Gameshow ca nhạc, kiến thức, giải trí hay công nghệ


 

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế là nhu cầu tăng cao về mặt giải trí xã hội. Đây gần như là một hệ quả tất yếu của quá trình phát triển kinh tế. Khi đời sống vật chất được cải thiện, người ta bắt đầu quan tâm hơn đến các yếu tố phục vụ cho đời sống tinh thần như đầu tư cho học tập, đi du lịch, tham gia các hoạt động tình nguyện, hoặc thưởng thức các chương trình giải trí được phát trên ti vi mỗi ngày. Điều này đã mở ra một thị trường mới đầy tiềm năng nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí từ xa của khán giả.

Những năm gần đây, hàng loạt công ty truyền thông, đài truyền hình, công ty quảng cáo, nhãn hàng tiêu dùng…, nhanh chóng vào cuộc, đua nhau sản xuất các chương trình giải trí phục vụ cho số đông công chúng. Với ưu thế về nội dung mới lạ, có sự tương tác giữa khán giả và chương trình, kịch bản trẻ trung, năng động nên hình thức gameshow trên truyền hình, ngay khi vừa ra đời đã thu hút sự quan tâm theo dõi và ủng hộ nhiệt tình của người xem. Bên cạnh đó, có lẽ do dân tộc ta có truyền thống yêu ca hát và thích tiếp cận với cái mới, nên trong số các gameshow từng được sản xuất, gameshow ca nhạc luôn chiếm đa số.

Hiện nay, gameshow ca nhạc được phát trên truyền hình đã trở nên quá quen thuộc đối với khán giả, tuy nhiên tác động của chúng đến đời sống tinh thần của xã hội thì vẫn chưa có nghiên cứu nào được thực hiện cụ thể sâu sắc. Để có cái nhìn khách quan về một gameshow ca nhạc, chúng ta có thể tạm đánh giá chúng theo 2 tiêu chí: nội dung của gameshow và chức năng của âm nhạc trong từng gameshow.

Về nội dung của gameshow

 Ở giai đoạn đầu khi mới ra đời, gameshow ca nhạc được sản xuất với những tiêu chí hết sức rõ ràng và mang tính thực tế cao như: phát hiện tài năng ca hát trong giới trẻ, vun đắp và khuyến khích tình yêu âm nhạc, cung cấp những kiến thức phổ thông về âm nhạc, góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng thưởng thức… Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ truyền thông, sức ép từ các nhà tài trợ, và nhất là lợi nhuận thu được từ quảng cáo đã khiến cho nội dung của gameshow ca nhạc từ từ bị biến dạng. Nhiều chương trình chỉ còn mang tính giải trí đơn thuần, vô bổ, hay trở thành nơi phô diễn của các thí sinh có tiềm lực tài chính nhằm đạt được sự nổi tiếng một cách nhanh nhất…

Bên cạnh đó, nội dung và chất lượng của từng gameshow ca nhạc cũng bị ảnh hưởng, bởi đối tượng thí sinh tham dự. Nếu ở thời kỳ đầu, thí sinh của gameshow ca nhạc đa số là học sinh, sinh viên yêu ca hát hoặc có chút ít kiến thức về âm nhạc muốn thử sức mình trong trò chơi âm nhạc trên truyền hình, thì ngày nay, đối tượng thí sinh tham dự đã mở rộng hơn rất nhiều. Mặt tích cực của nó là đã đáp ứng được nhu cầu đa dạng hóa đối tượng tham gia, góp phần phổ biến loại hình gameshow ca nhạc đến mọi đối tượng trong xã hội. Giới trẻ vẫn là đối tượng thí sinh có số lượng đăng ký tham gia cao nhất, nhưng vẫn có những cuộc chơi trên truyền hình dành cho giới trung niên, người cao tuổi, và mới đây nhất là trẻ em. Tuy nhiên, điều này cũng có mặt hạn chế của nó. Các thành phần tham dự gameshow ca nhạc cũng bắt đầu có sự phân hóa rất rõ ràng. Có thí sinh chỉ là người bình thường, có thí sinh là người đang nổi tiếng ở một lĩnh vực khác ngoài âm nhạc, hoặc có thí sinh lại là ca sĩ với lượng fan hâm mộ hùng hậu, hoặc là người đã từng nổi tiếng, nay muốn dùng gameshow truyền hình như là một cách hâm nóng lại tên tuổi. Ngược lại, có thí sinh rất ngây thơ, biết mình không có khả năng gì nổi trội, nhưng vẫn dũng cảm đăng ký tham dự với hy vọng được xuất hiện trên TV chỉ vài giây cũng đủ hạnh phúc rồi.

Sự đa dạng trong thành phần thí sinh tham dự chính là con dao hai lưỡi: nó khiến cho gameshow ca nhạc trở nên hấp dẫn mọi đối tượng xem, nhưng mặc khác, cũng gây tác động trực tiếp đến nội dung chương trình (vì trình độ chuyên môn và mục đích của từng thí sinh khi đăng ký tham gia gameshow quá khác biệt). Ngoài ra, việc thu hút trẻ em vào một cuộc chơi của người lớn, với lịch tập luyện và biểu diễn sít sao cùng những hợp đồng ràng buộc chặt chẽ cũng là điều cần phải xem lại.

Song song với đó, các thử thách đặt ra cho một thí sinh tham gia gameshow ca nhạc cũng có nhiều điều cần phải quan tâm. Một số thử thách thì quá khó đối với một sân chơi mang tính phổ thông như gameshow truyền hình: yêu cầu thí sinh mỗi tuần thể hiện một phong cách âm nhạc khác nhau (điều này quá sức đối với thí sinh không qua đào tạo bài bản), hay việc cho các em thiếu nhi thể hiện lại các ca khúc tiếng Anh đầy kịch tính của người lớn (mà chưa chắc các em có thể hiểu rõ nội dung và có thể tự hát được)… Ngược lại, cũng có một số thử thách quá đơn giản, nhưng lại có giải thưởng vô cùng hấp dẫn, như chỉ cần thuộc lời ca khúc (không cần hát đúng), thuộc đến đâu, tiền thưởng tăng cao đến đấy. Và cá biệt còn có gameshow ca nhạc cho phép người chơi thương lượng với nhau công khai trên truyền hình, nhận tiền đền bù để rút lui, nhường chỗ cho người kia đi tiếp. Đây là một hành động phản cảm và thiếu tính giáo dục, nó trái ngược hoàn toàn với bản chất trong sáng của một sân chơi nghệ thuật.

Bên cạnh những yếu tố vừa nêu, cách thức thực hiện một gameshow ca nhạc hiện nay cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả chương trình, và tác động trực tiếp đến nhận thức của người xem. Nếu như lúc ban đầu, các gameshow ca nhạc được thu hình tại trường quay với thời lượng hạn chế, thì ngày nay, mọi việc đã thay đổi. Để được khán giả nhớ đến giữa một rừng gameshow ca nhạc có hình thức na ná nhau, nhà sản xuất buộc phải cầu viện đến một kịch bản đầy gay cấn kết hợp ăn ý với truyền hình thực tế. Người quay phim sẽ theo sát nhất cử nhất động của thí sinh để chộp được những thước phim đắt giá thể hiện nội tâm và bản lĩnh sân khấu của thí sinh. Hơn nữa, nhà sản xuất còn cho một ekip đi về tận nhà thí sinh, quay cảnh sinh hoạt ngày thường, ghi lại tâm sự hay mơ ước của thí sinh, phỏng vấn người thân và hàng xóm… Rồi sau đó dựng thành những video clip ngắn để phát cho khán giả xem, mục đích sâu xa là nhằm tác động đến dư luận. Thế nên càng về sau này, trong gameshow càng xuất hiện nhiều trường hợp thí sinh có hoàn cảnh éo le không khác gì những bộ phim truyền hình mùi mẫn từng được phát trên TV. Các thí sinh này luôn được giới truyền thông chăm sóc để tạo nên hình ảnh đặc biệt trong lòng khán giả, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các thí sinh với nhau. Qua một số gameshow gần đây, chúng ta có thể dễ dàng nhận diện: một thí sinh có khả năng tiến sâu vào vòng trong hay không, phải qua công thức: thành công = hoàn cảnh đặc biệt + ngoại hình + chút xíu tài năng. Điều này khiến cho phần chất lượng nội dung âm nhạc của gameshow bị giảm đi đáng kể, làm lệch lạc nhận thức về nghệ thuật của số đông người xem, mà đa phần lỗi nằm ở phía nhà sản xuất.

Ngoài ra, để tăng doanh thu của chương trình, người ta bắt đầu xem nhẹ yếu tố nội dung nghệ thuật mà chú trọng vào những chiêu trò để tăng tỷ lệ người xem bằng mọi giá, gây nên sóng gió dư luận, lèo lái giới truyền thông. Từ đây, gameshow không còn là một cuộc chơi công bằng trên truyền hình nữa mà bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu thể hiện sự kinh doanh nghệ thuật, trang trí sân khấu như một sàn đấu quyền anh (ngụ ý thí sinh nào bị knotout là phải rời khỏi sân ngay lập tức). Gây sốc bằng cách khen hay chê thí sinh một cách quá đáng, lựa chọn thí sinh có chủ đích, dàn xếp kết quả, nhà sản xuất dìm hàng thí sinh, tung scandal về giới tính của thí sinh, dàn dựng video lip lấy nước mắt của khán giả hay dùng báo chí, internet.. để tác động lên số lượng tin nhắn bình chọn cho một thí sinh nhất định…

Từ đây dẫn đến một thực trạng khá đau lòng: khán giả chăm chú theo dõi gameshow không phải vì nội dung nghệ thuật của nó, mà vì những lý do khác ngoài âm nhạc. Có người muốn được cười chảy nước mắt qua phần trình bày ngây ngô đến khó hiểu của một số thí sinh; người khác lại thích thú ngắm nhìn thần tượng của mình vừa hát vừa đối mặt với nhiều vấn đề ngoài nghệ thuật âm nhạc. Khán giả theo dõi gameshow để biết scandal nào đang diễn ra, người nổi tiếng nào được ngồi ghế nóng, giám khảo nào đang bị ném đá hay thí sinh nào có hoàn cảnh đáng thương… Và cho dù nội dung của gameshow có như thế nào đi nữa, thì chỉ có nhà sản xuất và nhà tài trợ là được lợi nhiều nhất: nhãn hàng tài trợ được phát hình liên tục trên tivi, doanh thu từ quảng cáo tăng vọt, dư luận không ngừng bàn tán về chương trình.

Khi mục đích ra đời bị hạ thấp dần để đáp ứng những yêu cầu phi nghệ thuật, thì chất lượng và giá trị của gameshow ca nhạc cũng giảm theo. Đây là nguyên nhân khiến người xem băn khoăn mỗi khi nghe tin nhà sản xuất công bố nội dung của một gameshow ca nhạc mới, và cũng là yếu tố quan trọng để đánh giá tác động xã hội của mỗi chương trình.

Về chức năng của âm nhạc trong từng gameshow

Từ lâu các nhà nghiên cứu nghệ thuật cho rằng âm nhạc có 5 chức năng cơ bản, đó là: nhận thức, thẩm mỹ, giáo dục, giải trí và thương mại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã thấy chức năng giáo dục – giải trí của âm nhạc có phần bị lấn lướt, lấn át bởi chức năng thương mại và giả trí. Các giá trị tinh thần cốt lõi của văn hóa nghệ thuật, nhiều người cho rằng điều đó không còn quan trọng nữa, do vậy nó dễ bị bỏ qua để nhường chỗ cho sự khai thác về mặt kinh tế.

Một trong những minh chứng rõ nhất cho nhận định trên chính là thành phần ban giám khảo trong mỗi gameshow. Đây cũng chính là yếu tố gây tranh cãi nhiều nhất. Đâu là tiêu chí để lựa chọn ban giám khảo? Những tiêu chí này không bao giờ được nhà sản xuất công khai với dư luận. Giám khảo là người nổi tiếng hay người có chuyên môn? Nhìn vào thành phần ban giám khảo gameshow ca nhạc hiện nay, có thể nhận thấy tính giải trí đang chiếm ưu thế, vì sự lựa chọn giám khảo là những ngôi sao hay người nổi tiếng nhằm nâng cao tỷ lệ công chúng của chương trình. Thế nên mới có những câu chuyện, ban tổ chức luôn nhắm vào những ngôi sao, bất kể họ có thực sự phù hợp và đủ tài năng cũng như kinh nghiệm để làm người cầm cân nảy mực trong những cuộc thi hay không. Điều này cũng gây ra nhiều bức xúc trong giới làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Thật ngạc nhiên khi một danh hài làm giám khảo gameshow ca nhạc, một đạo diễn tham gia chấm điểm giọng hát của thí sinh, một ca sĩ nhạc thị trường luôn tạo bão dư luận bằng những phát ngôn gây sốc và ngông cuồng lại trở thành người hướng dẫn chuyên môn cho thí sinh yêu ca hát, hoặc một Việt kiều phát âm còn chưa chính xác tiếng Việt lại trở thành huấn luyện viên cho các bé thiếu nhi trong một cuộc thi hát…

Chính sự mập mờ trong thành phần ban giám khảo đã dẫn đến những chuyện hài hước và lùm xùm không đáng có như giám khảo nhận xét loanh quanh theo kiểu vô thưởng vô phạt, hay chỉ chăm chăm khen trang phục đẹp của thí sinh. Thí sinh thì tỏ thái độ không phục điểm số của giám khảo, xảy ra tranh luận mang tính hơn thua về chuyên môn trên trang cá nhân giữa người cho điểm và người nhận điểm.. Ngoài ra, biết đâu nhà sản xuất còn hy vọng một phút sai lầm hay một câu lỡ lời trong lúc nhận xét chuyên môn của những vị giám khảo không chuyên này khi lên sóng có thể gây nên bão dư luận, khiến cho chương trình càng thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Những điều tiếng này đã khiến cho ấn tượng tốt về gameshow ca nhạc trước đây dần phai nhạt trong lòng công chúng.

Tất cả những yếu tố trên đã tạo ra một bức tranh gameshow vô cùng hỗn độn. Xét trên phương diện thẩm mỹ, cách làm các gameshow ca nhạc hiện nay vô hình chung đã tiếp tay cho việc hạ thấp thị hiếu của người thưởng thức. Nhưng quan trọng hơn, những gameshow ca nhạc ra đời ào ạt như hiện nay tạo nên một tác động không tốt cho nhận thức của giới trẻ. Người xem dễ dàng ngộ nhận rằng với chút năng khiếu và ngoại hình, sau khi tham dự một cuộc thi âm nhạc trên truyền hình và được nhiều người bầu chọn, vậy là nổi tiếng, là có thể kiếm tiền bằng nghề ca sĩ. Đây là điều không tốt, nó phủ nhận sự rèn luyện trong nghệ thuật, khiến các bạn trẻ, nhất là những người chưa có nhiều kinh nghiệm sống, trở nên ảo tưởng về giá trị của bản thân mình, từ đó coi thường chuyện học tập rèn luyện để nâng cao trình độ, dẫn đến việc hủy hoại tương lai của chính mình.

Nói tóm lại, có lẽ cái được lớn nhất của gameshow ca nhạc chính là đáp ứng nhu cầu giải trí của xã hội. Bên cạnh mặt tích cực như cung cấp kiến thức âm nhạc phổ thông, phát hiện và giới thiệu những bạn trẻ có tài ca hát, tạo ra một sân chơi năng động và tươi mới…, thì nó cũng mang đến cho xã hội không ít mặt tiêu cực. Để cải thiện tình hình gameshow bát nháo hiện nay, rất cần sự tham gia định hướng của Nhà nước, sự tư vấn và thẩm định chặt chẽ của các nhà chuyên môn cũng như hoạt động kiểm duyệt tích cực từ phía đài truyền hình và cả lương tâm của nhà sản xuất. Về phía công chúng, chúng ta có thể sử dụng quyền của mình để phê bình, phản ánh, đưa ý kiến đóng góp, xây dựng chương trình gameshow ca nhạc ngày càng tốt hơn, hoặc thậm chí, tẩy chay những chương trình có nội dung xấu. Xin đừng tự hạ thấp mình qua việc chấp nhận giải trí bằng những chương trình gameshow hời hợt, vô bổ và phản giáo dục.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014

Tác giả : Nguyễn Thị Ngọc Dung

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *