Hình tượng đại bàng trong thần thoại


 

            Biểu tượng cho sức mạnh của trời (mặt trời), cho lửa và sự bất tử – Đại bàng là con vật được thần hóa phổ biến nhất, một trong những biểu tượng của các thần và là sứ giả của các thần trong thần thoại của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Về mặt loại hình, giai đoạn thờ đại bàng xưa nhất được thể hiện trong thần thoại, mà ở đó, đại bàng xuất hiện như một nhân vật độc lập (khởi thủy, có thể là có nguồn gốc Tôtem). Những bằng chứng về sự thần hóa đại bàng như một đối tượng thờ phụng đặc biệt được biết đến ở trung và bắc Aravia cổ đại. Còn giữ lại trong khu vực này những khái niệm của người Semit cổ xưa về đại bàng trong truyền thuyết sử thi về Đaniilu và Akhata (con trai Đaniilu). Môtíp bẻ gãy cánh của đại bàng đã liên kết sử thi của Ugarit với sử thi vùng Lưỡng Hà cổ, mà trong đó, các vị thần cần phải khuất phục được con đại bàng thiêng Andu, có đầu sư tử.

Ở Lưỡng Hà cổ đại, đại bàng là biểu tượng của thần chiến tranh Ninurta (trong thần thoại Sumerơ); ở Hy Lạp cổ đại – của thần Dớt (hình thần Dớt dưới dạng chim đại bàng ở Krít); ở La Mã – của Jupiter. Ở người Phin (Phần Lan), các tộc người Samodia, người Iakut, các tộc người Tungusơ – Mãn Châu và các dân tộc Sibiri, việc thờ đại bàng gắn với quan niệm coi đại bàng là trợ thủ hay là hiện thân của thầy Saman và của người anh hùng văn hóa. Một trong những công tích của đại bàng, như một người anh hùng văn hóa, trong thần thoại vùng Evơraria (đặc biệt là Sibiri) và vùng Bắc Mỹ là việc đánh cắp ánh sáng hay giúp con người tìm ra lửa. Trong truyện thần thoại của người Anhđiêng Iôkuta và Mônô, đại bàng giúp một người Kôiôt đưa mặt trời mà anh ta lấy được lên tít trời cao rồi treo ở phía đông. Ở người Iakút, đại bàng gắn kết với truyền thuyết về chim đại bàng mang lửa đến cho con người, mà, ở một số nghi thức chữa bệnh, nghi lễ tạo lửa phải do một người có tổ tiên là đại bàng tiến hành.

K. Levi Strauss trong những nghiên cứu của mình về thần thoại của người Anhđiêng Bắc và Nam Mỹ, đã gọi thần thoại phá tổ đại bàng là thần thoại chính. Theo thần thoại này, người anh hùng leo lên cây để phá tổ đại bàng (trong các thần thoại Nam Mỹ – là con vẹt Ara hay một con chim dữ nào đó). Khi người anh hùng bắt đầu quấy rầy chim nhỏ thì đại bàng có sự thỏa thuận với người anh hùng: Sẽ cho người anh hùng phương tiện làm ra lửa. Trong những dị bản khác của thần thoại này, người anh hùng, ngay từ đầu, đã luôn bảo vệ cho bầy chim con của đại bàng. Theo một truyện thần thoại của người Anhđiêng Krôiu, thì, có một chú bé, khi chơi đùa, đã ngã vào lửa và một nửa khuôn mặt bị cháy. Đau đớn, chú bé quyết định bỏ nhà ra đi. Những thế lực siêu nhiên mách chú bé là nên đi tìm và nhờ đại bàng giúp đỡ. Và, đại bàng hứa sẽ giúp chú bé, nhưng với điều kiện là chú phải bảo vệ bầy đại bàng con khỏi bị các quỷ nước làm hại. Chú bé đồng ý và đại bàng đưa chú bé lên mặt trời. Tại đây, những đứa trẻ của mặt trời dùng gương thần chữa lành vết bỏng cho chú bé. Để trả ơn, chú bé Anhđiêng đã dạy cho những đứa trẻ mặt trời nhiều trò chơi khác nhau, rồi trở về với đại bàng. Sau đó, chú bé giết chết con ma nước định ăn thịt những con chim đại bàng con. Khi những con đại bàng lớn khôn, chúng đưa chú bé trở về nhà. Câu chuyện thần thoại này được biết đến không chỉ ở các tộc người hiện nay mà còn ở các tộc người thời xưa của châu Mỹ. Ví dụ, truyền thuyết của người Astếch về việc tạo lập ra Tenottitlan, mà ở đó vừa nói đến con chim đại bàng đậu trên cây xương rồng mọc trên đá (cho đến nay, chim đại bàng, cây xương rồng và đá đã đi vào quốc huy của nước Mêhicô), vừa kể về việc tìm kiếm một loại cây làm ra lửa. Những thần thoại tương tự cũng thấy ở các dân tộc tây và nam Sibiri. Điểm chung giữa các thần thoại Sibiri và châu Mỹ là ở chỗ, chúng là những thần thoại về nguồn gốc của lửa, về việc người anh hùng lấy được lửa nhờ con chim đại bàng sống cùng các con của mình trên đỉnh cây vũ trụ.

Theo truyện thần thoại Sumerơ về Lugalbanđê, thủ lĩnh Urúc, chim đại bàng Anzút, để trả ơn vì đã giúp đỡ các con mình, đã ban cho Lugalbanđê những phẩm chất của đại bàng: Di chuyển nhanh và khả năng đến được mọi chỗ. Câu chuyện thần thoại này có thể được coi là biến thái văn hóa sớm của một trong những dị bản của thần thoại về người phá (hoặc người bảo vệ) tổ chim đại bàng. Thần thoại về Gilgames có mô tả một cái cây, mà trên cành của cái cây đó, chim đại bàng Anzút đến với con mình trong tổ chim. Sau khi Gilgames chặt cái cây đó, đại bàng rời bỏ tổ lên núi (môtíp muộn nhất về việc đại bàng chuyển lên núi được biết trong sử thi Akhát). Dạng thần thoại khác về người phá tổ chim đại bàng, gần với thần thoại Ketơ, được thấy trong văn bản Sumerơ mô tả bầy con của đại bàng Anzu đưa Ninurte sang thế giới bên kia.

Gần với những biến thái của câu chuyện thần thoại vùng cận đông trên, có truyền thuyết của Grudia kể về việc chim đại bàng quấy phá bầy con của chim kền kền ở dưới âm phủ. Một chàng hoàng tử đã giết đại bàng cứu bầy chim non. Chim kền kền mẹ, để trả ơn, đã đưa chàng hoàng tử ra khỏi cõi âm. Trong các thần thoại tương đồng vùng người Trukotka và Eskimô, vợ của đại bàng đồng thời cũng là vợ của quạ. Cô vợ đó có hai đứa con là đại bàng con và quạ con. Đại bàng cấm các con bay về phía nguy hiểm, nhưng chúng ba lần vi phạm điều cấm đó. Lần thứ ba bay vào phía nguy hiểm, đại bàng con bị một đại bàng lạ bắt. Đại bàng mẹ đòi lại được con trai nhờ sự giúp đỡ của quạ. Mà ở các dân tộc vùng Sibiri cổ thường xuất hiện và nhân vật đoạt được lửa và ánh sáng. Sự đối lập đại bàng và quạ là đặc trưng cho một số thần thoại của người Anhđiêng Bắc Mỹ, của vùng Bắc Á và châu Úc. Ở người Anhđiêng Haiđơ, Simsian (và một số tộc người khác) ở Bắc Mỹ, có sự chia thành các thị tộc đại bàng (hay chó sói) và quạ (điều này khẳng định đặc điểm tôtem của những thần thoại tương ứng). Ở người Tlinkit, thị tộc Ielia gắn với quạ, thị tộc Kanúc – với đại bàng (hay chó sói). Theo thần thoại của người Haiđơ, quạ, khi trang điểm cho các loài chim trong nhà mình, vì mệt, nên đã làm cho đại bàng cái mỏ xấu. Tình trạng ngược lại được thể hiện trong truyền thống Iukagir. Theo truyền thuyết này, màu đen của quạ được giải thích bằng việc đại bàng mổ quạ. Thần thoại nhị nguyên của người Iakút đã đối lập vị thần ánh sáng Hompôrun Hôtôi – vị tổ của loài người và đại bàng với thủ lĩnh của các ma ác trên cao Hara Suôrôn – chúa tể của quạ. Gắn với đại bàng là các thầy Saman trắng, với quạ là các thầy Saman đen. Việc coi đại bàng và quạ như những biểu tượng đối lập cũng là đặc trưng của thần thoại vùng phía bắc Evơraria, châu Mỹ và Đông Nam Úc. Việc phân chia đối lập đại bàng và quạ có mặt dưới hình thức thần thoại nhị nguyên.

Cùng với các chủ đề mà ở đó đại bàng được đối lập với một loài chim thần thoại khác (như quạ, kền kền…) còn khá phổ biến những môtíp thần thoại mà ở đó đại bàng được đối lập với những con vật khác, đặc biệt là những con vật của thế giới bên dưới (nước).

Rất phổ biến trong thần thoại và nghệ thuật các nước châu Á và các vùng lân cận là môtíp đánh nhau giữa đại bàng và rắn. Theo thần thoại Akkat về vị vua Êtanê, thì đã có một thời rắn và đại bàng là bạn; nhưng rồi trở thành kẻ thù của nhau, sau khi đại bàng đã ăn thịt rắn con. Trong sử thi Gilgames, cũng như trong thần thoại của nhiều dân tộc khác, đại bàng được gắn với đỉnh của cây vũ trụ, còn rắn – với rễ.

Khái niệm giống như trên có thể thấy là chung cho truyền thống Ấn – Âu. Người ta cho rằng, trong những hình khắc của người nam Aravia cổ thể hiện đại bàng đánh nhau với rắn, thì đại bàng là hiện thân của thần mặt trời, còn rắn, cái khởi đầu gây chết chóc, được gắn với mặt trăng. Thần thoại châu Mỹ cổ về nguồn gốc người Mistếch có kể rằng, hai đứa trẻ của thần đã biến thành đại bàng và rắn có cánh; sau đấy, chúng, như các anh hùng văn hóa, đã là những người đầu tiên dâng đồ cúng lễ cho các thần. Theo thần thoại về cuộc di cư đầu tiên của người Astếch, đại bàng – rắn là tên của một trong bốn thủ lĩnh Astếch. Hai biểu tượng động vật thần thoại rất phổ biến: con thú mạnh nhất là sư tử, con chim mạnh nhất là đại bàng – thường hay kết hợp vào một hình tượng chung: đại bàng đầu sư tử hay sư tử đầu đại bàng.

Nếu như những thần thoại cổ xưa tiêu biểu về việc đánh cắp lửa thường gắn với chim, đôi khi với đại bàng, thì ngay trong những thần thoại này có thể thấy cá tính biểu tượng mang tính đối lập hai nguyên tố tự nhiên là lửa và nước. Ở đây, đại bàng lại gắn với thần thoại tìm kiếm nước ăn. Ví dụ, ở người Tlinkit, đại bàng là chủ giếng nước ngọt. Trong các thần thoại Hattơ và Khetơ cổ, đại bàng, như sứ giả của các thần, được phái đi biển; khi trở về, đại bàng thông báo rằng đã thấy các thần tổ tiên đang ở dưới âm phủ; trong bài ca Vệ đà, đại bàng đem nước uống thiêng Sôma từ trên trời xuống cho thần Inđra. Qua mối quan hệ của đại bàng với nước, có thể thấy vai trò của đại bàng như sự liên kết ban đầu giữa các thế giới khác nhau và giữa các hệ thần linh, trong chừng mực nào đó, còn là vị sứ giả của các thần có khả năng nhanh chóng chinh phục khoảng không rộng lớn chia tách các thế giới này.

Một môtíp thần thoại thường gặp là đại bàng đánh cắp đứa bé mà nó cứu thoát một cách thần kỳ hay đưa đứa bé lên trời, hay đưa người anh hùng thần thoại từ thế giới này sang thế giới khác.

Trong thần thoại Hurrít về Gurparansahu, có kể rằng, Aransac (tên gọi bằng tiếng Hurrít chỉ dòng sông Tigrơ) biến thành đại bàng và bay lên không trung để đến Akkat. Khái niệm tương tự như trên về dòng sông Đại bàng còn được thấy trong tên gọi cổ Khettơ chỉ dòng sông ở Tiểu Á: Harashapas (dòng chảy đại bàng)… Sự gắn kết của đại bàng với nước có thể giải thích được một trong những tên gọi kiêng kỵ chỉ đại bàng trong tiếng Ấn – Âu cổ: aquila (đại bàng) có nguồn gốc từ aqua (nước).

Việc thuộc về thế giới dưới có thể nhận thấy ở vai trò tiêu cực của đại bàng. Ví dụ, trong thần thoại Hy Lạp, bị trừng phạt vì dám đánh cắp con chó vàng của đền thờ Jupiter (mà con chim biểu tượng của thần là đại bàng), Panđrêi phải biến thành chim đại bàng biển. Ở người Tlinkét, có một thần thoại kể về việc người giết cô vợ phản bội đã được đại bàng cưu mang và lấy đại bàng làm vợ.

Hình tượng đại bàng gắn kết với những khái niệm vũ trụ suy nguyên và với thần thoại về người anh hùng văn hóa rất phổ biến trong tính biểu tượng của những xã hội công xã nguyên thủy và những xã hội thị tộc cũng như trong thế giới cổ đại (đặc biệt là ở vùng cận Á). Ở Hy Lạp cổ đại, đại bàng là biểu trưng quan trọng nhất của Jupiter. Nghệ thuật thời Phục hưng và các thời kỳ sau đó đều thể hiện những môtíp truyền thống của thần thoại thời cổ đại. Trong những ẩn dụ của kinh thánh, đại bàng được coi như hiện thân cho tình yêu của chúa, cho sức mạnh, tuổi trẻ, tinh thần sảng khoái…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 295, tháng 1-2009

Tác giả : Ngô Văn Doanh

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *