Hiện là Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật của Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, đạo diễn – NSƯT Trịnh Quang Tùng vẫn đều đặn làm phim. Anh là người đa tài khi vừa có thể quay phim truyện điện ảnh, vừa đạo diễn phim tài liệu, phim khoa học. Và ở mỗi lĩnh vực anh đều gặt hái được những thành công. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII, anh vừa được trao giải Đạo diễn xuất sắc thể loại phim khoa học với bộ phim Lũ miền núi và bộ phim này cũng mang lại cho anh giải Bông sen Bạc. Anh trò chuyện với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.
Đạo diễn – NSƯT Trịnh Quang Tùng
●Chúc mừng anh vừa nhận giải thưởng Đạo diễn xuất sắc thể loại phim Khoa học. Cảm xúc của anh khi nhận giải thưởng này sau hơn 20 năm làm nghề?
– Xin cám ơn chị đã chúc mừng Tùng, nhận được giải thưởng thật vui và bất ngờ vì tôi biết trong kỳ LHP này có nhiều bộ phim chất lượng tốt. Có thể tôi đã may mắn hơn tí chút.
●Bộ phim khoa học Lũ miền núi có đề tài tương đối phức tạp: sự hình thành của lũ miền núi, từ đó đưa ra những phân tích khoa học để giúp người dân có những giải pháp phòng tránh lũ. Đề tài đòi hỏi một khoảng rộng về tư liệu và tài năng của đạo diễn trong việc tập hợp tư liệu và hình ảnh để giải quyết vấn đề đặt ra. Vì sao anh quan tâm tới đề tài này và thông điệp anh muốn gửi gắm trong bộ phim của mình?
– Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương hằng năm sản xuất nhiều phim với đề tài phong phú. Nhiều năm trở lại đây, thiên tai và đặc biệt là lũ ở miền núi vô cùng khốc liệt. Nó không đơn thuần chỉ là sạt lở, ngập úng mà nó rất khủng khiếp khi cuốn trôi mọi thứ, đặc biệt là cướp đi tính mạng của người dân. Một cảnh tượng tang thương và tàn khốc, có nhiều gia đình sau phút chốc đã không còn một ai, đó là nỗi đau với chúng ta. Vậy làm gì để giảm thiểu những thiệt hại đó? Với chức năng là một cơ quan tuyên truyền có bề dày hơn 65 năm đồng hành cùng cuộc sống, chúng tôi không thể đứng ngoài mà sẵn sàng xông pha để có những thước phim, bộ phim kịp thời phản ánh về cuộc sống đang diễn ra mong sao góp một tiếng nói dù nhỏ, giảm thiểu thiệt hại cho người dân để cuộc sống bình an và hạnh phúc trở lại.
Tôi đã gặp rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực này. Từ đó cố gắng phân tích, lý giải nội dung khoa học bằng ngôn ngữ điện ảnh để người xem dễ tiếp nhận. Xem phim, khán giả có thể hiểu được cơ chế hình thành đập ngăn nước, tạo thành hồ nước ẩn trong đất trên địa hình cao cho đến khi chúng phá huỷ con đập để đưa một khối lượng nước vô cùng lớn và đất đá xuống vùng thấp hơn với hình ảnh nhiều cục đá to đường kính cả chục mét từ đâu lăn xuống tạo bãi đá vô cùng kinh hãi. Phim cũng cho ta thấy trách nhiệm của con người trong việc ứng xử với thiên nhiên như thế nào…
NSƯT Trịnh Quang Tùng và ê kíp làm phim Lũ miền núi
Ngoài kiến thức khoa học về lũ miền núi, bộ phim đã kết hợp cách kể của ngôn ngữ phim tài liệu để phim được mềm mại, tạo cảm xúc và dễ tiếp nhận hơn, với hệ thống nhân vật mạch lạc. Ví dụ chúng tôi đã tìm gặp lại một gia đình chỉ còn lại duy nhất người chồng, vợ cùng hai con đã mất. Hình ảnh kết nối từ ngày lũ mới đi qua cho đến khi anh phải cố đứng dậy để tiếp tục sống, nỗi đau này cũng chính là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta.
Hay đứa trẻ ở phần mở đầu phim cũng vậy, hình ảnh đẹp, trong sáng được lặp lại ở kết phim khi em bé đứng nhìn một người bám bụi cây giữa dòng nước lũ. Biết đâu, ngày mai có thể người đó lại chính là em…
●Bộ phim Lũ miền núi của anh được đạo diễn – NSND Lê Hồng Chương – Trưởng Ban giám khảo phim Tài liệu – Khoa học nhận xét có những hình ảnh không phải lúc nào cũng quay được và đây là điều BGK đánh giá rất cao”. Anh có thể chia sẻ về quá trình quay bộ phim này?
– Đúng vậy, với hình ảnh về lũ và hậu quả của lũ thì không phải lúc nào cũng có thể ghi lại được. Có đợt quay đoàn đã phải đợi mãi mới có thể tiếp cận được hiện trường, ví dụ ở Quan Sơn, Thanh Hóa, hay Mường La, Sơn La… Quá trình quay phim cũng có những khó khăn riêng. Lũ không báo trước, không biết chính xác khu vực nào nên đây là vấn đề khó, chúng tôi không thể nằm ở đâu đó chờ lũ. Do vậy, để ghi được hình ảnh về lũ lúc đang diễn ra là vô cùng khó, thường khi chúng tôi đến thì lũ chỉ còn lại là dòng chảy mạnh, sự tan hoang, tàn khốc, chết chóc…
Tuy vậy, một số người dân cũng quay lại được bằng điện thoại lúc lũ đang diễn ra, chất lượng không cao nhưng đủ để thấy sức tàn phá không gì có thể ngăn cản được. Nó cuốn trôi mọi thứ trên đường đi, hình ảnh đó rất ám ảnh nếu ai đã được xem.
Bộ phim khoa học Lũ miền núi
Với số lượng hình ảnh từ nhiều nguồn khác nhau, từ các đồng nghiệp tại địa phương, các đài truyền hình cho đến người dân cùng với nhiều đợt ghi hình tại nhiều địa phương, cuối cùng tôi cũng đã tìm ra cách kể câu chuyện về lũ như thế nào. Ngoài sự tan hoang của bản làng thì con người được chúng tôi khai thác rất kỹ, từ đó tạo sự ám ảnh cho bất kỳ ai được nhìn thấy.
●Trước đó, bộ phim Bướm – côn trùng cánh vảy do anh đồng đạo diễn với Bùi Phương Thảo, đồng quay phim với Nguyễn Anh Tuấn đã đoạt Giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ XVII (năm 2011), giải Cánh diều bạc (năm 2010). Bộ phim này cũng từng khiến giới làm nghề và cả giới chuyên môn ngạc nhiên về những hình ảnh hiếm gặp và khó tìm mà anh và các đồng nghiệp quay được. Điều gì là động lực khiến anh bỏ tâm sức và thời gian cho những đề tài rất độc đáo đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, chính xác mà lại ít được khán giả đại chúng biết tới như những bộ phim khoa học?
– Với bất kỳ bộ phim nào, khi được giao bao giờ tôi cũng cố gắng làm hết sức, nghĩ hết nhẽ để tìm cách thể hiện, cách kể sao cho mới, cho lạ, khác biệt. Vì chỉ có như vậy tôi mới thấy tạm thoả mãn bản thân mình.
●Anh từng làm phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học và đều ghi được dấu ấn trong từng thể loại với những giải thưởng tại các kỳ LHP VN cũng như giải Cánh diều và nhiều giải thưởng khác, vì sao anh lại có nhiều đam mê như vậy và đâu là sở trường của anh?
– Tôi may mắn là được làm rất nhiều thể loại phim từ khi đang ngồi trong ghế nhà trường (Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội) và từng thể loại tôi đã tìm hiểu rõ, kỹ để không lẫn lộn, chồng lấn nhau. Có thể do đó mà vào vai nào tôi cũng có thể sáng tạo, phát huy thế mạnh từng thể loại để phù hợp nhất theo khả năng của mình.
Và với tôi, hạnh phúc là được làm phim!
●Vừa làm chuyên môn lại vừa làm quản lý, hai cương vị này có bổ trợ gì cho anh trong công việc không?
– Thật ra với một ai đã làm chuyên môn thì nên cho họ phát huy hết khả năng sẽ tốt hơn là làm cả quản lý. Nhưng với trọng trách thêm phần quản lý thì tôi cũng tìm ra cách trao đổi với nghệ sĩ thế nào cho phù hợp để khích lệ, phát huy sức sáng tạo trong từng tác phẩm. Khi có nhiều tác phẩm tốt thì Hãng cũng được ghi nhận và tồn tại, có thêm nhiều cơ hội phát triển.
●Nhiều năm nay anh vấn tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh HN. Điều gì anh tâm huyết nhất khi truyền đạt lại cho các sinh viên của mình?
– Tôi may mắn được đi theo tâm nguyện của thầy tôi, đạo diễn – NSƯT Trần Trung Nhàn, thầy của rất nhiều thế hệ sinh viên quay phim, đạo diễn. Thầy đã truyền lửa cho tôi và bây giờ tôi cũng muốn được truyền lại tất cả những gì tôi đã được học, được trải nghiệm cho các bạn sinh viên. Đó cũng là hạnh phúc, tôi thấy phần nào là trách nhiệm của mình, tôi yêu việc làm của tôi. Tôi tin thầy tôi sẽ rất vui, tôi cám ơn, tri ân những người thầy và đồng nghiệp đã cho tôi có được tình yêu đó.
●Xin cảm ơn anh và chúc anh luôn thành công!
Trịnh Quang Tùng cùng đồng nghiệp đã phải tốn nhiều công sức để quay được những cảnh lũ lụt
DIÊN VỸ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Sự trở lại của các Bond Girl
Giá trị phù điêu đất nung tại điện Ngưng Hy
Tom Hardy: Chiến thắng chính mình