Hai cây bút nữ quyền đầu tiên trong văn học séc

Božena Němcová (1820 – 1862) và Karolina Světlá (1830 – 1899) là hai nữ nhà văn Séc nổi tiếng nửa TK XIX. Hai nữ nhà văn này sống cùng thời biết nhau và viết thư cho nhau. Việc tìm hiểu kỹ hơn về quan hệ của hai nữ nhà văn cho chúng ta hiểu thêm về những khái niệm riêng biệt của văn chương và nữ quyền tại châu Âu giữa TK XIX.

Johana Rottová (tên riêng của K.Světlá) viết lá thư đầu tiên cho B.Němcová vào ngày 16 – 9 – 1850. Mùa hè trước đó, Petr Mužák, chồng sắp cưới của J.Rottová, vừa đến thăm hai vợ chồng Němec và làm quen với Božena. J.Rottová ấn tượng về một nữ nhà văn can đảm quyết định chủ động viết thư cho B.Němcová. Trong thư đầu tiên, cô khuyến khích Němcová viết quyển sách lịch sử đất nước Séc dành cho phụ nữ. Dù ít hơn 10 tuổi, cô vẫn muốn khuyên B.Němcová về cách viết quyển sách mới. Thậm chí, Johana (20 tuổi) khuyến khích B.Němcová (30 tuổi, đã nổi tiếng): “Ý thức rằng mình đã làm một điều tốt lành quan trọng hơn lời khen của con người”. Dù đã chỉ dẫn và  khuyến khích, Rottová vẫn bày tỏ ý muốn, gặp được B.Němcová: “Chúng tôi mong chờ và duy trì niềm hy vọng rằng sau khi Praha cổ điển chào đón cô, cô sẽ nhớ làm vui lòng gia đình Rott và đến thăm chúng tôi”(2).

Một thời gian ngắn sau, B.Němcová và Rottová kết bạn thân thiết. Cuối tháng 9, B.Němcová đã đến thăm gia đình Rott tại Praha. B.Němcová thuê nhà ở quảng trường Václav, không xa nhà gia đình Rott ở phố Poštovská. Gia đình Rott có cửa hàng, vừa chăm chỉ làm việc vừa mở rộng hiểu biết. Cha mẹ Johana mở lòng với phong trào phục hưng dân tộc Séc và khái niệm nữ quyền mới.

Trong thời gian đó B.Němcová đến Praha để cho hai con trai, Hynek và Karel, đi học trường Séc. Chồng bà đã đăng ký nơi việc làm mới ở   Hungary và B.Němcová muốn bắt đầu một cuộc sống độc lập tại Praha, trung tâm văn hóa Séc. B.Němcová chơi với gia đình Rott rất thân mật, cha mẹ Johana gọi Božena bằng con gái. Vào năm 1852, B.Němcová sang Hungary, và từ thời gian này đã có nhiều thư hơn giữa B.Němcová và hai chị em Rott. Đầu năm, Johana đã cưới Petr Mužák.

Trong thời gian mới kết hôn và mang thai, Johana Mužáková rất gần gũi với B.Němcová và đồng quan điểm với cách sống của bà. Trong thời gian này Johana Mužáková chưa từ chối dứt khoát khái niệm tình yêu tự do của George Sand.

Còn Sofie, em gái Johana, cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với khái niệm và sự nghiệp của G.Sand. Vào ngày 12 – 9 – 1852, Sofie đã viết về G.Sand trong lá thư cho Božena như sau: “Em luôn luôn phải nghĩ đến người phụ nữ này, bà ấy như một ngôi sao sáng, từ lúc em biết về bà, em mong muốn học bà”. B.Němcová đồng quan điểm với Sofie, đã trả lời: “Chị tin rằng em càng ngày càng ngưỡng mộ bà Sand, bà ấy cũng là tấm gương của chị. Chị thật rất tiếc vì không thể đọc sách của bà bằng tiếng Pháp”.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 – 1853 trong thư giữa hai người bạn có sự thay đổi. Johana Mužáková khuyên B.Němcová rời bỏ Praha sang Hungary sống với chồng, hy sinh ý muốn và kế hoạch bản thân cho hạnh phúc gia đình. Josef Němec (chồng Božena) đã có được việc làm ổn định, lương cao hơn tại Hungary và mong chờ vợ con trở về.

Sau khi con gái mới sinh qua đời, Karolina Světlá (tên mới của J. Mužáková) thay đổi quan điểm và hướng đi, dần dần tránh xa khái niệm tình yêu tự do và quan điểm G.Sand và gần gũi với khái niệm về giá trị lớn của việc hy sinh hạnh phúc bản thân vì tình yêu thương vị tha, cao vời. Đó cũng là một trong những lý do tại sao nhà văn chọn họ mới Světlá (sáng sủa). Sau này trong bức thư cho Jan Neruda giải thích thêm tại sao chọn họ Světlá, rõ ràng không chỉ là theo tên của làng quê chồng, mà có ý nghĩa sâu sắc hơn liên quân đến vai trò của nữ nhà văn mới đạt cho mình: “Mọi người gọi tôi bằng Světla vì lý do gì, nếu tôi không làm sáng ra tối tăm trong tim của con người?”.

Rõ ràng từ cuối tháng 3 – 1853 cách viết thư thay đổi, K.Světlá khuyến khích B.Němcová bỏ rời Praha và nhanh chóng về với chồng. Cuối cùng B.Němcová nghe lời bạn và sang Hungary. Trong thư từ ngày 24 – 6 – 1853 cho K.Světlá từ Hungary, B.Němcová xin lỗi vì đã viết thư cho K Světlá và như vậy đã không làm theo lời hứa của mình dành cho bà Rott (mẹ Johana và Sofie) là không liên hệ với hai con gái của bà nữa. Rõ ràng vì một lý do nào đó, trong thời gian này, B.Němcová đã không phải là “con gái” của gia đình Rott nữa. Không may, khi B.Němcová vừa mới sang Hungary, Josef Němec bị mất việc làm vì đã tham gia vào cách mạng năm 1848. Từ lúc này, thư gửi cho vợ chồng Němec từ Praha bị cảnh sát giữ, vậy thông tin về bệnh nặng của con trai Hynek ở lại Praha để đi học B.Němcová đã nhận được muộn. Biết tin rồi B.Němcová nhanh chóng quay lại Praha.

Bức thư cuối cùng của B.Němcová gửi cho Sofie là từ tháng 9 – 1853. B.Němcová xin tạm thời ở lại nhà vợ chồng Mužák. Nhưng cuối cùng B Němcová đã tạm thời ở nhà bà trợ lý Ullmannová. Không biết ai sắp xếp chỗ ở cho B.Němcová, nhưng rõ ràng hai vợ chồng Mužák và gia đình Rott đều không sẵn sàng cho B.Němcová ở cùng nhà. Tình bạn giữa hai nhà văn Séc đã kết thúc.

Tại sao tình bạn giữa hai nhà văn đột ngột kết khúc như vậy? Một trong những lý do thường xuyên được nêu lên trong sách về B.Němcová và K.Světlá là quan hệ của B.Němcová với bác sĩ Vilém Dušan Lambl. Đầu mùa đông năm 1851, B.Němcová bị bệnh và làm quen với bác sĩ trẻ Lambl (1824 – 1895). Bác sĩ trẻ này cũng hay đến thăm gia đình Rott. Trong thư giữa B.Němcová và hai chị em Rott thời ấy, ba bạn hay nói về bác sĩ trẻ này như về một bạn thân và hay tâm sự những cảm nghĩ riêng một cách bí mật. Ví dụ khi chia sẻ về bạn của mình, không ghi cả tên, nhưng chỉ viết một hai chữ đầu tên bạn.

Khi Josef Němec đến thăm gia đình đầu năm 1852 đã tỏ ra khó chịu khi theo dõi quan hệ mật thiết giữa vợ và bác sĩ Lambl. B.Němcová nhiều lần đảm bảo với chồng đây chỉ la quan hệ thân mật giống như giữa mẹ con. Sau này khi viết từ Slovakia, B.Němcová đã gửi thư cho hai chị em Rottcho trước và sau đó nhờ bác sĩ gửi giúp. Vào mùa xuân năm 1853, K.Světlá bắt đầu khuyến khích B Němcová sang Hungary sống với chồng. Từ thời gian đó B.Němcová với hai chị em Rott không thân mật nữa.

Theo những bức thư của K.Světlá khuyến khích B.Němcová sang Hungary với chồng có thể kết luận rằng gia đình Rott hy vọng rằng B.Němcová sẽ ở lại sống tại Hungary lâu dài và như vậy hẳn chấm dứt quan hệ với bác sĩ Lambl. Có lẽ B.Němcová cũng đã muốn làm theo lời hứa của mình với bà Rott, nhưng khi con trai Hynek bị ốm nặng đã phải quay lại Praha và rất biết ơn bác sĩ Lambl đã tận tụy chăm sóc Hynek. Khi Hynek qua đời, trong tình trạng đau thương, B.Němcová không kiềm chế được tình cảm dành cho Lambl nữa. Gia đình Rott đánh giá B.Němcová như một người không làm theo lời hứa cho họ. Do vậy, đến cuối năm 1853 K.Světlá và cả gia đình Rott không liên hệ thân mật với B.Němcová nữa.

Sau một thời gian dài vào ngày 12 – 3 – 1889, KSvětlá giải thích thêm về vấn đề đã xảy ra giữa B.Němcová và gia đình Rott mấy chục năm trước đó trong bức thư gửi cho nữ nhà văn Tereza Novákova. K.Světlá viết rằng, B.Němcová đã làm quen với bác sĩ Lambl tại nhà gia đình Rott trong thời gian cả nhà mong muốn bác sĩ thành chồng của Sofie. Tuy nhiên, một thời gian rất ngắn sau B Němcová với bác sĩ Lambl gần gũi nhau rất mật thiết. Theo K.Světlá B.Němcová “đã yêu Lambl say mê với tất cả trái tim” và bác sĩ trẻ thể hiện tình cảm đặc biệt với B Němcová trước cả gia đình Rott.

Jaroslava Janáčková, trong bài nghiên cứu về quan hệ giữa B.Němcová và hai chị em Rott, nêu thêm lý do khác nữa dẫn đến mất tình bạn giữa ba nhà văn này: “Hai chị em Johana và Sofie Rott với Němcová đã gần gũi làm bạn và lại chia tay trong thời điểm bước ngoặt quan trọng và phát triển tư tưởng. Nhiều người tin rằng sắp tới bắt đầu một thời đại mới được tự do và kết nghĩa cả nhân loại thành anh em, nhưng trong thập niên 50 TK XX hy vọng này đã bị tan vỡ. Němcová thất vọng khi thấy những ước mơ của bà và nhiều người cùng thời không được thực hiện và đã gặp tình huống này trong khi đang sáng tác văn chương hay nhất. Ngược lại, như bức thư đầu tiên (của Johana Rottová) cho Němcová đã tiết lộ, từ lúc đầu thích tư tưởng hy sinh bản thân và phục vụ, còn sau khi vào năm 1853, con bà qua đời và bà trải qua khủng hoảng nặng nề, J.Mužáková bắt đầu bước đi trên tàn tích còn lại của hy vọng và ước mơ phía hướng của chính mình. Kết thúc tình bạn của ba nhà văn cho biết về thay đổi những giá trị cơ bản trong xã hội”.

L.Cěch đã đặt cho K.Světlátên “George Sand Séc”, nhưng khi xem xét quan điểm và cách sống của ba nữ nhà văn (K.Světlá, B.Němcová và G.Sand), thì có thể kết luận tên gọi này phù hợp hơn với B.Němcová. Họ có nhiều điểm chung cả trong cuộc sống, cả trong sự nghiệp, sống trong hôn nhân không hạnh phúc và sau này tìm cách thoát khỏi trong tình yêu tự do B.Němcová ngưỡng mộ G.Sand như một hình mẫu. G.Sand trong thời gian không dài đã từng yêu những nghệ sĩ nổi tiếng như Alfret de Musset, Franz Liszt, Prospere Merime, Frederik Chopin và nữ diễn viên Marie Dorval… Còn B.Němcová sống trong hôn nhân không hạnh phúc cũng từng yêu những nghệ sĩ và nhà trí thức cùng thời, như Václav Bolemír Nebeský (1818 – 1882), Jan Helcelet (1812 – 1876), Vilém Dušan Lambl và Hanuš Jurenka. Giống như G.Sand, B.Němcová cũng không ngần ngại yêu đàn ông trẻ hơn mình (ví dụ Hanuš Jurenka ít hơn B.Němcová 11 tuổi). Trong văn chương cả hai nữ nhà văn châu Âu này đều có những tiểu thuyết miêu tả “xã hội tốt đẹp hơn” so với sự thật và lý tưởng hóa nhân vật. Cả hai nữ tác giả cũng tạo những nữ nhân vật độc đáo, xinh đẹp và mạnh mẽ biết đối phó với các vấn đề, ví dụ  Consuelo của G.Sand, hoặc Divá Bára của B.Němcová. Trong thư cho Sofie Rottová, B.Němcová cũng ghi nhận rằng Sand là tấm gương của bà.

Tuy nhiên, trong khi cuối thập niên năm mươi B.Němcová giảm viết văn xuôi, K.Světlá khởi đầu văn chương của mình như một nữ nhà văn mới với khái niệm, cách viết và cách sống riêng biệt và độc đáo. Chính trong tiểu thuyết đầu tiên Hai lần tỉnh dậy (Dvojí probuzení, 1858) K.Světlá rất có thể tranh luận với quan điểm của B.Němcová. Tên nhân vật chính cũng là Božena, bắt đầu yêu tiến sĩ triết trong thời gian đang ở quê với mục đích gần gũi với Alfred, chồng tương lai gia đình đã chọn cho Božena. Nàng chiến đấu với chính mình và tình cảm của mình. Gia đình ngăn cản tình yêu mới của Božena, còn anh tiến sĩ muốn hai người chạy trốn sang Mỹ sống. Sau một quá trình đấu tranh với bản thân Božena quyết định chia tay với tiến sĩ để cưới Alfred theo ý muốn của gia đình. Khi đưa ra quyết định không dễ và thấy anh tiến sĩ rời cung điện, thốt lên: “Chỉ có tình yêu thật mà biết hy sinh. Tất cả những cảm nghĩ khác đều là do lòng ích kỷ mù quáng, say mê”. Trong tiểu thuyết đầu tiên K.Světlá đã trình bày khái niệm riêng biệt của bà và như vậy cũng tỏ ra khác biệt với quan điểm và cách sống của B.Němcová. Khái niệm hy sinh bản thân, kiềm chế được cảm xúc, tình cảm riêng vì lợi ích của người khác, vì lòng yêu thương vị tha, cao thượng K.Světlá áp dụng không chỉ trong văn chương mà còn trong cuộc sống.

B.Němcová đã nghe lời Johana, nhưng sau một thời gian cô thấy khó duy trì đi theo sự quyết định đó. Trong thư trả lời cho Johana cô thú nhận: “chị là nô lệ của trái tim đam mê không bao giờ thỏa lòng được, vậy chị sẽ không bao giờ hạnh phúc được”. Mùa hè năm 1855, cô tâm sự với bác sĩ Hanuš Jurenka: “Khi theo dõi chính mình em muốn khóc, nhưng bên trong em cứ cháy một chuỗi ngọn lửa đam mê kịch liệt. Nhiều lần sợ hãi em muốn ôm cả thế giới vào lòng…

Trong văn chương nữ nhân vật mạnh mẽ và can đảm của B.Němcová cuối cùng tìm được tình yêu và được hạnh phúc bên cạnh người nàng yêu. Cả làng không hiểu con gái thông minh và can đảm tên là Bára, cuối truyện có đàn ông nàng thầm yêu tìm thấy vẻ đẹp bên trong của nàng và cưới Bára. Trong văn chương  B.Němcová muốn tạo một thế giới tốt đẹp, người tốt được phần thưởng như trong nhiều truyện cổ tích bà hay thu thập và biên soạn.

So với B.Němcová, K.Světlá miêu tả một thế giới không công bằng, đầy đau lòng, nhiều lần kết thúc không tốt đẹp. K.Světlá tìm thấy lối thoát trong sự hy sinh của một nữ nhân vật mạnh mẽ và can đảm. Trong văn chương K.Světlá, nhân vật không kiềm chế được cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ có thể gặp tai hại. Ví dụ nữ nhân vật Xavera trong tiểu thuyết Hoàng hậu chuông (Zvonečková královna 1872) đã bị cảm xúc chi phối, phản bội người yêu, cuối cùng bị phát điên. Ngược lại, nhân vật Eva trong Cây thập tự bên suối (Křížu potoka, 1868) hy sinh tình yêu, dứt khoát không nghe theo trái tim đam mê và ở lại bên cạnh Štěpán, chồng hung bạo và không chung thủy. Cuối cùng Eva được phần thưởng vì hy sinh cho gia đình và người khác trong làng, cách đối xử của Eva tác động đến chồng, Štěpán thay đổi cách sống và nỗ lực chiến đấu để giúp người nghèo khổ. Nhưng so với nhân vật của B.Němcová, dù nhân vật Eva hy sinh vẫn không được sống với người yêu là Ambrož, cuối cùng Ambrož bị giết khi cố gắng cứu Štěpán. Eva sống bên cạnh người chồng và được thỏa nguyện khi hết sức nỗ lực hỗ trợ chồng giúp đỡ người trong làng, nhưng tình cảm dành cho Ambrož vẫn còn, tất cả mọi việc làm được vì hy sinh tình cảm riêng cho gia đình, cộng đồng. K.Světlá miêu tả sự hy sinh đó và khả năng kiềm chế cảm xúc nữ nhân vật đặc biệt trong hoàn cảnh khi Eva tiết lộ tình cảm dành cho Ambrož vừa bị tổn thương nặng khi hy sinh mạng sống cho Štěpán. Khi cho Ambrož biết lý do không chạy trốn với chàng, vết sẹo trên trán của Eva như một biểu tượng sự chịu đựng và hy sinh lớn lao. Nữ nhân vật chính của K Světlá vẫn không nhận được những gì lòng muốn, nhưng được phần thưởng khi duy trì lương tâm trong sạch và tìm được thỏa nguyện trong tình yêu thương cao thượng dành cho người khác.

Sau này, K.Světlá làm quen với nhà thơ trẻ Jan Neruda và khi sau một thời gian viết thư cho nhau Jan Neruda đề nghị chạy trốn đến Paris sống cùng nhau, K.Světlá dứt khoát từ chối. Dù đã dành tình cảm cho Jan Neruda cô vẫn từ chối chạy trốn với nhà thơ tập trung vào việc tổ chức hoạt động hỗ trợ các phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn và tham gia vào những việc mở rộng hiểu biết của phụ nữ. Bằng cuộc sống này K.Světlá chứng tỏ rằng đối với bà, việc hy sinh hạnh phúc cá nhân vì tình yêu thương cao thượng không chỉ là khái niệm văn chương mà còn là cách sống.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : JULIE LIEN VRBKOVÁ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *