Giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong điều kiện hiện nay


Đối với dân tộc Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước đã trở thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp, là giá trị tinh thần to lớn vượt qua không gian và thời gian, đó không chỉ là tình cảm tự nhiên mà còn là sản phẩm tinh thần, được hun đúc bởi lịch sử đau thương và hào hùng của dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước đó không chỉ dừng lại ở những tư tưởng, tình cảm thuần túy, mà còn được biểu hiện ở những hành động thiết thực của cá nhân và cộng đồng người (1), là sự thống nhất hữu cơ giữa tình cảm và lý trí, suy nghĩ và hành động, trở thành đạo lý sống của cá nhân và cộng đồng. Do vậy, có thể hiểu, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là tổng hòa các yếu tố tri thức, tình cảm, ý chí của con người Việt Nam, tạo thành động lực tinh thần to lớn thúc đẩy sự cống hiến sức lực, trí tuệ, xả thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, để tồn tại và phát triển, các thế hệ người Việt Nam tất yếu phải đoàn kết, sáng tạo trong lao động và đấu tranh. Quá trình đó đã hình thành ở con người Việt Nam lòng yêu nước nồng nàn. Đây là một trong những truyền thống cao quý nhất, bền vững nhất, có vai trò to lớn trong lịch sử dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (2).

Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trở thành chuẩn mực cao nhất trong bậc thang giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và là sức mạnh tiềm ẩn, không bao giờ cạn trong nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày” (3). Trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc, sức mạnh và ảnh hưởng của chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến đâu, còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng đánh thức, hiện thực hóa và phát huy sức mạnh đó của các thế hệ người Việt Nam: “Vận nước suy hay thịnh, mất hay còn, nhục hay vinh, phần rất quan trọng này là tùy thuộc ở chỗ ta ứng dụng và phát huy hay ta quên lãng và chôn vùi món vũ khí tinh thần ấy mà tất cả các thế hệ tổ tiên, ông cha đều có công góp cả xương máu để rèn luyện” (4).

Trong điều kiện hiện nay, trước những tác động từ diễn biến nhanh hóng, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực; quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế và xu thế toàn cầu hóa; sự biến đổi kinh tế xã hội đất nước… nội dung giáo dục chủ nghĩa yêu nước tập trung vào: lòng tự hào, tự tôn, tự trọng dân tộc sâu sắc; hoài bão, khát vọng, ý chí thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; tinh thần sẵn sàng làm mọi việc vì dân, vì nước, với ý chí nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; ý thức kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành động xâm phạm lợi ích của quốc gia, dân tộc; chủ nghĩa yêu nước chân chính gắn với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Để hoạt động giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đạt chất lượng, hiệu quả cao, cần quan tâm nhận thức và giải quyết một số vấn đề cơ bản sau.

Cụ thể hóa phương thức biểu hiện giá trị, chuẩn mực của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong điều kiện hiện nay

Dưới góc độ kinh tế, yêu nước được thể hiện trước hết và chủ yếu ở tinh thần vươn lên xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, thua kém nước khác. Yêu nước trong điều kiện hiện nay chính là sự cố gắng phấn đấu học tập, tu dưỡng và rèn luyện; là tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và tiết kiệm của mỗi người dân để làm ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội; tham gia tích cực và có hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu một cách chính đáng cho bản thân, gia đình và cho xã hội để qua đó, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Trong điều kiện của cách mạng khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, mỗi người dân đất Việt cần thể hiện lòng yêu nước của mình bằng hành động trên trận tuyến kinh tế và tri thức, khoa học và công nghệ…

Dưới góc độ chính trị xã hội, yêu nước là nâng cao lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội gắn với sự phát triển chung của phong trào cách mạng và đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hòa bình và tiến bộ xã hội trong khu vực và trên toàn thế giới. Mặt khác, để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tất yếu chúng ta phải mở cửa hội nhập, song phải luôn giữ vững sự độc lập tự chủ. Vì thế, yêu nước còn phải gắn liền với việc nêu cao ý thức độc lập tự chủ và ý chí tự lực tự cường. Trong đó, một mặt, cần tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài, mặt khác, cần xác định phải dựa vào sức mạnh nội lực là chính. Yêu nước còn được thể hiện ở tinh thần đoàn kết, đấu tranh chống lại những thói hư, tật xấu, bảo thủ trì trệ, những biểu hiện tiêu cực trong xã hội.

Từ góc độ quốc phòng – an ninh, yêu nước được biểu hiện ở việc nêu cao ý thức bảo vệ vững chắc Tổ quốc; nhận thức sâu sắc về “đối tác” và “đối tượng”; kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, bảo vệ môi trường hòa bình và sự nghiệp công nhiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ bản sắc văn hóa, nền độc lập, tự do của Tổ quốc; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược – xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tuyên truyền, giác ngộ chủ nghĩa yêu nước trong các tầng lớp nhân dân

Thực tiễn thời gian qua đã cho thấy, dường như chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, nguồn lực nội sinh to lớn của dân tộc, vẫn chưa được khơi dậy, khai thác và phát huy đúng với tiềm năng vốn có của nó. Dường như, con đường và cách thức đưa chủ nghĩa yêu nước từ trái tim, khối óc, tình cảm đến với đời sống hiện thực, trở thành phương châm, lẽ sống và hành động của mỗi người Việt Nam vẫn còn những bất cập nhất định, cần được nhận thức và giải quyết. Điều đó có những lý do khách quan từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và sự phức tạp của quá trình hội nhập, nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta chưa chú trọng đúng mức đến việc bồi dưỡng tình cảm cách mạng, khơi dậy và phát huy tinh thần ái quốc, ý thức tự lực, tự cường; kích thích bầu nhiệt huyết, tính năng động, sáng tạo và quả cảm của quần chúng nhân dân.

Để khơi dậy và phát huy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong điều kiện hiện nay, cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nước nhà. Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: để phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, chúng ta cần “tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ… cho mọi người” (5). Trong đó, việc tích cực đổi mới, lựa chọn, kết hợp và vận dụng sáng tạo các phương pháp, hình thức tuyên truyền, giác ngộ chủ nghĩa yêu nước giữ vai trò hết sức quan trọng. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân. Thi đua chính là điều kiện, tiền đề quan trọng để biến lòng yêu nước thành hành động cách mạng tự giác của mọi người.

Xây dựng môi trường xã hội thuận lợi làm cơ sở và động lực để phát huy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam

Trong điều kiện hiện nay, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách kinh tế xã hội phù hợp để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, đẩy lùi nạn tham nhũng, kết hợp và giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội.

Xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, “lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc” (6). Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trên cơ sở bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử… coi đó là các công cụ lưu giữ, trao truyền và cổ vũ chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam. Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Đưa nội dung giáo dục chủ nghĩa yêu nước vào các hoạt động giáo dục của xã hội, nhà trường và gia đình.

Chủ nghĩa yêu nước có giá trị văn hóa, tinh thần to lớn của dân tộc ta, là thành tố quan trọng, quyết định, tạo nên sức mạnh trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Giáo dục chủ nghĩa yêu nước, một mặt tạo cho mỗi người khả năng “tự miễn dịch” trước những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, trước những thủ đoạn tinh vi thâm độc của kẻ thù trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, chiến thắng mọi cám dỗ của tiền tài, vật chất, kiên định, vững vàng trước mọi thử thách, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân. Mặt khác, nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc lên một tầm cao mới, làm cho truyền thống đó tiếp tục cố kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam đồng tâm hiệp lực phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong điều kiện mới là vấn đề cơ bản và cấp bách, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

_______________

1. Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.101.

2, 3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.171, 172.

4. Trần Văn Giàu, Tư tưởng yêu nước Việt Nam – một bảo bối của sự nghiệp giữ nước và dựng nước, tham luận tại Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất, tổ chức tại Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 17-7-1996.

5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.234, 240.

Tác giả: Trịnh Khắc Mừng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *