Giáo dục kỷ luật ở đơn vị cơ sở trong quân đội


Kỷ luật là yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam. Chấp hành kỷ luật là một nguyên tắc trong xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là điều kiện bảo đảm cho quân đội luôn có sự tập trung thống nhất cao về ý chí và hành động, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”(1). Luật nghiêm minh đã trở thành truyền thống tốt đẹp và quý báu của quân đội ta.

Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những biến đổi kinh tế, xã hội nước ta, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tích cực thì những yếu tố tiêu cực cũng đang tác động, cản trở quá trình xây dựng, giữ vững kỷ cương phép nước nói chung, quá trình chấp hành kỷ luật quân đội nói riêng. Mặt khác, trước yêu cầu xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới, đòi hỏi công tác giáo dục, rèn luyện kỷ luật quân đội cần phải được tăng cường, nâng cao hơn nữa về chất lượng.

Trong thời gian qua, hạ sĩ quan, binh sĩ ở các đơn vị cơ sở đều nhận thức đúng đắn nhiệm vụ, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, có ý chí quyết tâm cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo tại trường… Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn mới, công tác giáo dục, rèn luyện kỷ luật quân đội cho hạ sĩ quan, binh sĩ còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Một bộ phận hạ sĩ quan, binh sĩ ý thức tự giác còn thấp, còn tự do tuỳ tiện, chấp hành kỷ luật không nghiêm, chất lượng học tập, rèn luyện chưa cao. Thực trạng đó ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Hạ sĩ quan là tên gọi chung của quân nhân có quân hàm hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam theo luật nghĩa vụ quân sự; binh sĩ là quân nhân có quân hàm binh nhì, binh nhất phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam theo luật nghĩa vụ quân sự (theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 2004). Giáo dục, rèn luyện kỷ luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ bao gồm toàn bộ những quy định trong Hiến pháp, pháp luật Nhà nước; các chế độ quy định trong điều lệnh, điều lệ của quân đội; các nội quy, quy định của đơn vị, mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên. Được thể hiện ở tính tự giác và nghiêm minh; ở tinh thần triệt để phục tùng lãnh đạo và chỉ huy, kiên quyết chấp hành mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Để giáo dục, rèn luyện kỷ luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay, cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, hạ sĩ quan, binh sĩ đối với việc giáo dục, rèn luyện kỷ luật

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, hạ sĩ quan, binh sĩ đối với công tác giáo dục, rèn luyện kỷ luật quân đội là giải pháp quan trọng hàng đầu, bao trùm, xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện kỷ luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ. Nhận thức là cơ sở của hành động, nhận thức và hoạt động thực tiễn bao giờ cũng có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Nhận thức đúng sẽ tạo cơ sở cho hoạt động thực tiễn đạt kết quả tốt, đồng thời thông qua hoạt động thực tiễn mà hoàn thiện, củng cố nhận thức ngày càng vững chắc. Nhận thức chỉ đạo, định hướng hành động, có nhận thức đúng mới có trách nhiệm cao và hành động có hiệu quả thiết thực. Chỉ trên cơ sở nâng cao nhận thức mới làm cho tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, cán bộ chủ trì các cấp, đoàn thể quần chúng, đội ngũ cán bộ, hạ sĩ quan, binh sĩ có thái độ đúng và trách nhiệm cao đối với giáo dục, rèn luyện kỷ luật, mới bảo đảm cho nhiệm vụ này được tiến hành một cách chủ động, tích cực và có hiệu quả, khắc phục được những khó khăn. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cán bộ với nhau trong đơn vị, giữa cán bộ với hạ sĩ quan, binh sĩ, tạo nên sự đoàn kết gắn bó trong cuộc sống và trong thực hiện nhiệm vụ.

Thực tiễn giáo dục, rèn luyện kỷ luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở cho thấy đơn vị nào, thời gian nào lãnh đạo, chỉ huy và hạ sĩ quan, binh sĩ có nhận thức đúng đắn, trách nhiệm cao, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ, chu đáo công tác giáo dục, rèn luyện kỷ luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ thì đơn vị đó, thời điểm đó chất lượng giáo dục, rèn luyện kỷ luật được nâng lên; chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị tốt hơn, số vụ vi phạm kỷ luật của đơn vị cũng ít hơn. Ngược lại, lãnh đạo chỉ huy và hạ sĩ quan, binh sĩ nhận thức chưa đúng, không đầy đủ tầm quan trọng của kỷ luật và giáo dục, rèn luyện kỷ luật, buông lỏng, chỉ đạo, tổ chức thiếu chặt chẽ… thì đơn vị đó có tình trạng vi phạm kỷ luật xảy ra nhiều hơn, sự đoàn kết thống nhất trong đơn vị không cao, chất lượng công tác thấp.

Giáo dục nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở hiện nay

Đây là giải pháp cơ bản, xuyên suốt quá trình giáo dục, rèn luyện nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ. Việc thực hiện kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ không thể là quá trình tự phát, mà là kết quả quá trình giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội và quá trình tự giáo dục của mỗi bản thân hạ sĩ quan, binh sĩ. Đặc biệt là trong hoạt động quân sự, vai trò công tác giáo dục nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật càng đặc biệt quan trọng. Đối với quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm giáo dục nâng cao giác ngộ chính trị, ý thức làm chủ, tự giác chấp hành kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ, Người dạy: “phải tăng cường giáo dục chính trị để nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho toàn quân”(2). Do vậy, muốn cho hạ sĩ quan, binh sĩ chấp hành một cách nghiêm túc và tự giác cao nhất thì phải thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức cho họ.

Trình độ giác ngộ ý thức chấp hành kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ biểu hiện ở sự nhận thức sâu sắc, nhất trí cao, tin tưởng vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội. Thông qua giáo dục nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật quân đội hạ sĩ quan, binh sĩ có được mục tiêu, động cơ phấn đấu đúng đắn, có quyết tâm cao, có ý chí khắc phục mọi khó khăn để học tập, rèn luyện đạt kết quả, chất lượng cao. Trên cơ sở đó xây dựng lòng tự hào, vinh dự, trách nhiệm của hạ sĩ quan, binh sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng quân đội, xây dựng đơn vị, từ đó tích cực chủ động, tự giác hành động theo đúng đường lối quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, chế độ quy định của đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Học tập chính cương, chính sách của Đảng cho đúng”(3). Nhờ có giáo dục mà mỗi hạ sĩ quan, binh sĩ nhận thức sâu sắc hơn bản chất của kỷ luật quân đội từ đó thực hiện sẽ tốt hơn. Đồng thời ý thức tổ chức kỷ luật cao lại là điều kiện thuận lợi để mỗi hạ sĩ quan, binh sĩ nâng cao giác ngộ chính trị lên một chất lượng mới.

Xây dựng đơn vị chính quy, quản lý duy trì nghiêm các chế độ nề nếp của hạ sĩ quan, binh sĩ

Đây là giải pháp quan trọng trực tiếp nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật quân đội cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Xây dựng đơn vị chính quy, quản lý duy trì nghiêm các chế độ nền nếp của hạ sĩ quan, binh sĩ là trực tiếp góp phần nuôi dưỡng phát triển nhân cách toàn diện cho họ; nâng cao trình độ trí tuệ, đạo đức, tình cảm, ý thức dân chủ, kỷ luật quân đội và bản lĩnh chiến đấu, năng lực hoạt động thực tiễn của hạ sĩ quan, binh sĩ. Xây dựng đơn vị chính quy còn có tác dụng ngăn chặn và chống lại những quan điểm tư tưởng độc hại xâm nhập vào đơn vị. Tổ chức duy trì nghiêm các chế độ nề nếp quân đội của hạ sĩ quan, binh sĩ trong đơn vị, duy trì nghiêm và quản lý tốt các mối quan hệ, diễn biến tư tưởng, tình cảm, niềm tin và ý chí quyết tâm cũng như bản lĩnh, thái độ hành vi ứng xử, giải quyết các tình huống nảy sinh về chấp hành các quy chế, quy định học tập, rèn luyện hàng ngày; quản lý nắm chắc tình hình rèn luyện tu dưỡng của hạ sĩ quan, binh sĩ; quản lý nắm chắc số lượng, tính chất, mức độ các vụ việc vi phạm của đảng viên là hạ sĩ quan, binh sĩ và sự rèn luyện phấn đấu tiến bộ của họ. Duy trì nghiêm điều lệnh, điều lệ quân đội, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, nền nếp chế độ, quy định của đơn vị, nhất là chấp hành quy chế học tập, rèn luyện, chấm dứt vi phạm quy định của đơn vị. Tập trung vào việc tăng cường duy trì, rèn luyện kỷ luật quân đội qua các lần diễn tập, huấn luyện dã ngoại; rèn luyện khả năng cơ động trong điều kiện chiến đấu ban đêm, môi trường tác chiến phức tạp, khó khăn. Thông qua các nội dung này làm cho hạ sĩ quan, binh sĩ ý thức rõ mục đích, ý nghĩa và tác dụng của việc chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, phải hành động theo điều lệnh, điều lệ của quân đội, chế độ quy định của đơn vị.

Phát huy tính tích cực, chủ động tự giác của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tự giáo dục, rèn luyện kỷ luật quân đội

Tích cực, chủ động tự giáo dục, tự rèn luyện kỷ luật quân đội là nội dung, biện pháp cơ bản quan trọng có ý nghĩa trực tiếp quyết định tính tự giác chấp hành kỷ luật quân đội của hạ sĩ quan, binh sĩ hiện nay. Bởi ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm là phẩm chất đạo đức của hạ sĩ quan, binh sĩ, phẩm chất đó không phải do tự có, mà là kết quả của cả một quá trình giáo dục, rèn luyện khoa học, nghiêm túc của các tổ chức đảng, chỉ huy, đội ngũ cán bộ quản lý, các tổ chức quần chúng và sự nỗ lực tích cực tự giác rèn luyện của mỗi hạ sĩ quan, binh sĩ. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển, mà củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(4).

Tự rèn luyện kỷ luật là quá trình hạ sĩ quan, binh sĩ tự tổ chức các hoạt động của riêng mình trên cơ sở lặp đi, lặp lại nhiều lần, chuẩn xác các yêu cầu của điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của quân đội, của đơn vị, biến nó thành thói quen, hành vi trong cuộc sống hàng ngày. Thực chất đó chính là sự tích luỹ kinh nghiệm, cách ứng xử đúng đắn, tự mình vượt qua những khó khăn, phức tạp để hình thành cho mình thói quen, hành vi tốt phù hợp với yêu cầu hoạt động quân sự, khắc phục những tiêu cực trong tính cách, củng cố ý chí, giúp cho hạ sĩ quan, binh sĩ tự tin, tự kiềm chế và bình tĩnh xử lý đúng đắn các mối quan hệ. Tuy nhiên, tự giáo dục, tự rèn luyện của hạ sĩ quan, binh sĩ không phải tự phát mà nó là một quá trình thường xuyên được lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy các cấp, của đội ngũ cán bộ, quản lý, tổ chức quần chúng trong toàn đơn vị.

Hạ sĩ quan, binh sĩ là chủ thể của quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện. Trong quá trình đó đòi hỏi mỗi người phải luôn có thái độ nghiêm túc, trách nhiệm cao, tự giác, say mê với động cơ nội tại bên trong thúc giục tham gia các hoạt động để tích lũy tri thức, những kinh nghiệm, thông tin, để rèn luyện bản lĩnh, ý chí, quyết tâm… Đồng thời, cần có sự định hướng, tạo điều kiện giúp đỡ của chủ thể quá trình giáo dục, rèn luyện thì quá trình tự giáo dục, rèn luyện mới đạt hiệu quả cao.

Thực tiễn trong những năm qua việc giáo dục, rèn luyện của hạ sĩ quan, binh sĩ cho thấy, có sự quan tâm, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp họ tự giáo dục, rèn luyện trên tất cả các nhiệm vụ, các lĩnh vực hoạt động. Thường xuyên định hướng, khuyến khích tinh thần tự học, tự rèn, tự quản. Tích cực chủ động tự giáo dục, tự rèn luyện luôn được coi là một phẩm chất tốt của mỗi hạ sĩ quan, binh sĩ. Thực tế càng về những ngày cuối của thời kỳ chuẩn bị ra quân, ý thức tự khép mình vào khuôn khổ tổ chức kỷ luật càng rõ nét. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, quản lý, hạ sĩ quan, binh sĩ chưa nhận thức đúng, đầy đủ tầm quan trọng của quá trình tự giáo dục, rèn luyện kỷ luật quân đội, nên còn có tình trạng thiếu quan tâm sâu sát, giúp đỡ, hướng dẫn tạo điều kiện hoặc là xem nhẹ vấn đề tự học, tự rèn. Do đó, chất lượng hiệu quả tự học, tự rèn còn những hạn chế nhất định, ý thức trách nhiệm, tính tự giác trong học tập, công tác, rèn luyện của một số cán bộ, đảng viên, hạ sĩ quan, binh sĩ chưa cao, đặc biệt là tư tưởng trung bình chủ nghĩa.

Từ những vấn đề trên cho thấy, muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, rèn luyện kỷ luật quân đội cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong giai đoạn hiện nay cần phải biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo thì học viên mới chủ động, tự giác, thường xuyên phát huy tính tích cực, trong quá trình tự giáo dục, rèn luyện kỷ luật quân đội.

Giáo dục, rèn luyện kỷ luật quân đội là nội dung cơ bản để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, một biện pháp cơ bản, quan trọng nhằm trang bị những kiến thức về pháp luật, kỷ luật và chuyển hóa những yêu cầu của pháp luật, điều lệnh, điều lệ quy định của quân đội, của đơn vị thành nhu cầu động cơ bên trong của mỗi hạ sĩ quan, binh sĩ. Giúp họ hình thành thói quen sống, làm việc và sinh hoạt có kỷ luật. Không ngừng hoàn thiện phẩm chất nhân cách người quân nhân cách mạng, đáp ứng được với yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

______________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 27, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.559

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 24, sđd, tr.140.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 25, sđd, tr.319.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 29, sđd, tr.293.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016

Tác giả : ĐỖ HỒNG QUẢNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *