Hai chuyên khảo về di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở Việt Nam

        

                   

 

      Việt Nam là quốc gia đã ký tham gia 3 công ước của UNESCO: Công ước năm 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên, Công ước năm 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Theo nội dung Công ước năm 2003, cho đến nay, nước ta đã có 11 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh trong danh mục các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bao gồm: nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, đờn ca tài tử, nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, kéo co (di sản đa quốc gia), thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, hát xoan. Ngoài ra, còn có một di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản cần bảo vệ khẩn cấp là ca trù.

     Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mới có hai chuyên khảo là Hội Gióng, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nxb Khoa học xã hội, 2017) và Dân ca quan họ Bắc Ninh, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nxb Khoa học xã hội, 2018) là nghiên cứu chuyên sâu. Bài viết này, chúng tôi xin đề cập hai cuốn sách trên.

     Hội Gióng, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là chuyên khảo gồm 6 chương: Nhìn lại tình hình sưu tầm, nghiên cứu hội Gióng; Không gian của hội Gióng; Hội Gióng ở đền Phù Đổng; Hội Gióng ở đền Sóc; Hội Gióng ở một số làng xã khác; Giá trị và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của hội Gióng, cùng một phụ lục: tư liệu chữ Hán, Nôm, quốc ngữ về hội Gióng; tư liệu tiếng Pháp về hội Gióng; danh mục công trình tác phẩm về hội Gióng; ảnh về hội Gióng. Tác giả Nguyễn Chí Bền là chủ biên, tác giả Bùi Quang Thanh, Lê Thị Hoài Phương là các cộng tác viên, bản in đã công bố năm 2010. Cuốn sách đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải Nhì B ở giải thưởng năm 2011.

     Dân ca quan họ Bắc Ninh, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là cuốn sách Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh trao nhiệm vụ cho GS, TS Nguyễn Chí Bền, người cách đây 10 năm làm giám đốc dự án xây dựng hồ sơ quốc gia dân ca quan họ Bắc Ninh trình UNESCO vinh danh, viết một chuyên khảo. Cuốn sách gồm 7 chương: Nhìn lại tình hình sưu tầm, nghiên cứu dân ca quan họ Bắc Ninh; Không gian văn hóa, lịch sử của dân ca quan họ Bắc Ninh; Nguồn gốc và quá trình phát triển của dân ca quan họ Bắc Ninh; Làng quan họ và các thành tố văn hóa; Nghệ nhân quan họ; Những giá trị mang tầm nhân loại của dân ca quan họ Bắc Ninh; Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phần phụ lục gồm có: văn bản liên quan nghi lễ tại các làng quan họ, lễ hội ở các huyện có dân ca quan họ Bắc Ninh, tên các lời ca quan họ Bắc Ninh, những người có công lao lớn với di sản quan họ Bắc Ninh, ảnh về dân ca quan họ Bắc Ninh.

     Như vậy, cả hai cuốn chuyên khảo đều thuộc loại dày dặn, công phu về di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh. Có thể thấy, những đóng góp của hai cuốn sách chuyên khảo này có những giá trị tương đồng.

     Công trình nghiên cứu về hai di sản văn hóa phi vật thể này đã có khá nhiều. Với hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, ít nhất đã có các công trình có giá trị sâu sắc về nó như của tác giả Nguyễn Văn Huyên, Cao Huy Đỉnh, Tạ Chí Đại Trường, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Tự Cường. Với dân ca quan họ Bắc Ninh, số các công trình có giá trị sâu sắc về nó cũng khá nhiều như công trình của nhóm tác giả Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý; nhóm tác giả do Lê Danh Khiêm chủ biên; của từng tác giả như Trần Văn Khê, Hồng Thao, Trần Linh Quý, Lê Danh Khiêm, Trần Minh Chính; hai tác giả quốc tịch Mỹ: Lê Ngọc Chân, Lauren Meeker. Vì thế, tác giả Nguyễn Chí Bền cùng các cộng sự ở cả hai công trình đều phải kế thừa công trình, kết quả nghiên cứu của người đi trước cả về tư liệu, nhận định. Trong cả hai cuốn sách, tác giả Nguyễn Chí Bền cùng các cộng sự đã tạo ra cái mới cho hai công trình của mình.

     Ở cách tiếp cận, Hội Gióng, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được nhìn nhận từ diễn biến ranh giới địa lý của vùng xứ Kinh Bắc xưa, đến trình bày vùng trung tâm, vùng lan tỏa, không gian của hội Gióng, chủ thể, khách thể của hội Gióng, miêu tả hội Gióng ở Phù Đổng, đền Sóc, cùng các làng xã khác. Sau đó, các tác giả trình bày các giá trị của hội Gióng theo tính chất một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân ca quan họ Bắc Ninh, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng được theo một cách tiếp cận ấy, trình bày từ diễn biến ranh giới địa lý, nguồn gốc, quá trình phát triển, sau đó trình bày về làng quan họ, các thành tố văn hóa của nó, đề cập tới nghệ nhân quan họ, những giá trị mang tính nhân loại của dân ca quan họ Bắc Ninh với bảo vệ, phát huy giá trị của một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Rõ ràng, đây là cách tiếp cận mới, khiến hai cuốn sách đem đến cho người đọc những nhận thức mới về hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

     Thứ nhất, cách tiếp cận tổng thể đã được Nguyễn Chí Bền cùng các cộng sự thực hiện với tinh thần khoa học cẩn trọng. Với Hội Gióng, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nếu các tác giả đi trước dừng lại ở miêu tả lễ hội làng Phù Đổng hoặc làng Sóc, thì tác giả Nguyễn Chí Bền cùng các cộng sự lại trình bày tổng thể khiến hội Gióng được nhìn bao quát hơn. Với dân ca quan họ Bắc Ninh, các tác giả đi trước tiếp cận theo góc tiếp cận từng thành tố: âm nhạc, văn học dân gian, văn hóa học mà chưa có công trình tiếp cận tổng thể, từ tính nguyên hợp, đặc thù của một hiện tượng văn hóa dân gian. Công trình Dân ca quan họ Bắc Ninh, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã làm rõ được các vấn đề ấy.

     Thứ hai, cả hai công trình đều có một phụ lục rất chi tiết, tỉ mỉ. Phụ lục của Hội Gióng, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ trang 229 đến trang 562 đưa đến cho bạn đọc những tri thức liên quan, đặc biệt giá trị từ thần tích, các tác phẩm văn vần về Thánh Gióng đến sắc phong, hoành phi, câu đối ở các đền, văn bia ở các đền thờ, các ảnh minh họa. Tương tự, phụ lục của Dân ca quan họ Bắc Ninh, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ trang 261 đến trang 435 đưa đến cho người đọc những tri thức về các văn bản liên quan đến nghi lễ dân gian ở các làng quan họ cổ từ sắc phong, truyền thuyết đến danh mục lễ hội ở tiểu vùng văn hóa quan họ, tên các lời ca quan họ Bắc Ninh, danh sách nghệ nhân, nghệ sĩ đã được vinh danh, chân dung các nhà quản lý, nghiên cứu tiêu biểu về dân ca quan họ Bắc Ninh, ảnh minh họa.

     Hai chuyên khảo có nhiều nội dung hữu ích, đó là sản phẩm nghiên cứu khoa học nghiêm túc của các tác giả, nhưng có thể còn có những nội dung chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu đa dạng của các chuyên ngành khác. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, cơ hội cũng nhiều, thách thức cũng không hề ít. Tư liệu, nhận định về hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam do UNESCO vinh danh sẽ tạo cơ hội cho chúng ta xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn về hai di sản văn hóa phi vật thể đã nêu. Giá như cả hai chuyên khảo đưa được toàn bộ tri thức nghiên cứu chuyên sâu này đi vào đời sống văn hóa bằng những công cụ hỗ trợ, những hình thức quảng bá vừa học thuật, vừa phổ thông đời thường gắn với thời đại công nghệ số hóa thì giá trị thực sự của chuyên khảo sẽ còn to lớn, có sức lan tỏa ra xã hội nhiều hơn, nhanh hơn, hình thức xuất bản quen thuộc như đang có trên tay bạn đọc. Như vậy, cá nhân các nhà khoa học lại chưa có điều kiện để giải quyết thách thức đang đặt ra này. Do vậy, câu trả lời vẫn là cơ hội cho các dự án dài hơi, cụ thể trong tương lai của ngành văn hóa cũng như những địa phương có di sản đã vinh dự được UNESCO vinh danh.

Tác giả: Bảo Ngọc Oánh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *