Gia đình trong việc giáo dục hướng nghiệp cho trẻ vị thành niên ở Hà Nội hiện nay


Vị thành niên là lứa tuổi rất đặc biệt với những thay đổi cả về thể chất và tâm sinh lý, rất cần sự quan tâm của gia đình nói riêng và cả xã hội nói chung. Ở lứa tuổi này, các e rất cần sự quan tâm, định hướng, giáo dục của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ. Bên cạnh việc giáo dục đạo đức, ứng xử, nâng cao các kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe, việc giáo dục hướng nghiệp cho vị thành niên cũng rất cần được các bậc cha mẹ quan tâm. Bởi lẽ, nếu định hướng tốt, các em sẽ phát huy được năng lực và thỏa mãn sở thích của bản thân, tìm được nghề nghiệp phù hợp.

Gia đình là môi trường tiếp xúc đầu tiên của mỗi con người. Nếu gia đình phát huy tốt chức năng giáo dục của mình, các thành viên sẽ nhận được những giá trị cả về tri thức, đạo đức, sức khỏe, lao động đến các kỹ năng cần thiết như: kiểm soát cảm xúc, tự vệ bản thân trước những nguy hiểm… Tuy nhiên, trong các gia đình ở đô thị Hà Nội hiện nay, việc thực hiện chức năng giáo dục đang gặp nhiều khó khăn nhiều lý do khác nhau, trong đó phần lớn do cha mẹ ít có thời gian giáo dục con cái, nhất là giáo dục vị thành niên.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vị thành niên có độ tuổi từ 10 đến 19 tuổi, được chia thành 3 nhóm: vị thành niên sớm (10-14 tuổi); vị thành niên trung (15-17 tuổi); vị thành niên muộn (18-19 tuổi). Ở Việt Nam, pháp luật quy định từ 18 tuổi trở lên, con người có đầy đủ những quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân độc lập. Như vậy, ở nước ta, vị thành niên là nhóm nhân khẩu xã hội đặc thù, có độ tuổi từ 10 đến dưới 18 tuổi. Vị thành niên là thời kỳ phức tạp nhất trong toàn bộ quá trình phát triển và trưởng thành của một con người, là giai đoạn có sự thay đổi toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, sự quan tâm của gia đình rất quan trọng, có tác động rất lớn đến tính cách, lối sống, đặc biệt là trong giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho con trẻ.

Từ lâu, nhiều gia đình coi giáo dục hướng nghiệp là trách nhiệm của nhà trường mà quên rằng gia đình cũng có vai trò quan trọng trong việc định hướng con cái lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Giáo dục hướng nghiệp giúp các con có sự hiểu biết về tính chất của ngành nghề mà mình hướng tới, có khả năng phân tích thị trường hoạt động, từ đó biết cách giải quyết các khó khăn, rèn luyện bản thân, chủ động xác định được đâu là nghề nghiệp phù hợp với mình để phát huy được khả năng, sở trường của bản thân. Đặc biệt, đối với trẻ vị thành niên từ 15-18 tuổi, sự định hướng, xác định ngành nghề đào tạo, nghề nghiệp sau này có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo dựng cuộc sống trong tương lai. Một định hướng nghề nghiệp sai lầm của cha mẹ có thể khiến con cái mất rất nhiều thời gian để tìm lại chính mình, thậm chí sẽ làm hỏng một con người.

Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng đã trở nên phổ biến, đây là cơ hội lớn để vị thành niên có thể tìm hiểu, tiếp xúc trực tiếp với những nghề nghiệp mà mình cần biết và mong muốn trải nghiệm. Tuy nhiên, có những học sinh trong lứa tuổi trung học phổ thông vẫn lúng túng, chưa hiểu hết được tính chất của các ngành nghề. Một phần do thị trường lao động hiện nay quá đa dạng, phần vì các em chưa đánh giá được đúng năng lực của chính mình. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Thanh đã nhận định: “Gia đình là thành tố có sức ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn ngành nghề và sự thành công trong tương lai của mỗi cá nhân. Do đó, việc nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của gia đình trong công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh lứa tuổi trung học phổ thông và việc tổ chức hướng nghiệp cho các em là một vấn đề cấp thiết, một nhiệm vụ không thể thiếu mà mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh cần phải quan tâm trong giai đoạn hiện nay” (1). Cũng theo ông, hiện nay có nhiều phụ huynh cho rằng việc hướng nghiệp là do nhà trường trung học phổ thông thực hiện, còn việc chọn trường mới là trách nhiệm của cha mẹ. Điều này là bất hợp lý bởi lẽ chính cha mẹ là người hiểu rõ năng lực, sở trường của con mình nhất, việc hướng nghiệp như thế nào để giúp con phát huy sở trường của mình là trách nhiệm chính của gia đình.

Trước khi định hướng nghề nghiệp cho con, cha mẹ phải hiểu được sở trường, khả năng, sở thích của con, trên cơ sở tìm hiểu về thị trường ngành nghề cha mẹ có những hiểu biết nhất định để đưa ra lời khuyên cho con cái. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn một bộ phận các bậc phụ huynh không quan tâm đến sở thích ngành nghề của con mình, họ chỉ chăm chăm chạy theo xu thế của xã hội, hay các nghề được cho là có khả năng mang lại nguồn thu nhập cao.

 Sở thích ngành nghề của trẻ vị thành niên ở đô thị Hà Nội khác ở nông thôn. Qua việc điều tra bằng bảng hỏi đối với 282 học sinh các trường Trung học phổ thông ở Hà Nội năm 2019, chúng tôi nhận thấy trẻ vị thành niên ở đô thị có xu hướng thích các ngành nghề liên quan đến sự năng động, nhạy bén, có xu hướng phát triển trên thị trường hơn so với các ngành nghề khác như: du lịch, kinh doanh, ngân hàng, tài chính và các công việc liên quan đến nghệ thuật.

Hiện nay, trẻ vị thành niên ở đô thị ít hứng thú với các ngành nghề có vẻ “ổn định” gắn với các cơ quan của nhà nước như: bác sĩ, giáo viên, nhà khoa học… Tuổi trẻ thích sự năng động, tự do, có thu nhập cao (có thể không ổn định), vì vậy các em không có sở thích giống với bố mẹ – những người được sinh ra ở thập niên 60-70 của thế kỷ trước thường thích những nghề ổn định, đặc biệt là những nghề được nhà nước bao cấp. Đó là, do sự phát triển của nền kinh tế thị trường cũng như sự thay đổi về tư duy nhận thức của con người mỗi thời đại. Bên cạnh những cha mẹ hiểu và chia sẻ với mong muốn về lựa chọn nghề nghiệp của con, vẫn còn số ít cha mẹ “bảo thủ” cố “động viên, thuyết phục”, thậm chí “ép” con theo sở thích của mình. Hiểu được sở thích, nắm được khả năng của con đã khó khăn, việc định hướng nghề nghiệp cho con càng khó hơn.

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy, nhiều cha mẹ chưa thực sự quan tâm đến hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho con. Những cha mẹ ít quan tâm đến việc giáo dục hướng nghiệp cho vị thành niên đa số là người lao động tự do, kinh doanh và công nhân. Số cha mẹ quan tâm đến hướng nghiệp cho con phần lớn làm công chức nhà nước và có điều kiện kinh tế khá giả. Bên cạnh những cha mẹ để con tự quyết định nghề nghiệp của mình sau này, nhiều phụ huynh mặc dù không có nhiều hiểu biết về các ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của con, nhưng vẫn chịu khó tìm hiểu thông tin thông qua người quen, mạng internet… để có thể định hướng cho con mình.

Phần lớn, việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của trẻ vị thành niên hiện nay trong các gia đình ở đô thị là do sự yêu thích của bản thân, còn bố mẹ, ông bà định hướng chiếm phần ít.

Lý do lựa chọn nghề nghiệp tương lai của trẻ vị thành niên

(Nguồn: tác giả khảo sát năm 2019)

Sở dĩ cha mẹ ít giáo dục định hướng nghề nghiệp cho con trong các gia đình ở đô thị hiện nay là do các nguyên nhân khác nhau: tôn trọng con ở mức độ cao, tin tưởng con mình nên tự cho con cái quyết định lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình; sợ trách nhiệm (có những cha mẹ sợ sau này con mình thất bại, cảm thấy có lỗi); không hiểu hết khả năng, sở trường của con, không biết hết các ngành nghề hiện nay nên không thể định hướng nghề cho con hoặc đưa ra các lời khuyên bổ ích; quan điểm cho rằng, con cái bây giờ cái tôi rất cao, không nên can thiệp vào việc lựa chọn nghề nghiệp của con, có can thiệp chúng cũng không nghe.

Việc cha mẹ ít quan tâm, thiếu giáo dục hướng nghiệp cho con sẽ ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả làm nghề của con cái sau này. Có nhiều em khi học năm thứ hai, năm thứ ba, thậm chí khi gần tốt nghiệp đại học hay cao đẳng đã bỏ học do thấy chuyên ngành học không phù hợp hoặc tìm được hứng thú với công việc khác. Điều này đã làm lãng phí tiền của và thời gian của gia đình và bản thân, đó là chưa kể những hệ lụy nghiêm trọng hơn như: tình trạng chán nản bỏ học giao du với bạn xấu, vướng vào các tệ nạn xã hội…

Để nâng cao trách nhiệm cũng như hiệu quả của gia đình trong việc giáo dục hướng nghiệp cho trẻ vị thành niên ở Hà Nội hiện nay, các gia đình cần quan tâm và làm tốt các vấn đề:

Trước tiên, cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con để hiểu nguyện vọng, sở thích cũng như năng lực của con… để có những định hướng nghề nghiệp cần thiết và đúng đắn. Trong cuộc sống hiện đại, có nhiều bậc cha mẹ trước áp lực của cuộc sống mà ít quan tâm đến những vấn đề tưởng như ở thì “tương lai” của con. Họ cho rằng chỉ cần cho con điều kiện ăn uống, học tập tốt là được, còn mọi thứ khác để con tự tìm tòi, phát triển theo bản năng.

Thứ hai, cha mẹ không nên chủ quan, có thái độ nguyên tắc, máy móc “ép” các con học tập, thi cử, lựa chọn ngành nghề, công việc theo hướng của mình, trong khi con cái không có hứng thú hay khả năng với ngành nghề, công việc đó. Sau này, khi làm nghề, chúng không hứng thú, hiệu quả làm việc sẽ không cao, chưa kể những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường làm việc không phù hợp sẽ ảnh hưởng tới tâm lý, chất lượng cuộc sống của con cái. Ngược lại, cha mẹ cũng không nên thờ ơ trong việc định hướng nghề nghiệp cho con, để con tự xoay vần với xu hướng phát triển xã hội, trong khi con chưa hiểu hết được khả năng của bản thân cũng như của các ngành nghề con lựa chọn.

Thứ ba, muốn giáo dục, hướng nghiệp cho con tốt, cha mẹ phải có ý thức dành thời gian quan tâm, tìm hiểu các ngành nghề trong xã hội, đặc biệt là các ngành nghề mới, thậm chí là các ngành nghề mới chỉ có trên thế giới nhưng nó lại phù hợp với sở trường và năng lực của con. Vì vậy, nếu cha mẹ không chịu khó tìm hiểu, bắt kịp xu thế phát triển của xã hội, cha mẹ sẽ không đủ kiến thức, sự hiểu biết để có thể giải thích, nhắc nhở, định hướng cho con. Đối với trẻ vị thành niên từ 10-15 tuổi, có thể việc định hướng nghề nghiệp chưa thực sự cần thiết bằng lúc 15-18 tuổi, song đây lại là thời kỳ cần sự phát hiện khả năng của con, để cha mẹ chủ động tạo điều kiện cho con có môi trường học tập, rèn luyện tốt giúp con duy trì đam mê, sở thích, sở trường, việc định hướng nghề nghiệp cho con sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều.

Thứ tư, cha mẹ cần có sự kết hợp với nhà trường, thày cô giáo trong việc giáo dục hướng nghiệp trẻ vị thành niên. Ở giai đoạn này, hầu hết thời gian trong ngày các con đều học tập ở trường, vì vậy, để có thể hiểu được khả năng của con, để có lựa chọn hướng phát triển trong tương lai, cha mẹ phải thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin về việc học tập, rèn luyện của con thông qua sự trao đổi với thầy cô chủ nhiệm, bạn bè của con mình. Ngoài ra, trong quá trình giáo dục hướng nghiệp cho con, khi cần, cha mẹ có thể nhờ sự tác động của thày cô và bạn bè để con có thể hiểu rõ hơn trong vấn đề này.

Với nhận thức đúng đắn, nghiêm túc cùng những cách thức giáo dục định hướng phù hợp, hiệu quả, chắc chắn trong tương lai, xã hội sẽ giảm bớt tỷ lệ trẻ vị thành niên, thanh niên thất nghiệp, phạm tội… do mất định hướng phát triển. Nếu cha mẹ, các thành viên trong gia đình cùng quan tâm, phối kết hợp tốt với nhà trường trong việc giáo dục hướng nghiệp cho con cái, trẻ vị thành niên sẽ có điểm tựa tốt, được học tập, rèn luyện phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân, từ đó lựa chọn được ngành nghề đào tạo phù hợp, giúp các em thực hiện mục tiêu sống của mình, đóng góp vào sự phát triển của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

_______________

1. Lê Đăng, Hướng nghiệp cho học sinh: gia đình không thể đứng ngoài cuộc, giaoducthoidai.vn, 5-5-2019.

Tài liệu tham khảo

1. Lô Cần, Quan niệm mới về giáo dục trong gia đình, Nxb Lao động xã hội, 2015.

2. Đặng Cảnh Khanh, Tội phạm vị thành niên và những phân tích xã hội học, Nxb Dân Trí, 2017.

3. Nguyễn Thị Hoa, Ảnh hưởng của nhóm bạn không chính thức tiêu cực đối với hành vi vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên, Luận án tiến sĩ Tâm lý học, 2004.

4. Phan Thị Mai Hương (chủ biên), Thái độ vô cảm trong gia đình của trẻ vị thành niên, Nxb Khoa học Xã hội, 2018.

5. Đặng Vũ Cảnh Linh, Vị thành niên và chính sách vị thành niên, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội, 2003.

6. Huỳnh Văn Sơn, Những băn khoăn của tuổi vị thành niên, Nxb Giáo dục, 2007.

7. Chu Trung Thanh, Giáo dục đón đầu cho con em ở tuổi vị thành niên (12-17 tuổi), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2010.

8. Thách Ngọc Yến, Vai trò của gia đình trong giáo dục con cái nhằm hạn chế những nguy cơ trẻ em đi lang thang, Tạp chí Giáo dục, số 155, 2007, tr.10-11

Tác giả: TS Trần Thị Thu Nhung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *