Yên Bái là tỉnh cửa ngõ vùng núi Tây Bắc, nơi sinh sống của cộng đồng 31 dân tộc anh em với lịch sử phát triển lâu đời. Trong các dân tộc sinh sống ở Yên Bái, người Dao có dân số khá đông, khoảng 62.000 người, chiếm 9,1% dân số toàn tỉnh. Địa bàn cư trú của người Dao chủ yếu ở rẻo giữa – vùng tiếp giáp giữa vùng thấp và vùng cao. Người Dao ở tỉnh Yên Bái có 4 nhóm chính là Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản), Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu), Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển (còn gọi là Dao Tuyển).
Người Dao ở Yên Bái vốn có nhiều phong tục, tập quán đẹp mang giá trị văn hóa cao, đó là các nghi lễ thờ cúng tổ tiên và các vị thần linh, như thờ cúng trong ngày tết, lễ cấp sắc, tết nhảy… Các nhóm Dao đều thờ cúng tổ tiên và thờ Bàn Vương. Thờ cúng tổ tiên là việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình. Bàn Vương được coi như thủy tổ của các dòng họ nên cũng được thờ cúng chung với tổ tiên. Trong nghi lễ thờ cúng của mình, người Dao ở Yên Bái luôn sử dụng rất nhiều tranh thờ và trong mỗi nghi lễ lại có những loại tranh riêng. Ngoài ra tranh thờ còn được dùng mỗi khi tết đến xuân về. Đây là nét văn hóa lâu đời, phản ánh sống động đời sống tâm linh và cuộc sống ấm êm no đủ của gia đình người Dao.
Mỗi gia đình Dao ở Yên Bái khi ra ở riêng đều phải có bộ tranh dùng thờ cúng trong gia đình, như là sự hiển hiện của các vị thần linh, che chở cho cuộc sống. Các gia đình đều lo cuộc sống, làm ăn riêng, nhưng họ đều có chung các vị thần linh che chở, tạo nên sự gắn kết cộng đồng bền chặt. Người Dao có tục treo tranh mới hoặc vẽ lại các bức tranh khi đã quá cũ, tùy vào điều kiện kiện kinh tế của gia đình, chủ nhà có thể sử dụng tranh thờ được lưu truyền từ ông cha, hoặc có thể nhờ thày mo, thày tào vẽ tranh mới. Vào dịp cuối năm, người chủ gia đình phải mang lễ đến nhà thày cúng để nhờ thày xem giúp tuổi của mình hợp với ngày nào trong tháng. Thày mo sẽ chọn ngày phù hợp với tuổi của gia chủ, sau khi cúng lễ thì tiến hành vẽ tranh, vẽ xong tranh phải chọn ngày tốt, làm lễ nhập thần cho tranh, sau đó gia đình mới được dùng trong thờ cúng, với ý nghĩa từ đây gia đình chủ nhà có các thần linh che chở và để cầu phúc cho gia đình mình.
Tranh thờ được coi là vật linh thiêng với các quy tắc bảo vệ rất chặt chẽ. Ngoài các bộ tranh cổ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, hiện nay việc vẽ tranh được một số rất ít các ông thày mo, thày tào thực hiện trong một không gian riêng, trong suốt thời gian vẽ tranh phải kiêng kỵ nghiêm ngặt, người vẽ không được làm điều ác, không chặt cây ngoài vườn, không giết mổ gia súc, gia cầm, không nặng lời với con cháu, nữ giới không được có mặt. Các vị thần linh trong tranh được vẽ hoàn chỉnh các chi tiết lớn, riêng đôi mắt không được hoàn thiện ngay, phải được xem ngày tốt, giờ tốt mới làm lễ cúng và hoàn thiện, gọi là mở mắt cho tranh. Tranh thờ được cuốn gọn treo cạnh bàn thờ, vào những dịp trọng đại trong năm như lễ cấp sắc, tết nhảy, rằm tháng bảy, năm mới, gia chủ phải mời thày tào về cúng và chỉ khi đủ các nghi lễ trọng thể mới được mở tranh ra treo trên các vách nhà bên cạnh bàn thờ để làm lễ. Cúng xong, lại phải làm lễ thu hồi âm binh thần tướng trở lại trong tranh, rồi cuộn lại cất đi.
Các bộ tranh thờ của người Dao thường có những nội dung, và cách thể hiện tương đối giống nhau nếu cùng một khu vực địa lý, ở những vùng khác nhau, tranh cũng có những sự khác biệt, do các thày mo, thày tào vẽ vào những thời kỳ khác nhau, hoặc tranh lưu truyền qua nhiều thế hệ, chịu ảnh hưởng của văn hóa và tập tục của mỗi địa phương. Tranh thờ của người Dao được tồn tại đến nay dưới những dạng thức: bộ tranh thờ cổ được lưu truyền qua nhiều đời từ cha ông để lại, xuất xứ có thể được vẽ bởi các họa công người Trung Quốc; có bộ tranh được lưu giữ do các nghệ nhân dân gian Hàng Trống, Đông Hồ được các cư dân miền núi về tận miền xuôi đặt vẽ; số bộ tranh thờ còn lại (tranh thờ mới) đều được thày mo, thày tào vẽ tại địa phương.
Nội dung và hình thức thể hiện các bức tranh theo từng dòng họ: dòng họ Lý trên bàn thờ treo đủ 3 bức tranh lớn và tranh nhỏ (quân lính); còn họ Triệu, họ Phùng và họ Bàn phải có đủ 18 bức tranh lớn, 4 tranh nhỏ và 1 tranh dài, kích thước của mỗi bức tranh lớn là 40cm x 100cm. Những vị thần linh được vẽ chung trên một bức tranh, hoặc vẽ riêng từng thần một.
Tranh được vẽ theo chiều dọc, tính từ phía dưới lên trên, thể hiện các hoạt động của con người và thần linh từ mặt đất đến bầu trời, từ núi sông đến biển cả, từ địa ngục tới tiên cảnh tùy theo trí tưởng tượng của người vẽ tranh. Nghĩa là trong cùng một khuôn tranh, người ta bắt gặp đủ các lớp không gian, thời gian, thực và ảo khác nhau. Bố cục tranh được sắp xếp đan xen giữa các vị thần và con người, ma quỷ trên cùng một mặt tranh, lối vẽ không theo luật viễn cận mà theo quan niệm về vai trò và chức trách của các vị thần, các thần chính được vẽ to, chiếm diện tích lớn, choán hết mặt tranh, thần phụ, con người, quân lính được vẽ nhỏ, đôi khi rất nhỏ, làm tăng sự tập trung và oai nghiêm của thần chính. Điều ấy khiến người xem tập trung ngay vào hình tượng chính trên bức vẽ. Không gian tranh rộng lớn như vô tận, khoảng cách giữa con người và thần linh trên cùng một mặt phẳng nhưng trở nên vô định, tạo sự phân định thứ bậc ngay trong tâm tưởng. Xét về mặt không gian, đây là một trong những điểm đáng chú ý về mặt tư tưởng, là một điểm nhấn trong sáng tạo của các họa công tranh thờ.
Màu sắc được sử dụng trong các bức tranh thiên về gam màu nóng, nâu, đỏ vàng là chủ đạo, tạo hòa sắc trầm ấm, độ tương phản của màu nhẹ, tạo chiều sâu cho các bức tranh. Màu sắc biểu hiện ở trên da và trang phục các nhân vật theo cách phản ánh trực diện tính cách. Các vị thần hiền hậu, mang lại điều tốt lành, được biểu hiện bằng màu da mịn màng, sáng trắng, trang phục nhiều sắc rực đỏ, cam, vàng. Ngược lại, các thần hung dữ lại được biểu hiện bằng cách dùng màu xám, lạnh, tạo tính cách nhân vật rõ nét, người xem dễ cảm nhận và phân định. Các nét vẽ được sử dụng màu đen, chắc khỏe, làm cho tương quan bức vẽ thêm chiều sâu, ở không gian điều kiện chiếu sáng là đèn, nến, các bức tranh trở nên sâu thẳm huyền bí.
Hệ thống nét được vẽ hoàn toàn trực tiếp, bộc lộ rõ khả năng thuần thục và rất hoạt của các họa công, nét vẽ mềm mại, thoáng, liền mạch tạo cho các nhân vật thần linh sự ung dung tự tại, ngay thẳng. Ở các nhân vật con người có diện tích nhỏ, nét vẽ ngắn, thô hơn, biểu hiện cái bình dị mộc mạc.
Trong mỗi bộ tranh, các bức tranh được xắp sếp theo một thứ tự và nguyên tắc nhất định, các thần chính được xếp ở vị trí trung tâm, các thần có vị thế thấp hơn được xếp ở hai bên và đều hướng góc nhìn vào thần chính, tùy theo vị trí, vai trò thứ bậc của từng vị thần mà tranh được xếp cạnh nhau theo đúng trật tự, biểu hiện rành mạch về tính tổ chức, phép tắc, trên dưới. Mỗi bức tranh gắn với một nội dung cụ thể với ý nghĩa răn đe, giáo hóa con người.
Qua các bức tranh, có thể thấy được những giá trị lịch sử văn hóa, tộc người, bản sắc văn hóa truyền thống của các nhóm người Dao bản địa. Nội dung trong các bộ tranh thờ chứa đựng nhiều vấn đề tâm linh, ý nghĩa xã hội sâu sắc và những ước vọng của con người, với những giá trị văn hóa nổi bật là đạo giáo, ma thuật ẩn sâu trong tiềm thức nhân gian, phản ánh được quá trình sáng tạo lưu truyền và gìn giữ những nét đẹp văn hóa của người Dao đã có từ xa xưa.
Trong quá trình đổi mới, hội nhập, giao lưu và phát triển hiện nay, đời sống người Dao ở Yên Bái đã có nhiều thay đổi, tuy vậy họ vẫn còn lưu giữ được những nét đẹp truyền thống, những nghi lễ của dân tộc mình như lễ cấp sắc, tết nhảy, cầu an, tang ma… Trong các buổi lễ cúng của người Dao ở Yên Bái hiện nay không thể thiếu các bức tranh thờ, văn hóa truyền thống vẫn tiếp tục theo dòng chảy của cuộc sống hiện tại, nhu cầu vẽ tranh vẫn song cùng với nó. Hiện nay số người vẽ tranh thờ còn rất ít. Tại xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái chỉ còn cụ Lý Hữu Vượng nay đã ở tuổi ngoài 70, cụ bắt đầu vẽ tranh thờ cho bà con trong khu vực từ 1995, là một thày mo, thày Tào cao tuổi cụ vẫn miệt mài vẽ những bộ tranh với sự cẩn trọng, tỷ mỷ, và sự thấu hiểu về giá trị văn hóa nghệ thuật huyền bí ẩn sau mỗi bức tranh. Hiện tại ở địa phương và cả khu vực lân cận chưa có ai có khả năng làm được việc này, như vậy các bức tranh thờ được tiếp tục kết nối giữa quá khứ, hiện tại và mai sau là một điều còn bỏ ngỏ.
Tranh thờ của người Dao ở Yên Bái mang trong nó những nguyên tắc tạo hình độc đáo, một vũ trụ quan trong tâm linh người xưa được thể hiện qua ngôn ngữ tạo hình. Theo năm tháng, sự đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người sinh sống ở địa phương đã nuôi dưỡng và hình thành nên một dòng tranh thờ của người Dao ở Yên Bái mang đậm bản sắc của một vùng miền mà chưa được khai thác nghiên cứu từ góc nhìn của nghệ thuật tạo hình.
Với người Dao, tranh thờ chiếm một vị trí quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng, đặc biệt trong mỗi dịp tế, lễ. Đến nay, số nghệ nhân vẽ tranh thờ trong cộng đồng người Dao ngày càng hiếm dần.
Nội dung của tranh thờ thể hiện quan niệm của con người thưở sơ khai về vũ trụ và triết lý về mối quan hệ giữa cuộc sống của con người với vạn vật trong vũ trụ theo tục thờ Đạo giáo. Trong đó, thần tiên chính là thế lực vô cùng quan trọng bảo trợ cho cuộc sống của con người và 3 vị thần cai quản ở 3 nơi là Ngọc thanh (thần cai quản trên trời), Thượng thanh (thần cai quản trần gian); Thái thanh (thần cai quản âm phủ) còn được gọi là Tam thanh, là 3 vị có quyền lực tối thượng.
Trong 3 vị thần linh này thì Ngọc thanh có vị trí cao hơn cả và 3 vị này có khi được vẽ độc lập trong từng bức tranh nhưng cũng có khi được vẽ chung với nhau hoặc hòa cùng với hàng loạt các vị thần linh khác như bức Tổng tinh đàn. Nhưng tựu chung lại thì Tam thanh luôn giữ vị trung tâm trong các bộ tranh thờ của người Dao.
Tranh thờ của người Dao không cần phải thể hiện phối cảnh không gian sâu rộng mà nó được vẽ theo kiểu tranh dân gian như tranh Hàng Trống nên nét vẽ thường tả thực và màu sắc xanh, đỏ, tím vàng, đen, trắng được cụ thể trong từng họa tiết. Tranh vẽ chân thực theo chủ đề nên chỉ cần giới thiệu một lần là có thể nhớ được ngay. Điều đó đã tạo được sức lan tỏa trong giáo dục con người nâng cao nhận thức về thế giới quan về vũ trụ và mối quan hệ chặt chẽ giữa vạn vật hữu linh. Nó cũng mang lại niềm tin cho con người vào thế giới tự nhiên để hướng tới giá trị cốt cách hướng thiện của con người.
Chất liệu tranh thờ rất đa dạng: giấy dó, giấy xuyến chỉ của Trung Quốc, giấy thủ công làm từ lá dâu tằm… Hầu hết các bức tranh đều có màu sắc tự nhiên, do màu vẽ được chắt lọc từ thiên nhiên: màu đỏ của sỏi son, màu vàng từ hoa hòe, gỗ vang, màu đen của than tre và màu xanh từ lá cây…
Tranh thờ mang sắc thái và giá trị thẩm mỹ đặc trưng của từng dân tộc, với nội dung phong phú và tính dân gian nổi trội. Dễ dàng nhận ra trong tranh các tín ngưỡng, tư duy và hành xử trong cuộc sống của đồng bào dân tộc. Tranh thờ có bố cục hẹp, nhiều màu sắc, rất sáng tạo và hết sức gần gũi với cuộc sống đời thường.
Trong tranh thờ, không có giới hạn về không gian, thời gian, mà thực chen với ảo, con người xuất hiện bên cạnh thần linh, ma quỷ. Giới chuyên môn cho rằng, đây chính là thành công trong tư duy sáng tác của các họa công tranh thờ.
Khi xem bộ tranh bày ra theo thứ tự của nghi lễ cúng thì thấy ngay được vũ trụ quan của tín ngưỡng này. Trong đó, thế giới thần linh được sắp xếp theo một trật tự cơ cấu quyền lực thống nhất, có trên có dưới, có trách nhiệm cai quản vùng miền với sự chấp pháp nghiêm minh. Mỗi một hình thức cúng bái thì bày tranh nào, ở đâu. Các thần linh cai quản nhân gian rất chặt chẽ và các hình phạt với các tội danh con người gây ra rất dữ dội. Với 10 cửa điện dưới âm phủ, chất bạo lực của hình phạt thể hiện tính răn đe cao với thế giới con người.
Nếu ở đồng bằng, bài học luân lý về đạo làm người thể hiện rất rõ ở chùa chiền thông qua tích Phật, mặt động (một hình thức của Thập điện Diêm vương) và các chư phật, thì ở miền núi, những buổi cúng lễ, người trong bản từ trẻ đến già tới rất đông, không tham gia gì vào việc hành lễ mà chỉ là để xem và nghe hát. Vô tình nó lại là lớp học đại cương đầu tiên về giáo lý của cư dân miền núi khi chưa có nền giáo dục học đường.
Chẳng hạn, bức vẽ Tổng tinh đàn mô tả tổng thể các vị thần linh được người Dao tôn thờ, trong đó các vị Tam thanh được đặt ở vị trí trên cùng. Bức vẽ Thập điện Diêm vương nói về 10 cửa điện của Diêm vương, chỉ có cửa thứ 10 là cửa luân hồi, còn lại 9 cửa khác là cửa Diêm vương xử người chết về âm phủ khi sống phạm các tội lỗi tùy theo mức độ nặng nhẹ. Bức vẽ Tứ đại nguyên súy vẽ 4 vị thần rất uy phong trong vũ trụ, đó là thần mưa, thần gió, thần sấm, thần chớp. Bức tranh vua bếp mô tả sự đông đúc vui vầy của con người đang bày biện những mâm cỗ bàn nhờ sự phù hộ của thần bếp…
Màu sắc của mỗi bức vẽ cũng tùy thuộc vào chủ đề hay nhân vật mà đưa ra những gam màu có đặc thù tương ứng như bức Tam thanh thì gam màu chủ đạo cũng như trang phục của Ngọc thanh là màu xanh da trời, xanh lá cây, trắng; tranh vẽ Thượng thanh thì chủ đạo là màu xanh lá cây, xanh da trời, nâu sẫm và Thái thanh thì chủ yếu là màu đỏ, đen, vàng, nâu. Điểm chung nữa trong các bức tranh vẽ thần linh là các họa công đã rất nỗ lực để tạo nên vẻ mặt khác nhau của mỗi vị thần linh nhưng đều thể hiện được nét uy vũ trên nền hào quang.
Hiện nay có người vẫn lưu giữ được những bộ tranh cúng của người Dao có niên đại tới vài trăm năm và có giả thuyết cho rằng nó đồng thời với quá trình các nhóm người Dao thiên di về phương Nam. Tuy nhiên, phổ biến nhất là những bộ tranh có niên đại từ vài chục năm đến ngót trăm năm.
Tranh thờ của người Dao rất coi trọng đến chất liệu giấy, màu bền và vẽ đẹp (kiêng thờ cúng tranh cũ màu) nên trước kia, khi nghề tranh Hàng Trống vẫn còn phát triển thì người Dao phải mang tranh về tận Hà Nội để thuê sao chép lại. Khi cúng xong người Dao gói tranh thật kỹ treo lên xà nhà gần gian bếp lửa để tránh ẩm mốc dễ hư hỏng.
Ngày nay do chất liệu giấy, màu vẽ đã sẵn hơn, tốt hơn và trong cộng đồng người Dao cũng có nhiều người được học vẽ bài bản hoặc có năng khiếu vẽ, lại làm nghề thày cúng nên ở nhiều nơi người Dao đã tự vẽ lấy tranh cúng. Đặc biệt là tranh thờ ngày tết thì không thể nhờ các họa sĩ hay họa công truyền thống vẽ được bởi loại tranh này phải vẽ dựa vào ý tưởng của chủ nhà và thủ tục để vẽ tranh cũng khá phức tạp.
Thông thường, loại tranh này được vẽ trước tết Nguyên đán vài tháng và người muốn vẽ tranh phải đến nhờ các thày cúng biết vẽ trong cộng đồng dân tộc của mình. Thày cúng nhận lời, chọn ngày đẹp hợp với tuổi của người nhờ vẽ thì mới làm lễ xin thần linh cho khai bút. Tranh vẽ xong, thày cũng chọn ngày tốt để treo tranh và làm lễ khai quang cho tranh thì tranh mới linh thiêng.
Trong các nghi lễ thờ cúng của người Dao, dù là lễ cúng có quy mô của một gia đình nhưng luôn tập trung rất đông bà con trong dòng họ, làng bản. Các bức tranh cúng thường treo kín trên vách nhà được những người hiểu biết về nội dung chỉ dẫn cho người chưa biết. Chẳng hạn, tranh vẽ Tam thanh luôn cho người ta tin tưởng vào các vị thần linh có sức mạnh siêu nhiên luôn bảo trợ cho con người; bức vẽ Vua bếp cho người ta niềm tin nếu như chú trọng tôn thờ vị thần này sẽ có cuộc sống sung túc, no đủ; bức vẽ Tứ trực ông tào cho người ta yên tâm hơn khi có 4 vị thần linh này luôn túc trực quanh con người để hễ có điều xấu xảy ra là các vị sẵn sàng bẩm báo Ngọc hoàng lệnh cho các thần linh ứng cứu. Cho dù việc chấp pháp có vẻ hơi tàn bạo nhưng nội dung bức vẽ cho thấy thần linh chấp pháp với con người rất nghiêm khắc cả khi sống đến lúc chết. Vì thế, khi sống trên trần gian con người phải luôn luôn hướng đến mọi hành vi tu thân tích đức, hành thiện.
Với những ý nghĩa đó, nếu gạt bỏ đi yếu tố mang sắc màu mê tín dị đoan thì ta sẽ thấy nội dung trong tranh thờ của người Dao chứa đựng nhiều giá trị giáo dục tính nhân văn cho con người. Vì thế, tục thờ tranh dân gian liên quan đến Đạo giáo được người Dao bảo tồn từ đời này qua đời khác.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014
Tác giả : Nguyễn Sinh Phúc
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn