Giá trị chủ yếu trong nội dung dân chủ xã hội ở các nước Bắc Âu và một số gợi ý đối với Việt Nam hiện nay


Trong số các mô hình dân chủ xã hội (DCXH) hiện nay, các nước Bắc Âu được xem là khu vực kiểu mẫu của thành công, đạt được nhiều thành tựu trong vấn đề thể chế hóa lý luận DCXH. Thành công của mô hình Bắc Âu có nhiều giá trị tham khảo, gợi mở cần thiết đối với phát huy dân chủ trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay.

Trong số các mô hình DCXH hiện nay, các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển) được xem là khu vực kiểu mẫu đạt được nhiều thành tựu trong vấn đề thể chế hóa lý luận DCXH, giành được những giá trị cao trong vấn đề khắc phục tình trạng bất bình đẳng và đói nghèo. Mô hình Bắc Âu (Nordic model), còn được gọi là Mô hình Scandinavia (Scandinavia model) là mô hình biểu tượng cho những thành công về nhà nước phúc lợi, an sinh xã hội, hình mẫu của việc áp dụng tư tưởng DCXH vào thực tiễn. Điều đó giải thích tại sao hiện nay, Bắc Âu luôn là chủ đề nổi bật và được quan tâm nhiều hơn cả từ dư luận quốc tế, đặc biệt là các nhà nghiên cứu. CNXH hiện thực ngày nay vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi các quốc gia trong đó có Việt Nam cần nghiên cứu sâu rộng hơn nữa về các mô hình dân chủ khác nhau, đặc biệt nghiên cứu về DCXH Bắc Âu đương đại sẽ đưa đến những cách nhìn mới, có thể tham khảo, lựa chọn những kinh nghiệm để vận dụng trong thực tiễn xây dựng CNXH ở nước ta.

Giá trị chủ yếu của mô hình DCXH ở các nước Bắc Âu

Xây dựng hệ thống nhà nước phúc lợi hiệu quả

Các nước Bắc Âu hướng đến nền DCXH với sự hình thành nền kinh tế hỗn hợp, việc làm đầy đủ, phân phối công bằng, phúc lợi xã hội và an ninh cao. Mục đích là thông qua các chính sách lao động, phân phối và thuế để Chính phủ loại bỏ các vấn đề bất cập, làm cho hệ thống tư bản có xu hướng hợp lý và ổn định hơn. Ở đây, nền kinh tế hỗn hợp là nói đến hình thức sở hữu, như kinh tế tư nhân, nhà nước, hợp tác xã và các hình thức khác của hệ thống kinh tế. Việc làm đầy đủ đề cập đến việc nhà nước thông qua sự can thiệp và điều chỉnh vào nền kinh tế, cung cấp các cơ hội việc làm cho cộng đồng càng nhiều, giảm thiểu thất nghiệp. Mục tiêu chính về chính sách của các nước Bắc Âu là để công dân có việc làm đầy đủ, phân phối công bằng, đạt được bình đẳng tối đa giữa các nhóm khác nhau thông qua tái phân phối. Có thể nói, phúc lợi xã hội và an ninh chính sách là cốt lõi của Nhà nước phúc lợi, chủ yếu ở các khía cạnh như: lương hưu, trợ cấp thất nghiệp, giáo dục bắt buộc, hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí, bảo hiểm cá nhân, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn công nghiệp, phụ cấp cho gia đình có thu nhập thấp, trợ cấp nhà ở, trợ cấp thực phẩm… Thông qua các biện pháp và chính sách trên, Chính phủ đã thiết lập một hệ thống phúc lợi xã hội gần như toàn diện cho công dân từ lúc được sinh ra cho đến lúc về già.

Những năm 1950 và 1960 là thời kỳ vàng son trong sự phát triển kinh tế ở các nước Bắc Âu, năng lực kinh tế của họ đủ để hỗ trợ chi tiêu phúc lợi xã hội cao. Kể từ những năm 1990, các nước Bắc Âu tiếp tục nỗ lực cải cách hệ thống phúc lợi xã hội, điều chỉnh chính sách để giảm gánh nặng cho Chính phủ, kích thích phục vụ sản xuất, mục tiêu là để đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu về phúc lợi và tăng trưởng kinh tế. Vào giữa năm 2008 và 2009, bốn quốc gia Bắc Âu (trừ Iceland) đã mất tổng cộng 515 tỷ USD với việc giảm thu nhập GDP. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2010 đến nay, các Chính phủ Bắc Âu đã cải cách để vượt qua được khủng hoảng trên. Những nỗ lực ứng phó với khủng hoảng kinh tế lần này của các nước Bắc Âu tiếp tục được đánh giá cao. Điển hình như Thụy Điển đã cải thiện hệ thống kinh tế của mình và đã tăng GDP từ 429 tỷ USD trong năm 2009 lên đến 551,03 tỷ USD trong năm 2018; Na Uy đã tăng từ 386 tỷ USD năm 2009 lên tới 434,75 tỷ USD trong năm 2018 (1).

Nhà nước tạo môi trường cho sự tham gia của người dân vào việc hoạch định, thực thi chính sách công

Ở Bắc Âu, chia sẻ bình đẳng và tham gia công khai trong các dịch vụ công là một biểu hiện nổi bật của quyền công dân. Việc tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ công được xem là quyền lực cơ bản của các công dân Bắc Âu. Khái niệm cơ bản của mô hình Bắc Âu là “Công dân có quyền chia sẻ các dịch vụ công bằng như nhau” và “Tôi dành cho tất cả mọi người, mọi người đều dành cho tôi”. Tất cả mọi người đều có cùng giá trị, đều có quyền được hưởng các dịch vụ công bằng. Mô hình DCXH Bắc Âu là một sự tăng trưởng cân bằng và công bằng. Trong các mục tiêu phát triển, tăng trưởng kinh tế để nâng cao phúc lợi của người dân là tiêu chí quan trọng. Hệ thống phúc lợi được hỗ trợ bởi thuế dựa trên khái niệm “lợi ích xã hội thuộc về chủ sở hữu của xã hội”. Chính phủ phân bổ các lợi ích xã hội dựa trên nhu cầu của công chúng hơn là về khả năng của công chúng.

Sự tham gia của công chúng trong xây dựng chính sách công là tiền đề cơ bản của mô hình Bắc Âu. Công dân Bắc Âu có quyền tham gia vào việc xây dựng chính sách công cộng quốc gia, có quyền thể hiện quan điểm và ý kiến của họ về chính sách công, có quyền phản đối một số chính sách công mà theo họ là không phù hợp. Chính phủ có thể lắng nghe những tiếng nói khác nhau từ người dân và xem đó là một sự đảm bảo về ổn định xã hội. Chính phủ khuyến khích công chúng tham gia vào các tổ chức phi chính phủ khác nhau và lắng nghe quan điểm của tất cả các bên, giúp họ có cơ hội thể hiện quan điểm về lập pháp và cả quá trình ra quyết định của chính phủ. Ngoài ra, cơ chế quản lý dân chủ địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong nền dân chủ Bắc Âu, nhất là trong việc kìm hãm các khuynh hướng quan liêu của nhà nước phúc lợi và định hướng các tầng lớp xã hội. Cơ chế này củng cố sự phát triển của dân chủ cơ sở, vì vậy mà mọi người có thể được bầu làm ủy viên hội đồng địa phương và bày tỏ quan điểm của họ về các vấn đề quan trọng của cuộc sống hằng ngày có liên quan. Hội đồng địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát giáo dục địa phương, môi trường, sức khỏe và hạnh phúc…

Nhà nước Bắc Âu chú trọng đến các chính sách xã hội, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội

Ở các nước Bắc Âu, chính sách xã hội được xem như một phương tiện và là công cụ để theo đuổi ý tưởng DCXH, với định hướng giá trị mạnh mẽ. Để thực hiện ý tưởng này, các Đảng DCXH ở các nước Bắc Âu đã đề xuất một loạt các chính sách xã hội như thừa kế, trợ cấp, các khoản tài chính ưu đãi, y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ miễn phí, bảo đảm sinh kế và bảo trợ xã hội… Ảnh hưởng của ý tưởng này không chỉ ở giai cấp công nhân và lực lượng cánh tả, mà còn cho các tầng lớp xã hội khác (đặc biệt là tầng lớp nông dân). Điều này làm cho lý tưởng của nền DCXH không chỉ trở thành ý thức hệ tư tưởng của tầng lớp lao động mà còn trong tất cả các giai cấp và các nhóm xã hội, để từ đó truyền bá và lan rộng, tạo sức ảnh hưởng. Với sự hỗ trợ của các ý tưởng này, khái niệm về “phúc lợi xã hội” đã dần dần vượt lên sự trợ giúp xã hội thông thường cho các đối tượng đặc biệt. Trong nỗ lực về chính sách xã hội, phúc lợi không chỉ được hiểu là mức lương và an ninh thu nhập, mà theo nghĩa rộng hơn, nó được hiểu là một phương tiện giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến cuộc sống của người dân.

Trong việc theo đuổi hiệu quả kinh tế, cần quan tâm nhiều đến hệ thống xã hội và hỗ trợ chính sách xã hội một cách hiệu quả. Đây không phải là kinh nghiệm của riêng Bắc Âu nhưng ở Bắc Âu, mục tiêu phát triển là “phi thương mại hóa”, tăng trưởng và hiệu quả không phải là mục tiêu duy nhất được theo đuổi. Trái lại, an ninh thu nhập là nguyên tắc chủ đạo của xã hội Bắc Âu từ những năm 1960. Chính phủ ở Bắc Âu không đặt chính sách xã hội ở vị trí dưới của các chính sách kinh tế, của sự cạnh tranh và hợp tác mà tập trung vào những hạn chế và chuyển đổi các chức năng vốn tư nhân trong phát triển hơn là đơn giản hóa chúng. Do đó, xã hội Bắc Âu vẫn là một xã hội dựa trên nền kinh tế tư nhân (85% doanh nghiệp Thụy Điển, 94% của lĩnh vực sản xuất vẫn còn trong sở hữu tư nhân), để thúc đẩy cạnh tranh kinh tế công bằng, để duy trì sức sống phát triển kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế và nâng cao hiệu suất lao động không phải là mục tiêu duy nhất ở nhà nước phúc lợi Bắc Âu mà bình đẳng hóa các cơ hội, sự gắn kết và đồng thuận xã hội mới là điều quan trọng nhất.

Một số gợi ý đối với Việt Nam hiện nay

Xây dựng hệ thống phúc lợi hiệu quả cho người lao động

Kết quả nghiên cứu trên cho thấy, các nước Bắc Âu nhìn chung thực hiện các khoản thuế cao và mang lại lợi ích cho tất cả các công dân. Ở các nước này, thể chế DCXH là động lực chính của cải cách xã hội. Do trình độ phát triển của Việt Nam chưa thể ngang bằng với các nước Bắc Âu, các chế độ phúc lợi cụ thể đối với người lao động Việt Nam chỉ có thể xác lập ở mức có thể chấp nhận được và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Qua kinh nghiệm của Bắc Âu cho thấy, để đảm bảo phúc lợi xã hội bền vững cho mọi người dân, mọi người lao động, cần có sự vào cuộc tích cực từ phía Nhà nước và cộng đồng. Đối với Nhà nước, chương trình phúc lợi xã hội bao gồm các chương trình chung hướng tới cho mọi người dân và các chương trình chuyên biệt, hướng tới những nhóm lao động đặc thù, nhưng đều hướng tới đảm bảo sự công bằng cho mọi người. Nhà nước chỉ nên định hình chính sách và sẽ chuyển giao cho các đối tác xã hội khác thực hiện, như chương trình nhà ở xã hội cho công nhân, các khu công viên, vườn trẻ, để đảm bảo an ninh và an sinh cho người lao động. Đối với cộng đồng, bên cạnh các phúc lợi xã hội bắt buộc, cần gia tăng các loại phúc lợi xã hội tự nguyện dựa trên cơ sở trách nhiệm cộng đồng, truyền thống văn hóa và điều kiện từng vùng, địa phương để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác nhau thuộc nhóm “yếu thế” trong xã hội.

Xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, công khai và minh bạch

Một trong những nguyên nhân giúp các nước Bắc Âu đạt được những ưu điểm trong xây dựng mô hình DCXH như trên là do xây dựng được mô hình quản trị dân chủ hiệu quả. Hệ thống hành chính thường theo đuổi các nguyên tắc trách nhiệm, minh bạch và quản trị nhà nước mở đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo quản lý và uy tín của Chính phủ. Việt Nam hiện nay đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển và đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Chính phủ kiến tạo coi trọng vai trò của thị trường nhưng không tuyệt đối hóa vai trò này mà tích cực can thiệp để định hướng thị trường, Chính phủ đó phải được tạo dựng trên một thiết chế chính trị dân chủ và tự do. Nhà nước còn định hướng mục tiêu cho các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế – xã hội, tạo động lực cho các đối tượng tham gia hoạt động kinh tế – xã hội theo mục tiêu chung, phát huy mặt tích cực, đồng thời khắc phục những hạn chế của nền kinh tế thị trường. Tạo lập các cân đối trong phát triển, kiểm soát và phân bổ các nguồn lực trong xã hội, tạo môi trường thích hợp cho các hoạt động kinh tế – xã hội, thúc đẩy sự phối hợp hoạt động giữa các cấp, các ngành.

Nhà nước kiến tạo ở Việt Nam cần giải quyết những vấn đề cụ thể như: tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương, chuyên nghiệp, tập trung cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhũng nhiễu; giảm thiểu chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế

Thành tựu trong phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội ở các nước Bắc Âu là nhờ các biện pháp điều chỉnh được thực hiện như: cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của Chính phủ để cải thiện tính minh bạch, tính hiệu quả và tính toàn vẹn của các tổ chức chính phủ và khu vực công, đảm bảo sự phát triển của kinh tế tư nhân dưới ảnh hưởng của các yếu tố phi thị trường. Sự quản lý vĩ mô của Chính phủ làm cho khu vực tư nhân tăng và việc tích cực áp dụng công nghệ mới, thúc đẩy sáng tạo văn hóa doanh nghiệp… là nguồn gốc quan trọng cho sự phát triển lành mạnh và ổn định của nền kinh tế và xã hội Bắc Âu.

Sau hơn 35 năm đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm phát triển và coi trọng các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế” (2), cho thấy bước đột phá về nhận thức của Đảng ta so với giai đoạn trước. Những thành tựu từ mô hình DCXH ở các nước Bắc Âu gợi mở cho Việt Nam cần đặt kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân trong mối quan hệ biện chứng và mật thiết với nhau. Kinh tế tư nhân khó mà phát triển mạnh khi kinh tế thị trường không phát triển, và ngược lại. Mặc dù, khu vực kinh tế tư nhân được coi là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, là một trong những động lực của nền kinh tế, nhưng vẫn còn vấn đề trong lý luận và quan điểm về vai trò của các khu vực kinh tế sở hữu, hệ thống thể chế chính sách chưa đồng bộ, nhất là chính sách tín dụng, đất đai và đào tạo nguồn nhân lực… qua đó tạo không gian lớn hơn cho kinh tế tư nhân phát triển.

Kết luận

DCXH là một đặc trưng của chế độ chính trị xã hội, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong lịch sử chính trị quan hệ quốc tế. Mô hình DCXH ở các nước Bắc Âu có những ưu điểm nhất định trong việc đề cao một xã hội tự do, bình đẳng, đoàn kết, với những giá trị cho nhân đạo, hòa bình. Tuy nhiên, nghiên cứu về DCXH cần có quan điểm chính trị vững vàng, khoa học, biện chứng. Việc học hỏi mô hình DCXH ở Bắc Âu và tìm tòi những kinh nghiệm có thể tham khảo vận dụng không chỉ cần thiết với riêng Việt Nam, mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã và đang thực hiện.

_______________

1. The World Bank (Ngân hàng Thế giới), 2018.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.107-108.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1,2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

2. Hồ Thị Nhâm, Mô hình dân chủ xã hội các nước Bắc Âu hiện nay – giá trị và những biến đổi chủ yếu, Luận án tiến sĩ Chính trị học, Hà Nội, 2019.

3. Phạm Thị Thu Lan, Hệ thống phúc lợi xã hội ở các nước Bắc Âu và một số gợi ý đối với Việt Nam, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 21-5-2020.

Tác giả: Ths Phan Thị Cẩm Lai

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *