Hành trình 20 năm từ Pháp lệnh đến Luật Thư viện

Từ Pháp lệnh Thư viện…

Ngày 28-12-2000, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa X biểu quyết, nhất trí tán thành Pháp lệnh Thư viện (PLTV). PLTV được ban hành đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của sự nghiệp Thư viện Việt Nam. Để triển khai PLTV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương đã chủ động hướng dẫn triển khai Pháp lệnh, tạo khuôn khổ pháp lý, giúp cho sự nghiệp thư viện phát triển, khẳng định vị thế, góp phần nâng cao dân trí và có nhiều tác động tích cực đối với kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước… Tuy nhiên, cũng gần 18 năm thi hành, PLTV và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập với hệ thống pháp luật và thực tiễn đời sống xã hội, đòi hỏi cần có Luật Thư viện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động thư viện Việt Nam. Đó là mong ước của hơn 30.000 người làm thư viện trong cả nước (1).

Năm 2012, dự án Luật Thư viện đã từng được đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. Nhưng do phạm vi điều chỉnh và một số vấn đề của dự thảo Luật chưa được làm rõ nên UBTVQH khóa XIII đã quyết định đưa ra khỏi Chương trình Quốc hội khóa XIII (2). Vì vậy, những người tham gia xây dựng Luật chờ đợi kết quả lần trình thứ 2 trước toàn thể đại biểu Quốc hội. Đến 14 giờ 15 phút, ngày 21-11-2019, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, 442/446 đại biểu có mặt đã biểu quyết nhất trí thông qua Luật Thư viện (91,51%). Đây là niềm vui lớn, thành quả từ công sức 480 ngày đêm lao tâm khổ tứ không chỉ của Ban soạn thảo (BST), Bộ VHTTDL, các cán bộ trong Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (UBVHGD), Tổ Thẩm tra và chuyên gia mà còn của những người tâm huyết với sự nghiệp Thư viện Việt Nam.

Ngày 1-7-2020, Luật Thư viện bắt đầu có hiệu lực. Một khối lượng lớn công việc cần thực hiện để triển khai Luật vào cuộc sống. Theo sát chặng đường 20 năm mới thấy chỉ với 6 chương, 52 điều, nhưng quá trình xây dựng Luật Thư viện lại gặp nhiều khó khăn, vất vả. Quy trình để ban hành một văn bản luật của Quốc hội như thế nào? Có những điểm gì mới so với PLTV 20 năm về trước?

Đến Luật Thư viện

Quy trình xây dựng Luật Thư viện

UBVHGD được Quốc hội khóa XIV giao nhiệm vụ chủ trì thẩm tra Luật Thư viện. Trong 1 năm có 2 kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 – 6 và tháng 10 – 11. Luật Thư viện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 6-2019) và trình thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11-2019).

Theo nguyên tắc, trước khi đưa ra Quốc hội, UBVHGD phải trình xin ý kiến UBTVQH. Khi UBTVQH đồng ý hồ sơ đã đủ điều kiện trình Quốc hội mới được đưa vào chương trình của Kỳ họp Quốc hội, mỗi tháng sẽ có 1 phiên họp UBTVQH.

Các giai đoạn xây dựng Luật Thư viện

Giai đoạn 1: UBVHGD đã thành lập Đoàn khảo sát, chuẩn bị đưa Dự án Luật vào thẩm tra. Tháng 7-2018, Đoàn khảo sát đã làm việc với Bộ VHTTDL; tổ chức khảo sát thực tế tại Hà Nội, TP.HCM, Thái Bình và Sóc Trăng (tháng 8 đến tháng 10-2018); tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về các vấn đề thuộc phạm vi khảo sát. Trên cơ sở xem xét báo cáo của các bộ ngành, 47 địa phương và kết quả các cuộc làm việc, khảo sát, tham vấn chuyên gia, Đoàn khảo sát đã nắm được khá toàn diện và chính xác thực trạng mạng lưới thư viện cả nước.

Với 23 trang của bản báo cáo kết quả khảo sát toàn diện, sâu sát, cụ thể việc thực hiện chính sách, pháp luật về thư viện, có thể đánh giá rằng: UBVHGD đã thực hiện công tác chuẩn bị cho việc xây dựng dự án Luật Thư viện rất bài bản, khoa học. Từ việc đánh giá “Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thư viện với 10 vấn đề lớn”, “Thực trạng tổ chức và hoạt động thư viện với 9 vấn đề cơ bản nhất”, ngay từ những ngày đầu, Đoàn khảo sát đã xác định rõ “Những vấn đề cần quan tâm khi xây dựng Luật” (3).

Để giúp Ủy ban xây dựng Kế hoạch thẩm tra, tổ chức thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo UBTVQH, ngày 5-11-2018, UBVHGD đã ban hành Nghị quyết thành lập Tổ công tác của UBVHGD thẩm tra dự án Luật Thư viện. Tổ công tác gồm 9 thành viên do bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban là Tổ trưởng và các thành viên gồm: ông Phan Viết Lượng, bà Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban); ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Phượng, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hướng dẫn nghiệp vụ, Thư viện Quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội; các chuyên gia: ông Tạ Bá Hưng, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin, Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) và ông Phạm Thế Khang, nguyên Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam. Tổ Thư ký do bà Nguyễn Thị Sáu, Phó Vụ trưởng là Tổ trưởng và các thành viên: bà Lại Phương Dung và Lê Thị Bích Diệp: chuyên viên UBVHGD.

Giai đoạn 2: trình dự án Luật ra Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Giai đoạn 3: chỉnh sửa dự án Luật trình ra Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Những chuyển biến của Dự án Luật trong giai đoạn 2 và 3 từ tháng 3 đến tháng 11-2019

Trong giai đoạn 2, BST tiếp thu, chỉnh sửa dự án Luật và chuẩn bị trình dự án Luật ra Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Tháng 3-2019, UBTVQH nhận xét lần thứ nhất về dự án Luật Thư viện. Sau một thời gian chuẩn bị, tiếp thu ý kiến góp ý của Tổ thẩm tra và chuyên gia, UBVHGD đã có bản Báo cáo thẩm tra sơ bộ kèm theo dự án Luật trình UBTVQH tại Phiên họp tháng 3-2019. UBTVQH ghi nhận sự nghiêm túc, cố gắng của BST và trách nhiệm của UBVHGD đã thẩm tra, góp ý. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến của UBTVQH đều chưa bằng lòng về dự thảo Luật: tài liệu của cơ quan soạn thảo rất dày, nhiều thông tin… nhưng với tính chất của một dự luật thì tính pháp lý và tính chính trị phải xem lại một số nội dung, kết cấu của nhiều điều khoản, nhiều chỗ mâu thuẫn; Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ chưa hợp lý, bao quát, còn dàn trải… nên dù được chuẩn bị công phu, vẫn cần tập trung rà soát, hoàn thiện một cách cơ bản mới có thể trình ra Quốc hội (4).

Tháng 4-2019, UBTVQH nhận xét lần thứ hai về dự án Luật Thư viện. Sau 1 tháng tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thư viện đã trình UBTVQH tại phiên họp tháng 4-2019. Các đại biểu ghi nhận sự tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn… Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội kết luận: “Căn cứ sự cần thiết, căn cứ vào hồ sơ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì đến nay hồ sơ có thể đủ điều kiện trình Quốc hội dự án luật này… Từ các nội dung thảo luận hôm nay, còn đọng 6 -7 vấn đề sau đây: cần làm rõ hơn khái niệm thư viện gắn với việc giải thích từ ngữ; về chính sách Nhà nước; về phân loại thư viện; về thành lập thư viện và quản lý các loại thư viện các cấp; về thư viện cơ sở giáo dục và xếp hạng thư viện là những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện…” (5). Với tầm nhìn xa và là người ham mê đọc sách, hiểu rõ lợi ích của việc đọc sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ đạo BST tiếp tục hoàn thiện để trình dự thảo Luật ra kỳ họp Quốc hội tháng 7-2019. Nhưng phải hoàn thiện như thế nào để có thể thuyết phục được 500 đại biểu Quốc hội? Theo quy trình, tháng 5-2019 dự thảo Luật đã được đưa về thảo luận ở các Tổ đại biểu trước khi thảo luận tập trung tại hội trường Quốc hội.

Tháng 5-2019, 19 tổ đã họp xem xét dự thảo Luật Thư viện, có 81 ý kiến góp ý của đại biểu ở mọi thành phần, mọi miền đất nước. Đây là thời điểm BST lúng túng vì hầu hết các chương, điều chưa ổn, các đại biểu yêu cầu sửa chữa. Ý kiến các đại biểu góp ý rất cụ thể, như: “Định nghĩa thư viện trong dự thảo Luật chưa phân biệt được thư viện với các phòng đọc sách, tủ sách cộng đồng dân cư, dòng họ”, “cách phân loại như dự thảo còn trùng lặp, chưa rõ ràng, lẫn lộn giữa các tiêu chí, mang tính chất giảng dạy về khoa học thư viện hơn là mang tính pháp lý”, “quy định tại Chương III về hoạt động thư viện có tính liệt kê, chung chung, chưa rõ nội dung cần điều chỉnh”, “quy định thư viện số còn sơ thảo, cần phải nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung các nội dung liên quan đến thư viện số để phù hợp với xu thế phát triển của thư viện thế giới hiện nay”, “nội dung dự thảo Luật nghiêng về quản lý nhà nước, về thư viện công lập, còn thư viện tư nhân gần như bỏ ngỏ”… (6).

Chiều 11-6-2019, dự án Luật được toàn thể Quốc hội thảo luận. Tại hội trường có 18/26 đại biểu đăng ký có đủ thời gian phát biểu, nhất trí cao với với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Thư viện. Tuy nhiên, “BST phải nghiên cứu nhiều hơn nữa để hoàn chỉnh một dự thảo Luật trình Quốc hội trong thời gian tới. Ngôn ngữ trong dự thảo Luật còn dấu ấn của PLTV năm 2000 cách đây gần 20 năm”; “Về khái niệm thư viện gồm 4 yếu tố… nhưng đến nay, cả 4 yếu tố đều đã có sự thay đổi, vì vậy trong Luật cần có quy định cho phù hợp. Do những thành tựu đột phá nhanh chóng của khoa học công nghệ và trào lưu hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự phổ cập internet nên vai trò và hiệu quả của các hệ thống thư viện theo mô hình truyền thống hiện nay đang bị thách thức một cách nghiêm trọng, không còn giữ vai trò là trung tâm thu hút mọi người trong việc phổ biến, truyền bá tri thức. Vậy, để có thể tồn tại và bắt kịp xu thế phát triển của khoa học, công nghệ thì hệ thống thư viện nước ta cần thay đổi đồng bộ cả về mô hình tổ chức, chính sách và cơ chế vận hành hoạt động. Sự thay đổi này cần đòi hỏi phải có một hành lang pháp lý bằng một đạo luật đầy đủ, rõ ràng và thông thoáng, cần thiết, phù hợp với cơ chế thị trường với sự hội nhập quốc tế và thành tựu của khoa học, công nghệ”… Nhiều đại biểu không tán thành việc xếp hạng thư viện vì tính mục đích, tiêu chí xếp hạng không phù hợp chủ trương đầu tư của Nhà nước và chưa đủ sức thuyết phục.

Kết luận sơ bộ thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu ra “6 vấn đề cần đề nghị Bộ VHTTDL kết hợp chặt chẽ với UBVHGD và các Ủy ban của Quốc hội, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội vào kỳ họp tới” (7).

Bước sang giai đoạn 3, UBVHGD trực tiếp tham gia chỉnh sửa dự án Luật. Tháng 6-2019, trên cơ sở ý kiến của UBTVQH tại 2 cuộc họp tháng 3 và tháng 4; tiếp thu ý kiến của 19 tổ đại biểu thảo luận và tại hội trường ngày 11-6-2019 của Quốc hội, UBVHGD đã tổ chức họp chỉnh lý dự thảo luật. Ngày 16-6, UBVHGD tổ chức cuộc họp giữa nhóm làm luật với BST xây dựng khung Luật mới và định nghĩa về Thư viện. Trong cuộc họp này, nhóm làm luật cùng UBVHGD và BST đã nhất trí hướng xây dựng: kết hợp khung dự án luật mới với những nội dung chọn lọc, phù hợp của BST và bổ sung phần hoạt động thư viện hiện đại mà các chuyên gia đề xuất; xây dựng khái niệm thư viện sao cho sát với bản chất của thư viện. Quyết định này có ý nghĩa rất lớn tới diện mạo của dự án Luật Thư viện. Tinh thần mới của cuộc họp đã được đưa vào các bản dự thảo Luật ngày 17-6, 24-6, 27-6.

Trong các bản mới này UBVHGD, Tổ Thẩm tra, chuyên gia và BST đã đồng thuận đưa vào dự án Luật những khái niệm mới về “Thiết chế thư viện”, sử dụng thuật ngữ “tài nguyên thông tin” thay cho “vốn tài liệu”, quyết định cấu trúc lại khung Luật, xây dựng mới Chương II, bỏ qua nội dung phân loại và đưa vào Chương II, mục 1 Mạng lưới thư viện để ghi tên các loại thư viện hiện hành trong cả nước. Quyết định bỏ qua các tiêu chí về phân loại là một quyết định chuẩn xác, tháo gỡ bế tắc, luẩn quẩn trong tư duy do ảnh hưởng của quá trình đào tạo Thư viện học theo quan điểm của Liên Xô cũ. Từ quyết định này, trong Mục 1 Mạng lưới thư viện ở Chương II đã có 1 điều về Thư viện đại học, 1 điều về Thư viện cơ sở giáo dục. Thậm chí, khái niệm “thiết chế” đã từng được nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Nguyễn Khoa Điềm nêu ra 20 năm trước, đến nay mới được sử dụng. Khi dùng “tài nguyên thông tin” thay cho “nguồn lực thông tin và vốn tài liệu”, Tổ Thẩm tra, chuyên gia đã phải tham khảo, dẫn nguồn từ Bách khoa toàn thư Mở Wikipedia, viện dẫn các công bố khoa học mới nhất của thế giới và tham khảo 12 Luật Thư viện các nước có liên quan (8) để có sự chấp thuận, nhất trí về khái niệm này của BST. Tuy nhiên, hai luồng tư duy của UBVHGD, Tổ Thẩm tra, chuyên gia và BST chưa thể thống nhất.

Phát huy thành công bước đầu trong tháng 6-2019, tháng 7-2019, UBVHGD đã tổ chức các cuộc tham vấn khoa học rộng rãi, dân chủ và bổ ích: tổ chức Tọa đàm tham vấn ý kiến của một số nhà khoa học, quản lý thư viện tiêu biểu ở thành phố Hà Nội (12-7); tham vấn các thư viện khu vực phía Nam (25-7); tham vấn các thư viện khu vực miền Bắc (29-7); tham vấn các bộ, ngành ở Hà Nội (30-7); tham vấn các thư viện khu vực miền Trung và Tây Nguyên (31-7). Chủ nhiệm UBVHGD Phan Thanh Bình đã kết luận trong 4 cuộc tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học thư viện trong tháng 7-2019 rất rõ ràng về trách nhiệm đối với sự nghiệp thư viện: “Bộ VHTTDL lo quản lý nhà nước; Thư viện Quốc gia Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; Hội nghề nghiệp lo tuyên truyền, vận động anh chị em toàn ngành tham gia hoạt động xây dựng ngành”. Kết luận này đã tạo điều kiện quan trọng hướng tới sự thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ trong thư viện cả nước, tạo nên sức mạnh của ngành Thư viện. Đại biểu các thư viện công cộng đã nhận thấy sự không hợp lý của việc xếp hạng thư viện và cần thiết làm sâu sắc hơn phương châm “lấy người sử dụng làm trung tâm” trong hoạt động thư viện. Điều này cho thấy, UBVHGD đã sắp xếp đúng vị trí cần có của thư viện, nơi đào tạo nguồn nhân lực cao của đất nước.

Để đảm bảo tiến độ dự án, chuẩn bị cung cấp dự thảo Luật trình cuộc họp lần thứ 36 của UBTVQH, UBVHGD, Tổ Thẩm tra, chuyên gia đã quyết định xin ý kiến UBTVQH trong phiên họp tháng 8-2019. Ngoài các nội dung đã thống nhất trong tháng 7, UBVHGD đã giải trình về mạng lưới thư viện. Báo cáo giải trình đã ghi: “Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, đồng thời để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm kinh phí trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn, các thư viện (trong và ngoài hệ thống) cần có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong bổ sung, chia sẻ, phát huy giá trị tài nguyên thông tin; cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của nhân dân, phát triển văn hóa đọc và xây dựng xã hội học tập ở nước ta. Do vậy, Luật cần quy định rõ mạng lưới thư viện và các hệ thống thư viện trong mạng lưới, làm cơ sở xác định được thư viện trọng điểm, vị trí của các thư viện, khác trong mạng lưới, từ đó đề ra các chính sách phát triển sự nghiệp thư viện, quy định việc thành lập thư viện, quyền, trách nhiệm của thư viện và Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan”. UBTVQH nhất trí giao cho UBVHGD hoàn thiện dự thảo Luật, đặc biệt các nội dung của Chương III để gửi xin ý kiến của 63 đoàn đại biểu các tỉnh, thành.

Tiếp thu ý kiến UBTVQH, UBVHGD, Tổ Thẩm tra, chuyên gia và BST đã họp để chỉnh sửa dự án Luật và thông qua ý kiến giải trình của Thường trực UBVHGD gửi UBTVQH. Đặc biệt, tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh việc để “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” trong Luật là rất cần thiết và cần tiếp tục làm rõ hơn về chính sách đầu tư tập trung của Nhà nước cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, các thư viện cấp tỉnh và một số thư viện có vai trò quan trọng. UBTVQH đã thống nhất bỏ chương “Xếp hạng và đánh giá hoạt động thư viện” vì nó không phù hợp với chủ trương đầu tư của Nhà nước (8). UBTVQH giao UBVHGD hoàn thiện trong tháng 9 và gửi bản dự thảo mới cho 63 đoàn đại biểu Quốc hội để xin ý kiến.

UBVHGD, Tổ Thẩm tra, chuyên gia và BST hoàn thiện dự thảo Luật. UBVHGD đã xem xét các nội dung của Chương III Hoạt động Thư viện. Chương III thực chất là sự định hướng phát triển của thư viện Việt Nam hiện tại và tương lai, ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ vào hoạt động thư viện, được tán thành các điều về: nguyên tắc hoạt động thư viện, tiêu biểu là “lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm”; phát triển tài nguyên thông tin; phát triển thư viện số; phát triển văn hóa đọc; liên thông thư viện; hiện đại hóa thư viện; truyền thông thư viện… Có thể nói, đây là chương lõi quan trọng nhất của Luật Thư viện, là thước đo sự tiến bộ nhảy vọt so với PLTV, đã tạo nên diện mạo mới của Luật Thư viện, phù hợp với yêu cầu xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Ngày 21-8-2019, dự thảo Luật Thư viện bản mới đã được gửi đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội để xin ý kiến lần cuối cùng trước khi trình tại kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Trong thời gian trước hội nghị, UBVHGD tiếp tục tổ chức các cuộc họp để hoàn thiện dự án Luật. Ngày 16-9-2019, việc đề nghị bổ sung điều về “Thư viện lực lượng vũ trang” đã được nêu ra. Đại diện hệ thống thư viện quân đội và Bộ Quốc phòng đã có kiến nghị và văn bản đề nghị với UBVHGD. Sau nhiều tranh luận, UBVHGD đã thực hiện quyền hạn của mình và quyết định bổ sung thư viện lực lượng vũ trang vào Điều 13, Mục 1 Chương II Mạng lưới thư viện. UBTVQH nhận thấy “thư viện lực lượng vũ trang được tổ chức theo hệ thống từ Trung ương đến cơ sở và chiếm số lượng lớn (479 thư viện quân đội, 260 thư viện công an). Đối tượng phục vụ của thư viện lực lượng vũ trang rất đa dạng và khác biệt so với các thư viện chuyên ngành, bao gồm cán bộ, chiến sĩ, cả đối tượng bị giam giữ trong các trại giam và cơ sở giáo dưỡng, đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, có vai trò hỗ trợ tích cực cho hệ thống thư viện công cộng trong điều kiện hoạt động của thư viện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân” (9). Đây là một quyết định thấu tình, đạt lý, làm sâu sắc hơn quan điểm xây dựng Luật Thư viện.

Ngày 20-9, UBVHGD đã họp toàn thể, thông qua Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện. Sau buổi thảo luận tại Hội trường, nhóm làm Luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật. Ngày 22-10-2019, UBVHGD soạn thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện (lần 2), gửi xin ý kiến UBTVQH bằng văn bản. Trong đó, UBVHGD đã giải trình thêm về việc thiết kế lại Chương II gồm 2 mục: Mục 1 quy định về Mạng lưới thư viện, trong đó chỉnh lý nội dung về phân loại thư viện thành điều về Các loại thư viện; bỏ Chương về Xếp hạng và đánh giá hoạt động thư viện, đưa điều về Đánh giá hoạt động thư viện vào Chương III, ghép 3 điều của Chương V về Quản lý nhà nước thành 1 điều; đưa điều về Tổ chức xã hội nghề nghiệp về thư viện thành 1 khoản của điều về Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với thư viện; sắp xếp lại một số điều cho hợp lý hơn. Bản giải trình kèm theo dự thảo Luật Thư viện đã được gửi tới đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội bấm nút thông qua.

Dự án Luật Thư viện đã hoàn chỉnh và được thông qua ngày 21-11-2019. Ngày 5-12-2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký chính thức, phê duyệt Luật Thư viện và chuyển lên Chủ tịch nước ký Lệnh ban hành Luật Thư viện.

Kết luận

Hai mươi năm, ước mơ có Luật Thư viện tiên tiến, hiện đại phù hợp với thực tiễn hiện nay và tương lai của đất nước đã trở thành hiện thực, lấp đầy những hạn chế và khiếm khuyết của PLTV. Tinh thần xuyên suốt của Luật Thư viện là về văn hóa đọc, phục vụ thư viện ở miền núi, biên giới, hải đảo, sự phát triển thư viện ở mọi cấp học, từ mẫu giáo, mầm non tới đại học; là tư tưởng lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm, tăng cường liên thông thư viện, chuyển đổi số trong hoạt động thư viện, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào hoạt động thư viện, đơn giản hóa thủ tục thành lập thư viện, mở rộng quyền tham gia hoạt động thư viện tới mọi người dân; là sự thống nhất về chuyên môn nghiệp vụ trong thư viện cả nước, tăng cường vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam, các thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thư viện có vai trò quan trọng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức xã hội nghề nghiệp…

Hy vọng, Luật Thư viện sẽ là bệ phóng, là tấm hộ chiếu để sự nghiệp thư viện Việt Nam có thể cất cánh, hội nhập cùng thư viện thế giới.

______________

1. Tờ trình của Bộ VHTTDL về Dự án Luật Thư viện năm 2018.

2. Báo cáo thẩm tra chính thức Dự án Luật Thư viện của UBVHGD tháng 5-2019.

3. Báo cáo Kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thư viện, ngày 5-3-2018 của UBVHGD.

4. Bản Tổng hợp thảo luận tại Hội trường sáng ngày 13-3-2019 của UBTVQH.

5. Bản Tổng hợp thảo luận tại Hội trường chiều ngày 12-4-2019 của UBTVQH.

6. Báo cáo Tập hợp ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Thư viện, ngày 23-5-2019, Bản của Tổng Thư ký Quốc hội.

7. Bản Tổng hợp thảo luận tại Hội trường chiều ngày 11-6-2019 của UBTVQH.

8. Bộ 12 Luật Thư viện của các nước do Thư viện Quốc hội sưu tầm, biên dịch.

9. Bản Tổng hợp thảo luận tại Hội trường chiều 14-8- 2019 của UBTVQH.

10. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban về dự án Luật Thư viện, ngày 22-10-2019.

Tác giả: Phạm Thế Khang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *