Giải pháp xây dựng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Bến Tre

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần đưa đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân Bến Tre được nâng lên. Môi trường văn hóa lành mạnh được xây dựng và phát huy có hiệu quả ở khu dân cư. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo ảnh hưởng sâu rộng từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bến Tre đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025. Quan điểm định hướng là “khơi dậy tinh thần Đồng Khởi, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người dân Bến Tre trong phát triển kinh tế và phát huy các giá trị truyền thống, văn hóa, con người để sánh vai cùng các địa phương trong cả nước…”.

Xác định rõ tầm quan trọng của việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đặc biệt là sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về văn hóa; Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre đều khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững, văn hóa luôn song hành với kinh tế, chính trị và xã hội. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động toàn dân, toàn diện và lâu dài, nhằm huy động mọi nguồn lực, tập hợp và phát huy tính năng động, sáng tạo của mọi lực lượng xã hội vào mục tiêu chung là xây dựng một xã hội mới văn minh, hiện đại. Cuộc vận động không chỉ phát huy và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống của cha ông trong đời sống xã hội và trong từng cộng đồng dân cư, mà còn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, sinh hoạt văn hóa của nhân dân theo xu hướng xã hội hóa ngày càng cao; góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực và tệ nạn xã hội trong đời sống của nhân dân Bến Tre.

Qua thời gian thực hiện cuộc vận động ở khu dân cư theo mô hình ấp – khu phố văn hóa, xã phường văn hóa gắn với xây dựng nông thôn đã mang lại cho Bến Tre kết quả cao; bộ mặt nông thôn không ngừng được đổi mới, tình làng – nghĩa xóm và trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng được củng cố phát huy; có nhiều mô hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như: phong trào toàn dân đoàn kết phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy mọi tổ chức, gia đình và cá nhân chủ động thực hiện, hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng trên từng địa bàn dân cư, kiện toàn hệ thống chính trị trên phạm vi toàn tỉnh. Kết quả đó không chỉ góp phần khơi dậy, phát huy truyền thống cách mạng và truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, mà còn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều đó cho thấy, cuộc vận động được sự quan tâm của toàn xã hội, sự tham gia ngày càng sâu rộng của mọi tổ chức và cá nhân, tạo nên bầu không khí thi đua xây dựng điểm sáng văn hóa theo mô hình gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, ấp văn hóa với chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của xã hội.

Trên từng địa bàn dân cư như ấp – khu phố, xã – phường văn hóa đã hình thành và tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa gia đình với nhiều tụ điểm như: đờn ca tài tử, thể dục dưỡng sinh, ca nhạc trẻ, sinh hoạt sách báo, sinh hoạt nuôi con khỏe, dạy con ngoan, câu lạc bộ ông – bà – cháu… đã thu hút được hàng nghìn lượt người tham gia. Đây là những điểm sáng văn hóa cần được phát huy và nhân rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 431.605 hộ được công nhận gia đình văn hóa; 12.735 tổ nhân dân tự quản đạt tổ vững mạnh; 971 tụ điểm văn hóa gia đình với 6.797 nhóm sở thích về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí với trên 67.970 thành viên tham gia; 938 ấp – khu phố đạt chuẩn ấp – khu phố văn hóa; 134 xã – phường đạt chuẩn xã – phường văn hóa và 2.717 cơ quan, đơn vị văn hóa.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy trong đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng về văn hóa. Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của các cấp, các ngành, thấy được sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người để tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, một trong những yếu tố để phong trào đạt kết quả tốt là nhờ cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn và tổ chức thực hiện phong trào khá đồng bộ; huy động hiệu quả các nguồn lực từ hệ thống chính trị đến các tầng lớp nhân dân.

Điển hình như các nội dung: “Người tốt, việc tốt”, “Người lớn gương mẫu” và “Trẻ em chăm ngoan”. Nội dung xây dựng gia đình văn hóa cũng đã góp phần nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế – xã hội. Nội dung xây dựng “Ấp, khu phố văn hóa” được người dân đồng tình cao, qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của người dân ở các cộng đồng dân cư. Phong trào xây dựng “Ấp, khu phố văn hóa” được xem là phong trào nền cho các phong trào khác như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Kết quả đạt được trong những năm qua đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của nhân dân; là điều kiện thuận lợi để toàn tỉnh tiếp tục phát huy các mô hình hay, là cơ sở để tìm giải pháp thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực. Qua đó, góp phần làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện cuộc vận động như: tình trạng quan hệ gia đình, tình làng, nghĩa xóm dễ rạn nứt; mâu thuẫn, dễ phát sinh khiếu kiện; sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đạo đức, kỷ cương, ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ và nhân dân có biểu hiện sa sút; lối sống thờ ơ, vô cảm, làm ăn gian dối bộc lộ thành xu hướng. Có cấp ủy chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, xây dựng con người; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhiều nơi còn nặng về hình thức…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả, tính thiết thực và tạo ảnh hưởng sâu rộng trong thực hiện cuộc vận động, tỉnh Bến Tre cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, gắn cuộc vận động với nội dung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bến Tre đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI đề ra. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ – hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao chất lượng xây dựng các danh hiệu văn hóa. Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 8-6-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc phát huy các giá trị truyền thống văn hóa và phát triển toàn diện con người Bến Tre” và Quyết định số 9-2021, ngày 19-3-2021 của UBND tỉnh Bến Tre về Ban hành Quy chế công nhận, thu hồi, xóa tên các danh hiệu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tổ chức tốt việc bình xét, công nhận, biểu dương, khen thưởng gia đình văn hóa bảo đảm công khai, dân chủ đạt hiệu quả thực chất, khắc phục “bệnh hình thức”, thiếu chiều sâu. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng ấp văn hóa, xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Nâng cao tính tự quản và ý thức trách nhiệm cộng đồng trong việc giữ vững các danh hiệu văn hóa.

Hai là, phát huy vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, quyết tâm thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành đến ngoài xã hội, trong cán bộ, đảng viên, đến các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa và nhân tố con người đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao nhận thức, tính tự nguyện của cộng đồng, phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Ba là, nâng cao chất lượng các hoạt động ở cộng đồng dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới; kiên quyết thu hồi các danh hiệu văn hóa không bảo đảm các tiêu chí xây dựng nếp sống văn minh đô thị, ứng xử văn hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo Quyết định số 9-2021. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trọng tâm là xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp là những tập thể năng động, sáng tạo, kỷ luật, kỷ cương, dân chủ, công bằng, thật sự đoàn kết, có mối quan hệ xã hội hài hòa trong ứng xử, giao tiếp cá nhân, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường – xã hội tạo sự đồng bộ và hiệu quả liên hoàn trong quá trình xây dựng văn hóa và con người, tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong việc giáo dục đạo đức, lối sống trong nhân dân.

Bốn là, tiếp tục phát động và gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện 5 nội dung và 7 phong trào lớn của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tập trung đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa để từng bước đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. Xã hội hóa các nguồn lực từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ cho các hoạt động của phong trào; xây dựng, đầu tư các trang thiết bị cho hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động của ban chỉ đạo các cấp; định kỳ sơ kết, tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để đề ra mục tiêu, giải pháp phù hợp.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả, ảnh hưởng sâu rộng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” bằng việc tạo sức lan tỏa từ những mô hình tiêu biểu, với những giá trị nhân văn cốt lõi như những tấm gương bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố hay các hạt nhân gia đình văn hóa tiêu biểu; có các chế độ đãi ngộ để tạo động lực thúc đẩy những cá nhân tiêu biểu đó tiếp tục cống hiến cho cộng đồng. Lồng ghép các nhiệm vụ của phong trào vào các phong trào thi đua yêu nước khác của các ban, ngành, đoàn thể; gắn kết chặt chẽ với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, huy động mọi nguồn lực và tập trung đầu tư cho văn hóa ngang tầm với đầu tư trong các lĩnh vực khác của địa phương.

Sáu là, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm văn hóa cơ sở; chú trọng hiệu quả phối hợp các cấp, các ngành trong triển khai, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; từng thành viên Ban Chỉ đạo được phân công phụ trách địa bàn tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện phong trào. Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và xây dựng văn hóa công sở. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác gia đình và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, hướng đến xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp văn minh trong mỗi gia đình, dòng tộc, cộng đồng dân cư và các công sở, tạo chuyển biến tích cực trong văn hóa, góp phần quan trọng vào sự phát triển của xã hội.

Tóm lại, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hệ giá trị văn hóa tiến bộ thật sự tỏa sáng trong công tác, học tập, chiến đấu, lao động sản xuất, kinh doanh, quan hệ ứng xử trên tất cả lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được gắn kết với phát triển văn hóa nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, hoàn thiện và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, qua đó tạo điều kiện để người dân nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa, tạo động lực để phát triển văn hóa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng bộ tỉnh Bến Tre, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, Bến Tre, 2020.

2. Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre năm 2020, Nxb Thống kê, TP.HCM, 2020.

3. Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre, Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bến Tre năm 2021, Bến Tre, 2020.

THS NGUYỄN VĂN THẬT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *