Hát ghẹo, hát xoan, nhìn từ truyền thuyết và trình tự diễn xướng


         Khi nhìn vào nghệ thuật ca hát dân gian của người Việt ở Phú Thọ, trước đây chẳng ít người thường nghĩ ngay tới dân ca xoan ghẹo. Điều đó cũng có phần đúng, nhưng cần phải hiểu thêm: xoan ghẹo là từ ghép giữa hai thực thể hát xoan và hát ghẹo. Hai loại dân ca này có những đặc điểm riêng về nguồn gốc, thời điểm ra đời, không gian, thời gian và đối tượng diễn xướng, nội dung phản ánh… Căn cứ vào đó mà các nhà nghiên cứu đã phân loại: hát xoan thuộc dân ca nghi lễ – phong tục, còn hát ghẹo là dân ca thế tục giao duyên.

         Nguồn gốc ra đời nhìn từ truyền thuyết

Bất cứ loại dân ca nào cũng đều gắn với truyền thuyết lý giải về sự ra đời của nó, hát ghẹo, hát xoan ở Phú Thọ cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Có nhiều truyền thuyết về hát ghẹo, hát xoan, nhưng ở đây chúng tôi chỉ chọn lọc một số truyện có tính tiêu biểu liên quan đến nguồn gốc và nhiều vấn đề khác để thấy rõ sự khác biệt của hai loại dân ca này.

Với hát ghẹo, đáng chú ý nhất về nguồn gốc ra đời của nó được gắn với chuyện đình làng Nam Cường bị cháy. Trai làng Nam Cường được dân làng cử đi tìm gỗ quý và vật liệu để về xây dựng đình. Khi đến xã Thục Luyện huyện Thanh Sơn (địa phận của người Muờng), nhân dân ở đây nghe nói mua gỗ về làm đình, thì họ sẵn sàng giúp đỡ. Họ rủ nhau đi đẵn gỗ, rồi kết thành bè để trai tráng Nam Cường chở về mà không lấy tiền. Thanh niên Nam Cường xuống bè xuôi dòng sông Bứa rồi xuôi dòng sông Thao để về làng, nhưng bè đi chưa được bao xa thì mắc cạn ở địa phận làng Hùng Nhĩ. Mọi người cố hết sức, nhưng không sao xô bè đi được. Đám trai tráng lên bờ ngồi nghỉ và nhân đó cất tiếng hát để xua đi nỗi mệt nhọc. Dân làng Hùng Nhĩ nghe thấy tiếng hát và biết được sự tình, liền đến giúp đỡ đám trai làng Nam Cường xô bè ra khỏi chỗ cạn. Dân làng còn mở tiệc thiết đãi và sau khi ăn uống xong, họ còn tiếp tục hát với nhau và tiễn đám trai làng Nam Cường xuống bè (1). Hát ghẹo ra đời từ đó.

Với hát xoan, cũng có nhiều truyền thuyết lý giải về sự ra đời của thể loại này. Đáng chú ý nhất là hai chuyện:

Một là chuyện ba anh em vua Hùng đi tìm đất đóng đô, qua thôn Phù Đức và nghỉ trưa tại một khu rừng gần thôn. Khi nhìn ra bãi cỏ trước mặt, mọi người thấy đám trẻ chăn trâu đang chơi đánh vật, kéo co và múa hát vui vẻ. Thấy vậy, Đức Thánh cả liền bảo những người đi theo đem bài hát mà họ biết dạy cho lũ trẻ. Những điệu hát ấy cũng là những điệu hát xoan đầu tiên (2).

Hai là chuyện về hoàng hậu trở dạ mãi không sinh hạ. Người hầu bàn đã triệu Quế Hoa múa đẹp hát hay vào phục vụ để hoàng hậu quên đi đau đớn. Quế Hoa đến bên giường uốn tay, gáng như tơ, giọng mềm như suối, sắc mặt như hoa… Hoàng hậu xem múa hát như được tiếp thêm sinh lực và sinh được 3 người con trai tuấn tú khác thường. Vua Hùng rất vui mừng và truyền cho các công chúa và cung nữ học những điệu múa, bài hát của Quế Hoa. Thời điểm đó vào mùa xuân nên vua đặt tên cho điệu hát múa này là hát xuân. Đến TK XII, bà Lê Thị Lan Xuân người Tam Nông là vợ vua Lý Thần Tông cho sưu tầm và tổ chức phường hát, vì kiêng húy nên đổi tên hát xuân thành hát xoan (3).

Từ những truyền thuyết trên về hát ghẹo và hát xoan, nếu lược bỏ đi tính huyền thoại thì trong nó cũng chứa đựng những thông tin đáng để chúng ta suy ngẫm, đó là cách giải thích nguồn gốc ra đời và tên gọi của từng thể loại. Nếu căn cứ vào các truyền thuyết ấy, thì có thể thấy hát ghẹo, hát xoan đều thuộc loại dân ca cổ. Hát xoan là được vua Hùng dạy, còn hát ghẹo là sự sáng tạo của nhân dân. Cũng căn cứ vào cốt truyện thì hát ghẹo ra đời sau hát xoan, vì thiết chế đình của người Việt có sớm cũng chỉ xuất hiện vào cuối TK XV đầu TK XVI (sự kiện đình Nam cường bị cháy).

Co lẽ, từ những thông tin trong truyền thuyết, đã hé lộ phần nào những định chế, quy tắc cụ thể về việc kết nghĩa và ứng xử giữa các làng, cách thức và mục đích ca hát của mỗi loại dân ca…

Cơ cấu tổ chức

Không phải thích hát, hoặc thích đi hát thế nào cũng được, mà trước ngày hội diễn ra, cả hát xoan, hát ghẹo đều có hội cầu diên. Đó là cuộc họp tập hợp các cụ cao niên có uy tín, kinh nghiệm để bàn bạc thấu đáo những công việc của làng. Sau đó những người đi hát cũng được lựa chọn kỹ càng. Phải có một người đứng đầu gọi là ông trùm, bà trùm. Những người tham dự hát đều phải có giọng hát hay, có sắc, gia đình không có chuyện buồn, phải tập luyện tập kỹ càng từ trước mới được tham gia hát. Tuy có điểm chung như vậy, nhưng cơ cấu tổ chức ở mỗi loại thể dân ca lại có những đặc điểm riêng.

Cơ cấu tổ chức của hát ghẹo tùy thuộc vào từng năm làng sở tại mất mùa hay được mùa. Nếu năm mất mùa thì tổ chức lễ nhỏ, không mời làng nước nghĩa, và như vậy cũng đồng nghĩa với việc không tổ chức hát ghẹo. Ngược lại, nếu được mùa thì mời làng nước nghĩa sang từ 14 – 20 người. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Đăng Hòe thì thông thường nếu ngày cầu diên mà toàn thể dân làng đều đồng ý đóng góp tổ chức tế lễ thì đồng thời cũng gửi giấy mời nước nghĩa (khoang 12 người). Dân làng cũng cử ra một đên hai bà có tuổi và một số chị em tương đương với số khách mời, chuẩn bị ôn luyện ca hát với nhau trước để đón tiếp các anh nước nghĩa. Các chị được chọn là những người có giọng hát tốt, nhớ được nhiều câu, nhiều giọng, còn trẻ không bận rộn con nhỏ, đặc biệt không tang trở gì, tuổi từ 16 đến 20. Nước nghĩa được mời thì cử đi một đên hai ông có tuổi và chừng hơn 10 anh có độ tuổi tương đương hoặc già dặn hơn một ít. Các anh cũng ôn luyện ca hát với nhau trước để chờ ngày đi dự tế lễ và ca hát.

Với hát xoan, những người đi hát tập hợp nhau lại trong một tổ chức gọi là phường hoặc họ xoan. Các phường, họ này được gọi theo tên của làng như: phường xoan Kim Đới, phường xoan Phù Đức…

Một phường thường có từ 8 đến 15 người (khoảng 15, 18 tuổi), nam gọi là kép và nữ gọi là đào. Số đào đông hơn số kép, vì để đáp ứng tiết mục có đội hình múa minh họa cho hát, ứng đối với trai làng sở tại trong các màn hát giao duyên. Đào là những cô gái thường chưa có chồng, xinh đẹp, hát hay, múa dẻo. Kép có thể đã có vợ, nhưng trong đó mỗi phường phải có một kép trẻ khoảng 14, 15 tuổi để đóng vai giáo trống, giáo pháo. Chú kép trẻ đeo một cái trống nhỏ ở trước ngực ra sân đình, vừa đánh trống giữ nhịp lại vừa hát hai tiết mục Giáo trống, Giáo pháo – dùng lối nói cách điệu trên thể thơ 4 chữ – cho nghi thức mở đầu. Phường xoan thường được luyện tập vào trước mùa hội hè. Trong mùa hội hè họ đi hát ròng hàng đôi ba tháng mới trở về.

Như vậy, cách thức tổ chức của hát xoan phần nào mang tính chuyên nghiệp hơn hát ghẹo. Phường xoan được tổ chức gần giống với một đoàn nghệ thuật, có cả nam lẫn nữ, quy định vai diễn (đào, kép) rõ ràng.

Trong các phường xoan, ông trùm có vai trò vô cùng quan trọng. Một phường xoan thường có một ông trùm là người có kinh nghiệm về nghề nghiệp, xã giao tốt và phải biết cả chữ nôm để hát dẫn một số bài bản được ghi bằng văn tự. Ngoài công việc huấn luyện hát múa cho đào kép, ông còn là người quản lý tiền nong, lúa gạo do các làng sở tại ban tặng và chia cho các thành viên trong phường. Một điểm khác với hát ghẹo là: các phường xoan thường có một quỹ riêng trích ra từ những thành quả lao động trong mùa đi hát hoặc tổ chức nuôi lợn để gây quỹ. Tiền quỹ dùng vào việc sắm sửa một số trang thiết bị tuy thô sơ nhưng cần thiết cho cuộc hát (trống con, khăn dải lụa…).

Địa điểm, không gian, thời gian diễn xướng

Căn cứ vào những truyền thuyết mà chúng tôi dẫn ở trên, ngoài việc phỏng đoán về nguồn gốc ra đời của từng thể loại ca hát, thì cũng phần nào hé lộ địa điểm diễn xướng gắn với từng thể loại đó. Trên thực tế, hát ghẹo, hát xoan, mỗi loại đều có địa điểm và không gian diễn xướng khác nhau:

Hát ghẹo là loại thể dân ca trữ tình, hát đối đáp trao duyên của trai gái giữa hai làng kết nghĩa. Tuy được tổ chức vào những dịp hội hè giao hảo giữa các làng nhân dịp tế lễ, cầu cúng, nhưng nó không hát trong khi tế lễ, cũng không phải là tiết mục ghép để mua vui của cuộc lễ kéo dài. Bởi thế, địa điểm của hát ghẹo không phải ở đình, mà sau khi việc tế lễ đã hoàn tất, người ta đến một nhà nào đó trong làng (đã được chọn và chuẩn bị trước) rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát, gia chủ không có chuyện buồn, để hát. Khi đó hát xoan chỉ hát ở cửa đình, nên nó còn có tên gọi khác là hát cửa đình hay khúc đình môn. Hàng năm cứ vào mùa xuân, bốn phường xoan của bốn thôn Phù Đức, Kim Đới, An Thái, Thét, ngoài việc tổ chức hát ở hội đình làng của mình, họ còn chia nhau đi hát ở khoảng 18 điểm khác nhau trong và ngoài tỉnh: Hương Nộn, Cao Mại, Dữu Lâu, Tử Du, Nông Trang, Tây Cốc, Hạ Chuế, Y Kỳ, Đức Bác, Tử Đà, An Đạo, Tiên Du, Phù Ninh, Cẩm Đội, Hữu Bổ, Thanh Đình, Hoàng Xá và Đền Hùng. Mỗi phường xoan thường kết nghĩa với một số làng và hàng năm chỉ đến hát ở những làng ấy.

Về thời gian, hát ghẹo thường diễn ra vào mùa thu hay mùa xuân. Thời gian cho cuộc hát chỉ kéo từ chập tối cho đến sáng hôm sau. Sau đó các chị thay mặt dân làng tiễn đưa nước nghĩa ra về, coi như cuộc hát đã kết thúc.

Với hát xoan thì chỉ hát vào mùa xuân, thời gian cho cuộc hát có thể dài ngắn, thậm chí là đứt đoạn vì còn phụ thuộc khả năng kinh tế của làng sở tại, hoặc phụ thuộc vào quãng đường di chuyển từ làng này sang làng khác.

Trình tự diễn xướng

Tuy cùng được gọi tên chung là dân ca, nhưng mục đích, không gian, thời gian, thành viên tham gia diễn xướng… có nhiều điểm không giống nhau. Do vậy, trình tự diễn xướng của chúng khác nhau cũng là điều tất yếu. Trình tự đó là một trong những đặc điểm cơ bản để nhận diện sự khác nhau giữa hát ghẹo và hát xoan.

Hát ghẹo là lối hát đối đáp nam nữ có tính dân gian, nó không liên quan đến việc thờ cúng. Tuy nhiên, cuộc hát chỉ bắt đầu sau khi mọi việc tế lễ ở ngoài đình đã hoàn tất. Nói cách khác, cuộc hát ghẹo không bao giờ được thực hiện trước phần cầu cúng, tế lễ. Sau khi các anh chị ăn cỗ xong, thì chập tối mới mời nhau sang địa điểm ca hát. Hát ghẹo được diễn xướng theo 4 phần, dân gian gọi là 4 giọng: ví đãi trầu, giọng sổng, sang giọng, ví tiễn chân.

Ví đãi trầu: Sau khi hai bên nước nghĩa chào hỏi nhau một vài câu thường lệ, họ bắt ngay vào hát ví đãi trầu. Các chị thường để trầu vào khăn tay, hoặc đặt ở trên khay, trên đĩa, vừa đưa trầu vừa hát những câu ví mời các anh ăn. Đặc biệt, trước khi vào hay kết thúc câu ví các anh, các chị đều có những câu: thưa với các anh ạ, thưa với các chị ạ, rất lễ phép. Tuy mời trầu một cách lễ phép và ân cần, nhưng các anh đâu có vội vàng nhận trầu, thế là các chị phải mời đi, mời lại nhiều lần có khi còn trách móc bóng gió. Các anh chần chừ mãi, hai bên cứ thế trao đổi, đối đáp có khi đến mấy tiếng đồng hồ, rồi các anh mới chịu nhận trầu, ăn trầu và cùng hát sang giọng sổng.

Giọng sổng: Đây là một nét nhạc mà người ta dùng để hát những câu ca khác nhau. Lời ca giọng sổng có một thứ tự nhất định chứ không như ví (ví là loại ứng khẩu để đối đáp chuyện trò). Lời ca giọng sổng thường có những phần mang nội dung gần với nhau, mỗi phần như vậy có thể có nhiều câu (có khi 4 đến 5 câu), có câu của nữ, có câu của nam. Hai bên phải nhớ và hát hết tất cả các câu mới sang phần khác. Trong đó có nhiều câu chung cho cả nam và nữ, khi hát thì chỉ cần thay đổi một vài chữ và cách xưng hô để sang giọng.

Sang giọng: Chặng này nam, nữ hát những giọng hát riêng và muốn hát vào giọng nào trước cũng được. Mỗi giọng có thể có hai, ba lời ca khác nhau mà mỗi bên chỉ hát một lời. Người hát trước có thể hát lời nào cũng được, còn người sau thì hát lời ca còn lại, xem như là một hình thức đối giọng vậy. Khi nào đã hết các lời ca cùng giọng rồi thì chuyển sang giọng khác.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Đăng Hòe thì hát ghẹo có 27 giọng: Hoa thơm, Giồng chuối, Nuôi chim, Xẻ ván, Lúa chín, Thuyền ai róc rách, Trèo lên quán dốc, Ngồi rồi dệt gấm, Con ngựa ô, Uớc gì có lưới, Bắt ốc, Năm thương (5 giọng). Lục cung (6 giọng), Bài sai, Trấn thủ lưu đồn, Bà rí, Đàn ai léo lắt, Luyện sơn trang, Làm ăn, Chơi cho tóc bạc trên đầu, Rượu ngon bất luận bia sành, Lý kinh, Lý Sài Gòn, Lý giao duyên, Lý con sáo, Duyên phận phải chiều, Buồn rầu buồn rĩ. Thế nhưng, các cụ lại bảo, ngày xưa hát ghẹo có 36 giọng (có lẽ các cụ thích dùng con số phiếm chỉ), và hát hết 36 giọng thì trời cũng vừa sáng. Dân làng dọn cơm để các anh ăn chuẩn bị ra về. Các chị tạm lánh về nhà để các anh ăn cơm. Sau khi các anh ăn xong, các mới trở lại tiễn chân các anh ra về. Họ lại trở lại giọng ví lúc ban đầu nhưng với những câu khác gọi là ví tiễn chân.

Ví tiễn chân: Các câu ví rất say sưa, thắm thiết, thốt lên từ đáy lòng của mỗi người vừa sống qua cuộc chuyện trò chan chứa tình cảm, cho nên lời ca ứng tác lúc này có nhiều cảm xúc và đầy sức sáng tạo. Các chị tiễn chân các anh về một đoạn đường dài khoảng năm đến bảy cây số, vừa đi vừa hát, lưu luyến tưởng như khó mà chia tay được. Tiễn nhau đến lúc mặt trời đã lên cao, rồi họ mới tạm biệt nhau, sau đó mỗi người theo một đường trở về làng.

Với hát xoan, mục đích chính của phường xoan là đến đình các làng kết nghĩa trong những ngày có hội để hát dâng/ trình thánh thần, cầu mong cho dân làng năm đó luôn được an khang, thịnh vượng. Bên cạnh đời sống tâm linh thì hát xoan phần nào cũng thể hiện được đời sống nội tâm vô cùng phong phú của người dân vùng đất Tổ. Với mục đích đó nên hát xoan trong quá trình diễn xướng phải theo một lề lối, trình tự nhất định. Lề lối, trình tự ấy được thể hiện rõ qua các chặng: nghi thức, hát quả cáchhát hội. Có thể tóm tắt như sau:

Chặng nghi thức: Vì đi hát ở đình làng kết nghĩa, nên chặng này, ông trùm phường xoan cùng ông chủ tế làng sở tại đứng trước hương án của làng, chắp tay kính cẩn cúng các thần linh. Sau đó ông trùm hát xướng những lời thỉnh theo kiểu văn tế, gọi là hát chúc. Sau hát chúc đến giáo trống, chú kép trẻ đeo trống trước vừa múa vừa hát dẫn, phường xoan phụ họa theo. Sau giáo trống đến giáo pháo. Tiếp theo, bốn cô đào ra trước hương án, tay nâng quạt, hai tay khuỳnh ra trước mặt tự như dâng hương và hát bài Thơ nhang, Đóng đám.

Chặng hát quả cách: còn gọi là hát cách, là lối hát các bài bản khá dài như diễn ca. Nội dung các quả cách miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, hay mô tả cuộc sống sinh hoạt của bốn lớp người: sĩ, nông, công, thương trong xã hội, hoặc kể lại những chuyện xưa. Có 14 quả cách, tên gọi và thứ tự hát: Kiều giang cách – Nhàn ngâm cách – Tràng mai cách – Ngư, tiều, canh, mục cách – Đối dẫy cách – Hồi liên cách – Xoan thời cách – Hạ thời cách – Thu thời cách – Đông thời cách – Tứ mùa cách – Thuyền chèo cách – Tứ dân cách – Chơi dâu cách.

Mỗi quả cách có cấu trúc ba phần, mở đầu là giáo cách, phần giữa là đưa cách, phần kết là kết cách. Diễn xướng các quả cách có nhiều vẻ, nhưng nhìn chung, cơ bản vẫn là hát ngâm và hát nói. Các quả cách là những áng văn bằng chữ Nôm do một số nhà nho sáng tác.

Chặng hát hội: Đây là chặng sôi nổi, sinh động nhất và cũng là chặng kết thúc của cuộc hát xoan. Các tiết mục trong chặng này, yếu tố dân gian có tính nổi trội và bao trùm hơn cả. Nhiều bài được kết nối với nhau theo hình thức tổ khúc hay liên khúc vừa hát, vừa múa, vừa diễn trò. Các tiết mục trong chặng hát hội được diễn theo trình tự: hát gái (hát trao tình) – bỏ bộ, xin huê đố chữ, gài huê, hát đám, đánh cá (giã cá).

Trong các tiết mục trên thì giã cá được trình diễn như một hoạt cảnh. Có nơi đóng vai cá là các cô đào, có nơi lại là trai làng sở tại bị lưới bủa vây. Bắt được cá dâng lên bàn thờ tế thần xong mới được trở lại làm người. Tiết mục này rất sôi nổi, vui vẻ, cũng là tiết mục kết thúc cuộc hát trong không khí tưng bừng của ngày hội. Ngoài trình tự biểu diễn trên thì hát xoan còn có một số bài thuộc giọng ngoại, đó là những bài dân ca mà đào, kép đưa thêm vào như trống quân, ví, đúm… làm cho cuộc hát xoan tăng thêm phần hấp dẫn và sinh động. Nhìn chung, ở chặng hát hội nội dung khẩn nguyện đã nhường chỗ cho nội dung giao duyên, hình thức nghệ thuật trở nên tinh tế, đa dạng và phát triển cao hơn giai đoạn nguyên thủy của nó. Hầu hết các bài đều kết cấu theo phong cách ca xướng (trừ tiết mục gài huê kết cấu theo lối hát ngâm), còn lại các tiết mục khác đều có phần phụ họa của múa.

Như vậy, chưa bàn đến những yếu tố như âm nhạc, nội dung lời ca… mà chỉ thông qua truyền thuyết, thời điểm, không gian và trình tự diễn xướng, đã phần nào cho thấy sự khác biệt cơ bản giữa hát xoan và hát ghẹo. Do đó có thể khẳng định bước đầu: hát ghẹo là một trong những sản phẩm văn hóa tinh thần mang tính đặc trưng của người dân Phú Thọ. Hát ghẹo là chính nó, chứ không phải là nhánh cấy ghép của một loại dân ca xoan – ghẹo. Bởi thế, hát ghẹo xứng đáng dành được vị trí quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy ở giai đoạn hiện nay.

_______________

1. Nguyễn Đăng Hòe, Bước đầu tìm hiểu hát ghẹo Vĩnh Phú, Ty Văn hóa thông tin Vĩnh Phú xuất bản, Phú Thọ, 1979, tr.11-12.

2. Tú Ngọc, Hát Xoan dân ca nghi lễ – phong tục, Nxb Âm nhạc, Hà Nội,1997, tr.165.

            3. Đào Đăng Hoàn (chủ biên), Tổng tập văn nghệ dân gian đất Tổ, tập 1, Sở Văn hóa Thông tin Thể thao – Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ xb, Phú Thọ, 2000, tr.115.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 340, tháng 10-2012

Tác giả : Đào Đăng Phượng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *