Giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa


Khu di tích Lam Kinh nằm trên địa bàn hành chính của thị trấn Lam Sơn, xã Xuân Lam (Thọ Xuân) và xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc), tỉnh Thanh Hóa. Được khởi dựng từ những thập kỷ đầu TK XV và xây dựng rầm rộ vào TK XVI, XVII, Lam Kinh được xem như là một Tây Kinh, song hành cùng Đông Kinh – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước dưới thời Lê. Di tích Lam Kinh bao gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc phục vụ chức năng tín ngưỡng, tri ân tổ tiên nhà Lê, là nơi an nghỉ của các vua và hoàng hậu nhà Hậu Lê, với hệ thống cảnh quan tạo ra sự hài hòa trong một không gian kiến trúc gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Với những giá trị nổi bật, năm 2013, Khu di tích Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

1. Những giá trị tiêu biểu của Khu di tích Lam Kinh

Giá trị lịch sử

Khu di tích Lam Kinh là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử quan trọng về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc. Những di vật ở đây gợi nhớ về một thời kỳ hào hùng của nghĩa quân Lam Sơn, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng Lê Lợi, trải qua mười năm “nếm mật nằm gai” đã làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, đuổi sạch quân Minh khỏi bờ cõi, rửa sạch nỗi nhục mất nước, giành lại giang sơn, thiết lập nên vương triều nhà Hậu Lê – vương triều được đánh giá là đỉnh cao trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Giá trị lịch sử của Lam Kinh được thể hiện như là một “Bảo tàng lịch sử” về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược do Lê Lợi khởi xướng, lãnh đạo.

Tại khu di tích, văn bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi soạn đã phác thảo những nét chính về đất Lam Sơn và dòng họ Lê. Trong văn bia nói rõ, để tồn tại và phát triển, trở thành hào trưởng có thế lực và uy tín, ba đời họ Lê từ cụ Tổ cho đến thân phụ của Lê Lợi và cả Lê Lợi đã phải chăm lo cày cấy, yêu thương giúp đỡ mọi người, qua nhiều năm mới thành sản nghiệp lớn và mới có uy tín “làm chủ một miền” (Văn bia Vĩnh Lăng).

Khu trung tâm của di tích Lam Kinh được xây dựng trên một phần khu đất trại Như Áng xưa của dòng họ Lê Lợi. Chính tại nơi đây, cụ Tổ của dòng họ Lê đã chọn làm nơi dựng nghiệp và đã làm nên nghiệp lớn. Xung quanh trại Như Áng là các di tích có liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn, trong đó bãi Lũng Nhai – nơi Lê Lợi tổ chức hội thề, chính thức phất cờ khởi nghĩa. Xa hơn nữa là núi Chí Linh, nơi nghĩa quân Lam Sơn đã phải ba lần tìm đến để bảo tồn lực lượng. Những địa danh lịch sử này đã đi vào lịch sử, gắn liền với di tích Lam Kinh.

Sau khi Lê Lợi mất, triều đình nhà Hậu Lê đã tổ chức rước linh cữu về Lam Sơn an táng và từ đó Lam Kinh trở thành nơi an nghỉ của các vua và thái hoàng, thái hậu sau khi qua đời. Ngoài xây lăng, đắp mộ, triều đình còn dựng những tấm bia lớn, cử nho thần có tiếng đương thời viết văn bia, kể rõ lai lịch và công đức người mất. Hiện nay, ở Lam Kinh có 4 tấm bia được công nhận là bảo vật quốc gia. Lam Kinh được xem là kinh đô thứ hai của triều Lê nên ở đây có đầy đủ hệ thống cung điện, thành quách, đền đài, phản ánh sự to lớn, uy quyền của triều đại huy hoàng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Khi đến thăm di tích Lam Kinh, du khách phần nào cảm nhận được đời sống vua quan triều Lê và hiểu được thiết chế nhà nước trung ương tập quyền phong kiến Lê sơ. Trong lễ hội Lam Kinh, phần tế lễ trang nghiêm, linh thiêng và phần hội tưng bừng náo nhiệt đã làm sống lại thời kỳ lịch sử hào hùng của ông cha. Người xem có thể thấy lại những nghi thức tế lễ của cung đình xưa, cũng như nhiều nét văn hóa của triều đại Lê sơ. Đó cũng chính là những giá trị lịch sử không thể phủ nhận của khu Di tích quốc gia đặc biệt, Lam Kinh.

Giá trị văn hóa

Trước hết, công trình đã tạo dựng được một khu di tích có quy mô lớn, hoành tráng vừa đảm bảo được sự bề thế của một khu điện miếu, vừa đảm bảo được yếu tố tôn nghiêm của các lăng mộ theo quan điểm Nho giáo, tạo được sự hài hòa giữa kiến trúc cung đình và môi trường sinh thái của một vùng bán sơn địa.

Khu Lam Kinh có nhiều công trình có giá trị cao về kiến trúc, trong đó tiêu biểu là tòa chính điện. Các tài liệu xưa không mô tả chi tiết nhưng những chứng cứ vật chất còn lại, đối chiếu với các công trình đối ứng như tòa Tả vu, Hữu vu, sân rồng, cửa Nghi môn có thể nhận ra đây là công trình lớn có thể so sánh với điện Kính Thiên ở kinh thành Thăng Long. Giữa núi rừng, xa kinh thành một tòa cung điện nguy nga, bề thế và nhiều công trình được tạo dựng là một thành tựu của kiến trúc cung đình mang đậm giá trị văn hóa của thời đại.

Các lăng mộ ở Lam Kinh không tập trung ở một khu vực nhất định, mỗi lăng được xây dựng trong một thời gian, vị thế và hoàn cảnh khác nhau. Mỗi một lăng mộ là một công trình văn hóa, có những nét chung về bố cục nhưng khác nhau về quy mô, hoa văn trang trí và các tiểu tiết nhưng vẫn thể hiện được chiều sâu của yếu tố tâm linh, mang bản sắc văn hóa thời Lê sơ.

Không chỉ đẹp trong từng công trình được xây dựng, nét văn hóa của Khu di tích Lam Kinh còn được thể hiện trong sự hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh. Có thể thấy, trong không gian rừng núi, các điện miếu và lăng mộ được bố trí theo quan điểm Nho giáo và thuật phong thủy, có sự hài hòa giữa đồi núi, khe suối, cây xanh, tạo nên một môi trường đẹp và cân bằng giữa cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc.

Hơn nữa, giá trị văn hóa của Khu di tích Lam Kinh không chỉ được thể hiện qua các công trình kiến trúc đồ sộ, hoành tráng, lầu son gác tía của điện miếu mà còn được thể hiện ở các công trình nghệ thuật điêu khắc. Khu điện miếu, lăng tẩm Lam Kinh là công trình quan trọng của triều đình nên đã tập trung các nghệ nhân giỏi của cả nước. Các công trình điêu khắc ở đây là những tác phẩm nghệ thuật của những nghệ nhân có bàn tay vàng. Nghệ thuật điêu khắc ở các công trình tại Lam Kinh được thể hiện chủ yếu ở hai loại hình: điêu khắc gỗ và điêu khắc đá. Đến nay, các công trình nghệ thuật điêu khắc gỗ ở Lam Kinh không còn, nhưng các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá vẫn vượt qua sự phá hoại của thời gian, “trơ gan cùng tuế nguyệt” góp phần vào diện mạo của di sản Lam Kinh. Các tác phẩm điêu khắc đá ở Lam Kinh có nhiều loại: bia đá, thềm rồng, các khối tượng người, tượng thú, các mảng phù điêu trang trí. Các tác phẩm lớn như: bia và khối tượng rùa, có loại có kích thước nhỏ như tượng thú, có những chi tiết nhỏ bé, mềm mại, thể hiện sự tinh tế, khéo léo. Trong các tác phẩm đó, bia đá là loại tác phẩm điêu khắc điển hình ở Lam Kinh. Bia ở đây thường có kích thước lớn và đặt trên các khối tượng rùa. Cả bia và khối tượng rùa đã tạo nên một công trình điêu khắc đồ sộ. Điển hình nhất là bia Vĩnh Lăng, khối bia sớm nhất ở khu Lam Kinh. Đây là một khối bia có giá trị về sử liệu và nghệ thuật điêu khắc, xứng đáng là một trong những khối bia tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc bia cổ ở Việt Nam. Ngoài ra, ở khu Lam Kinh có nhiều tượng rồng, từ những tượng khối tròn đến các mảng phù điêu rồng trên trán bia, diềm bia, các phù điêu trang trí đến khối tượng rồng ở trước thềm chính điện được các nhà nghiên cứu xem là tiêu biểu cho tượng rồng thời Lê sơ. Chính vì vậy, có thể xem Khu di tích Lam Kinh là “Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc đá thời Lê sơ”.

Đặc biệt, trong các sinh hoạt văn hóa, lễ hội được xem là đỉnh cao của văn hóa cộng đồng. Ở vùng đất Lam Sơn nói riêng và xứ Thanh nói chung, lễ hội Lam Kinh là lễ hội lớn, mang nhiều giá trị văn hóa nổi bật. Lễ hội Lam Kinh có nguồn gốc từ các nghi lễ của triều đình nhà Lê trong các kỳ vua Lê về Lam Sơn bái yết sơn lăng và tế tự ở điện miếu Lam Sơn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Năm 1455, Hoàng đế Lê Nhân Tông về Lam Sơn tế lễ, đặt tên cho các điện ở Lam Sơn. Nghi thức tế lễ gồm: tế tẩm miếu dùng bốn con trâu, đánh trống đồng, quân lính hò reo hưởng ứng. Về nhạc võ thì múa nhạc “Bình Ngô phá trận”. Văn thì múa nhạc “Chư hầu lai triều” (1).

Cùng với việc tổ chức tế lễ, tưởng niệm tiên đế của vương triều, các chi họ Lê ở Lam Sơn và những dòng họ được ban “Quốc tính”, dòng họ có người là “khai quốc công thần” cũng tổ chức tế lễ, tưởng niệm Lê Thái Tổ. Khi vương triều Hậu Lê sụp đổ, các chi họ Lê tổ chức giỗ Tổ ở Lam Kinh và lễ hội ở Lam Kinh do nhân dân tổ chức đã dần hình thành và phát triển. Điều đó cho thấy, từ lễ hội cung đình của vương triều, trải qua những biến thiên của thời cuộc, lễ hội Lam Sơn đã trở thành lễ hội văn hóa truyền thống trong hệ thống lễ hội tôn vinh anh hùng dân tộc ở Việt Nam. Chính hội Lam Sơn được tổ chức trong 3 ngày, từ 21 đến 23-8 âm lịch hằng năm. Tục ngữ của người Việt (Kinh) ở Thanh Hóa có câu: “Hăm mốt Lê Lai – Hăm hai Lê Lợi – Hăm ba giỗ Mụ hàng dầu”. Ngày 21-8 là ngày giỗ của Lê Lai (theo di huấn của Lê Thái Tổ), phần chính lễ được tổ chức tại đền Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, quê hương của Lê Lai, phía sau núi Dầu, cách trung tâm Lam Kinh hơn 2km. Ngày 22-8 là ngày giỗ Lê Lợi, chính lễ được tổ chức ở Lam Kinh. Ngày 23-8 là ngày giỗ của Mụ hàng dầu.

Theo truyền thuyết, Mụ hàng dầu là người ban đêm đã thắp ngọn đèn dầu trên núi Dầu (gần trại Như Áng của Lê Lợi) làm tín hiệu cho các nghĩa sĩ tìm về trại Như Áng tụ nghĩa. Trong khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, giặc Minh biết chuyện đã tìm giết Mụ hàng dầu. Địa danh núi Dầu được gắn với truyền thuyết này. Để tưởng niệm người dân vô danh đã góp chút “ánh sáng” cho nghĩa quân Lam Sơn trong buổi đầu tụ nghĩa nên sau khi làm giỗ Lê Lai, Lê Lợi, nhân dân đã làm giỗ Mụ hàng dầu. Lễ hội Lam Kinh bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ: nội dung chủ yếu là tụng xưng công đức, tôn vinh sự nghiệp của Lê Thái Tổ “Bình Ngô khai quốc, ca ngợi sự hy sinh cao cả của Trung túc Vương Lê Lai đã “liều mình cứu chúa”. Sau phần chủ tế là đến phần hành lễ của các chi họ Lê, các bản hội và nhân dân dâng hương. Phần hội là các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, tổ chức các trò chơi, trò diễn, trò thi dân gian. Tại khu vực đền Tép, thờ Trung Túc Vương Lê Lai, tổ chức nhiều trò chơi dân gian, hát múa truyền thống của dân tộc Mường. Tại khu trung tâm Lam Kinh có nhiều hình thức diễn xướng và hát múa dân gian, trong đó đặc sắc là việc trình diễn tái hiện lại khúc nhạc múa cung đình: “Bình Ngô phá trận”, “Chư hầu lai triều” đã được diễn trình dưới vương triều Lê Nhân Tông và hát đối đáp nam – nữ (2). Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã khôi phục trò diễn này, trở thành điểm hấp dẫn trong các kỳ lễ hội. Hằng năm, lễ hội Lam Kinh thu hút hàng chục nghìn người trên khắp các vùng, miền cả nước về tham gia, trở thành nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư.

Giá trị du lịch

Trong Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Khu du lịch Lam Kinh được đặt trong tuyến du lịch của thành phố Thanh Hóa – thành Nhà Hồ – Lam Kinh – suối cá Cẩm Lương. Đây là những điểm du lịch đặc biệt quan trọng của du lịch Thanh Hóa và cả nước. Do vị trí và tài nguyên du lịch phong phú, sản phẩm du lịch Lam Kinh được xác định là: Khu du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, sinh thái và nghỉ dưỡng của tỉnh. Ngoài tuyến du lịch chính trên, điểm du lịch Lam Kinh có thể kết nối với các điểm du lịch khác trên đất Thanh Hóa, tạo thành nhiều tuyến du lịch lữ hành hoặc từ điểm du lịch trung tâm Lam Sơn đến những di tích, danh thắng trong khu vực để hình thành thêm các tour du lịch khác.

Ở phía Đông Khu di tích Lam Kinh, theo bờ Bắc sông Chu, trong phạm vi 5-10km, du khách có thể ghé thăm đền thờ Hoàng đế Lê Hoàn. Đền Lê Hoàn ở ngôi làng hàng trăm năm tuổi, nơi đã sinh ra vị khai quốc của triều Tiền Lê hiển hách trong lịch sử dân tộc – Lê Đại Hành hoàng đế. Hiện nơi đây vẫn còn một ngôi đền thờ Vua nằm ở cuối làng được mệnh danh là một trong những ngôi đền cổ bậc nhất xứ Thanh và năm 1990 đền thờ Lê Hoàn được công nhận là Di tích cấp quốc gia; năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được tổ chức vào cuối mùa xuân là một trong những lễ hội văn hóa lớn trong vùng. Gần kề Khu di tích hoàng đế Lê Hoàn là Làng đỏ thuộc xã Xuân Minh, nơi in dấu của phong trào cách mạng tiền khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Phía Nam, theo con đường tỉnh lộ 47, trong bán kính 10km có thể thăm nhà máy đường Lam Sơn, đập nước Bái Thượng, thăm quê ngoại của Lê Thái Tổ dưới chân núi Chủ và những địa danh có liên quan đến quê hương, hành trạng của các “khai quốc công thần Lam Sơn” như: Lê Thận, Lê Văn An…

Phía Bắc, theo tỉnh lộ 47 trong bán kính 15km có thể đến các Mường gốc của huyện Ngọc Lặc, nghe những làn điệu đặc sắc của dân ca Mường, hát séc bùa, thưởng thức rượu nếp cẩm, rượu cần, tham dự lễ hội Pôồn Pôông với những cuộc múa hát thâu đêm dưới cây hoa vào mùa xuân khi hoa bông trang nở. Xa hơn có thể đến với danh thắng Cửa Hà trên sông Mã và suối cá Thần trên đất Cẩm Thủy.

Phía Tây, tour du lịch mở rộng đến các bản của dân tộc Thái. Tour du lịch này du khách có dịp nghe nhạc Khua luống, dự lễ hội Cá Sa, Sàng Khàn, thưởng thức cơm lam, uống rượu cần được sử dụng từ nước “Huổi láu” (suối rượu), tương truyền con suối là nơi chủ tướng Lê Lợi đã đổ rượu xuống suối và sau đó đã múc nước “suối rượu” cùng uống với quân sĩ nên có tên là “Suối rượu” (3). Theo tour này, hành trình sẽ đưa du khách đến với danh sơn Chí Linh cao ngất, nơi tướng quân Lê Lợi đã ba lần rút về đây để bảo toàn lực lượng. Cũng ở phía Tây, từ bến Mục Sơn, theo đường sông Lường (sông Chu), du khách có thể ghé thăm công trình thủy điện Cửa Đặt, lên ngọn nguồn sông Lường, thăm rừng quế để được thưởng thức hương vị đậm đà của “Quế Ngọc châu Thường” – đặc sản nổi tiếng của miền núi tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, các sản phẩm du lịch mang dấu ấn của vùng đất miền Tây xứ Thanh như: chè lam Phủ Quảng, bánh gai Tứ Trụ, cơm lam, rượu cần, thổ cẩm Thái, đồ mây tre đan Mường, quế… đang được khai thác tiếp cận phục vụ du khách trên các tour du lịch Lam Kinh. Với vị trí và tiềm năng trên, trong thời gian qua, Khu di tích Lam Kinh đã thu hút đông đảo số lượng khách tham quan.

Điểm du lịch Lam Kinh và sự kết nối với nhiều điểm du lịch trong vùng, trong địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các tuyến du lịch trong cả nước đã và đang đem lại cho ngân sách nhà nước những nguồn thu lớn, thúc đẩy hoạt động du lịch xứ Thanh và góp phần phát triển kinh tế, văn hóa tỉnh Thanh Hóa.

Kết luận

Trải qua thời gian, Khu di tích Lam Kinh đã khẳng định những giá trị trong dòng chảy của lịch sử và văn hóa dân tộc. Những dấu ấn lịch sử về dòng họ Lê từ khi mở đất đến khi Lê Lợi trở thành lãnh tụ của khởi nghĩa Lam Sơn cùng với những công trình điện miếu, lăng tẩm được xây dựng đã cho thấy tầm vóc và giá trị lịch sử của Khu di tích Lam Kinh trong hệ thống các di tích lịch sử của Việt Nam. Lễ hội Lam Kinh, công trình kiến trúc, văn hóa được tạo dựng ở Lam Kinh qua các thời đại là những tác phẩm có giá trị văn hóa nghệ thuật tiêu biểu. Những giá trị lịch sử, văn hóa của Khu di tích Lam Kinh trong một môi trường tự nhiên với cảnh quan trữ tình, những lễ hội đậm đà tính nhân văn, trong một vùng văn hóa dân gian đặc sắc đã làm cho Lam Kinh trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong hành trình du lịch xứ Thanh và các tour du lịch xuyên Việt.

Di sản văn hóa còn được lưu giữ ở Lam Kinh cho thấy ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chiều sâu tư tưởng về lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, tự hào về truyền thống lịch sử – văn hóa của ông cha. Nhận thức tầm quan trọng của di tích, trong những năm qua, Ban Quản lý di tích Lam Kinh đã triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý trên nhiều phương diện như trùng tu, tôn tạo, phục hồi; quảng bá giá trị di tích; bảo vệ cảnh quan và vệ sinh môi trường… Tuy nhiên, để phát huy giá trị di tích một cách lâu dài và bền vững, Ban Quản lý di tích Lam Kinh cần xây dựng nhiều chiến lược cụ thể để khai thác, sử dụng và phát huy một cách hợp lý giá trị di tích thông qua các tour du lịch của xứ Thanh, để Khu di tích Lam Kinh thực sự có sức sống trong đời sống cộng đồng, không chỉ mang lại giá trị tinh thần cho người dân mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Thanh Hóa nói chung, khu vực miền Tây tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

______________

1. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.381-382.

2. Trần Thị Liên, Lê Lợi, anh hùng dân tộc, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1972.

3. Ty Văn hóa thông tin Thanh Hóa, Truyền thuyết và cổ tích Lam Sơn, 1973.

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Ngọc Khánh, Lê Lợi – con người và sự nghiệp, Nxb Thanh Hóa, 2008.

2. Sở VHTDL Thanh Hóa, Lý lịch di tích lịch sử – văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa, Thanh Hóa, 2013.

3. Lê Văn Tạo, Di sản văn hóa, nguồn lực đặc biệt cho phát triển du lịch Thanh Hóa, Nxb Thế giới, 2011.

Ths NGUYỄN THANH NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *