Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên

Những quan điểm về giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Tày ở Thái Nguyên trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong việc đề xuất một số giải pháp nhằm định hướng cho quá trình này. Trong bối cảnh hiện nay, đây là vấn đề cần thiết, quan trọng đối với văn hóa của Việt Nam nói chung, văn hóa của 54 dân tộc nói riêng. Song quan điểm để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của mỗi nền văn hóa lại có sự khác biệt, tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể. Xây dựng hệ thống các quan điểm sẽ có ý nghĩa với việc đề xuất giải pháp nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.

Tính tất yếu của việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện nay

Thứ nhất, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là bảo tồn những nét cốt cách của nền văn hóa dân tộc trong điều kiện mới.

Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống hiện nay trở nên cấp bách hơn lúc nào hết. Bởi nó có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Trong quá trình hội nhập, mở cửa, văn hóa đóng vai trò là cầu nối trong mọi quan hệ trên thế giới. Các quan hệ đó được thể hiện cả cái chung lẫn cái riêng, giữa cá nhân với cá nhân, nhóm với nhóm, dân tộc với dân tộc, quốc gia với quốc gia. Do đó, nền văn hóa giữa các dân tộc có sự giao thoa lẫn nhau, tất yếu sẽ có sự tương tác. Song, nếu nền văn hóa của một dân tộc nào đó mà thiếu đi những yếu tố cốt lõi, bản sắc của mình thì nó sẽ khó khăn trong công tác bảo tồn. Sinh thời, Hồ Chí Minh không phủ nhận sự tác động, ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa các dân tộc mà ngược lại, khẳng định sự giao hòa giữa các nền văn hóa đó để thúc đẩy sự phát triển văn hóa của mỗi dân tộc. Qua quá trình đó, bản thân các nền văn hóa càng thấy rõ được những yếu tố phong phú, đa dạng của riêng mình. Người cho rằng: “Văn hóa Việt Nam ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương, Tây phương chung đúc lại. Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta phải học lấy để phải tạo ra một nền văn hóa Việt Nam, nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa, văn hóa nay để trau dồi cho văn hóa Việt Nam có tinh thần thuần túy Việt Nam, để hợp với tinh thần dân chủ” (1). Với Hồ Chí Minh, chủ trương kế thừa truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc phải đi đôi với việc học tập, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Những tư tưởng đó vẫn mãi là kim chỉ nam cho chúng ta trong việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, không ngừng hội nhập sâu rộng với các nền văn hóa khác trên thế giới để cùng phát triển.

Như vậy, theo quan điểm của các vĩ nhân, các nhà nghiên cứu, chúng ta không bó hẹp nội hàm của khái niệm truyền thống, giá trị văn hóa truyền thống, mà cần thấy rằng, đó là những khái niệm mang tính động. Không thể tồn tại cách hiểu: truyền thống là phải duy trì cái cũ, bảo toàn cái cũ; mà truyền thống là cái được giữ gìn nhưng trên cơ sở phát huy những yếu tố tích cực, tiến bộ, phù hợp với xu hướng của sự tồn tại, như nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ rõ: cái phủ định ra đời trên cơ sở của cái khẳng định, cái mới ra đời trên cái cũ, nhưng ở đó có sự kế thừa cái tích cực, tiến bộ của cái cũ.

Thứ hai, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là tăng cường hơn nữa việc xây dựng nền tảng tinh thần của con người Việt Nam hiện đại.

Mỗi con người đều có cả hai mặt cùng song song tồn tại, đó là vật chất với tinh thần. Nếu chỉ có một mặt thì đó chưa phải là con người hoàn chỉnh. Trong một xã hội cũng vậy, nếu chỉ tồn tại mặt vật chất thì chưa đủ, mà ở đó cần phải có mặt tinh thần, yếu tố của sự kết cấu cộng đồng. Nền tảng tinh thần có sức mạnh to lớn trong xã hội. Chính nó là hệ giá trị, là hòn đá tảng trong sự phát triển của xã hội. Sự tồn tại của nền tảng tinh thần được đặt trong mối quan hệ với các yếu tố quan trọng trong xã hội, đó là kinh tế, chính trị. Mối quan hệ đó đã được Đảng ta đề cập ở Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, rồi tiếp tục được khẳng định rõ nét hơn tại Hội nghị Trung ương 10 khóa IX, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, đó là luận điểm về sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với nhiệm vụ xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần. Đảng ta xác định có ba trụ cột vững chắc, không thể khuyết đi một trụ cột nào trong quá trình phát triển đất nước. Giữa các yếu tố đó có sự tác động qua lại, khăng khít với nhau trong quá trình phát triển. Nền tảng tinh thần được xác định là toàn bộ các giá trị tinh thần do con người Việt Nam hình thành nên, nó có sự truyền bá từ thế hệ này sang thế hệ khác, nó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình phát triển.

Thứ ba, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là góp phần nâng cao bản lĩnh của nền văn hóa Việt Nam, tạo cơ sở quảng bá hình ảnh đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng.

Đối với Việt Nam, nâng cao bản lĩnh văn hóa trong hội nhập không phải là mới. Chúng ta đã từng phải chịu một nghìn năm lệ thuộc về mặt chính trị, văn hóa trong thời kỳ Bắc thuộc. Tuy nhiên, sự tiếp biến văn hóa một cách chọn lọc, sáng tạo đã được người xưa thực hiện rất thành công, kết quả là dân tộc ta giữ vững được những truyền thống văn hóa cội nguồn tốt đẹp đến ngày nay. Tư tưởng ấy đã được Đảng ta kế thừa, thực hiện từ những ngày đầu đất nước giành độc lập. Kết quả là nhiều thành tựu văn hóa nước ngoài tại Việt Nam vẫn được bảo tồn; nhiều trào lưu, nét đẹp văn hóa được tiếp nhận, biến đổi phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Ngày nay, chủ trương của Đảng đối với văn hóa thể hiện rõ trên hai quan điểm, mục tiêu phát triển, đó là giữ gìn, phát huy cao độ giá trị con người, văn hóa truyền thống, chủ động hội nhập, lựa chọn những yếu tố tích cực, loại bỏ tiêu cực khi tiếp nhận văn hóa mới. Tuy nhiên, trong một thế giới phẳng với sự bùng nổ nhanh chóng của mạng internet, công nghệ số, các yếu tố văn hóa tác động một cách trực tiếp đến cá nhân, nên sự sàng lọc không hề dễ dàng. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, mức độ hưởng thụ văn hóa ở nước ta thì tăng lên nhưng tính sáng tạo bị giảm đi. Nguyên nhân là do một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là giới trẻ, thiếu chủ động trong việc tiếp nhận các giá trị văn hóa, dẫn tới cách nhìn lệch lạc, tâm lý thích hưởng thụ. Trong khi đó, chính sách quản lý cũng như các biện pháp tuyên truyền của cơ quan Nhà nước cũng chưa thực sự phát huy được hiệu quả cao. Để khắc phục những hạn chế, nâng cao hơn nữa bản lĩnh văn hóa nước nhà trong tiến trình hội nhập, các chủ thể văn hóa cần tích cực, nỗ lực cụ thể hóa nội dung Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Có thể thấy, việc tích cực giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện nay là vấn đề quan trọng. Không nên đồng nhất quan điểm quá đề cao truyền thống mà phủ định sự thay đổi; cũng không nên có quan điểm thay đổi hoàn toàn trong quá trình hội nhập, mở cửa. Chúng ta cần nhận thức rõ rằng phải nâng cao bản lĩnh của nền văn hóa trước những nhân tố tác động, không ngừng tiếp thu để làm giàu thêm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho phù hợp với thực tại. Bối cảnh trong nước cũng như quốc tế đang mở ra nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới trong hội nhập văn hóa, nhất là khi một cộng đồng chung ASEAN đã chính thức được hình thành. Chúng ta từng tự hào về một dân tộc có bề dày văn hóa, lịch sử, có bản lĩnh, sức sáng tạo trong tiếp nhận văn hóa thì ngày nay sự sáng tạo đó cần thiết phải được đánh thức, để đưa đất nước vững vàng đổi mới.

Đảm bảo sự thống nhất giữa truyền thống với hiện đại, kế thừa với đổi mới trong giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên

Truyền thống không hoàn toàn là những yếu tố cũ, lạc hậu, lỗi thời mà đó còn có nhiều điều hay, tích cực cần phải được tiếp tục bổ sung. Nguyễn Văn Lý cho rằng: “Truyền thống, xét về mặt đặc trưng, là những gì đã trở nên ổn định được đông đảo mọi người thừa nhận, đã ăn sâu vào tâm lý, tập quán xã hội từ thế hệ này sáng thế hệ khác. Truyền thống biểu hiện qua từng giai đoạn lịch sử nhất định mà biểu hiện đầy đủ, cụ thể nhất là ở thời điểm hiện tại. Những giá trị được hình thành từ hôm nay hay ngày mai nếu trở thành phổ biến, ăn sâu vào đời sống tâm lý, lối sống của cộng đồng thì sẽ tạo ra truyền thống mới” (2).


 Lễ cưới của người Tày. Ảnh Internet  

Tuy nhiên, không phải cái gì thuộc truyền thống cũng mang giá trị tích cực hay phù hợp với điều kiện hiện tại. Vì vậy, trong quá trình giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên, cần phân định rõ những yếu tố nào cần được giữ gìn, phát huy, những yếu tố nào cần phải loại bỏ ở cả loại hình văn hóa vật chất lẫn tinh thần.

Đối với văn hóa vật chất, cần giữ gìn các kiến trúc của ngôi nhà sàn truyền thống về cách thiết kế. Từ xưa đến nay, mặc dù có nhiều sự đan xen trong quá trình phát triển đất nước, nhưng người Tày Thái Nguyên vẫn giữ cách thức xây dựng ngôi nhà sàn truyền thống của mình. Bộ sườn của ngôi nhà bao gồm các vì kèo. Trong đó, mỗi một vì được tạo nên bởi sự liên kết giữa kèo, các hàng cột. Qua các vì kèo đó, người ta có thể biết được các dạng thức của ngôi nhà. Có hai kiểu cơ bản của nhà sàn Tày truyền thống, đó là: vì 2,4,6 hàng cột; vì 3,5,7 hàng cột. Với người Tày nơi đây, kiểu nhà sàn 6 hàng cột là phổ biến trong kiến trúc xây dựng nhà của họ. Đây chính là sự phân biệt về nhà ở của người Tày Thái Nguyên với người Tày của các địa phương khác, đặc biệt, cần phát huy cách thức dựng nhà sàn do chính đồng bào Tày tiến hành. Trên thực tế, nhiều gia đình có sự hạn hẹp về kinh tế, không thể duy trì việc xây dựng nhà sàn bằng gỗ do chi phí tiền mua gỗ rất cao, phải vận chuyển từ các tỉnh lân cận, nên có thể thay thế bằng các vật liệu hiện đại, như: sắt thép, xi măng, mái tôn… Trong ẩm thực, nên giữ gìn, phát huy các món ăn truyền thống trong các ngày lễ tết của tộc người. Những món ăn cầu kỳ, phức tạp với các nguyên liệu khai thác từ thiên nhiên mà có sự ảnh hưởng đến môi trường sinh thái thì nên hạn chế hoặc thay thế bằng các loại nguyên liệu khác. Về trang phục, nên giữ những họa tiết, hoa văn, thiết kế nhưng có thể thay thế chất liệu may mặc để phù hợp, thuận tiện đối với cuộc sống hiện đại.

Đối với văn hóa tinh thần, phát huy tinh thần cố kết cộng đồng làng bản có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng đoàn kết, nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Nên loại bỏ những luật tục cũ kỹ, lạc hậu trong xây dựng nền văn hóa mới. Trong gia đình, cần giữ gìn truyền thống hiếu học, tiếp tục phát huy nền nếp trong gia đình từ nhiều đời nay. Nên hạn chế, dần dần từ bỏ tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ. Nhiều nét trong các phong tục tập quán, tín ngưỡng của đồng bào cần có sự chọn lọc, loại bỏ những yếu tố không phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Như vậy, với sự phân định rõ những yếu tố nào nên giữ gìn hay loại bỏ hoặc thay thế bằng những yếu tố hiện đại cho phù hợp có ý nghĩa quan trọng trong quá trình lựa chọn giải pháp cho việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên hiện nay.

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày Thái Nguyên là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân

Trong bối cảnh hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phát triển của kinh tế thị trường đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các dân tộc trong cả nước. Tuy nhiên, nó đã làm cho một bộ phận không nhỏ trong nhân dân, nhất là tầng lớp thanh niên có tâm lý coi trọng các giá trị vật chất, xem nhẹ các giá trị tinh thần, dẫn đến sự hình thành lối sống hưởng thụ, thực dụng, lãng phí. Cùng với đó là sự nảy sinh tâm lý hướng ngoại, thích dùng hàng ngoại, coi thường các sản phẩm do nước nhà sản xuất, kể cả hàng hóa có chất lượng cao. Trong lĩnh vực văn hóa, vấn đề giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Tày cũng như các dân tộc trong cả nước càng trở thành vấn đề cần được Đảng, Nhà nước quan tâm một cách sâu sắc, toàn diện. Nhận thức rõ điều đó, Đảng đã từng nhận định: “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước, giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã, tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý, cần cù, sáng tạo trong lao động, tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống… Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo” (3).

Chính nhờ sức mạnh của những giá trị truyền thống đó mà dân tộc ta đã vượt qua biết bao thử thách khắc nghiệt, chiến thắng thiên tai, địch họa để tồn tại, phát triển được như ngày nay. Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trước hết là bảo vệ, kế thừa, phát triển những giá trị tinh thần cao đẹp đó. Do đó, Đảng, Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên cần có những chính sách hợp lý, xuất phát từ chính những nhu cầu thiết yếu của đồng bào, có sự đồng bộ giữa các dân tộc thiểu số, nhưng lại có tính đặc thù đối với các địa phương, mỗi dân tộc. Chẳng hạn như có chính sách ngôn ngữ kết hợp với văn hóa để thúc đẩy song ngữ Kinh – Tày trong bối cảnh ngôn ngữ của đồng bào hiện nay đang có nguy cơ biến mất hoàn toàn; cần có chính sách thúc đẩy các sản phẩm văn hóa công nghiệp, nhằm giữ gìn sản phẩm văn hóa hiện đại; cần xây dựng cơ chế bảo vệ văn hóa…

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên cần có các quan điểm mang tính đặc thù với địa phương. Những quan điểm đó phải vừa có tính chiến lược, vừa mang tính cụ thể trong quá trình thực hiện. Tựu trung lại, mỗi nền văn hóa muốn tồn tại bền vững thì rất cần đến việc duy trì bản lĩnh của chính mình trước những tác nhân bên ngoài. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền của Thái Nguyên, mà quan trọng nhất là của chính người dân, các chủ thể của nền văn hóa.

_______________

1. Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh về văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.30.

2. Nguyễn Văn Lý, Kế thừa và đổi mới các giá trị đạo đức truyền thống trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.57.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.56, 57.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ NỘI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *