Giai điệu trong khí nhạc đương đại

Theo tác giả Đào Trọng Minh “giai điệu là sự tổng hợp đầy đủ nhất các phương pháp biểu hiện âm nhạc trong trình tự âm thanh một bè nhằm biểu lộ tư duy và tình cảm của con người” (1). Giai điệu được tạo nên bởi sự thống nhất của nhiều thành tố âm nhạc khác nhau theo trình tự thời gian như: mối tương quan về cao độ, tiết tấu, lực độ, âm sắc, phương thức diễn đạt… Hay nói cách khác, giai điệu vừa là một phương tiện chủ chốt thể hiện nội dung âm nhạc, vừa là biểu tượng cho sự tổng hợp các thành tố âm nhạc.

1. Đặc điểm của giai điệu các thời kỳ âm nhạc

Giai điệu thời kỳ âm nhạc cổ điển

Giai điệu thời kỳ âm nhạc cổ điển chính là linh hồn của toàn tác phẩm và chú trọng sự đơn giản, trong sáng, thuần khiết. Các nhạc sĩ nổi tiếng của thời kỳ này tập trung biểu đạt tư duy thông qua giai điệu, khiến cho giai điệu mang đậm tính khí nhạc và phát triển chặt chẽ theo một trình tự lôgic nhất định. Các yếu tố khác trong tác phẩm như hòa âm, phối khí… cũng chỉ nhằm tôn vinh và tô điểm thêm cho vẻ đẹp của giai điệu.

Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này chính là giai điệu trong chương cuối bản Sonate cho piano D-dur-K.284 của Mozart.


 

Giai điệu của đoạn nhạc này có âm vực trung bình (hơn 1 quãng 8, từ nốt A4 (2) đến nốt D6) và có thể được phân chia thành 4 câu, mỗi câu lần lượt bắt đầu ở những ô nhịp số 1, 5, 9 và 14. Ngoài 2 nốt A4 ở nhịp lấy đà và nốt D trắng ở đầu câu tương tự như 1 sự nhấn mạnh trọng tâm của giai điệu, phần còn lại của giai điệu chủ yếu chuyển động theo quãng 2 hay quãng 3 và được cấu tạo dựa trên 3 môtip là a, b, c, hết sức đơn giản về tiết tấu và rõ ràng về hòa âm. Nói một cách ngắn gọn, giai điệu này là sự thống nhất cao độ các môtip âm nhạc thông qua sự lặp lại, mô phỏng, phân câu và đảo ảnh.

Giai điệu thời kỳ âm nhạc lãng mạn

Nhạc sĩ, nhà lý thuyết âm nhạc nổi tiếng TK XVII Jean Jacques Rousseau (1712-1778) đã phát biểu: “Giai điệu ra đời từ hòa âm” (3). Quan điểm này đã lý giải cho sự gắn kết chặt chẽ giữa giai điệu và hòa âm trong suốt thời kỳ này. Mặt khác, âm vực của giai điệu trải rộng hơn với nhiều chỗ nhảy quãng, được xây dựng dựa trên sự kết nối những môtip độc lập, tạo nên sự tương phản mạnh mẽ. Tiết tấu của giai điệu cũng trở nên đa dạng, ẩn chứa sự chuyển động mạnh mẽ, hoàn toàn khác biệt với âm nhạc thời cổ điển. Mặt khác, âm điệu của giai điệu có thể đem đến cho người nghe nhiều gợi ý về màu sắc hòa âm khác nhau… Những đặc trưng trong giai điệu của trường phái lãng mạn có thể được tìm thấy trong nhiều tác phẩm của Frederic Chopin hay Franz Liszt.

Ví dụ: trích từ tác phẩm Sonate cho piano B minor-S.178 của Franz Liszt. Giai điệu trong tác phẩm này có âm vực rất rộng (trải dài 5 quãng 8 từ nốt G1 đến nốt G6), tiết tấu phong phú và cũng được cấu tạo bởi 3 môtip âm nhạc là a, b, c. Tuy nhiên, bước chuyển động của giai điệu này không hề liền bậc mà bao gồm rất nhiều bước nhảy quãng, sắc thái và cách thể hiện cũng biến hóa không ngừng.


 


 


 

Đặc điểm của giai điệu của âm nhạc TK XX

Được các nhạc sĩ phát triển theo nhiều hướng khác nhau, tùy thuộc vào sở trường và thẩm mỹ nghệ thuật của từng nhạc sĩ, chính vì vậy, giai điệu âm nhạc thời kỳ này mang dấu ấn cá nhân khá rõ nét.

Ví dụ: trích giai điệu phần mở đầu tác phẩm The Rite of Spring của Stravinsky, nốt tô điểm nhiều và xuất hiện khá liên tục.


 

Hoặc, giai điệu kiểu bồng bềnh của Debussy trích từ giao hưởng La Mer. Ta thấy các thành tố của cao độ và tiết tấu đều khá tương đồng và không có nhiều dịch chuyển.


 

Đặc điểm nổi bật nhất trong âm nhạc TK XX là giai điệu được xây dựng dựa trên sự liên kết về quãng và liên kết nhiều môtip độc lập với nhau, ít khi nào lặp lại và không ẩn chứa hòa âm, hay nói cách khác, người nghe không thể đoán trước được hợp âm nào sắp vang lên. Tính chủ điệu trong âm nhạc không còn nữa, mà thay vào đó là sự chắt lọc tinh tế về cao độ của tác giả để giai điệu trở nên cô đọng tuyệt đối, đồng thời mang tính trữ tình ít hơn.

Nhìn chung, giai điệu âm nhạc trong  TK XX kế thừa cách thể hiện trên âm vực trải rộng với nhiều bước nhảy quãng của thời lãng mạn, kết hợp với những nhân tố mới, thường được viết theo kiểu romatic, chứa đựng sự thay đổi liên tục về số chỉ nhịp và sắc thái. Âm hình tiết tấu của giai điệu TK XX đa dạng, phân chia đến những trường độ nhỏ nhất và đòi hỏi sự chính xác cao độ khi diễn tấu. Có thể hiểu rằng, giai điệu ngày nay ít trôi chảy, có nhiều góc cạnh, nhiều mảnh ghép hơn và khó thể hiện lại bằng giọng hát. Điều này bộc lộ sự thay đổi trong tư duy sáng tác của các tác giả TK XX, giai điệu không còn giữ vị trí trung tâm của tác phẩm, ngược lại, những yếu tố khác trong âm nhạc như tiết tấu, âm sắc, cách thể hiện, cá tính âm nhạc… lại được nâng lên một tầm cao mới.

2. Sự thể hiện giai điệu trong các kết cấu âm nhạc

Kết cấu âm nhạc là một trong những thành tố cơ bản của âm nhạc, đặc biệt là khí nhạc. Khi nhắc đến kết cấu, người ta thường liên tưởng đến số lượng các bè trong tác phẩm và mối liên hệ giữa chúng. Mối liên hệ giữa các bè càng phức tạp thì tác phẩm có kết cấu càng dày và ngược lại. Cũng từ đây, có thể thấy giai điệu đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc hình thành và định danh một kết cấu âm nhạc.

Sau đây là vài kết cấu âm nhạc phổ biến trong âm nhạc kinh viện phương Tây, từ đơn giản đến phức tạp:

Giai điệu trong âm nhạc đơn điệu (monophonic)

Âm nhạc đơn điệu là kết cấu âm nhạc xuất hiện sớm nhất của loài người mà những ghi nhận đầu tiên đến từ đồng ca nhà thờ thời trung cổ và hiện vẫn tồn tại trong các nghi lễ tôn giáo hoặc các bài hát dân gian. Âm nhạc đơn điệu sử dụng duy nhất một bè giai điệu để thể hiện nội dung âm nhạc.

Ví dụ: trích đồng ca Greygorian (TK I), tác phẩm chỉ có duy nhất 1 giai điệu đơn giản. Trong âm nhạc buổi nguyên sơ, các thành phần của giai điệu như tiết tấu, tốc độ, cách thể hiện… chưa được định hình chi tiết và rõ nét.


 

Giai điệu trong âm nhạc chủ điệu  (homophonic)

Âm nhạc chủ điệu là kết cấu âm nhạc rất phổ biến trong âm nhạc kinh viện phương Tây, gồm bè chứa giai điệu chính và các thành tố còn lại như: phối khí, hòa âm, sắc thái, cách diễn tấu… có nhiệm vụ hỗ trợ thêm cho giai điệu về nội dung và nghệ thuật. Chính vì vậy, giai điệu giữ vai trò chủ chốt trong âm nhạc chủ điệu và thường có sự rõ ràng về lôgic, chặt chẽ về cao độ, chính xác về nhịp phách, chi tiết về cách thể hiện để giúp cho việc nhận thức và triển khai âm nhạc được thuận lợi hơn.

Giai điệu trong âm nhạc phức điệu (polyphonic)

Âm nhạc phức điệu là kết cấu âm nhạc phức tạp với nhiều bè giai điệu tương đối độc lập, nhiều quy luật chặt chẽ, nhiều thủ pháp tiêu biểu nhằm khai thác tối đa chất liệu âm nhạc ban đầu. Giai điệu trong âm nhạc phức điệu thường bao gồm phần chủ đề (khá ngắn gọn súc tích) và phần đối đề (thường không có kết cấu phân định rõ ràng), đồng thời ẩn hiện liên tục giữa các bè và có khuynh hướng tuôn trào như một dòng chảy bất tận.

Ví dụ: trích The Art of Fugue của J.S.Bach, chủ đề có kết cấu rõ ràng, lần lượt xuất hiện ở 3 bè và đan xen vào nhau khá chặt chẽ.


 


 

3. Sự thể hiện giai điệu trong âm nhạc đương đại

Trước TK XVIII, lý thuyết âm nhạc phương Tây được hình thành dựa trên 2 thành tố cốt lõi là cao độ và thời gian, hòa âm được coi là một cấu trúc âm thanh bao gồm nhiều cao độ kết hợp với nhau theo những quy luật cụ thể. Cũng từ đây, khái niệm về hòa âm và phối khí được tách rời nhau, một khái niệm mang tính toán học cụ thể (hòa âm) và một khái niệm mang tính cá nhân khá trừu tượng (phối khí).

Đến TK XVIII, các thuộc tính phức tạp của đơn âm được khám phá như: sóng âm thanh, quá trình dao động của sóng âm theo thời gian, sự hình thành các bồi âm… Bước sang TK XIX, các nhạc sĩ bắt đầu quan tâm hơn đến khía cạnh khoa học của âm thanh âm nhạc.

Năm 1863, nhà khoa học, triết học người Đức Helmholtz công bố những nghiên cứu khoa học đầu tiên về âm thanh âm nhạc trong ấn  phẩm On the Sensations of tone as Phylosiophycal basic for the Theory of Music. Năm 1891, sau khi đọc những nghiên cứu về âm thanh của 2 nhà khoa học Tyndall và Helmholtz, nhạc sĩ Nga Rimsky-Korsakov cho ra đời tác phẩm Principles of Orchestration (1896-1908). Trong cuốn sách trên, bằng những quan điểm khoa học và cấp tiến của mình, ông nêu lên một cách nhìn về âm sắc khá mới: âm sắc không phải là yếu tố bên ngoài, dùng để tô vẽ cho tác phẩm âm nhạc. Chúng ta không thể tách rời giữa màu sắc âm thanh (tone colour) với tư duy người sáng tạo và bản chất vật lý tự nhiên của âm thanh.

Đầu TK XX, nhạc sĩ Đức Arnold Schoenberg đã ghi lại những suy nghĩ của mình về mối liên hệ giữa cao độ và âm sắc ở trang cuối cùng trong cuốn sách Theory of Harmony (1911): “Tôi không thể chấp nhận sự tách biệt giữa màu sắc âm thanh và cao độ như thường lệ… Tôi nghĩ một âm thanh có thể được nhận thức bởi màu âm của nó, mà một trong những chiều đo đạc là cao độ. Chính vì vậy, màu âm là chủ thể chính, cao độ là nhánh phụ. Cao độ chỉ là thước đo của màu âm theo một hướng nhất định”. Sau những tiền đề đầu tiên của Schoenberg, đã có rất nhiều nhạc sĩ đi sâu vào nghiên cứu hiện tượng vật lý của âm thanh cũng như lý giải âm nhạc dưới góc nhìn khoa học như: Edgard Varese (Pháp), Pierre  Schaeffer (Pháp), Giancito Scelsi (Ý), Gerard Grisey (Pháp), Charles Ives (Mỹ)… Đến thời điểm này, với sự góp sức của các thành tựu khoa học kỹ thuật, tư duy người sáng tác đã xuất hiện những nhận thức hoàn toàn mới về nghệ thuật. Câu hỏi bản chất của âm nhạc được giải đáp và khái quát lên một tầm cao hơn: âm thanh là âm nhạc. Điều này khác hẳn với những khái niệm về nghệ thuật âm nhạc vốn đã tồn tại trong xã hội từ nhiều thế kỷ nay, nó cũng đồng thời đặt ra những vấn đề mới khá cốt lõi như: chất liệu sáng tác, thế nào là một nhạc khí, đánh giá tác phẩm âm nhạc là một quá trình hay là một thành quả… Các tiến bộ khoa học đã chứng minh rằng, tiếng ồn chính là một thành phần của âm thanh, cũng như không thể đạt được sự im lặng tuyệt đối trong đời sống. Kể từ đây, bên cạnh việc định danh âm nhạc theo kết cấu âm thanh, theo trường phái học thuật, theo quan điểm mỹ học… còn có thêm tiêu chí mới để nhìn nhận âm nhạc, đó là chất liệu sáng tác như: trong âm nhạc kinh điển, xem âm thanh dao động ở tần số ổn định nhất định là chất liệu chính để sáng tác; âm nhạc tiếng ồn xem tiếng ồn như một chất liệu chính để sáng tác; âm nhạc ngẫu nhiên khai thác yếu tố im lặng trong sáng tác. Điều này cũng tương ứng với sự thay đổi trong  khái niệm về giai điệu của âm nhạc đương  đại: chúng ta có giai điệu theo cách hiểu truyền thống trước đây, tiếng ồn cũng có thể là một giai điệu khác thường hoặc sự im lặng cũng mang một vẻ đẹp nhất định. Về kỹ thuật: các nhạc sĩ đương đại có thể hòa trộn những đặc trưng về chất liệu sáng tác để tạo nên một giai điệu đặc sắc hoặc viết giai điệu mang tính chủ điệu bằng ngôn ngữ phức điệu hoặc ngược lại.

Ví dụ: trích 6 Melodies cho Violin và Piano (1950), bài số 2 của John Cage, giai điệu chính là sự kết hợp giữa âm thanh và sự yên lặng (dấu lặng). Tác giả chú trọng vào sự kết hợp âm sắc và cách thể hiện.


 

Có thể nói, chưa có thời kỳ nào có được nhiều tìm tòi, sáng tạo cho âm nhạc kinh viện như thời kỳ âm nhạc đương đại. Do đó, không thể kể hết những thử nghiệm mới làm phong phú và mở rộng thêm cho khái niệm giai điệu âm nhạc của các nhạc sĩ. Nên, để có thể thấu hiểu và đồng cảm với giai điệu âm nhạc đương đại, cần có cái nhìn mới đặt trong bối cảnh mới, bên cạnh những giai điệu kiểu truyền thống thường đồng nhất về âm sắc cũng xuất hiện những giai điệu là sự tổng hợp của màu âm. Về mặt kỹ thuật, bên cạnh giai điệu ra đời từ cảm xúc, còn xuất hiện giai điệu ra đời từ hòa âm, từ các kỹ thuật sáng tác thuần túy. Ngoài ra, trong âm nhạc đương đại cũng xuất hiện trào lưu làm mới lại những giai điệu dân gian hay các giai điệu đẹp từ thời Baroque bằng cách đặt chúng vào những bối cảnh âm nhạc mới hơn, khiến cho người nghe phải suy ngẫm… Nhưng trên hết, giai điệu âm nhạc phải là trái ngọt từ quá trình chắt lọc tư duy và tình cảm con người.

_____________

1. Trích Giáo trình Lịch sử hòa âm, tập 1, Học phần cao học, Nhạc viện TP.HCM

2. Ký hiệu cao độ âm nhạc bằng chữ tiếp theo sau đây được dựa trên quy ước của Hiệp hội âm thanh học quốc tế (IAS-International Acoustic Society)

3. Melody arises from harmony.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *