Hình ảnh người Mông Cổ trong nghệ thuật Ý thế kỷ XIV (tiếp theo số 422 và hết)


LTS: Tiến trình toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ đã tác động tích cực đến giới nghiên cứu nghệ thuật quốc tế, tạo điều kiện cho họ mở rộng phạm vi tiếp cận cũng như khuyến khích họ đưa ra các quan điểm mới dựa trên những luận chứng khoa học thuyết phục. Một chi tiết tưởng như thoáng qua lại có thể gợi mở cho nhiều khảo cứu công phu, góp phần làm xoay chuyển góc nhìn về một chủ đề lịch sử tưởng như đã được mặc định. Một phỏng đoán ban đầu tưởng như chỉ thuần túy dựa vào trực giác lại gợi mở cho thế hệ nghiên cứu tiếp sau những hướng tiếp cận liên ngành phong phú, mở rộng tầm nhìn cho công chúng thưởng ngoạn nghệ thuật, góp phần minh chứng cho sự giàu có của văn hóa và lịch sử nhân loại được phản chiếu bởi nghệ thuật. Tạp chí VHNT giới thiệu một phần khảo cứu công phu về Hình ảnh người Mông Cổ trong nghệ thuật Phục Hưng Ý thời kỳ đầu. Bắt đầu từ hình ảnh đôi mắt một mí thanh mảnh trên tranh vẽ của người châu Âu, câu chuyện đã được đẩy xa hơn rất nhiều tới những vấn đề phổ quát của thế giới cách đây khoảng 7 thế kỷ, giúp bạn đọc thêm một hình dung mới về một phần tiến trình của lịch sử nhân loại.

     Tanaka Hideo: nhắc lại vấn đề Hình ảnh Mông Cổ

     Vào những năm 1980, học giả người Nhật Tanaka Hideo đã thảo luận lại về vấn đề ảnh hưởng phương Đông trong nghệ thuật “thời bình kiểu Mông Cổ” của Ý trong TK XIII và XIV, qua một loạt các bài báo nghiên cứu trên tạp chí Lịch sử nghệ thuật của Đại học Đông Bắc, Trung Quốc, từ năm 1982 đến 1989 (13).

     Phát hiện về Bát tư ba văn (Phags-pa) là đóng góp có ảnh hưởng nhất của Tanaka Hideo. Ông đã công bố phát hiện này cho các học giả Châu Âu lần đầu tiên trong một hội nghị ở Vienna (thủ đô Áo) năm 1983. Bát tư ba văn là chiếu lệnh của Hốt Tất Liệt, sử dụng vào năm 1269. Bát tư ba văn được quốc sư triều Nguyên thảo bằng ngôn ngữ Thanh Tạng, chỉ được sử dụng trong triều Nguyên và sau khi triều Nguyên sụp đổ, văn bản này dần bị quên lãng. Bát tư ba văn thường xuất hiện trên các thẻ hình tròn hoặc hình dài, được sử dụng để đi lại giữa các trạm thời bình của Mông Cổ, được lưu hành rộng rãi bằng tiền tệ vào thời điểm đó. Tanaka Hideo lưu ý rằng, từ TK XIV, các trang trí mô phòng hình Bát tư ba văn và Pseudo-Kufic (các trang trí mô phỏng, bắt chước chữ Kufic Ảrập) đã xuất hiện ở phần ngoài của các hình, vầng hào quang của đầu nhân vật và viền của các bức tranh ở Ý, tạo thành những mô hình trang trí quy mô lớn phỏng theo văn bản chữ viết từ phương Đông. Sự hiện diện hữu hình của ảnh hưởng phương Đông như vậy đã cung cấp một lập luận mạnh mẽ.

    Ông cũng tin rằng ảnh hưởng phương Đông trong hội họa châu Âu rõ ràng được phản ánh qua khuôn mặt, chuyển động và biểu hiện không gian của các nhân vật, nhưng không có nhiều tác phẩm còn tồn tại có thể chứng minh trực tiếp ảnh hưởng này.

    Trong những năm 1960, nghiên cứu nghệ thuật với quan điểm liên ngành lịch sử xã hội dần dần phát triển. Dưới ảnh hưởng của mô hình mới, Tanaka Hideo diễn giải và dẫn chứng một số nghệ sĩ quan trọng của TK XIV đã mượn và bắt chước nghệ thuật phương Đông. Để tiện chứng minh, ông đã lấy hai bức tranh tường của Giotto trong nhà nguyện Baldi và nhà nguyện Peruzzi để đối chiếu. Màu sắc của bức tranh trong nhà nguyện Baldi tĩnh lặng và yên bình hơn. Các nhân vật chủ yếu là màu trắng, xám và đen, pha trộn một chút với màu lục lam, vàng và nâu. Đường viền đơn giản trong bức tranh rất giống với hiệu ứng của tranh thủy mặc Trung Quốc. Mặc dù phương pháp tạo khối được sử dụng song không phát huy hiệu quả bởi điểm nhấn mạnh mẽ của nét cọ trắng lại làm phẳng không gian bức tranh, đồng thời làm nổi bật đường viền màu đen. Còn các nhân vật trong bức tranh ở nhà nguyện Peruzzi được mặc trang phục theo phong cách cổ điển, với các đặc điểm ba chiều điển hình của hội họa phương Tây. Bức chân dung trong nhà nguyện Baldi là điển hình của phương Đông, nhân vật có đôi mắt thon và đuôi mắt xếch ngược. Xu hướng phương Đông hóa này đã xuất hiện trong các tác phẩm trước đây của Giotto, nhưng đã đạt đến đỉnh cao trong bức tranh ở nhà nguyện Baldi. Tanaka Hideo chỉ ra rằng, thời gian Giotto vẽ tranh tại nhà nguyện Baldi chính xác là thời gian mà người Pháp đến phương Đông để truyền đạo, và gia tộc Baldi – người bảo trợ của nhà nguyện Baldi cũng có nhiều chi nhánh thương mại ở Kafa và Tana trên bờ Biển Đen. Ngoài ra, một cuốn hướng dẫn thương mại ở phương Đông phổ biến trong TK XIV được viết bởi Francesco B.Pegolotti, một thành viên của gia tộc Baldi.

    Có một số phát hiện thú vị khác trong nghiên cứu trường hợp của Tanaka Hideo. Chẳng hạn, ông nhận thấy rằng trong bức tranh Đức Mẹ vinh quang (14) của Simone Maldini, hình ảnh mái vòm phía trên ngai vàng Gothic chưa từng xuất hiện ở bất kỳ tượng Đức Mẹ nào ở ngoài đời. Tuy nhiên mái vòm này rất gần với tán cây trong tranh Thích Ca thuyết pháp: xung quanh Đức Phật, mười đại đệ tử và bố mẹ con cháu lại rất giống với hình ảnh các vị thánh. Thông qua các cột trụ và các ký tự chồng lên nhau, bức tranh khác với bố cục không gian Byzantine, với cảm giác về chiều sâu trong không gian, Tanaka tin rằng tranh Thích Ca thuyết pháp có thể là hiện thân cho dòng chảy ảnh hưởng của người Mông Cổ vào Ý thông qua các cuộc trao đổi với Tây Âu trong quá trình thiết lập chế độ ở phía Nam bán đảo Triều Tiên.

    Trong một ví dụ khác, dẫn chứng hai bức bích họa Ngụ ngôn về Chính phủ tốtNgụ ngôn về Chính phủ tồi trong một phòng họp thuộc Tòa thị chính Siena, do Ambrogio Lorenzetti vẽ từ 1338 đến 1339, Tanaka Hideo muốn thảo luận về mối quan hệ giữa việc đổi mới tranh phong cảnh châu Âu và hội họa Trung Quốc. A. Lorenzetti đã chọn bối cảnh ở Siena mà không sử dụng quy cách của hang đá hoặc màu vàng theo kiểu Byzantine làm bối cảnh. Bức tranh này cho thấy một khung cảnh thiên nhiên trải dài đến vô tận. Những cảnh nông nghiệp, săn bắn và thu hoạch, tất cả cùng hiện ra trên cánh đồng dường như thuộc cùng một hệ thống với những bức phù điêu theo mùa trên ngưỡng lịch châu Âu hoặc nhà thờ Gothic vào TK XIII, cho thấy cái nhìn thời gian của người trung cổ. Tuy nhiên, Tanaka Hideo tin rằng viễn cảnh trong Truyện ngụ ngôn chính phủ tốt có thể bị ảnh hưởng bởi luật bình viễn, một trong trong luật tam viễn của hội họa Trung Quốc triều đại Bắc Tống; cách kết hợp những khung cảnh khác nhau của A. Lorenzetti trong cùng một bức tranh chưa từng thấy xuất hiện trong các tác phẩm hội họa Châu Âu trước đây nhưng rất giống với bức tranh trên quạt vẽ cảnh cày và dệt của thời Nam Tống, lưu trong Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh (15). Sự đa dạng của các hình ảnh trên cùng một bức tranh như vậy có thể ảnh hưởng từ các bản in trong triều đại nhà Nguyên được đưa đến Châu Âu.

Cuộc gặp giữa Giasacchino và Anna tại Portad’Oro,

tranh vẽ tại nhà nguyện Scrovegni của Giotto, khoảng năm 1304 – 1306

 

    Đáng tiếc là sau khi xuất bản cuốn sách Nguồn sáng từ phương Đông, Tanaka Hideo đã không tiếp tục nghiên cứu thú vị này nữa. Nhưng trong mọi trường hợp, ông là nhà sử học nghệ thuật Châu Á đầu tiên tham gia vào nghiên cứu ảnh hưởng của phương Đông (tới nghệ thuật phương Tây).

    Phải nói thêm rằng, Tanaka Hideo thuộc một nhóm trí thức Nhật Bản chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa châu Á từ những năm 1950.Trong thời kỳ này, nền kinh tế Nhật Bản được cải thiện cùng với bầu không khí dân tộc chủ nghĩa được nâng cao. Nhiều trí thức Nhật Bản bắt đầu suy nghĩ lại về quan điểm lịch sử của chủ nghĩa Châu Âu. Một số lượng lớn các nghiên cứu về Châu Á đã xuất hiện. Ví dụ, Hamasakoshi, trong nghiên cứu Cơ hội quốc tế của Trung Quốc hiện đại: Hệ thống thương mại triều cống và vòng tròn kinh tế Châu Á hiện đại, đã phản bác quan điểm lâu dài về tác động của Châu Âu đối với Châu Á là nguyên nhân chính làm cho châu Á hiện đại. Ông tin rằng Châu Á và Châu Âu thuộc các hệ thống kinh tế khác nhau. Từ giữa TK XIX, Châu Á đã hình thành một hệ thống kinh tế riêng dựa trên trục kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Dựa vào hải thương, Châu Á đã hội nhập vào thị trường toàn cầu. Một vòng tròn kinh tế và thương mại hoàn chỉnh tập trung vào Trung Quốc đã được hình thành. Bên cạnh đó, chuyên gia về Mông Cổ Sugiyama Masaaki đã cố gắng trình bày một tầm nhìn mới trong lịch sử: trước khi hệ thống kinh tế thế giới hiện đại Châu Âu đầu tiên hình thành từ thời đại hàng hải vĩ đại, vào TK XV, thời đại Mông Nguyên do Hốt Tất Liệt thành lập vào TK XIII và XIV đã liên kết Châu Âu, khu vực Địa Trung Hải và phương Đông thông qua việc mở rộng và buôn bán quân sự, hình thành nên vòng tròn văn hóa đầu tiên ở Châu Âu, chạy qua cả hai châu lục (16).

    Nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật từ góc độ văn hóa vật chất

    Một làn sóng nghiên cứu mới được khởi xướng bởi các học giả Mỹ từ những năm 1970 và gây ảnh hưởng tới nhiều nghiên cứu hiện nay. Chúng tôi cảm thấy rõ ràng khuynh hướng nghiên cứu văn hóa vật chất. Nhiều học giả bắt đầu nghĩ về cách nghiên cứu một cộng đồng hoặc xã hội cụ thể thông qua các hiện vật được tạo tác. Thông qua việc nhìn nhận tới hệ giá trị, niềm tin và nhân sinh quan trong một thời kỳ nhất định, các nghiên cứu theo hướng này muốn soi chiếu lại thế giới thông qua những điều khác biệt với những hướng đi trước đó.

    Từ góc nhìn mới này, mặc dù hội họa vẫn có một vị trí nhưng nó không còn là đối tượng duy nhất được các nhà nghiên cứu chú ý. Sự chú ý của họ đã chuyển sang việc trao đổi văn hóa vật chất giữa hai lục địa Á-Âu, như vải lụa, chữ viết, các vật dụng có tính thẩm mỹ và trang trí cao. Trung tâm nghiên cứu học thuật thời kỳ này đã chuyển từ Châu Âu sang Hoa Kỳ. Nhiều bảo tàng nghệ thuật lớn của Hoa Kỳ đã tổ chức nghiên cứu và trưng bày những triển lãm chuyên biệt về sự trao đổi, ảnh hường văn hóa Đông – Tây trong lịch sử. Cùng với đó là sự trỗi dậy của nhiều quan điểm nghiên cứu mới.

    Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (The MET) ở New York đã tổ chức một loạt các triển lãm quan trọng: Trong năm 1997, The MET cùng Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland đã đồng tổ chức triển lãm sưu tập của họ tiêu đề Khi lụa là vàng: Ngành dệt Trung Á và Trung Quốc (When Silk Was Gold: Central Asian and Chinese Textiles); từ năm 1999 đến năm 2000, triển lãm Bản chất của trang trí Hồi giáo đã trưng bày các vật phẩm khác nhau và xem xét các hình thức và nguồn gốc của nghệ thuật trang trí này; năm 2001 triển lãm Cốc pha lê của các Sultan (Glass of the Sultans) trưng bày gần 160 mẫu pha lê trong thế giới Hồi giáo, bao gồm các sản phẩm pha lê lấy cảm hứng từ đề tài Hồi giáo ở Châu Âu từ TK XIII đến TK XIX; năm 2002 -2003, triển lãm Truyền thuyết về Thành Cát Tư Hãn: Nghệ thuật và văn hóa cung đình của Tây Á, 1256-1353 (The legacy of Genghis Khan:Courtly Art and Culture in Western Asia, 1256-1353) trưng bày hơn 200 bản thảo, nghệ thuật trang trí và kiến trúc cùng một cuộc thảo luận về những thành tựu văn hóa và nghệ thuật quan trọng nhất của thế giới Iran trong thời kỳ chiếm đóng của người Mông Cổ ở châu Á; năm 2004, triển lãm Lụa Ba Tư thời kỳ Safavid (Persian Silks of the Safavid Period); năm 2007, phối hợp với Viện nghiên cứu thế giới Ảrập (Institut du Monde Arabe, Paris, Pháp) của Pháp tổ chức triển lãm Venice và thế giới Hồi giáo, 828-1797 (Venice and the Islamic World, 828-1797), tập trung vào các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa Venice và thế giới Hồi giáo trong gần một nghìn năm…

    Làm thế nào để hiểu thông điệp của văn hóa và tâm linh thông qua những điều im lặng? Quan điểm nghiên cứu của các học giả bắt đầu thay đổi: Một phần các nghiên cứu sử dụng khoa học công nghệ mới và kỹ thuật phục chế để thảo luận về vật liệu và kỹ thuật sản xuất với góc nhìn từ công nghệ vật liệu. Ví dụ, Marco Leona thảo luận về cách truyền thống Hồi giáo đã ảnh hưởng đến các sản phẩm pha lê của Venice trong quan điểm hóa học và kỹ thuật.

    Ở một phía khác, các nhà nghiên cứu cố gắng tiến hành nghiên cứu tổng quát. Các nghiên cứu này theo dõi dòng chảy, thay đổi và tác động của các vật phẩm ngoại nhập trên cơ sở thảo luận về mối quan hệ giữa các mặt hàng này và truyền thống nghệ thuật địa phương trong quá trình lưu thông cũng như về mẫu vật, văn tự, chủ đề và kỹ thuật trên vật phẩm đó; đưa ra các thảo luận như làm thế nào mà các thợ thủ công địa phương bắt chước, tiếp thu và biến đổi các yếu tố ngoại nhập kỳ lạ này. Ví dụ, Anja Eisenbeiss và L Dieselotte E. Saurma-Jeltsch, trong nghiên cứu Sức mạnh của vạn vật và dòng văn hóa thay đổi, hay bài viết của Anna Contadini, Hoán vị và biến đổi: Một số đồ vật Trung Đông ở Châu Âu, thảo luận về cách các nghề thủ công của phương Đông trong TK XIV và XV đã gây ra một làn sóng ảnh hưởng sau khi chảy vào Ý: Làm thế nào mà thảm Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một biểu tượng của sự sang trọng trong hội họa Ý; hay sau khi du nhập vào Châu Âu, đai trang trí hoa văn của Ả Rập đã trở thành một dòng chữ khắc vào hào quang trên đầu Đức Mẹ… Các tác giả tập trung vào cách các vật phẩm này được “thay đổi như thế nào”, “tại sao phải thay đổi”, và làm thế nào mà chúng được chấp nhận trong một bối cảnh mới.

    Một ví dụ khác là nghiên cứu của Lauren Arnold, tiêu đề Món quà Hoàng gia và kho báu của Giáo hoàng: Sứ mệnh của người Pháp đối với Trung Quốc và ảnh hưởng của nó đối với nghệ thuật phương Tây, 1250-1350: Trong bối cảnh lịch sử của TK XIII – XIV, các tu sĩ dòng Francis đã đến phương Đông truyền giáo và việc trao đổi hàng hóa giữa Khả Hãn Mông Cổ và Hoàng gia Pháp đã được thảo luận thông qua một món quà, nay thuộc Kho báu của Giáo hoàng Châu Âu. Nghiên cứu cũng thảo luận về vị trí của các vật phẩm này trong bối cảnh tôn giáo và chính trị tổng thể của xã hội thời đó.

    Nghiên cứu về văn hóa vật chất mang đến một viễn cảnh mới cho nghiên cứu lịch sử nghệ thuật thông qua những cách thức và phương tiện quan sát khác nhau. Kể từ Vasari (17), các nghiên cứu lịch sử nghệ thuật truyền thống đã tập trung vào “nghệ thuật chuyên ngành, trình độ cao” (Major Art), như hội họa, điêu khắc và kiến trúc, trong khi lịch sử vật chất của văn hóa, nằm ở vật dụng hàng ngày, vật phẩm trang trí, đôi khi lại bị coi là thứ yếu, như quần áo và đồ dùng. Nghiên cứu về nghệ thuật trang trí không chỉ dừng lại ở phong cách, hình thức, chủ đề và nội dung, mà còn khám phá các khía cạnh mở rộng tới các thuộc tính văn hóa của vật phẩm, cùng với đó là chuỗi dây chuyền liên quan đến vật phẩm như (sản xuất, cải tiến, tiêu thụ,…). Lấy lụa làm ví dụ: một mặt, người ta nghiên cứu mối quan hệ giữa các mẫu lụa, nguyên liệu lụa, công nghệ dệt lụa, công nghệ nhuộm màu và các mẫu hoa văn. Mặt khác, lụa là hàng hóa hoặc quà tặng nên đồng thời chứa đựng các thuộc tính xã hội và văn hóa. Nhà sử học Thomas Allsen đã nghiên cứu về vải lụa Hồi giáo được sử dụng để làm quần áo, thảm, chiếu, lều, v.v. và thảo luận về vai trò của dân chúng thời đó trong dòng chảy văn hóa, tư tưởng và công nghệ (18). Ông tập trung vào việc sản xuất, tiêu thụ và sử dụng các loại vải lụa này, xem xét các thuộc tính giá trị của chúng trong văn hóa và chính trị, thông qua màu sắc của vải và quần áo. Thêm vào đó, từ góc độ giao tiếp văn hóa, ông cũng chỉ ra truyền thống sản xuất từ Tây Á đã ảnh hưởng đến quy trình sản xuất vải lụa Mông Cổ như thế nào.

    Ngoài ra, thông qua nghiên cứu văn hóa vật chất để theo dõi dấu vết của những thứ khác, chúng ta sẽ thấy rằng tác động trong chuyển động của nó không chỉ là một chiều, mà còn tồn tại chiều kích từ Đông sang Tây và ngược lại, ở từng châu lục, giữa hai châu lục. Sự phức tạp của quan hệ này đòi hỏi các học giả đương đại tham gia vào nghiên cứu đa văn hóa, đa phương tiện.

     Các nghiên cứu trước đây chủ yếu nằm trong mô hình tác động một chiều từ Đông sang Tây. Nghiên cứu trong giai đoạn này bắt đầu xử lý lại mối quan hệ giữa phương Đông và phương Tây từ nhiều góc độ khác nhau, bao gồm mối quan hệ Châu Âu – Trung Quốc và ngược lại, mối quan hệ giữa Châu Á, mối quan hệ giữa Mông Cổ và Iran trong thời kỳ chiếm đóng của Mông Cổ và mối quan hệ giữa thế giới Hồi giáo và Trung Quốc. Năm 2008, Yoka Kadoi đã xuất bản luận án tiến sĩ về các yếu tố Trung Quốc trong nghệ thuật Hồi giáo ở Iran dưới sự cai trị của Mông Cổ (Islamique ChinoiserieThe Art of Mongol Iran), thảo luận về lụa, sứ, các sản phẩm kim loại và bản thảo khác từ Mông Cổ. Tác giả đặc biệt chú ý đến việc bắt chước, thay đổi và giải thích sai các yếu tố Trung Quốc của các nghệ nhân Iran trong quá trình liên văn hóa và chú ý đến các liên kết trung gian “tiềm năng” trong giao tiếp đa phương tiện, như khắc gỗ, tiền xu, bản đồ,…

    Chúng ta có thể suy nghĩ lại về hình ảnh của người Mông Cổ trong viễn cảnh mới này: Hình ảnh người Mông Cổ không chỉ được lấy ra từ mẫu hình vẽ Bát tư ba văn, đôi mắt thanh mảnh và đẹp đẽ của các văn án Tatar (19), mà bao gồm lụa, quần áo, tiền xu, thẻ thông hành, nô lệ Mông Cổ, các đặc phái viên và các thực thể khác cấu thành cộng đồng.

    Hình ảnh người Mông Cổ trong lịch sử không chỉ là lịch sử của những ảo ảnh rơi rớt trong hội họa Phục Hưng Ý, mà đó là một câu chuyện về con người và những thứ đã được biến đổi trong TK XIV trên cả hai lục địa Á – Âu, với tâm lý phức tạp và trí tưởng tượng của cộng đồng lịch sử nơi họ sống. Chính lịch sử sẽ mang đến cho các nhà nghiên cứu một sự mặc khải. Theo nghĩa này, thời kỳ hòa bình kiểu Mông Cổ là một phép ẩn dụ đặt trong tầm nhìn toàn cầu của thời đại này. Chỉ bằng cách xem xét lịch sử từ các mảnh vỡ, khung cảnh toàn cầu đầu tiên này của nhân loại sẽ không bị chính chúng ta lãng quên.

____________

13. Từ năm 1982 đến 1989, Tanaka Hideo đã xuất bản một loạt các bài báo nghiên cứu. Trong khuôn khổ bản dịch này, chúng tôi cung cấp tiêu đề tiếng Việt của các bài viết để bạn tham khảo: Giotto và hội họa Trung Quốc: Nghệ thuật Phục hưng và Chủ nghĩa quốc tế của nó (1982); Chữ viết Mông Cổ trong tranh của Giotto (1983); Giotto và những ảnh hưởng của người Mông Cổ và Trung Quốc đối với nghệ thuật của ông: Một phân tích mới về truyền thuyết Thánh Phanxicô và các bức tranh tường ở Nhà nguyện Scrovegni (1984); Hội họa Siena TK XIV và ảnh hưởng của Mông Cổ và Trung Quốc: Một phân tích các tác phẩm của Simone Martini và các tác phẩm chính của Ambrogio Lorenzetti (1985); Chữ viết phương Đông trong hội họa Ý vào TK XII và XIII (1987);Chữ viết phương Đông trong các bức tranh của Giotto (1989).

14. Tanaka Hideo tin rằng, phong cách tán cây trong bức tranh Đức Mẹ vinh quang cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các lều của Y Lợi Hãn Quốc. Trong các bức tranh của Ba Tư, những người cai trị Mông Cổ có thể được nhìn thấy đang ngồi trong những chiếc lều lớn, được chống đỡ bằng các cột và vải mỏng. Sau khi người Mông Cổ chuyển đến Trung Á, để thiết lập một chế độ lâu dài, họ bắt đầu xây dựng các tòa nhà ổn định hơn, nhưng do không thể thay đổi thói quen du mục nên họ vẫn dựng những lều như vậy bên cạnh tòa nhà. Trong Đức Mẹ vinh quang, mái vòm – tán cây được hỗ trợ bởi dây thừng và cột mô phỏng rất giống với loại lều kiểu Tây Á, phổ biến ở Đế quốc Mông Cổ vào khoảng năm 1240, hoa văn sọc nhiều màu trên mép mái vòm gần giống với hoa văn ở bên hông lều.

15. Để biết kết quả nghiên cứu mới nhất về mối quan hệ giữa hai bức phong cảnh trong Truyện ngụ ngôn của Chính phủ tốt và hình ảnh trồng và dệt, hãy xem bài giảng của Lý Quân trong Diễn đàn văn học nghệ thuật của Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc, tháng 6 – 2016.

16. Sugiyama Masaaki, Lịch sử thế giới của dân du mục, Hoàng Mỹ Dung (dịch), Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc, 2014, trang 238-253; Khiêu chiến của Hốt Tất Liệt, Nxb Khoa học Xã hội (Trung Quốc), 2010, trang 55-69.

17. Giorgio Vasari (1511 – 1574), người Ý, là một họa sĩ, kiến trúc sư, nhà văn, nhà sử học. Cuốn sách của ông, tiêu đề Le Vite de’ più eccellenti pittori, scultori, ed architettori (Cuộc đời của những họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư xuất chúng), xuất bản lần đầu tiên năm 1550, tại Ý, được xem như là nền tảng tư tưởng của việc viết về lịch sử nghệ thuật. Ông là người đầu tiên sử dụng từ Rinascita (tiếng Anh: Renaissance, tiếng Việt: Phục Hưng) trong văn bản cho dù nhận thức về sự tái sinh nghệ thuật đã được bàn luận đến từ lâu trước cuốn sách của ông.

18. Thomas T. Allsen, Commodity and exchange in the Mongol empire: A cultural history of Islamic textiles (Hàng hóa và trao đổi trong đế chế Mông Cổ: một lịch sử văn hóa của đồ dệt may Hồi giáo), Cambridge University Press, 1997, pp. 46-70.

19. Tatar: phiên âm tiếng Việt theo cách cũ là Tác-ta, chỉ các bộ lạc hỗn hợp sống ở vùng Bắc – Trung Á, trước khi cùng thuộc vào đế chế Mông Cổ.

Tác giả: Trịnh Y Khán

Người dịch: Lê Bá Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *