Giá trị nhân văn quân sự việt nam trong xây dựng nhân cách thanh niên quân đội


Giá trị nhân văn quân sự Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong xây dựng nhân cách thanh niên quân đội. Bởi vì những giá trị này tạo nên đặc trưng cơ bản, nét độc đáo, sắc thái riêng của người thanh niên trong môi trường quân sự. Giá trị đó tồn tại khách quan, dưới dạng tiềm năng. Nó chỉ có ý nghĩa và tác dụng với sự xây dựng nhân cách thanh niên quân đội khi các chủ thể sử dụng những biện pháp phù hợp để kế thừa.

Giá trị nhân văn quân sự Việt Nam đã được tích tụ và thử thách qua nhiều cuộc chiến tranh giải phóng, trở nên bền vững. Trong lịch sử không có thời đại nào, thế hệ nào không dùng sức mạnh của tinh thần nhân văn trong đánh giặc và bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Có thể khái quát những giá trị nhân văn quân sự Việt Nam cơ bản là: trọng tự vệ, chính nghĩa; quý trọng con người; mưu phạt tâm công, đánh vào lòng người; trọng hòa mục, giữ hòa hiếu.

Kế thừa là một hiện tượng khách quan, tất yếu của mọi sự vật, hiện tượng. Song kế thừa không phải là bê nguyên xi cái cũ vào cái mới mà là cái mới ra đời trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc một số yếu tố của cái cũ. Giữa kế thừa và xây dựng có mối quan hệ biện chứng, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Kế thừa là sự bảo tồn những đặc điểm, đặc tính của một sự vật, hiện tượng cũ trong sự vật, hiện tượng mới. Xây dựng không chỉ là sự bảo tồn mà còn là sự mở rộng, bổ sung hoặc hoàn thiện và nâng cao về chất những đặc điểm, đặc tính vốn có trong sự vật, hiện tượng. Như vậy, để xây dựng bao giờ cũng cần có sự kế thừa, tức là bảo tồn, giữ lại những đặc điểm, đặc tính của đối tượng để trên cơ sở đó mở rộng, nâng cao trình độ, còn xây dựng chính là sự kế thừa tốt nhất, tích cực nhất (1). Trong xây dựng nhân cách thanh niên quân đội cũng diễn ra sự kế thừa những giá trị của xã hội nói chung và giá trị nhân văn quân sự nói riêng. Đó là quá trình các chủ thể lọc bỏ, vượt gộp và chuyển hóa giá trị nhân văn quân sự Việt Nam thành nhân tố nội tại của quá trình xây dựng nhân cách thanh niên quân đội, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu về mô hình nhân cách thanh niên quân đội ở mỗi giai đoạn lịch sử nhất định.

Giá trị nhân văn quân sự Việt Nam tồn tại dưới dạng tiềm năng. Trong quan hệ với mục đích, quá trình của chủ thể khác nhau thì giá trị ấy có tiềm năng khác nhau. Nhưng dù quan hệ nào, gắn với quá trình nào thì vẫn qua các khâu, giai đoạn có tính nguyên tắc, quy luật nhất định. Xét ở tính kế thừa trong xây dựng nhân cách thanh niên quân đội thì được cụ thể vào một không gian, thời gian, lộ trình có tính đặc thù. Quá trình kế thừa này chịu sự chi phối có tính đặc thù của xây dựng nhân cách thanh niên quân đội. Xây dựng nhân cách thanh niên quân đội là mục tiêu, quy định tất cả các vấn đề của sự kế thừa từ nội dung, cách thức tiến trình đến hoàn thiện quá trình. Điều đó cho thấy sự kế thừa giá trị nhân văn quân sự trong xây dựng nhân cách thanh niên quân đội khác với thanh niên nói chung. Cụ thể hóa những gì có ý nghĩa cho đặc trưng mô hình nhân cách thanh niên quân đội thì được tiếp cận, khai thác có tính cơ bản, còn những giá trị khác sẽ lùi sau cái cơ bản đó.

Khâu đầu tiên của kế thừa giá trị nhân văn quân sự Việt Nam trong xây dựng nhân cách thanh niên quân đội là sự lọc bỏ, vượt gộp giá trị nhân văn quân sự làm tiền đề cho cả quá trình. Hay nói cách khác đây là quá trình khai thác giá trị nhân văn quân sự Việt Nam. Ở khâu này phải qua các chủ thể, nhất là các chủ thể cơ bản (các chủ thể giữ vai trò giáo dục, quản lý). Nếu không có vai trò của chủ thể thì không có kế thừa. Kế thừa có tính tích cực, tự giác, không phải kế thừa tự phát như quy luật chung đã chỉ ra. Khai thác kế thừa qua nhiều kênh, nhiều phương thức khác nhau có tính tổng hợp. Khai thác giá trị nhân văn quân sự là quá trình từ thấp đến cao theo quy luật nhận thức. Nguồn khai thác giá trị nhân văn quân sự là vô tận bởi tính đặc thù của nó. Càng khai thác những giá trị này càng lớn hơn, không giống như khai thác ở lĩnh vực vật chất. Giá trị nhân văn quân sự được khai thác và luận giải vào chương trình, nội dung giáo dục, huấn luyện ở tất cả các môn học. Mỗi môn học truyền tải nội dung giá trị nhân văn quân sự có sự khác nhau, cả cấp độ, phạm vi. Khai thác là liên tục không có giới hạn cuối cùng. Tính liên tục của khai thác cũng bao hàm những khía cạnh khác nhau của quá trình giải quyết mâu thuẫn biện chứng và đặc biệt hơn là tính phủ định biện chứng: mâu thuẫn giữa cái tồn tại trong quá khứ với cái phải sống lại trong hiện tại; Mâu thuẫn giữa cái tồn tại dạng tiềm năng với cái tồn tại hiện thực.

 Xét theo ý nghĩa của quá trình truyền dạy, tiếp thu tri thức, giá trị của thanh niên quân đội là quá trình khám phá lại những tri thức, giá trị của nhân loại và dân tộc. Quy luật kế thừa và vượt gộp văn hóa chỉ rõ: Kế thừa văn hóa bảo đảm sự di truyền văn hóa nối liền từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Còn vượt gộp văn hóa chi phối tổng thể sự kế thừa và sự sáng tạo giá trị văn hóa mới, hình thành nên bước nhảy vọt về chất của mỗi nền văn hóa trong những điều kiện lịch sử nhất định (2). Nhân cách thanh niên quân đội chỉ có thể xây dựng vững chắc khi kế thừa được kho tàng vô tận của lịch sử văn hóa, đây là sự kế thừa luôn bao hàm ý nghĩa của những bước hoàn thiện vượt lên phía trước. Do đó, sự kế thừa phải trên cơ sở chọn lọc giá trị nhân văn quân sự để chắt lọc và tạo nên sức bật, bước nhảy vọt của nhân cách thanh niên quân đội ở giai đoạn hiện nay. Kế thừa và vượt gộp còn bảo đảm loại bỏ những yếu tố không còn phù hợp trong xây dựng nhân cách thanh niên quân đội, đặt giá trị nhân văn quân sự vào đúng vai trò của nó trong quá trình giáo dục, huấn luyện.

Sự kế thừa giá trị nhân văn quân sự Việt Nam trong xây dựng nhân cách thanh niên quân đội chỉ có thể đảm bảo tính hiệu quả, bền vững khi các chủ thể có những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo quá trình này. Theo đó cần quán triệt; quan điểm lịch sử, biện chứng khi kế thừa giá trị nhân văn quân sự. Giá trị nhân văn quân sự được hình thành và đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đất nước. Cùng một giá trị nhưng trong các hoàn cảnh, điều kiện khác nhau có sự biểu hiện và yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn cũng là yêu nước, trong chiến tranh biểu hiện cao nhất của nó phải là hy sinh tất cả để giành độc lập, tự do cho dân tộc, trong thời bình ngày nay, yêu nước phải thể hiện ở khát vọng phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, kế thừa giá trị nhân văn quân sự không phải là cách làm bài tân, thủ cựu, bê nguyên cái cổ truyền, hay phục cổ giá trị truyền thống, mà kế thừa phải hướng tới sự đổi mới, chọn lọc, kết hợp với đào thải một cách hợp quy luật để giá trị nhân văn quân sự phục vụ đắc lực cho xây dựng nhân cách thanh niên quân đội; coi trọng kế thừa cả giá trị nhân văn quân sự truyền thống và hiện đại. Trong lịch sử Việt Nam và thế giới đã có những tư tưởng cực đoan tuyệt đối giá trị truyền thống hoặc hiện đại trong xây dựng. Thực tiễn đã chứng minh các cách làm như vậy đều không đem lại hiệu quả. Vấn đề này cần quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt, thì phải xây dựng thêm. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”. Do đó, kế thừa giá trị nhân văn quân sự Việt Nam phải coi trọng cả yếu tố truyền thống và hiện đại. Có như vậy mới bảo đảm tính liên tục của sự xây dựng trong nhân cách thanh niên quân đội; lựa chọn giá trị nhân văn quân sự phù hợp với đặc thù thanh niên quân đội. Giá trị nhân văn quân sự là tài sản chung của nhân dân ta, quân đội ta được kế thừa ở nhiều đối tượng và phạm vi khác nhau. Song ở mỗi đối tượng cụ thể cần tính tới đặc thù của sự kế thừa. Trong xây dựng nhân cách thanh niên quân đội tính đặc thù này do mục tiêu, yêu cầu về mô hình nhân cách quy định. Phẩm chất, năng lực của họ có những yêu cầu riêng, cần dung nạp giá trị nhân văn quân sự phù hợp với yêu cầu về chức trách, nhiệm vụ họ đảm nhiệm.

Nhân tố quyết định của quá trình kế thừa là chuyển hóa những giá trị nhân văn quân sự Việt Nam đã được lọc bỏ, vượt gộp thành nhân tố nội tại trong xây dựng nhân cách thanh niên quân đội. Kế thừa thể hiện tinh thần chuyển hóa từ cái khách quan vào cái chủ quan của thanh niên quân đội. Trước hết là vào nhận thức, chuyển hóa thành thái độ, niềm tin, ý chí, quyết tâm thành hành vi ứng xử đối với giá trị nhân văn quân sự. Ba bước này như một chu trình khép kín với sự tương tác biện chứng với nhau, làm tiền đề cho nhau. Các chủ thể bằng các biện pháp khác nhau dung nạp giá trị nhân văn quân sự vào làm giàu nhận thức của thanh niên quân đội. Sự giàu có này là tiền đề cho xây dựng nhân cách, tức là tạo cơ sở cho các yếu tố tiếp theo thuộc nhân cách thanh niên quân đội. Bước tiếp theo là chuyển hóa thành thái độ, động cơ, ý chí, quyết tâm, niềm tự hào dân tộc. Ở bước này vai trò của thanh niên quân đội có vị trí quyết định. Nếu những tác động của các chủ thể dung nạp tri thức mà không được tiếp nhận hoặc tiếp nhận mà không được chuyển hóa thì đã chặn quá trình kế thừa giá trị nhân văn quân sự trong xây dựng nhân cách. Ở đó thanh niên quân đội phải vượt qua khó khăn, cản trở để từ nhận thức chuyển thành phẩm chất nhân cách. Khi đã trở thành nội dung của phẩm chất nhân cách tức là đã có chất liệu định hình nhân cách. Tính chủ thể, sắc thái nhân cách là dấu hiệu của thái độ, động cơ, ý chí, niềm tin có tính chủ thể đối với giá trị nhân văn quân sự. Ở đó thanh niên quân đội không còn là chủ thể thụ động trong quan hệ với giá trị nhân văn quân sự mà đã vượt lên trở thành tính chủ thể tỏ rõ yêu thích, mến mộ, theo hay không theo giá trị được dung nạp. Tiếp bước định hình đặc trưng phẩm chất nhân cách là bước chủ thể thanh niên quân đội tự chuyển hóa sức mạnh tinh thần từ niềm tự hào, ý chí quyết tâm, động cơ vào thực tiễn học tập, rèn luyện. Quá trình học tập, rèn luyện phải đối mặt với những lực cản, khó khăn. Ở đó giá trị nhân văn quân sự là động lực quan trọng. Khi thanh niên quân đội đã định hình được đặc trưng nhân cách với dấu ấn giá trị nhân văn quân sự thì có đủ khả năng rèn luyện hành vi ứng xử phù hợp với chuẩn mực nhân cách bộ đội cụ Hồ. Chất lượng, hiệu quả rèn luyện từ thực tiễn sẽ tạo nên mô hình nhân cách có tính bền vững, điển hình của thanh niên quân đội có những đặc trưng của giá trị nhân văn quân sự. Từ đó sẽ lan tỏa giá trị có dấu ấn của giá trị nhân văn quân sự trong hoạt động. Khi đạt đến sự lan tỏa giá trị phù hợp với giá trị nhân văn quân sự từ hoạt động, hành vi của thanh niên quân đội thì hình thành một chu kỳ mới của sự thẩm thấu giá trị nhân văn quân sự trong xây dựng nhân cách thanh niên quân đội. Biểu hiện của kế thừa giá trị nhân văn quân sự Việt Nam trong xây dựng nhân cách thanh niên quân đội là mỗi suy nghĩ, mỗi hành vi ứng xử của họ thể hiện được dấu ấn của một chủ thể yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, thể hiện chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn. Chất lượng, hiệu quả của sự kế thừa là ở sự trưởng thành của nhân cách thanh niên quân đội với đặc trưng ổn định, bền vững không thể thay đổi trong thói quen, hành vi, trong lối sống, lẽ sống, đạo đức. Họ trở thành tấm gương sáng, sống có tình, có nghĩa. Họ không hổ thẹn với lịch sử, xứng đáng với những gì lịch sử giao cho trong hiện tại và tương lai.

Kế thừa giá trị nhân văn quân sự trong xây dựng nhân cách thanh niên quân đội mang tính lịch sử rõ nét. Trước hết, tính lịch sử của quá trình này thể hiện ở chỗ nó bị chế ước bởi các điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi đơn vị, của các chủ thể và của đối tượng thanh niên quân đội. Những nhân tố này trong mỗi giai đoạn luôn có sự vận động, biến đổi. Chính vì vậy, trong quá trình kế thừa, các chủ thể cần phải tính đến điều kiện lịch sử cụ thể để đặt ra mục tiêu, yêu cầu phù hợp. Điều đó đặt ra yêu cầu trong mỗi giai đoạn các chủ thể phải đổi mới nội dung, hình thức để hiện thực hóa sự kế thừa.

_______________

1. Phạm Văn Đức, Vấn đề kế thừa và phát triển trong lịch sử triết học, Tạp chí Triết học, số 3, 1991, tr.36.

2. Tổng cục Chính trị, Giáo trình văn hóa học, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.63.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : TRỊNH KHẮC MỪNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *