Khái niệm văn hóa đã trải qua một hành trình hình thành, phát triển lâu dài, được giới nghiên cứu tiếp nhận theo nhiều góc nhìn, cách hiểu khác nhau. Trong mỗi một thời điểm lịch sử, khái niệm văn hóa lại có những nét khác biệt, bản thân chúng không thể bao quát đầy đủ nội hàm rộng lớn của văn hóa mà chỉ có thể tóm lược khía cạnh nào đó của văn hóa. Nghiên cứu một tác phẩm văn học dưới hệ soi chiếu của văn hóa cũng vậy, mỗi người sẽ lựa chọn cho mình một góc tiếp cận để tìm ra những giá trị văn hóa riêng biệt.
1. Không gian văn hóa – nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa dân tộc
Không gian văn hóa làng quê
Sáng tác của Nguyễn Ngọc Thuần được xây dựng trên khung nền của những làng quê nghèo bình dị, mang đậm hơi thở văn hóa Việt. Làng quê với những cánh đồng lúa đương thì con gái “trải dài như một vệt xanh trôi đi” (1). Trên những cánh đồng nắng gió là hình ảnh người nông dân cần mẫn gồng gánh nắng mưa, “những cái dáng cong cong giống lưng mẹ” (2). Rồi đến mùa lúa chín, “màu vàng trải rộng mênh mông” mang lại ấm no cho con người. Khi mùa gặt qua đi, “lũ chim kéo về đông lắm… chúng lượm lặt những hạt thóc vương vãi” (3). Thiên nhiên, đất trời, con người quyện đặc, sóng sánh trong bức tranh quê bình dị, nơi đồng ruộng nhuốm vị bùn đất, mồ hôi, nỗi nhớ.
Làng quê còn chứa đựng một bức tranh rực rỡ từ những mảnh vườn hoa đậm sắc hương, được vun trồng khéo léo, “khu vườn của những mùi hoa quen thuộc, thơm nhè nhẹ trong không trung” (4). Hay vẻ đẹp hoang dã của loài hoa lạ, tự vươn mình trong nắng mới, tự trải qua những ngày mưa, “cuối mùa mưa, cây hoa đó nảy ra nhiều nhánh và hạt của nó đã mọc ra nhiều cây con” (5). Không gian làng quê còn hiện hình với vườn tược cây trái xum xuê, “một vườn ổi xanh bạt ngàn mênh mông như mê cung, những trái ổi lủng liểng đầy trên đầu” (6)…
Bên cạnh không gian vật thể, Nguyễn Ngọc Thuần đã phục nguyên không gian văn hóa làng quê ngày Tết với nhiều tập tục truyền thống xa xưa như: tục hỏi thăm vườn trầu “hái lá làm lộc tết”, nuôi heo thịt để cúng tiên tổ, cũng là “hả họng ba ngày Tết”, tục ăn cơm bằng chén cổ, đốt vàng mã kêu người âm thụ hưởng… Nhưng trong ngàn vạn những nghi lễ ấy, tục cúng tất niên, lễ đóng giếng được làm cẩn trọng nhất. Cúng tất niên cần phải thực hiện trước khi giao thừa (7). Còn “lễ đóng giếng” để rửa sạch những bụi bẩn của năm đã qua, mọi thành viên trong gia đình phải “tắm trước tết”. Một khi đã “đóng cửa giếng” mà bất cứ ai còn “mon men” ra lấy nước thì “đứa nào xách nước, mẹ chặt tay” (8).
Với người nông dân, ruộng đồng chính là cội nguồn nuôi dưỡng cả vật chất lẫn tinh thần, là niềm yêu thương, gắn bó máu thịt: “Bố vui khi nhìn thấy cánh đồng. Một ngày không ra đồng, bố buồn quay quắt” (9). Và hơn cả, không gian làng quê hiện lên “đẹp như trái tim người mẹ”(10) với hoa thơm, trái ngọt để nuôi nấng những đứa con thân yêu.
Không gian văn hóa miền biển
Đối lập với không gian làng quê thanh bình, yên ả, đầm ấm là không gian miền biển gắn với đói nghèo, chết chóc, sự kiên cường của con người. Không gian miền biển hiện lên với những hình ảnh của cát trắng bao phủ một khoảng mênh mông đất trời, triền miên ngày tháng, chảy ào ạt như mãnh lực thú hoang. Khủng khiếp nhất là những cơn bão cát, như rồng đi, nhanh, hung tợn: “Đêm, cát dưới chân nhà lướt đi như sóng dậy, như tung hoành trong cõi không… Rồng không đi trên trời, rồng đi dưới chân”, chỉ sau có một đêm thôi, “cát gần như lấp ngôi nhà ông Bảy dưới chân đồi” (11). Không gian ngập tràn cát, cát len lỏi khắp nơi, bát cơm ăn vội cũng lẫn cát, con người sạm đen vì nắng gió, làn da như nhuốm vị mặn mòi của nước biển, mồ hôi.
Không gian miền biển là nơi thử thách tài năng, ý chí cũng như sức sống bất diệt của con người. Cát biển không phủ lấp được dấu chân họ, không cuốn đi những hoạt động ngày thường: “Bọn trẻ… cười khúc khích, vừa chụm lưng nhau vừa viết, chúng viết tên của bố, của mẹ và của con bằng những con chữ “đẹp nhất” với niềm tự hào kiêu hãnh” (12). Và khi cơn lũ qua, hình ảnh cậu bé Toàn sống sót sau những ngày kinh hoàng như một cơn gió kỳ diệu thổi bừng sức sống cho con người nơi đây “mặc mưa, gió, rét, đói, không quần áo, tinh thần suy sụp trầm trọng, nó vẫn sống” (13). Đó là nhựa sống nội sinh, là chiến thắng của con người trước thử thách của thiên nhiên. Không chỉ thế, dù có nghèo khổ thì mỗi con người nơi đây cũng mãi tôn thờ biển như những đứa con cần lao tôn thờ người mẹ của mình. Và những thế hệ tiếp nối vẫn kiên cường bám biển như một truyền thống cha ông truyền lại. Mùa lũ có buồn, có khổ, nhưng “thiếu mưa người ta lại thấy nhớ, thiếu lũ người ta không biết tình người lớn thế nào” (14). Biển có dữ dội nhưng nó là nguồn sống nuôi dưỡng cả vật chất, tinh thần con người, lũ có ác nghiệt nhưng là lời cảnh cáo sự xâm hại của loài người lên giới tự nhiên. Nếu không gian làng quê chứa cái sự nghèo nàn nhưng yên ấm, an vui, thì ở không gian miền biển, sự nghèo nàn lại gắn liền với nỗi lo thường trực của mất mát, hy sinh. Mùa bão cát phủ trắng xóa một vùng, mùa nước lũ nhấn chìm nhiều nơi trong biển nước nhưng những con người Nam Trung Bộ vẫn gồng mình lên để chống đỡ thiên tai, để ngày đêm bám đất, bám biển kiên cường.
2. Văn hóa gia đình – nền tảng nuôi dưỡng nhân cách
Quan hệ cha mẹ và con cái
Một gia đình được coi là có văn hóa truyền thống khi “con cái đối với cha mẹ luôn kính trọng, vâng lời, tu dưỡng đạo đức, làm nên sự nghiệp… Về phía cha mẹ, phải có trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi dưỡng, bao bọc, dạy bảo các con nên người” (15). Trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Nguyễn Ngọc Thuần nhắc nhủ người lớn phải hiểu biết và tôn trọng các em nhỏ cùng thế giới của chúng, bởi “trẻ thơ có một thế giới riêng, thường vượt ra ngoài những tưởng tượng của người lớn và chính trong thế giới ấy, bản lĩnh làm người của chúng đã hình thành” (16). Bố mẹ ân cần dạy con yêu những bài học làm người, bài học đạo đức truyền thống, luôn lắng nghe con tâm sự như một người bạn tri kỷ. Con cái tiếp nhận điều đó như những món quà cha mẹ ban tặng. Chúng gửi lại cha mẹ bằng truyền thống đạo hiếu, bằng trái tim yêu thương tha thiết. Mọi thứ sinh ra đều mang một giá trị lớn lao, mọi sự tồn tại đều đáng được yêu thương.
Tình cảm mẹ con trong sáng tác thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần rất thiêng liêng. Từng lời mẹ dạy như khắc sâu vào tâm trí con yêu. Cha mẹ dạy con: tình người cần phải được thử thách, hoạn nạn sẽ giúp hiểu lòng nhau và thương nhau hơn. Trong cuộc sống, giông tố xảy ra bất chợt không báo trước, điều quan trọng là con người “đối mặt thế nào” trước chúng. Truyện Một ngày kinh hoàng đề cập tới một thử thách lòng người. Khi lũ trẻ tự ý bỏ nhà để “tạo một cuộc thám hiểm chốn rừng sâu” và cuối cùng “thất bại thảm hại”. Chúng không tìm được lối ra, cơn mưa đã kéo theo những cơn sốt co giật, cái lạnh, cả những vết trầy xước da thịt… Cho đến khi những người bố, người mẹ tìm được chúng, họ không trách móc cũng chẳng la mắng nửa lời, họ chỉ tâm tình với con về tình yêu thương con người lúc hoạn nạn, về sức mạnh của tập thể không gì có thể phá tan.
Ngoài việc miêu tả những ông bố, bà mẹ với phương thức dạy dỗ tâm tình như người bạn về quà tặng yêu thương và nghị lực cuộc sống, Nguyễn Ngọc Thuần còn xây dựng họ như là người luôn khách quan nhìn nhận mọi việc, sẵn sàng ứng xử với con như một cá nhân trưởng thành về nhận thức, một con người có nhân cách thực thụ. Nhà văn đặc biệt quan tâm đến sự hình thành, phát triển tính cách nhân vật trong hành động, từ đó nhấn mạnh đến lối giáo dục con cái của các bậc phụ huynh để định hướng phương cách dạy dỗ đúng đắn nhất. Họ dạy con không ỷ lại ở kinh nghiệm tuổi tác mà họ dạy con khi đứng trên điểm nhìn của một đứa trẻ, nghĩa là các ông bố, bà mẹ nhập vai vào đứa con của mình, bằng những hiểu biết bản thân, lý giải mọi việc thật thấu đáo, vừa giữ được nét ngây thơ trong con, vừa định hướng cuộc sống đúng đắn. Cha mẹ là người bạn thân thiết của con cái, người không chỉ dạy dỗ, giáo dục mà còn học cùng con, chơi cùng con như những người bạn.
Quan hệ anh (chị) và em
Trong Một thiên nằm mộng, Nguyễn Ngọc Thuần đã phác thảo một hình ảnh như là sự hóa thân kỳ diệu của tình cảm anh em gắn bó keo sơn, không thể tách rời “lúc nào cũng ở bên mình, ăn chung với mình, ngủ cùng với mình” (17). Khi thằng Tí em bị “bệnh”, thằng Tí anh đăng gắng “ăn thật no” để thằng Tí em nhanh khỏi bệnh. Tình cảm thiêng liêng còn được Nguyễn Ngọc Thuần nhấn mạnh ở tính nhường nhịn, đức hy sinh của người anh dành cho người em. Nhà văn miêu tả cái cảnh hai thân thể gắn chùm vào nhau cò cưa vì thằng anh ngồi xuống mà không hỏi ý kiến thằng em. Cuộc giằng co diễn ra nhưng rồi thằng em ngồi được một chút thì buồn ngủ, ngủ luôn, ngủ ngon, nó ngáy hồn nhiên. Ngắm nhìn đứa em bé bỏng, thằng anh bỗng dưng thấy ân hận và nhận ra em trai nó thật đáng thương, nhận ra tình máu mủ gắn bó. Rồi nó cứ ngồi đó đến tận tối mịt chỉ để ngắm thằng em đang ngủ ngon lành và nó mong sao những giấc mơ đẹp hãy bay đến trong giấc ngủ dịu hiền của em nó.
Ở tiểu thuyết Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, đức hy sinh đã được phát triển đến đỉnh cao của tình cảm người chị dành cho các em. Không có mẹ, chẳng có cha, người chị cả chống chọi với sự khắc nghiệt của tạo hóa, chứng bệnh khùng của con bé ba tăng lên, con út trên chiếc xe lăn thì luôn lăm le những viên thuốc ngủ, chỉ chờ những “nỗi đau tiếp đến” là nó sẽ uống, sẽ nuốt sự chết vào trong người. Và người may mắn nhất cũng là kẻ đau khổ nhất, người chị cả không nhiễm bất cứ thứ bệnh gì nhưng lại là kẻ luôn phải gồng mình lên để nuôi dưỡng và yêu thương các em. Cho đến một ngày, người chị ấy không buồn được nữa vì nỗi buồn đã thành thói quen, không khóc được nữa vì bản năng phải mạnh mẽ đã che lấp. Người chị ấy đã hy sinh cho những đứa em và chưa bao giờ có một ngày cho riêng mình.
Nguyễn Ngọc Thuần đã để người đọc chiêm nghiệm về tình anh em ruột thịt chan hòa yêu thương, chung sống với nhau tình nghĩa, một thứ tình nghĩa cao thượng mà đôi khi trong cuộc sống quá ưa vật chất, người lớn vô tình lãng quên đi. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, vai trò, vị trí của văn học trong văn hóa đã được nhìn nhận sâu sắc hơn. Nó cần lên tiếng để lưu giữ những giá trị truyền thống trước sự phá hủy của luồng văn hóa ngoại lai. Điều ấy cũng cho chúng ta có cái nhìn thấu đáo hơn khi khám phá những sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần.
_____________
1, 2, 4, 10, 17. Nguyễn Ngọc Thuần, Một thiên nằm mộng, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2012, tr.118, 37, 89, 128, 23.
3, 13, 14. Nguyễn Ngọc Thuần, Giăng giăng tơ nhện, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2000, tr.89, 45, 80.
5, 6, 9. Nguyễn Ngọc Thuần, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2013, tr.151, 45, 103.
7, 8, 11, 12. Nguyễn Ngọc Thuần, Nhện ảo, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2005, tr.60, 59, 76, 78.
15. Nguyễn Văn Lê, Văn hóa ứng xử trong giáo dục gia đình, Nxb TP. HCM, 2001, tr.56.
16. Lã Thị Bắc Lý, Truyện viết cho thiếu nhi sau năm 1975, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2000, tr.90.
Tác giả: Trần Thị Thu Hà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn