Núi Cốc đi tháp truyền hình Tam Đảo, địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định lấy ngày 27-7 là ngày Thương binh Liệt sĩ tại xã Hùng Sơn. Quá trình thực hiện theo mô hình như sau:
Khu trung tâm: Có các khách sạn cao cấp, nhà nghỉ, nhà hàng dịch vụ và điểm vui chơi giải trí (diện tích xây dựng 350/935 ha), bao gồm các công trình: khu khách sạn cao tầng các câu lạc bộ; khách sạn thấp tầng theo kiểu nhà dân tộc; vườn sinh vật cảnh, công viên; khu dịch vụ du lịch săn bắn, thể thao nước, leo núi, nhạc nước, sân gol…; sân khấu ngoài trời có mái che; khu văn hóa ATK thu nhỏ.
Khu khách sạn nhà hàng ven hồ (từ đập phụ Khu Nam phương đến bán đảo Vòi Phun) xây dựng khách sạn, nhà hàng phục vụ khách quốc tế và nội địa (45-52 ha cho xây dựng công trình…), xây dựng hệ thống kè dọc bờ trồng cây bóng mát, có các điểm nghỉ mát…
Khu du lịch nghỉ dưỡng (diện tích 280 ha) có 40-50 ha xây dựng công trình, khách sạn Công đoàn hồ Núi Cốc (10 ha), nhà nghỉ Quân khu I (15 ha).
Khu đua ngựa nằm trên địa bàn xã Phúc Trìu cách đập chính của hồ Núi Cốc 1,5km về hướng đông nam có diện tích 122 ha.
Khu du lịch leo núi (núi Pháo), có các tuyến leo núi, từng tuyến có xây dựng các trạm nghỉ chân, các nhà hàng giải khát, nghỉ ngơi…; khu bảo tồn cảnh quan môi trường thiên nhiên; các đảo, bán đảo xây dựng vườn thực vật, trồng cây ăn quả, tạo cảnh quan vùng hồ, bảo tồn và phát triển thực vật, rừng nhiệt đới tạo thành nơi tham quan học tập cho học sinh, sinh viên, cán bộ nghiên cứu…(1).
Mặc dù những thành tựu mà UBND huyện Đại Từ đã đạt được trong những năm qua là rất khả quan, nhưng hệ thống di sản văn hóa và danh thắng đang từng ngày, từng giờ vẫn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về biến đổi môi trường. Bên cạnh đó, di sản văn hóa với tư cách là tài nguyên du lịch đang có nguy cơ bị suy thoái, cảnh quan thiên nhiên đang bị tổn thương và mất đi vẻ đẹp vốn có của di sản. Lòng hồ Núi Cốc đang bị hủy hoại do hoạt động khai thác cát trái phép dẫn đến tận diệt loài thủy sinh. Rừng nguyên sinh được coi là lá phổi xanh của di sản ngày càng bị thu hẹp do nạn chặt phá rừng bừa bãi. Các di tích lịch sử văn hóa chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến bị xuống cấp trầm trọng (2).
Về yếu tố khách quan, do sự gia tăng dân số cơ học thường tập trung ở những nơi có di sản thiên nhiên như: nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch đã kéo theo một lượng lớn du khách đã trở thành nguy cơ tiềm ẩn đối với di sản. Do đó vấn đề kiểm soát môi trường được đặt ra ngày càng cấp bách.
Về nguyên nhân chủ quan, do nguồn ngân sách của địa phương đầu tư cho các hoạt động du lịch nói chung và bảo tồn di sản nói riêng còn nhiều hạn chế, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chủ yếu vẫn trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ trung ương nên quá trình triển khai còn chậm.
Thiếu sự phối kết hợp hoạt động giữa các ngành, các cấp liên quan của tỉnh và địa phương.
Chất lượng dịch vụ du lịch còn chưa cao, số doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành trên địa bàn còn ít, thiếu kinh nghiệm trong việc tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng để thu hút khách du lịch (3).
Thực trạng khai thác di sản ở Đại Từ cho thấy, chúng ta đang đứng trước vấn đề nan giải trong việc xử lý mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Đó là muốn cải tạo để khai thác thiên nhiên phục vụ lợi ích kinh tế nhưng lại phải trả giá đắt bằng việc hy sinh môi trường sống của mình. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải có nhận thức mới về thiên nhiên, tạo lập sự cân bằng và hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Để khai thác tiềm năng của di sản trong mục tiêu phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế của địa phương thì trước hết chúng ta phải biết tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên.

3. Giải pháp quản lý

Xuất phát từ nhận thức trên, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp liên quan đến bảo tồn và phát huy hệ thống di sản văn hóa, danh thắng ở huyện Đại Từ.
Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, UBND huyện Đại Từ cần đầu tư hơn nữa trong việc tôn tạo, nâng cấp các di sản lịch sử văn hóa và danh thắng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với bản sắc văn hóa của địa phương.
Về môi trường tài nguyên du lịch, nhất là các danh thắng và di tích có nguy cơ bị xuống cấp nghiêm trọng, huyện cần có biện pháp bảo vệ, tôn tạo, phục chế để đảm bảo gìn giữ được nguồn tài nguyên di sản, phát triển du lịch bền vững.
Thực hiện nghiên cứu đa ngành tại khu hồ Núi Cốc nhằm xác định rõ các giá trị, ranh giới và các thành phần hợp thành tổng thể di sản để có phương pháp quản lý thích hợp nhất.
Đối với 89 hòn đảo, các hang động và thảm động, thực vật dưới hồ hoặc trên đảo, là những yếu tố cấu thành của di sản, phải được bảo vệ và phát triển ở môi trường thích hợp.
Khuyến khích và có những chính sách phù hợp tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh du lịch, đồng thời huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển du lịch một cách có hiệu quả thiết thực.
Chú trọng công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phát triển du lịch, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch, góp phần hình thành một đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực du lịch có đức, có tài, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp, có năng lực quản lý. Đây là vấn đề cơ bản có tính quyết định đến phát triển du lịch tại địa phương.
Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước ở cấp huyện và cấp cơ sở, hoàn thiện hệ thống kinh doanh dịch vụ đủ mạnh để phát triển du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội của địa phương.
Yếu tố quan trọng cuối cùng là vấn đề con người. UBND huyện Đại Từ cần có chương trình giáo dục, nâng cao ý thức về di sản đối với cộng đồng dân cư tại địa phương, nhất là địa phương có di tích, danh thắng. Hoạt động này cần được triển khai liên tục và thường xuyên với chất lượng cao nhất.

_______________
1, 2. Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên 2006-2010, định hướng 2015-2020.
3. Báo cáo phát triển ngành văn hóa tỉnh Thái Nguyên 2008-2015, định hướng 2020.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 314, tháng 8-2010

Tác giả : Nguyễn Mạnh Cường

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *