Hình ảnh thiếu nhi trong hội họa sơn mài việt nam


Từ khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời (1925), việc học tập, tiếp thu kỹ thuật, chất liệu từ phương Tây đã tạo điều kiện cho các họa sĩ Việt Nam chứng tỏ bản lĩnh của mình trong việc sáng tác trên chất liệu sơn mài vốn mang đậm tính dân tộc. Các tác phẩm sơn mài truyền thống cho thấy tính dân tộc được bộc lộ dưới cái nhìn đa hướng, mỗi nghệ sĩ là một phong cách sáng tác, nhưng lại đều muốn tìm cho mình cái hiện thực trong từng tác phẩm. Đôi khi tưởng chừng như cách nhìn và kỹ thuật hàn lâm viện châu Âu có thể lấn át con người nghệ sĩ Việt Nam trên tranh, nhưng ngược lại, nó đã được biến thành phương tiện trợ giúp cho nghệ sĩ Việt Nam tìm được những đối thoại mới cho chính mình.

Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam tiếp thu từ kỹ thuật sáng tác sơn mài truyền thống, thao tác mài đã để lộ ra những điều ngẫu nhiên độc đáo, quý báu. Bảng màu trong chất liệu sơn mài có tính ước lệ rất cao. Họa sĩ có thể dùng son để thay thế một màu trời trong veo, theo con mắt hiện thực ngày thường. Trong tranh như thấy đất và trời tuy vẫn cùng một màu son đỏ trên một bề mặt phẳng. Họa sĩ giúp người xem phân biệt được giữa đất và trời bằng tương quan tạo hình màu và nét. Hình tượng con người cứ đan cài trong không gian và ánh sáng của bảng màu vàng son sâu lắng.

Đề tài thiếu nhi là một trong những mảng đề tài thu hút sự quan tâm của các nghệ sĩ cũng như đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội ở mỗi thời kỳ. Hình ảnh thiếu nhi xuất hiện trên hầu hết các chất liệu, thể loại của lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, đặc biệt là chất liệu sơn mài. Mỗi bức tranh như đưa người xem đến cảm giác sống động và gợi nhớ đến tuổi thơ của chính mình. Với sự tươi tắn, hồn nhiên, đề tài về thiếu nhi luôn là chất xúc tác, nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tác.

Tác phẩm Tuổi thơ cho các em ở vùng cao được họa sĩ Hà Cắm Dì sáng tác với kích thước 160 x 200cm. Chất liệu sơn mài như được phát huy tối đa những sắc màu tươi vui bởi những màu son đỏ trên trang phục các em thiếu nhi vùng cao, nét biểu đạt về màu sắc, đậm nhạt, không gian hài hòa giữa yếu tố tĩnh của núi rừng và yếu tố động từ các hoạt động đang quây quanh ngọn lửa của các em thiếu nhi. Bức tranh đẹp lộng lẫy nhờ tài sử dụng màu son nguyên chất cùng những màu trắng gắn từ trứng, vẻ lung linh huyền ảo từ những lớp quỳ vàng được dàn trải trên toàn bộ tranh. Bức tranh đem lại cho người xem một cảm giác sâu lắng, vừa tĩnh lặng lại có vẻ vui nhộn, buộc người xem phải chú ý theo dõi những nhân vật trẻ em là trọng tâm của tranh trong ánh sáng chan hòa, trong không gian mênh mang núi rừng. Tác giả còn làm cho người xem ngạc nhiên về sự biến động không ngừng của màu xanh, màu đỏ. Từ màu xanh lá cây tươi mát, đằm thắm trong tác phẩm tác giả lại đưa người xem về với sự huyễn hoặc, bay bổng, si mê trong màu đỏ, vàng đen sâu thẳm của không gian núi rừng. Hình tượng các em thiếu nhi vùng cao được tác giả thể hiện mang đầy hơi thở của cuộc sống mới, nhờ việc giải quyết không gian tạo hình là các tông màu của son, màu xanh coban, tạo ra thứ không gian vừa xa xưa, nhưng đồng thời lại thật gần và hòa nhập với hiện tại. Niềm vui bộc lộ trên từng khuôn mặt của các em thiếu nhi có sức hấp dẫn lạ lùng trên bề mặt bức tranh, bộc lộ khả năng xử lý kỹ thuật với chất liệu sơn mài một cách điêu luyện.

Trong Ký ức tuổi thơ, họa sĩ Phạm Đắc khá chủ động giải quyết nhiều hòa sắc đặc trưng của sơn mài, những mảng màu đỏ, đen, vàng được đặt cạnh nhau, đôi khi có những nét trang trí nhấn hình, tạo nhịp điệu khi trầm, khi bổng, mô tả những em thiếu nhi vui cùng khúc đồng dao cưỡi trên lưng trâu, cùng cỏ cây đồng nội. Bức tranh sinh động nhờ vào kỹ thuật đặt màu sắc giữa nền trời đỏ son và màu đen của con trâu tương phản với màu vàng của lá chuối, lá khoai cứ lấp ló dưới những trò chơi tinh nghịch của các em thiếu nhi nằm vắt vẻo trên lưng trâu. Đó cũng chính là những mảng màu bay nhảy với hòa sắc lúc ấm, lúc lạnh.

Bức tranh Trung thu của họa sĩ Nguyễn Tiến Dũng trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2000 có đặc điểm nổi bật là sự ngộ nghĩnh của các em nhỏ. Tác giả khai thác khoảnh khắc vui Trung thu của trẻ em miền Bắc Việt Nam trong màn múa sư tử. Trong tranh, màu đỏ là màu chủ đạo, hình sư tử được bố cục ở phía dưới, gần giữa tranh, nhưng không làm chia cắt tranh mà nó làm tôn thêm nét đẹp và không khí chung của quang cảnh. Lối bố cục độc đáo, khả năng biểu cảm của màu vàng làm nền tranh thay cho ánh trăng thu, nét trắng được trang trí trên đầu sư tử và chuyển động hầu khắp mặt tranh làm tăng thêm sự nhộn nhịp, vui nhộn trong đêm Trung thu. Những màu sáng được gắn bằng vỏ trứng cùng màu trắng của quỳ bạc làm cho bức tranh thêm lung linh, huyền ảo, không gian ẩn hiện, màu sắc lớp lang sâu thẳm.

Các họa sĩ vẽ sơn mài, sáng tác về thiếu nhi trong các triển lãm mỹ thuật toàn quốc những năm gần đây, dù theo bút pháp hay phong cách nào đi nữa thì họ vẫn luôn gắn bó và đồng hành cùng đời sống đất nước, sử dụng thuần thục những kỹ thuật và các yếu tố cơ bản của nguyên tắc tạo hình để xây dựng một tác phẩm sơn mài hoàn chỉnh. Nghệ sĩ sơn mài truyền thống không hề dùng bảng màu của sơn mài chỉ để miêu tả lại như thật bảng màu của quang cảnh muốn đưa vào tranh. Họ biết vận dụng bảng màu truyền thống mang tính trang trí và tính ước lệ, gợi cảm, làm cho hình ảnh, đường nét nhân vật trong tranh vừa phong phú nhưng vẫn mang tính dân tộc, vẫn tạo được sự đối chọi giữa màu sắc và màu sắc, giữa sắc độ với sắc độ để hội tụ với hình, mảng, tạo ra không gian và thời gian cho tranh.

Tác phẩm Lớp học ở địa đạo của họa sĩ Đoàn Văn Nguyên cho thấy tác giả khai thác ánh sáng thuần túy từ ánh đèn trong hầm. Ánh sáng ấy không làm cho nhân vật chính là các em thiếu nhi đang học được đặt ở giữa tranh bị dẹt đi, mà được nhấn mạnh bằng những mảng màu đen, đỏ. Tất cả cứ hiện lên trên nền then hay nền son ở những độ sâu không đều, khiến cho mặt tranh không còn là một bình đồ đơn điệu, mà trái lại, trình ra bằng những mảng nông, sâu khác nhau. Trong những điều kiện ấy, hình ảnh các em thiếu nhi đang học bài đặc biệt được chú ý. Đó là nét đẹp của đường viền khoanh từng mảng màu lại, bởi vì mỗi mảng màu là một không gian nhỏ, và phải phối hợp với các không gian nhỏ khác quanh nó để tạo nên không gian chung của bức tranh. Chính vì nắm được đặc điểm này mà tác giả Đoàn Văn Nguyên đã nói lên được “sự thật của nghệ thuật”, chính là đem được không khí học tập của các em thiếu nhi trong hầm ở địa đạo thời chiến tranh vào không gian tranh sơn mài. Dù hoàn cảnh khó khăn, gian khó nhưng các em vẫn say mê học tập. Hình ảnh người bà cầm đèn đứng giơ cao, tạo ra ánh sáng nhưng cũng đem đến sự ấm cúng cho không khí dưới hầm. Bên cạnh đó là những hình ảnh người mẹ bế con nhỏ, cô giáo ngồi cầm cuốn sách, phía sau là nhóm các chiến sĩ như đang bảo vệ, che chở sự bình an cho người dân. Thành công của tác phẩm này là cách thể hiện ánh sáng ước lệ cùng nghệ thuật tạo hình, tạo mảng cho tranh, chứng tỏ rằng tác giả đã làm chủ được chất liệu, đạt giá trị nghệ thuật, khẳng định hướng tìm tòi sinh động, phong phú của họa sĩ.

Không có các quy ước, hay hình thức ước lệ định sẵn mà hình ảnh các em thiếu nhi đan xen trong những khoảnh khắc sinh hoạt của đời thường,tự nhiên, mộc mạc với cây khoai, con đường, từ hiện thực thông qua diễn tả bằng đường nét mà vào tranh. Những cái đơn sơ đó được diễn tả bằng vàng son lộng lẫy trở thành một mâu thuẫn biện chứng, vừa tăng chất trang trí vừa tăng chất cô đúc của cái được biểu đạt, đó chính là những hình ảnh các em thiếu nhi hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Có thể nói rằng việc dùng đường nét hay yếu tố trang trí, lộng lẫy huy hoàng vào phong cách trình bày hiện thực ấm áp tình cảm trực tiếp đã làm nên lối lấy cảnh tả tình phổ biến trong tranh sơn mài, đồng thời rất hợp với thói quen thẩm mỹ của người Việt Nam. Hình tượng thiếu nhi trong tranh sơn mài như cái cớ vừa trực tiếp vừa cô đúc như viên đá rơi xuống dòng sông cảm xúc của họa sĩ vậy.

Bằng những chất cảm, phong cách và sự nhận thức riêng, khi vẽ tranh về thiếu nhi, các nghệ sĩ đã đồng thời thể hiện những tâm trạng, khoảnh khắc của cuộc sống, xã hội và mẫu điển hình tâm trạng nhân vật. Có lẽ từ những thế hệ sinh viên đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cho đến nay, các tác giả gắn bó với chất liệu sơn mài nói chung đã học tập được nhiều từ hội hội họa truyền thống. Học tập ở đây chỉ giới hạn trong chừng mực mà những đặc thù của kỹ thuật sơn mài dù đã hiện đại hóa vẫn đòi hỏi một con mắt nhìn, một cảm quan về màu sắc và hình khối, đường nét khác với thủ pháp tạo hình hội họa thuần túy phương Tây. Thông qua quá trình học tập nghiên cứu các quy luật tạo hình hội họa hiện đại, luật về không gian, xa gần, về bố cục và dựng hình, phần nào cả quy luật dùng màu, được các họa sĩ Việt Nam hiện đại áp dụng một cách sáng tạo vào chất liệu truyền thống này. Chính việc áp dụng có ý thức các quy luật đó, ngược lại đã thúc đẩy việc tìm kiếm về kỹ thuật nói trên. Những đề tài rộng lớn của hiện thực mới hình thành như đã giải phóng cho khả năng tả chất và khả năng tạo hình của sơn mài vốn có từ trước. Các nghệ sĩ Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác tiếp tục tìm tòi, cải tiến thêm về chất liệu và kỹ thuật nâng cao khả năng biểu đạt của sơn mài lên.Trong đó không thể không nhắc đến những tác phẩm sơn mài mang chủ đề về hình tượng thiếu nhi.

Có thể nói, hình ảnh thiếu nhi luôn là đối tượng sáng tác trong tâm hồn của nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt Nam, trong đó có chất liệu sơn mài vốn được xem là chất liệu truyền thống. Từ công việc sáng tác, nhiều họa sĩ đã góp phần gìn giữ truyền thống lịch sử cũng như bản sắc văn hóa riêng, xây dựng, kết nối những giá trị nghệ thuật giữa hình ảnh thiếu nhi và chất liệu sáng tác ngày càng bền chặt.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016

Tác giả : DƯƠNG THANH NGỌC

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *